Ông Nguyên Ngọc lú lẫn rồi (!)

Lê Phú Khải

2-8-2019

Nhà báo Lê Phú Khải. Photo Courtesy

Trên trang mạng Tiếng Dân ngày 31.7.2019, có đăng một bài viết của ông Nguyên Ngọc với tiêu đề: “Nhân 5 năm, đôi điều tâm sự”. Ông thú nhận: “Riêng tôi, tôi thường tự thấy mình kém hiểu thơ. Những khi như vậy trước hết tôi tự nhủ đúng là mình dốt thật. Và tôi đi tìm những chuyên gia giỏi, như các anh Nguyễn Đức Tùng, Vũ Thành Sơn, Inrasara, chị Ý Nhi, anh Đặng Tiến… và lắng nghe họ giảng. Chứ không vội chửi bừa”.

Ai đọc đến đây cũng phải phì cười! Ông già gần 90 tuổi này đang “cưa sừng làm nghé!”. Nực cười hơn là, nếu đọc thơ mà phải đi “tìm những chuyên gia” và “nghe họ giảng” mới hiểu, thì cái thơ ấy là cái giống gì (!) Ông bà ta xưa kể truyện Kiều vanh vách, dù co cụ không biết chữ, nhưng có ai phải đi tìm chuyên gia để nghe giảng đâu (!) Vì các giải thơ của Văn Việt vừa qua, tối như hũ nút, điên điên dại dại, bị bạn đọc xa gần lên án nên ông Nguyên Ngọc mới nghĩ cái ý, muốn hiểu thơ phải đi tìm chuyên gia và nghe họ giảng (!) . Nữ tác giả được giải thơ Văn Việt là Vũ Lập Nhật, được ông cho là thần tượng thơ của mình, nhưng đến cái tên của thần tượng, ông cũng viết nhầm là: Vũ Nhật Lập, nhầm hai lần trong bài viết! Lẫn rồi!

Lại nữa, Albbert Camus chưa bao giờ được bầu vào Hàn lâm Viện của nước Pháp, nhưng ông lại viết: “Khi Anatole France qua đời, người được bầu thay ông là Albert Camus…” Đọc đến đây người ta lại hết hồn…Vì có người đề nghị L’étranger (Người lạ) của Camus để Hàn lâm Viện trao giải thưởng , nhưng Hàn lâm Viện từ chối, thì làm sao mà được bầu vào Hàn lâm Viện (!)

Có lẽ, sau khi bị “ném đá”, ông Nguyên Ngọc phải vội vã chữa lại là, người được bầu thay Anatole France là Paul Valéry! Nhưng sự nhầm lẫn ban đầu, tôi đã chụp lại ở trang mạng Tiếng Dân, nên không thể chối cãi được! Nếu viết cho trí thức trong thiên hạ đọc mà cứ nhầm lẫn lung tung thế, thì đúng là…lẫn rồi!

Lại nữa, ông chê tôi là “dịch nhầm tiếng Pháp”! Ông viết: “Trong khi phê phán Vũ Nhật Lập (lại viết nhầm tên – LPK!) anh Lê Phú Khải có dẫn một câu tiếng Pháp để nói rằng nên viết cho dễ (hiểu). Rien n’est plus difficle que d’écrire facile, tôi xin lỗi, tôi e anh dịch nhầm. Rien n’est plus difficile que d’écrire facile phải dịch ra là: ‘Không gì khó bằng viết dễ’, chứ không phải ‘Không gì khó bằng viết (cho) dễ hiểu.’ Hai câu chỉ khác nhau một từ, nhưng ý nghĩa khác xa nhau đấy”.

Xin thưa với ông Nguyên Ngọc rằng, một tiến sỹ Việt kiều, đã sống ở Bỉ (Bỉ nói tiếng Pháp) gần 50 năm, đã đọc bài viết này của ông, và nói với tôi rằng: Hai câu dịch ấy nghĩa như nhau (!)

Nhân đây xin nói dông dài một chút về dịch tiếng nước ngoài. Khi đã hiểu rõ nội dung mình phải dịch, thì khi dịch ra tiếng nước mình, phải viết theo cách nói, cách nghĩ của dân mình cho dân mình dễ hiểu. Vậy thôi. Nếu dịch từ tiếng Pháp chẳng hạn, thì người dịch phải giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Việt. Phải Việt hóa nó. Vì thế khi dịch tiểu thuyết “Bến không chồng” của Dương Hướng sang tiếng Pháp, nước Pháp đã phải chọn một người Pháp giỏi tiếng Việt và một người Việt giỏi tiếng Pháp để hai người cộng tác với nhau dịch.

