1-8-2019
Asanzo khởi kiện báo Tuổi Trẻ vì loạt bài viết của báo này. Trên mạng xã hội tung ra nhiều bằng chứng về một nhóm cá nhân trong báo Tuổi Trẻ có liên quan đến loạt bài trên và có liên lạc gợi ý xử lý khủng hoảng truyền thông. Trước đó, hễ cứ ai viết về Asanzo được mặc định là tống tiền hay nhẹ hơn là bút nô, kền kền.
Ma trận thông tin khiến mạng xã hội “có phe” và các sự kiện liên quan khiến người tiêu dùng càng hoang mang. Vậy chủ thể ở đây là người tiêu dùng- người đọc mới chính là đối tượng cần quan tâm nhất chứ không phải là phe nào sẽ thắng.
Với người tiêu dùng, Asanzo được quảng cáo là hàng Việt. Đây là thứ đánh vào tâm lý tiêu dùng yêu nước. Vậy thì cơ sở về tính pháp lý của vụ việc không phải là ráo hoảnh “chưa có quy chuẩn về hàng Việt” như một quan chức tuyên bố. Luật nói có!
Cần phân biệt các định nghĩa sau:
– Hàng nhập khẩu: Là hàng hóa được sản xuất từ một nước khác và nhập qua cửa khẩu Việt Nam, có xuất xứ từ nước ngoài. Như vậy, dù nhà máy này do người Việt Nam làm chủ, sử dụng nhân công Việt Nam, thậm chí có dùng một phần nguyên liệu từ Việt Nam cũng đều phải xem là hàng nhập khẩu. Điều này phù hợp với quy tắc xuất xứ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
– Hàng nội địa hóa: Là hàng hóa được sản xuất từ nhà máy ở trong nước nhưng mang nhãn hiệu nước ngoài, chủ sở hữu nhãn hiệu đó là công dân nước ngoài hoặc đó là hàng sản xuất bởi nhà máy trong nước và sở hữu nhãn hiện là công dân Việt Nam nhưng tỷ lệ giá trị gia tăng không đạt mức quy định của hàng Việt Nam. Như vậy, với ô tô lắp ráp tại Việt Nam mang nhãn hiệu Ford, Toyota hoặc xe gắn máy hiệu Honda, Yamaha… dù sử dụng nhân công Việt Nam và một số phụ tùng trong nước đều được xem là hàng nội địa hóa chứ chưa phải là hàng Việt Nam.
– Hàng Việt Nam: Để được gọi là hàng Việt Nam, cần phải đạt ba tiêu chí sau: 1. Phải được sản xuất trong nước, nghĩa là có nhà máy trong nước; 2. Có phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đạt tỷ lệ nhất định do cơ quan thẩm quyền của Việt Nam quy định tùy theo từng chủng loại và điều kiện cụ thể. Thí dụ đối với các ngành hàng mà vật tư trong nước không đáp ứng đủ, sẽ chấp nhận mức giá trị gia tăng thấp hơn, như hàng điện tử, máy móc. Ngược lại, các sản phẩm như thực phẩm, hàng tiêu dùng thông thường, phải có giá trị gia tăng cao hơn; 3. chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa phải là công dân Việt Nam.
Asanzo liên quan nhiều ở định nghĩa thứ 3!
Muốn hiểu Asanzo phải đọc kỹ Luật Quản lý ngoại thương 2017, Nghị định 31/2018 quy định chi tiết luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hoá và xa hơn nữa là Quyết định số 984/2012 về Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia, với tiêu chí để hàng hóa được gắn mác Giá trị Việt Nam (Vietnam Value).
Khi viết về Asanzo, tôi gọi khủng hoảng họ gặp phải là khủng hoảng pháp lý. Xin nhấn mạnh là khủng hoảng pháp lý, rồi dẫn đến khủng hoảng truyền thông. Nhưng cũng trong đánh giá cá nhân tôi, ông chủ Asanzo lại chọn xử lý ngọn (truyền thông) thay vì gốc (pháp lý). Mà cũng không xử lý được pháp lý tới nơi tới chốn được bởi khoản 5 điều 4 của Quyết định 984/2012 có ghi rõ: “Thương hiệu sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và được sở hữu bởi các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh thành lập tại Việt Nam.”
Trên thực tế, Asanzo đã đăng ký nhãn hiệu năm 2014. Trước đó, một thương hiệu lớn là Asano đã đăng ký bảo hộ thương hiệu năm 2008. Tính chất pháp lý của “nhãn hiệu” và “bảo hộ thương hiệu” khi đăng ký là khác nhau. Và lạ lùng không, kẻ sinh sau phát triển kinh hoàng còn người xuất hiện trước thì chỉ có thể đi kiện để giành lại thương hiệu ĐƯỢC BẢO HỘ. Asanzo thua cả sơ thẩm và phúc thẩm khi ra toà. Ông Phạm Văn Tam, Tổng giám đốc công ty Asanzo cho rằng: “Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phải tự giải trình với tòa, tôi cũng không quan tâm việc đấy. Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng thì họ sẽ không thể hủy nhãn hiệu của công ty tôi’’. Đó là lý do Asanzo không thi hành án.
Đây là sai lầm cực lớn của Asanzo đứng trên góc độ nhận xét của cá nhân tôi. Vì câu “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” không phải là thứ có thể tuỳ tiện dùng. Cụm từ “không thể tuỳ tiện” ở đây có thể không chỉ là pháp luật Việt Nam mà cả trên phương diện ngoại giao. Về mặt này, tôi không tin ông Tam và bộ phận pháp chế của Asanzo hay bất kỳ ai đứng ra xử lý khủng hoảng truyền thông cho họ, có thể nhìn ra.
Hoặc nhìn ra nhưng cho rằng Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp đăng ký nhãn hiệu là xong.
Các mối liên quan làm ăn của Asanzo hay những quy trình được những người giải cứu truyền thông cho là sản xuất hàng Việt là những thông tin tiếp cận sau. Kể cả đơn vị thực hiện phóng sự điều tra là Tuổi Trẻ cũng chỉ hiện thực hoá nó về thông tin mà thôi.
Tôi không nói ai khờ! Làm gì có ai khờ? (Chỉ có Mai Quốc Ấn thức trắng đêm đối chiếu luật để viết là khờ thôi!) Nhưng tôi cũng biết rằng nhiều người không hiểu việc ký CPTPP và EVFTA đã được chuẩn bị ra sao.
Bao gồm cả chuẩn bị “tế cờ” những kẻ tưởng mình khôn ngoan bằng cách kinh doanh lách luật để trục lợi nhân dân. Xử như vậy có thể gây tiếng vang trong nước và “xoa dịu” nơi nào đó đang rất căng ngoài biển xa kia…
Cừu thì ngu. Sói có thể đội lốt cừu để ăn thịt cừu. Nhưng, kẻ chăn cừu có súng!
(Còn tiếp)