Tác giả: Laura Rosenberger
Dịch giả: Mai V. Phạm
29-9-2019
Ba mươi năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, các nền dân chủ lại phải đối mặt với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa độc đoán. Đây không phải là trận chiến ý thức hệ của Chiến tranh Lạnh. Nó là một cuộc đối đầu giữa các hệ thống chính trị. Khi các nền dân chủ cho thấy các vết nứt và chế độ độc đoán có được sức mạnh, cán cân quyền lực toàn cầu đang chuyển tới thế giới của các chế độ độc tài đang đặt ra các quy tắc cho những thách thức toàn cầu mới, đặc biệt là trong thông tin, công nghệ và không gian kinh tế.
Sử dụng các công cụ kinh tế và công nghệ từng được cho là các vũ khí dân chủ hóa, các chế độ độc đoán đang phá hoại và làm xói mòn các thể chế dân chủ trong khi cho phép sự phát triển của các hệ thống độc đoán hơn. Chủ nghĩa phi tự do và chủ nghĩa chuyên chế đang trỗi dậy mạnh mẽ bằng cái giá của nền dân chủ tự do phóng khoáng.
Các nhà hoạch định chính sách cho rằng sự phát triển công nghệ, thương mại, và đầu tư sẽ đâm xuyên bức màn của các nhà nước độc tài. Tổng thống Bill Clinton nói vào năm 2000, rằng nỗ lực trấn áp Internet của Trung Quốc cũng “giống như cố gắng đóng thạch rau câu Jell-O vào tường”. Năm 2005, Thủ tướng Anh Tony Blair nói với các phóng viên sau khi gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo rằng: “Toàn bộ cơ sở của cuộc thảo luận mà tôi đã có ở một đất nước đang phát triển rất nhanh – nơi 100 triệu người hiện đang sử dụng Internet, và sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới – chính là có một động lực không thể ngăn cản dành cho sự tự do chính trị lớn hơn”.
Nhưng Nga và Trung Quốc đã có những ý tưởng khác. Các chế độ này tiếp tục coi dân chủ là mối đe dọa đối với quyền lực của họ, và họ đã đầu tư vào các phương tiện để ngăn chặn cuộc tuần hành dân chủ hướng tới tự do. Nga và Trung Quốc nhận ra trước các nhà lãnh đạo dân chủ rằng công nghệ có thể được tận dụng để kiểm soát và thao túng, phát triển các công cụ để hạn chế, giám sát, và ngấm ngầm định hướng quan điểm của dư luận. Và họ đã tận dụng sự bất cân xứng của thị trường và các hoạt động tài chính phương Tây kém minh bạch nhằm chiếm ưu thế.
Nga khai thác các công cụ giám sát có nguồn gốc từ Liên Xô để giám sát lưu lượng viễn thông và truy cập Internet trong biên giới của mình. Các hệ thống của Nga cho phép Dịch Vụ An ninh Liên bang (Federal Security Service) thu thập, phân tích, và lưu trữ tất cả các hình thức liên lạc thông qua mạng Internet ở Nga, theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế. Theo dự án Computational Propaganda Project tại Đại học Oxford, Nga cũng sử dụng các chiến thuật chiến tranh thông tin để kiểm soát và điều khiển nhận thức của công chúng để tranh thủ sự ủng hộ với chế độ. Cơ quan Internet Research Agency khét tiếng của Nga ban đầu nhắm mục tiêu đến dư luận trong nước khi lần đầu tiên đăng tải trên Twitter vào năm 2009.
Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ ra rằng rau câu Jell-O rõ ràng có thể bị đóng vào tường. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch), Vạn Lý Hỏa Thành (Great Firewall) của hệ thống Internet bị kiểm duyệt ở Trung Quốc giờ đây được tăng cường bởi các nền tảng và ứng dụng bản xứ, cho phép nó kiểm soát hoạt động của người dùng Internet, định hình thực tế thông tin, và theo dõi thói quen hàng ngày của người dân. Điều này được kết hợp với một hệ thống giám sát và nhận dạng khuôn mặt được hỗ trợ bởi trí thông minh nhân tạo, theo dõi các hoạt động ngoại tuyến, được kích hoạt bởi các camera quan sát ở mọi góc đường của các thành phố Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng hệ thống theo dõi nhiều nhất tại khu vực Tân Cương, nơi chính quyền kiểm soát và điều khiển gần như mọi khía cạnh cuộc sống của người Duy Ngô Nhĩ và đưa những ai được cho là không trung thành với chính quyền vào các trại cải tạo.
