Tử vong ngoại viện

Nguyên Đại

5-8-2019

Ở trại tỵ nạn Hong Kong, có một người bạn được cử đi xin giấy vệ sinh ở phòng phúc lợi. Anh ta đi một chặp rồi về tay không, nói rằng họ không cho. Quái! chuyện này tuy nhỏ, nhưng “đâu phải giỡn”.

Bạn bè mới xúm lại hỏi: Chứ ông nói làm sao mà họ không cho? Anh này kể: “Tao nói là, ‘Can you give us paper toilet?’ Nó hỏi: ‘Why’? Tao nói một tràng nữa: ‘Paper toilet, paper toilet, no paper toilet, very difficult, very difficult’.  Nó cũng hỏi: ‘Why’ tiếp. Tao làm mặt nhăn nhó, nó cũng không hiểu. Tao đi về chứ biết làm sao”. Anh em được một trận cười, nhớ cho tới bây giờ.

Lý do: Toilet-paper (một cách miễn cưỡng, thay vì là: toilet tissue) nghĩa là giấy vệ sinh; còn paper-toilet là phòng vệ sinh bằng giấy. Dĩ nhiên, người ta không hiểu vì cớ làm sao các ông lại muốn xài phòng vệ sinh bằng giấy.

Tương tự, trong tiếng Hoa, chữ “bất đắc kỳ tử” diễn tả một cái chết chết lạ lùng, thình lình, bất ngờ, nguyên nhân không được xác định trước đó. Bất: không; đắc: đạt, như ý; kỳ: kỳ lạ, kỳ bí; tử: chết. Không ai nói “tử bất đắc kỳ” cả.

Cũng vậy, tình trạng “ngoại viện tử vong” có thể (miễn cưỡng) hiểu như là tình trạng bệnh nhân đã chết trước khi tới bệnh viện. Còn chữ “tử vong ngoại viện” lại có một ý nghĩa khác.

Ngày 18/7/19, đại tá Đỗ Quang Mão, chính-ủy quân y viện 105, xác nhận ông Trần Bắc Hà đã “tử vong ngoại viện” nghe rất-Hán, rất “sang”; nhưng trật lất khi dùng để biểu đạt một tình trạng “đã chết trước khi tới bệnh viện”. Tương tự như nói “paper-toilet” để xin giấy vệ sinh; hay nói “tử bất đắc kỳ” vậy.

Ngôn ngữ nào cũng có những chữ viết khác nhưng đọc giống nhau. Ví dụ, trong tiếng Hoa: tử là con, trong tử-tôn (con cháu). Tử là thầy, trong Mạnh Tử, Trang Tử (thầy Mạnh, thầy Trang). Tử là tím, trong tia tử ngoại/cực tím. Các chữ “tử” đó trong tiếng Tàu viết khác, nhưng trong tiếng Việt lại giống y chang, cho nên ngữ nghĩa của nó phải căn cứ theo các chữ đứng trước và sau.

Chữ “ngoại viện” thường được dùng để chỉ những trợ giúp từ phía bên ngoài, nước ngoài, khi đó “viện” nghĩa là “giúp”, “viện-trợ” nghĩa là trợ giúp, hay giúp đỡ.

“Tử vong ngoại viện” coi như là tình trạng không có bất kỳ một trợ giúp nào từ bên ngoài, giống như biệt giam cho tới chết vậy. Vô hình trung, chính quân y viện 105 thay vì phủ nhận cái chết của Trần Bắc Hà có liên quan tới bệnh viện lại xác nhận, và “tiết lộ bí mật nhà nước”, là ông Trần Bắc Hà bị biệt giam, và không có bất kỳ một sự giúp đỡ nào từ phía bên ngoài, cho tới khi chết.

Nếu viết là “Bắc Hà tử vong ngoại viện” thì điều này lại đúng với tình trạng của chính phủ VC hiện nay, khi mọi hình hình thức ngoại viện có vẻ như tử vong. ASEAN phản ứng rất yếu ớt về vụ bãi Tư Chính. Mỹ và Đồng Minh đã từng rút khỏi tiền đồn VN từ năm 1975.

Khi sư tử săn mồi, nó thường tách con mồi ra khỏi đàn, và tập trung tấn công con bị tách ra đó. Trung Cộng có vẻ như đã thành công trong việc tách “từng con mồi” Cambodia, Lào, Việt Nam, Philippines ra, khi đưa ra những cái bẫy để dụ các “con mồi” đứng về phía mình để bảo đảm sự an toàn của chế độ đương quyền.

Sư tử dễ dàng cô lập và tấn công từng con trâu một trong đàn trâu, nhưng không bao giờ dám mạo hiểm tấn công một đàn sói. Bởi, đàn sói rất gắn kết, không thể nào tấn công một con, mà không chịu phản ứng dữ dội của cả đàn. Ôi! bản năng loài vật cũng đã biết dựa vào thế liên minh vững chắc để sinh tồn.

Bắc Hà tử vong ngoại viện: Đất Bắc đã hoàn toàn bị cô lập. Ai bảo không có thiên ý, ai bảo trời không nhắc nhở, ai bảo không có điềm.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Theo thiển ý tôi, “bất đắc kỳ tử” được giải nghĩa như trên có lẽ chưa
    chính xác cho lắm,trừ ra 2 chữ đấu thì tôi hoàn toàn đồng ý.Nếu chết
    đột ngột bất ngờ thì người ta gọi là “đột tử”.
    Tôi không nghĩ “kỳ” ở đây là kỳ lạ,kỳ bí mà có lẽ “kỳ” có nghĩa là cầu
    mong chăng ? Do đó tóm lại “bất đắc kỳ tử” phải chăng là chết không
    được như mong cầu (là được ra đi an bình,êm thấm) ?

  2. Sửa sai: Bất đắc kỳ tử : Chữ “kỳ” 其 này không phải chữ kỳ là lạ , mà là giới từ để chỉ chung các loại “tử” mà “bất đắc” (chết không bình thường).

Comments are closed.