Có lần, tôi nói với bác sỹ Nguyễn Khắc Viện rằng, tôi đọc cuốn sách triết học “Làn sóng thứ ba” của tác giả Alvin Toffler thấy nhiều đoạn khó hiểu quá. Ông Viện nói: “Vì cái cậu dịch nó dốt quá, không hiểu nội dung sách, nên nó chỉ chuyển ngữ, dịch nghĩa từng chữ rồi ráp nối lại nên cậu khó hiểu. Nếu tôi dịch, thì tôi đọc để hiểu nội dung từng trang sách, sau đó, dùng tiếng Việt để viết lại nội dung đo thì cậu hiểu ngay”. Ông Viện là người được giải thưởng lớn Pháp văn năm 1991 (Grand prix de la Francophonie). Cách dịch “d’écrire facile” thành “viết dễ” là cách dịch của ông Nguyên Ngọc! Người Việt sẽ phải đọc một câu văn “Tây”: Không gì khó bằng viết dễ…!!! Dịch như thế thì lẩn thẩn rồi!

Lại nữa ông Nguyên Ngọc trong bài viết kể trên, chỉ vì nghe người ta nói lại, ông đã vội viết: “Nghe nói trong khi trò chuyện thân tình, anh ấy (ám chỉ Hà Sỹ Phu vừa về thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ anh em Văn Việt) có bảo văn học cũng chỉ là công cụ, chắc có ý nên là công cụ của cuộc đấu tranh xã hội đang bức bách bây giờ”.

Tôi cảm ơn anh, nhưng cũng xin cho phép tôi nói rõ quan niệm văn học là công cụ, dù là công cụ của ai, cho cái gì, là hoàn toàn không đúng, và còn nguy hiểm nữa. Hôm đó có tôi, anh Phạm Đình Trọng, anh Phan Đắc Lữ… cũng ngồi ngay đấy. Anh Hà Sỹ Phu không hề nói “Văn học chỉ là công cụ” bao giờ cả. Dựng đứng lên để nói về người khác như thế chỉ vì “nghe nói” thì tư cách ông Nguyên Ngọc kém quá. Đọc được bài này, ông Hà Sỹ Phu buồn lắm!!!

Nhưng thôi ông Nguyên Ngọc ạ! Trong lúc giặc Tàu đang bắn giết ngư dân ta ngoài biển Đông, đang kéo tàu lớn tàu bé vào Bãi Tư Chính mà mấy anh em chúng ta lại cứ ngồi bàn về thơ hay, thơ dở thì lũ trẻ nó cười cho. Văn học phải là công cụ để phụng sự đất nước, chống giặc nội xâm và ngoại xâm… Đó là lẽ phải của muôn đời.

Bình Luận từ Facebook

8 BÌNH LUẬN

  1. theo đúng tinh thần đa nguyên, đa đảng, trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng, tui đề nghị thành lập thêm văn đoàn “Lê Phú Khải”, hay có tên gì khác, tên không phải là vấn đề quan trọng. Hai ông có hai triết lý thơ văn khác nhau, bắt “nhốt” chung trong cùng văn đoàn thì thế nào cũng có “chuyện” xung đột to, không sớm thì muộn. Nếu có hai văn đoàn thì xung đột vẫn còn, nhưng người ngoài như tui sẽ được thưởng thức hai trường phái khác nhau thi đấu, cạnh tranh. Trong chừng mực mà hai trường phái này không phải là quốc doanh, không được trợ cấp bất chính từ nhà nước, thì cạnh tranh, thi đấu để có tác phẩm mới có lẽ là điều tốt.

    Có nhiều tríết lý văn học khác nhau, thi đấu cạnh tranh với nhau là điều tốt. Hãy để người đọc là trọng tài sau cùng.

  2. Tôi đọc khá nhiều bài viết của LPK,đặc biệt hồi ký đã tự ý photo ra nhiều bản cho bạn bè cùng xem.Đến bài viết này thì buồn.Riêng câu : không gì khó bằng viết dễ – tôi nghĩ ngay đến các bac Trần Mạnh Hảo,Tương Lai,Nguyễn Đình Cống,phạm Đình Trong v.v. ,các bác ấy viết dễ thật,không phải ai cũng viết được như vậy,kể cả LPK cũng thuộc hàng viết dễ.Còn viết cho dễ hiểu thì khó kiếm hơn nhiều anh LPK ạ .Nếu ý kiến tôi sai,anh bỏ qua cho.Tôi từng là “ anh giải phong quân một lòng ra đi” và giờ gần như nằm một chổ nhưng ham đọc lắm,dù vậy,vẫn thuộc dạng ngu lâu!
    Tôi đọc Vũ Cao Quận thấy bác ấy viết dễ hiểu nên tiếc hủi hụi vì bác ấy viết ít quá.Bài thơ NGHĨ VỀ ĐẢNG,qua tay bác chỉnh chu dễ đọc nên tôi thuộc lòng và đọc cho bao nhiêu người nghe,kể cả Thanh Thảo,bạn anh!