Các nhà lãnh đạo Moscow và Bắc Kinh cũng đã thao túng thị trường để củng cố quyền lực của mình. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát triển một mô hình kinh thế thị trường do nhà nước lãnh đạo, và cũng đã tận dụng sự bất cân xứng giữa hệ thống kinh tế Trung Quốc và quốc tế. Thay vì tạo ra tự do kinh tế lớn hơn, đảng cầm quyền không chỉ sử dụng các tập đoàn kinh doanh cho mục đích tăng trưởng kinh tế, mà còn dùng nó như đòn bẩy chính trị và nuôi dưỡng tầm ảnh hưởng.
Như Karen Dawisha viết trong cuốn sách của cô, tựa đề “Chế độ đạo tặc, tham nhũng của Putin: Ai sở hữu nước Nga?”, tổng thống Vladimir Putin và thân hữu của ông ta đã sử dụng thời kỳ tư nhân hóa ở Nga để làm giàu cho chính họ bằng thiệt hại đắt giá của người Nga. Hiện tại, Putin và thân hữu dựa vào hệ thống tài chính phương Tây để bảo vệ những lợi ích bất chính này, sử dụng một hệ thống bảo trợ, giúp củng cố sức mạnh của Putin, và gia tăng quyền lực cho Putin.
Nga và Trung Quốc đẩy mạnh sử dụng các biện pháp cưỡng ép và áp bức để truyền bá chủ nghĩa độc đoán nhằm thúc đẩy lợi ích của chính họ. Sự xói mòn của các định chế tại các quốc gia dân chủ cùng với sự rút lui trong vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đã tạo điều kiện cho các chế độ chuyên chế đạt được các mục tiêu dễ dàng.
Trong trường hợp của Putin, điều này thể hiện trong chiến lược phá hoại các nền dân chủ để giành quyền lực và giảm bớt sự hấp dẫn của các nền dân chủ ngay tại nước Nga. Nhận thấy các điểm yếu ở các nền dân chủ như là những cơ hội để nâng cao vị thế của Nga, Putin tận dụng vũ khí thông tin, sử dụng bộ máy tình báo và các phương thức khác để khai thác sự chia rẽ và yếu kém nhằm tạo ra sự hỗn loạn và phá hoại các chính phủ và tổ chức dân chủ ở khắp nơi.
David Kramer, cựu chủ tịch của Freedom House, đã nhận xét đúng rằng, “tham nhũng là sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Putin”. Theo Liên minh Bảo vệ Dân chủ, Nga sử dụng các công ty nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, nhằm tạo ra và tận dụng những đối tượng phải phụ thuộc vào Nga, tạo ra tầm ảnh hưởng và ép buộc các chính phủ áp dụng các chính sách có lợi cho Moscow.
Còn đối với Trung Quốc, họ hướng tới việc đặt lại các quy tắc toàn cầu để có lợi hơn cho Trung Quốc, đồng thời hợp pháp hóa hệ thống chính phủ chuyên chế của mình. Trong khi mục tiêu cuối cùng của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể không làm suy yếu các nền dân chủ, nhưng là kết quả. Bao gồm: phá hoại trật tự toàn cầu, sử dụng các chiến thuật áp bức, bao gồm can thiệp chính trị vào các nền dân chủ và sử dụng vốn do nhà nước hậu thuẫn để khiến các nước khác phải phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh trong khi Trung Quốc đẩy mạnh phá hoại thị trường.
Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình cũng đã nhận ra tầm quan trọng trong việc định hình các tiêu chuẩn và chuẩn mực cho công nghệ và thông tin. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ngày càng biến các công cụ kiểm soát mà nó phát triển ra bên ngoài – kiểm duyệt các cuộc thảo luận trên các phương tiện truyền thông bản xứ như WeChat. Theo báo cáo của Citizen Lab tại Đại học Toronto, Trung Quốc cũng sử dụng một công cụ tấn công mạng mà một số người đã đặt tên là “Đại Pháo” (Great Cannon) để thực hiện các cuộc tấn công từ chối dịch vụ, nhằm bịt miệng các nhà phê bình ở nước ngoài.
Quan trọng hơn, các hệ thống giám sát và kiểm soát chặt chẽ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã triển khai trong nước đang được xuất khẩu sang các nước khác dưới tên gọi là thành phố thông minh hoặc các thỏa thuận công nghệ có tính thương mại. Những thỏa thuận này không chỉ đơn giản là chuyển giao công nghệ. Chúng còn bao gồm các khóa đào tạo quan chức chính phủ về cách sử dụng công nghệ như đảng Cộng sản Trung Quốc đang thực hiện, định hướng hành vi của các quan chức ở các quốc gia khác và cung cấp cho họ các biện pháp kiểm soát của Bắc Kinh.
