Đơn cầu cứu?

Lê Nguyễn Duy Hậu

11-8-2019

Mình rất ghét các thể loại “đơn cầu cứu”, “đơn xin cứu xét” (mà thỉnh thoảng cán bộ nhà nước còn gợi ý công dân viết để có “cơ sở giải quyết”), nên đọc “đơn kêu cứu” của Asanzo gửi các vị “lãnh đạo Đảng, Nhà nước” rất mệt. Các thể loại đơn đó là tàn dư của tư duy phong kiến, xem pháp luật và công lý là do chính quyền ban phát cho. Cứ tưởng tượng nhé, nếu thật sự anh tin rằng anh làm đúng pháp luật, thì tại sao anh phải xin người khác xử cho anh đúng? Cứu xét lúc này là cứu xét thế nào, hay vì ta thật sự tin rằng pháp luật là công cụ của chính quyền nên muốn xử thế nào cũng được, vì thế phải xin họ rộng lòng thương xử cho ta?

Nếu thế thì bỏ xừ.

Từng có cán bộ giải thích với mình rằng “đơn cứu xét” nghe sẽ “thảm thiết” hơn và các vị lãnh đạo sẽ “dành chút thời gian” xem xét. Đó cũng là một cái mình ghét không kém, khi cứ cho rằng lãnh đạo bận lo việc đại sự nên những việc cỏn con của công dân họ thường không có thời gian. Nhưng việc đại sự lo làm gì nếu khi dân gặp chuyện, không ai đứng ra làm bổn phận của mình? Chuyện chính quyền “không có thời gian” giải quyết các công việc của người dân là lỗi của chính quyền, không phải lỗi của người dân. Nhiều việc quá thì có thể làm thêm giờ rồi lãnh OT thay vì đi liên hoan hay chỉ đạo văn nghệ. Không thể nhân danh cái đại sự vô danh mà chà đạp những thân phận hữu danh được. Tiền thuế hàng ngày anh đóng là để nuôi bộ máy, để họ làm đúng bổn phận. Thuê bao trả trước như vậy thì nên xài chứ đừng nên đội lên đầu.

Tất nhiên nói đi cũng phải nói lại, chính quyền phải giải quyết đơn cứu xét theo nghĩa vụ của họ tại Luật Tiếp Công Dân. Nhưng ngay cả Luật này cũng gọi hoạt động đó là phản ánh, kiến nghị, chứ không phải cầu cứu hay cứu xét. Ông Hùng hay ông Thưởng không phải là ông bụt hay ông già Noel mà phải cầu xin họ. Và họ cũng phải làm gương để từ chối những lá đơn gửi tào lao như vậy đến họ. Họ phục vụ cho người dân vì họ đang ăn lương từ đồng thuế của người dân. Phải nhớ điều đó.

Bình Luận từ Facebook