Dĩ Nhãn Hoàn Nhãn

Blog5xu

13-8-2019

Hôm kia, một cô gái là y tá tình nguyện trong phong trào phản kháng bị cảnh sát Hồng Công bắn đạn cao su vào mắt. Có lẽ cô đã mất con mắt phải của mình. Trong buổi xuống đường ngày hôm sau, nhiều người dân Hồng Công đeo miếng gạc y tế vào mắt phải để phản đối.

Họa sĩ Hồng Công Badiucao vẽ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (trưởng đặc khu) như một con bù nhìn với một con mắt bị rớt ra như lò xo nhuộm máu. Ở dưới có dòng chữ: “以眼还眼 An Eye for An Eye”. Dòng chữ tiếng Hoa có nghĩa là “Dĩ nhãn hoàn nhãn” (“lấy mắt trả mắt”). Ở dưới caption anh họa sĩ này còn viết “林郑黑警, 以眼还眼”, tức là “Lâm Trịnh Hắc Cảnh, Dĩ Nhãn Hoàn Nhãn”. Ý nói cảnh sát đen của Lâm Trịnh (đen ở đây là xã hội đen, hoặc công an Trung Quốc trà trộn), lấy mắt trả mắt.

Từ cuộc tuần hành phản đối Luật dẫn độ của người dân Hồng Công (tháng Sáu) tới nay sau hơn hai tháng các cuộc tuần hành của giới trẻ Hồng Công đã trở thành phong trào chống lại sự đô hộ của triều đình phong kiến đỏ Bắc Kinh.

Lúc này không chỉ còn những người trẻ xuống đường, mà cả những gia đình trung niên mang theo con cái,  có cả những người già yếu tham gia công tác hậu cần và tổ chức quyên góp. Sự kỳ diệu của “trí thông minh tập thể” đã xuất hiện. Người dân Hồng Công sử dụng mọi sáng kiến để tổ chức phong trào trên diện rộng, kéo dài, và bất bạo động.

Phong trào phản kháng năm nay bắt đầu từ việc giới trẻ (và cũng là trí thức trẻ) Hồng Công cố gắng chống lại việc triều đình Bắc Kinh đang tìm mọi cách để công an hóa nền tư pháp kiểu Anh đậm chất công bình (justice: 正義: chính nghĩa) của Hồng Công. Họ hiểu rằng nếu nền tư pháp lành mạnh của họ bị Trung Quốc Đại Lục thao túng thì các giá trị cốt lõi của Hồng Công, trong đó có tinh thần dân chủ (democracy: 民主) sẽ mất đi mãi mãi. Cũng như nền giáo dục khai phóng, quyền tự do biểu đạt tốt đẹp của Hồng Công đã bị mất dần mất mòn đi kể từ khi Anh trả lại Hồng Công cho Trung Quốc. Ngôn ngữ của người Hồng Công (tiếng Quảng) cũng đã bị thay thế bằng tiếng Bắc Kinh (官話: quan thoại).

Từ xa xưa Mỹ đã chơi một tuyệt chiêu, đó là đặt một quốc gia dân chủ (民國: dân quốc) là Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) đứng chặn một lối đi ra biển của đại lục. Rồi gần đây hơn, nước Anh cài lại một thứ gene mà triều đình Bắc Kinh rất run sợ, gene dân chủ trong máu của hàng triệu người dân Hồng Công. Thứ gene ấy chuộng công bình (justice), yêu dân chủ (democracy), và căm ghét cường quyền, bạo quyền, tà quyền. Họ đã đứng dậy đấu tranh để đòi hỏi một chính quyền thực sự đại diện cho người dân, một chính quyền mà người dân có thể có tiếng nói của mình trong đó.

(Hãy tưởng tượng, nếu Việt Nam cũng là một quốc gia dân chủ, Nước Cộng hòa dân chủ Việt Nam, chặn nốt lối ra biển còn lại của Tàu, thì chủ nghĩa phát xít Đại Hán đương nhiên tắc tử.)

Ở Hồng Công, mọi sự khởi đầu từ một phong trào (năm 2011) có tên gọi “Học dân tư triều”  (學民思潮/Scholarism) của học sinh cấp ba, nhằm chống lại giáo dục nhồi sọ của Bắc Kinh. Đến năm 2014, phong trào dân chủ của người Hồng Công chuyển thành một cuộc biểu tình lớn có tên gọi “Chiếm lĩnh trung hoàn” (佔領中環/, Occupy Central) để đòi quyền phổ thông đầu phiếu, người dân tự bầu ra lãnh đạo. Phong trào này còn được biết đến với tên Dù vàng. Còn tên gọi chính thức của nó rất dài: “Chiếm lĩnh Trung Hoàn với Tình yêu và Hoà bình/Occupy Central with Love and Peace).

Mùa hè năm nay (2019), phong trào của người dân Hồng Công đã trở thành một cuộc phản kháng ở quy mô “toàn quốc” để chống luật dẫn độ và phản đối chính quyền Hồng Công, một chính quyền không do dân bầu lên, mà do Bắc Kinh thao túng.

Những gì đang diễn ra ở Hồng Công sẽ buộc Việt Nam phải suy nghĩ. Với những gì đã xảy ra ở Việt Nam, có lẽ rất cần xem xét kỹ cơ chế  “checks and balances” mà Machiavelli đã viết trong The Discourse[1].

Bình Luận từ Facebook