Tất nhiên, những hình thức xuất khẩu công nghệ này không chỉ mang tới lợi ích thương mại, mà còn tạo ra sự phụ thuộc vào công nghệ và cung cấp dữ liệu cho Bắc Kinh. Các sản phẩm công nghệ này cũng định hình các chuẩn mực về việc sử dụng các công nghệ như vậy, hỗ trợ sự phát triển của các hệ thống giống Trung Quốc hơn, do đó hợp thức hóa hệ thống chuyên chế của đảng Cộng sản Trung Quốc. Như phóng viên Paul Mozur của New York Times quan sát, bằng cách xuất khẩu các hệ thống giám sát và kiểm soát của mình, nhà nước Cộng sản Trung Quốc “trở thành trục bánh xe, và tất cả những nơi khác đều trở thành phát ngôn viên của bánh xe này, phiên bản mới của quản trị toàn cầu, một sự thay thế mới cho các nền dân chủ hỗn loạn trước đây”.
Kết quả của các chiến thuật này là sự suy yếu của các nền dân chủ từ bên trong và bên ngoài, và một sự trỗi dậy toàn cầu của chủ nghĩa phi tự do và độc đoán. Việc Nga khai thác các lỗ hổng nội bộ để gieo rắc sự chia rẽ và đẩy nhanh hỗn loạn tại các nền dân chủ phương Tây, tạo ra không gian cho mô hình độc đoán. Và chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, tăng cường sức mạnh chính trị và kinh tế, và tập trung vào phát triển công nghệ, đang định hướng các thị trường và bộ máy cai trị bên ngoài Trung Quốc.
Khi các nhà nước chuyên chế định nghĩa các hệ thống, quy tắc, và tiêu chuẩn tạo ra và điều khiển kiến trúc đó, hệ thống thông tin sẽ trở nên nhiều độc đoán và kém dân chủ. Học giả Adam Segal của Hội đồng về Quan hệ Ngoại giao đã quan sát thấy rằng Trung Quốc đang thiết kế lại không gian mạng theo cách riêng của nó. “Nếu điều này xảy ra, Internet sẽ ít có tính toàn cầu và ít rộng mở hơn. Một phần chính của Internet sẽ chạy các ứng dụng của Trung Quốc trên phần cứng do Trung Quốc sản xuất. Và Bắc Kinh sẽ gặt hái những lợi ích kinh tế, ngoại giao, an ninh quốc gia, và tình báo mà vốn đã từng thu lợi cho Washington”.
Các nền dân chủ vẫn chưa nắm bắt được tầm quan trọng của thách thức này. Sự công nhận này – chính là thừa nhận một thách thức hệ thống mới đã bắt đầu – phải là bước đầu tiên trong một chiến lược ứng phó hiệu quả.
Phản ứng dân chủ cần phải phù hợp với các giá trị dân chủ và đòi hỏi sự khiêm tốn và thúc đẩy mạnh mẽ cho đổi mới. Chúng ta phải vứt bỏ những ảo tưởng rằng các nền dân chủ đang tự sinh tồn, hoặc công nghệ cũng như hình thức thương mại và đầu tư lớn ưu ái trợ giúp cho sự phát triển dân chủ. Điều này sẽ đòi hỏi nhiều hơn là điều chỉnh xung quanh các vấn đề chính sách.
Trước hết, chúng ta cần nhận ra cuộc chiến này đang diễn ra ở đâu và xuất hiện ở đâu. Các quy trình thiết lập tiêu chuẩn cho các công nghệ như 5G và trí tuệ nhân tạo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định kiến trúc thông tin. Trung Quốc đã thực hiện một cách tiếp cận chiến lược đối với các quy trình và tiêu chuẩn này, gửi các phái đoàn lớn và có các mối quan hệ tốt đến các cơ quan tạo ra các tiêu chuẩn quốc tế. Trung Quốc đã nhận ra rằng việc định hướng những tiêu chuẩn này không chỉ mang lại lợi ích thương mại và địa chính trị, mà còn cho phép nó truyền bá các mạng truyền thông bản xứ.