  3. Tôi đọc khá nhiều bài viết của LPK,đặc biệt hồi ký đã tự ý photo ra nhiều bản cho bạn bè cùng xem.Đến bài viết này thì buồn.Riêng câu : không gì khó bằng viết dễ – tôi nghĩ ngay đến các bac Trần Mạnh Hảo,Tương Lai,Nguyễn Đình Cống,phạm Đình Trong v.v. ,các bác ấy viết dễ thật,không phải ai cũng viết được như vậy,kể cả LPK cũng thuộc hàng viết dễ.Còn viết cho dễ hiểu thì khó kiếm hơn nhiều anh LPK ạ .Nếu ý kiến tôi sai,anh bỏ qua cho.Tôi từng là “ anh giải phong quân một lòng ra đi” và giờ gần như nằm một chổ nhưng ham đọc lắm,dù vậy,vẫn thuộc dạng ngu lâu!

  4. Tôi từng kinh trọng 2 ông: Nguyên Ngọc và Phú Khải. Nhưng đọc bài này thì trong lòng tôi chỉ còn Nguyên Ngọc.
    Đọc bài này tôi cũng cảm nhận được sự hằn học, ăn thua của ông Phú Khải với nhà văn Nguyên Ngọc, nó phơi bày nhân cách của Phú Khái là cái giống gì!

  5. Đọc bài viết của bác Lê Phú Khải nhận thấy nhà báo CM khi có sống trong môi trường dân chủ phương Tây thì về tư tưởng, suy nghĩ vẫn “hồng hơn chuyên”, vẫn đậm chất bảo thủ, định kiến, hẹp hòi và ngụy biện, nhét chữ vào miệng ng. Thật uổng thay.

  6. Khả năng cảm thụ thi ca của ông Phú Khải có vấn đề! Tôi muốn mời ông tham gia diễn đàn ”Lắng nghe tiếng lòng của Nàng Thơ”, sắp được tổ chức. Tại diễn đàn này ( online), mỗi người tham gia sẽ được ban tổ chức chuyển cho 3-5 bài thơ ( ngẫu nhiên, do máy tính chọn thơ từ nhiều trường phái ), và đề nghị người tham gia diễn đàn bình thơ bằng ”bài viết dưới năm trăm chữ” cho mỗi bài thơ, gửi ngay lên web của ban tổ chức trong vòng 1 giờ kể từ lúc nhận ”đề” bình thơ.
    Toàn bộ độc giả của web ấy, sẽ là những người ngay lập tức đánh giá công khai khả năng cảm thụ thi ca của ”thí sinh” tham gia diễn đàn.
    Ông tham gia chứ, ông Phú Khải?
    Trân trọng mời ông.
    Vũ Lê Văn, một thành viên nhỏ của IJAVN.

  7. Ông LPK là người của chữ nghĩa mà lại dùng những chữ như “lú lẫn”, “hũ nút” là không xứng đáng bậc có chữ. Ông làm dơ bẩn chữ nghĩa.

    Ông lại còn xoáy vào những tiểu tiết nhớ sai của ông NN để viết bài thoá mạ bạn văn. Người có học không ai làm như vậy.

    Sự thoá mạ bạn văn của ông càng củng cố niềm tin của tôi là mấy người có chữ ở miền bắc cộng sản đa số nhiễm cái thói kém văn hoá và thô bạo của cộng sản.

  8. “Không gì khó bằng viết dễ” và “Không gì khó bằng viết (cho) dễ hiểu” là hai câu có ý nghĩa như nhau? Ông (nhà văn?) Lê Phú Khải dường như chưa đủ trình độ Việt ngữ để hiểu “viết dễ” và “viết cho dễ hiểu” khác nhau thế nào. Rất tiếc, vị tiến sĩ mà ông tham khảo lại là một người nói tiếng Pháp 50 năm ở Bỉ, chứ không phải một người nói tiếng Việt đâu đó cỡ 80 năm ở Việt Nam.

    “Viết dễ” ở đây là hễ đặt bút xuống thì viết một cách trơn tru, không gặp trở ngại. Còn “viết dễ hiểu” là chọn từ ngữ thông dụng và cách diễn đạt đơn giản, tránh cho người đọc những cách hiểu nước đôi không cần thiết.

    Đến bài này thì chủ trương của hai ông Nguyên Ngọc và Lê Phú Khải đã rõ là khác nhau. Ông Nguyên Ngọc sẽ vẫn bàn chuyện văn thơ một cách chuyên nghiệp, dù từ nay ông sẽ phải tra cứu cẩn thận trước khi đăng bài vì trí nhớ không còn tốt.

    Còn ông Lê Phú Khải sẽ dùng văn học làm công cụ để “phụng sự đất nước, chống giặc nội xâm và ngoại xâm”. Ông Khải cũng không bao giờ nên bàn chuyện thơ hay, thơ dở nữa kẻo bị “lũ trẻ nó cười cho”, bởi vì ít nhất hai trong ba mục tiêu ông nêu ra sẽ luôn còn đó để cho ông dùng văn học mà theo đuổi.

Comments are closed.