An ninh mạng Việt Nam nào phải để bảo vệ công dân!

Jackhammer Nguyễn

31-12-2019

Video riêng tư của ca sĩ Văn Mai Hương bị hacker xâm nhập vào camera của cô rồi tung lên mạng. Đã gần một tuần mà không thấy kẻ gian bị bắt giữ. Thôi thì cứ cho là lực lượng “an ninh mạng” của Việt Nam kém cỏi (các vị lãnh đạo công an thì nói là công an Việt Nam giỏi nhất thế giới) không truy tìm được thủ phạm, nhưng nhà nước “do dân và vì dân” phải nói cái gì chứ! Chẳng thấy vị chức sắc nào lên tiếng kết tội bọn hacker, thông cảm với cô Mai Hương cả.

Mà Luật An ninh mạng đã hoạt động gần một năm nay rồi.

Khi luật này còn là dự luật, nó đã bị phản đối mạnh mẽ vì cho rằng nhà nước sẽ kiểm soát tự do Internet, nhưng cuối cùng thì nó cũng được đưa ra thực hiện. Nhưng liệu nó có ảnh hưởng gì đến tự do internet của người Việt Nam không?

Tôi cho rằng chẳng có ảnh hưởng gì cả, như một số nhà hoạt động xã hội bất đồng chính kiến nói với tôi hồi năm ngoái (2018): “Họ có thiếu gì luật để bắt anh khi anh nói điều gì đó làm cho họ không hài lòng, có hay không có luật an ninh mạng thì họ cũng bắt”.

Tôi thì hiểu hơi khác một chút cái toan tính của những người cộng sản Việt Nam. Họ có hai mục đích khi đưa ra luật này: thứ nhất là họ làm tròng làm tréo với các hãng nước ngoài làm ăn trên mạng như Google, Facebook,… vốn có thói quen chơi theo luật, thứ hai là họ khỏi phải truy xét các luật định xa xôi để bắt một người nào đó vừa nói điều gì đó trên mạng.

Quan sát một năm qua, độc giả có thấy sự chỉ trích, thậm chí chửi bới Đảng Cộng sản có giảm đi không? Không. Tăng lên thì có. Và cách hành xử của Đảng thì cũng như trước thôi. Bây giờ thiên hạ ai cũng chửi thì cơ hồ nào mà bắt cho xuể! Họ chỉ bắt bạn khi bạn tổ chức thực sự một cái gì đó họ không kiểm soát được, hoặc là một vị nào đó bất thình lình nổi nóng. Nhưng cũng đừng cho họ quá giỏi giang rằng là ai tổ chức cái gì họ cũng biết. Anh sinh viên Nguyễn Lâm Duy Quí, linh hồn của tổ chức Nhật ký yêu nước, họ có biết đâu, cho đến khi anh qua đời vì bạo bệnh. Mà họ rất tức giận tổ chức này lắm lắm.

Mục đích làm tròng làm tréo với người nước ngoài họ chỉ đạt được một phần, khi bắt Facebook và Google gỡ một số nội dung mà họ không hài lòng, còn chuyện bắt các “đại gia” này đặt máy chủ tại Việt Nam thì họ thất bại hoàn toàn, vì nếu các đại gia này vì lý do bị bắt buộc mà rút ra khỏi Việt Nam thì chỉ khổ cho kinh tế Việt Nam thôi.

Nhưng điều tôi muốn nói ở đây liên quan đến cô Văn Mai Hương là Luật an ninh mạng của Việt Nam không nhằm bảo vệ công dân của mình chống bọn hacker xấu.

Đối với những người có suy nghĩ bình thường, thì khi nghe nói đến an ninh mạng, người ta nghĩ ngay đến chuyện bảo vệ công dân, bảo vệ các công ty của quốc gia chống bọn hacker. Có lẽ mọi người còn nhớ một buổi sáng đẹp trời tại sân bay Tân Sơn Nhất, cả hệ thống máy tính bị “kẻ lạ” nào đó kiểm soát trong vòng mấy tiếng đồng hồ. Khi nói tới an ninh mạng, người ta nghĩ ngay đến việc chống bọn xấu như vậy. Nhưng luật an ninh mạng Việt Nam thì không thế.

Trong một bài viết gần đây của ông Justin Sherman, một người phân tích về an ninh mạng, thì Việt Nam giống Trung Quốc ở chỗ là “quan điểm an ninh mạng” của họ là ngăn cản công dân mình tiếp xúc với các “tin tức độc hại của các thế lực thù địch”, chứ đâu phải để bảo vệ thông tin cá nhân của công dân. Thành ra chuyện lên tiếng bảo vệ cô Mai Hương, kết án bọn xấu đã hack vào camera nhà cô ấy, hoàn toàn không có trong suy nghĩ của những người cộng sản Việt Nam.

Nhưng các bạn có thể nghĩ rằng an ninh mạng sẽ giúp những người cộng sản bảo vệ bí mật nhà nước của chính họ. Theo tôi họ cũng không nghĩ tới, vì bí mật của chính họ là do chính họ tiết lộ chứ ai đâu xa xôi. Các chức sắc tuyên truyền chính trị như ông Võ Văn Thưởng (Ban Tuyên giáo), ông Nguyễn Trọng Nghĩa (Tổng cục chính trị của quân đội), nói như vậy vào tháng 12/2019 đó thôi.

Cho nên, ý của tôi là, có hay không có luật an ninh mạng thì hiện trạng Việt Nam vẫn không có gì thay đổi, người bất đồng chính kiến vẫn có thể bị bắt bớ, hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông-tin học của quốc gia vẫn có khả năng bị tấn công.

Còn quyền riêng tư? Ôi bạn đừng đòi hỏi điều ấy ở những người cộng sản.

Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tất cả những gì họ cần, cũng chưa thể nắm bắt được là sở hữu dữ liệu người dùng Internet Việt Nam, để không một ai có thể “tàng hình” trên mạng như hiện nay. Có luật ANM mới có công cụ đấu tranh với Google và Facebook, để kéo đám mây về và đem bộ não của người Việt bỏ lại vào hộp sọ công an mạng. Cái không thể kiểm soát mới được cho là nguy hiểm nhất!

  2. Ngoài việc tạo ra cái cớ để tiếp tục chia rẽ người dân với nhau, luật an ninh mạng sẽ còn làm khó cho các công ty công nghệ Việt Nam làm ăn ở nước ngoài — nếu Việt Nam có nổi một công ty như vậy. Một công ty Việt Nam có thể bị từ chối tiếp cận thị trường Âu Mỹ, nếu luật Việt Nam đòi hỏi bất cứ lúc nào công ty cũng phải sẵn sàng giao nộp dữ liệu người dùng cho công an. Trường hợp trước mắt là Huawei của Trung Quốc.

Comments are closed.