Cuộc chiến cũng đang diễn ra ở các quốc gia trên khắp châu Phi, châu Mỹ Latinh, Thái Bình Dương và thậm chí cả Nam, Trung và Đông Âu, nơi mà các khoản đầu tư quyết đoán của Trung Quốc đang cung cấp một lựa chọn hấp dẫn ở các khu vực mà Mỹ đã rút lui. Mỹ phải làm mới lại vai trò lãnh đạo toàn cầu, hợp tác chặt chẽ với các đồng minh ở châu Âu và châu Á.
Thứ hai, các nền dân chủ cần phải đưa ra một đề nghị có tính cạnh tranh. Quan trọng của cạnh tranh là tái đầu tư vào chính chúng ta. Có nghĩa là làm mới lại mục tiêu dân chủ của chúng ta bằng giáo dục công dân và đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hệ thống giáo dục rộng lớn hơn. Nó cũng có nghĩa là tăng cường các nguồn lực cho nghiên cứu công nghệ cơ bản.
Các nền dân chủ cần nhận ra các lỗ hổng và điểm yếu đã không đáp ứng được yêu cầu của công dân, đẩy mạnh sự phân cực, và tạo ra các khoảng trống cho các hệ thống khác. Chúng ta cần chứng minh quả quyết rằng nền dân chủ tạo ra kết quả có lợi cho mọi người, và không chỉ có lợi cho các chính trị gia hoặc tập đoàn giàu có.
Thứ ba, chúng ta cần cập nhật các định chế dân chủ. Biên giới và khoảng cách không còn bảo vệ chúng ta trước nhiều mối đe dọa mà các nền dân chủ phải đối mặt, và cuộc chiến không chỉ về lãnh thổ, mà còn về trí óc. Ranh giới giữa các vấn đề an ninh trong và ngoài nước đã bị xóa nhòa, và trong nhiều trường hợp, các bộ nội vụ và tài chính, chứ không phải bộ quốc phòng, đóng một vai trò quan trọng để giành thắng lợi trong cuộc chiến này. Trong lĩnh vực tài chính, chúng ta phải loại bỏ các hoạt động không minh bạch như các công ty ma ẩn danh sản sinh ra tham nhũng. Và các nền dân chủ cần áp dụng các phương pháp tiếp cận có tính toàn quốc, với sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, giữa khu vực công và tư nhân, và với xã hội dân sự.
Cuối cùng, duy trì một hệ thống toàn cầu hỗ trợ các nền dân chủ và xóa bỏ không gian, cho phép sự trỗi dậy của chế độ độc đoán đòi hỏi các nền dân chủ phải hợp tác cùng nhau. Điều này bắt đầu bằng việc nhớ đến ai là đồng minh của chúng ta, và ưu tiên các mối quan hệ đó cũng như các giá trị then chốt trong các mối quan hệ này.
Ba mươi năm trước, các phong trào dân chủ trên khắp châu Âu đã thành công trong cuộc đấu tranh đòi tự do chống lại một thế lực đáng sợ. Để tránh một tương lai khi những lợi ích đó bị biến mất, chúng ta cần nhớ đến những sức mạnh vốn có của các nền dân chủ. Dân chủ không tự tồn tại và tái đầu tư vào dân chủ là cách tốt nhất để đảm bảo sự sinh tồn của nó trong những thập kỷ tới.
____
Tác giả: Laura Rosenberger là thành viên cao cấp và Giám đốc của Liên minh Bảo vệ Dân chủ. Bài viết này là một trích đoạn được chỉnh sửa của một chương trong Dự án Quỹ Marshall của nước Đức, “Đánh giá lại năm 1989: Các bài học cho tương lai dân chủ”.
Dân Chủ thật sự thì TQ mới sợ, vì họ không còn lobby các chính trị gia để hưởng lợi được…còn kiểu Dân Chủ giả hiệu kiểu đảng cánh tả Mỹ hiện nay thì cần gì TQ phải tiêu diệt…độc tài giống nhau y chang..”the same”
Xin đề nghị là “Nền Dân Chủ của chúng ta phải làm thế nào để chống lại
hai chế độ độc tài Trung Quóc và Nga ?” !
Đề bài không có gì sâu sắc,thậm chí vô nghĩa : Dân Chủ và Dộc Tài xung khắc
như Nước với Lửa,phủ định lẫn nhau thì có gì đâu mà viết “Trung Quốc và Nga
đang tìm cách tiêu diệt nền dân chủ” cơ chứ ?
Nước Dân Chủ mà tiêu diệt Dân Chủ mới là vấn đề đáng phải lên án,thưa bà !