Bang giao Đức – Việt căng thẳng vì tình báo Việt Nam bắt cóc người tị nạn chính trị

Vũ Ngọc Yên

4-8-2017

Lãnh đạo CS Leon Trotsky bị ám sát chết ngày 21/8/1940. Ảnh: Getty

Sau khi nhật báo Tageszeitung (taz) tại Bá Linh có bài viết về một người ti nạn chính trị tên Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, giới truyền thông Đức từ thông tấn xã Đức (DPA) đến các tờ báo lớn như Süddeutsche Zeitung, Frankfurter Allgemeine, Die Welt, Focus, Handelsblatt đồng loạt loan tin vào ngày 2.8.2017 về hành vi gây chấn động trong dư luận Đức và cộng đồng người Việt Nam tại quốc gia này.

Ngày 2.8.2017 trả lời trước báo chí, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Martin Schärfer xác nhận sự việc: “Chúng tôi chắc chắn rằng trong những ngày qua, các cơ quan của Nhà nước Việt Nam đã có những hành động diễn tả theo luật hình sự là cướp người, bắt cóc“. Ông Schärfer cho biết thêm, Thứ trưởng ngoại giao Markus Ederer đã triệu đại sứ Việt Nam ở Bá Linh đến Bộ Ngoại giao để phản đối và chính thức lên án “vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là một vi phạm luật pháp Đức và công pháp quốc tế trắng trợn và chưa từng có“.

Chính quyền liên bang đòi hỏi Việt Nam phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức, khi đó đơn xin ti nạn của Thanh cũng như đơn yêu cầu dẫn độ Thanh của Việt Nam sẽ được cứu xét theo quy trình pháp lý của một nhà nước pháp tri.

Tùy viên quân sự (tình báo) bị trục xuất

Trong thông cáo báo chí, Chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam đã làm mất uy tín một cách nặng nề vì chỉ mới đây, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, đại diện cao cấp của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu dẫn độ Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam nhưng Đức chưa trả lời. Theo kết quả điều tra hình sư, Bộ Ngoại giao Đức khẳng định, tùy viên quân sự (tình báo) Việt Cộng và Tòa Đại Sứ CHXHCNVN đã tham gia vào việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Đức ra lệnh tùy viên tình báo phải rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ. Ngoài ra Bộ Ngoại giao Đức nhận định “Vụ việc này có khả năng ảnh hưởng xấu trầm trọng đến mối quan hệ giữa Đức và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, khi xét thấy cần thiết chúng tôi sẽ đưa ra những biện pháp kế tiếp trên bình diện chính trị, kinh tế và hợp tác phát triển”.

Bắt cóc hay tự đầu thú?

Được biết Trịnh Xuân Thanh là cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), đã bị chính quyền cộng sản khởi tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng và tội tham ô tài sản. Thanh đã bị truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế từ tháng 9-2016. Lệnh truy nã được Hà Nội chuyển đến Cảnh sát Âu châu Europol, có trụ sở ở Den Haag, Hòa Lan nhưng theo báo taz, cảnh sát Đức không điều tra vì cáo buộc “vi phạm luật Việt Nam” quá mơ hồ.

Trong cuộc họp báo vào ngày 3.8.2017 về vụ việc T.X.Thanh, Ký giả Hãng thông tấn AFP hỏi: “Việt Nam có xác nhận lời cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không? Và liệu bà có nghĩ vụ việc này ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao Đức Việt không? Hiện giờ ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu?” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng trả lời: “Theo thông báo ngày 31-7 của Bộ Công an Việt Nam thì ông Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú. Hiện nay các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành điều tra”.

Bắt cóc, giết người đối lập và lộng ngôn là chính sách của những chế độ độc đảng – độc tài

Việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là hành vi không chối cãi được, nhưng với bản chất lật lọng đổi trắng thay đen, chế độ đã không xấu hổ còn vênh váo tuyên bố trước công luận là nạn nhân tự nguyện trình diên và đầu thú. Còn những người chán ngấy chế độ “nhân dân”, rời bỏ đất nước thường bị báo chí của đảng dựng chuyện xuyên tạc. Cộng đồng người Việt Nam tại Đức không quên vụ cố nghệ sĩ Thành Được. Năm 1984 nhân chuyến lưu diễn ở nước ngoài, Thành Được đã lưu lại Bá Linh và xin ti nạn chính trị. Nhưng chỉ vài ngày sau, báo chí cộng sản chạy tin nghệ sĩ Thành Được bị “phản động” chống cộng “bắt cóc”.

Một khi bắt cóc không được thì tình báo của chế độ được lệnh tìm cách ám hại những người đối kháng sống ở nước ngoài. Leo Trotsky, lý thuyết gia cộng sản chống đối Stalin và phải lưu vong. Vào ngày 20.08.1940 tình báo cộng sản cho kẻ sát nhân đến tận nhà Trotsky ở Mễ Tây Cơ, dùng búa rìu bổ đầu và chỉ một ngày sau Trotsky chết ở tuổi 60. Trong chúc thư đề ngày 27.02.1940 Trotsky viết: “Hãy để các thế hệ tương lai quét sạch mọi ma quỷ, sự áp bức và bạo lực ra khỏi nó, và tận hưởng hoàn toàn cuộc sống…”

Với việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cộng sản Việt Nam muốn cảnh cáo các phong trào tranh đấu cho Độc Lập – Nhân quyên – Tự do – Dân chủ của người Việt hải ngoại trong lúc chế độ đang thực hiện các chiến dịch lùng bắt, khủng bố những người yêu nước ở Việt Nam và tự nguyện khuất phục trước bá quyền Trung Cộng ở Biển Đông. Trong giai đoạn hiên nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền ngày càng để lộ bộ mặt “hèn với giặc ác với dân”, nên người Việt hải ngoại cần đoàn kết hơn bao giờ hết trong mọi chiến dịch vạch trần âm mưu phá hoại, tiêu diệt đối lập của các tòa đại sứ công sản ở ngoài nước.

Bình Luận từ Facebook