Trần Thanh Vân
17-7-2019
Tôi không phải là học trò của GS Hoàng Tụy, cũng không phải là họ hàng thân thích với ông, nhưng qua một mối nhân duyên nào đó, tôi và ông có một mối dây liên hệ mà người ta thường gọi là nghiệp đời.
Năm 1885, khi người Pháp nã phát súng đại bác bắn thủng một góc Cổng thành Cửa Bắc và chiếm được Hà Nội, thì Tổng đốc Hoàng Diệu thắt cổ tự vẫn, cụ nội tôi là cụ Trần Văn Minh, một sĩ quan tùy tùng thân thiết với Tổng đốc, vội vàng đưa vợ con gia đình mình và một vài người trong gia đình Tổng đốc, cùng một nhóm lính tráng dưới quyền, vượt qua sông Tô Lịch, chạy về phía đê sông Hồng. Vừa chạy vừa bắn trả cuộc rượt đuổi của giặc Pháp.
Cuối cùng cuộc chạy loạn đó đã đến được nơi an toàn, một xóm làng quê bên bãi sông Hồng cách Tây Hồ 26 km, sát bên Cửa sông Đáy khi xưa, có tên là Hát Môn, nơi có đền thờ Hai Bà Trưng đã trầm mình xuống sông tự vẫn, khi bị giặc truy đuổi đến cuối đường. Nơi đó nay trở thành quê tôi. Với tư cách là trưởng nữ, tôi đã xây một ngôi nhà thờ họ Trần nho nhỏ và có mồ mả 5 đời ở tại đó.
Tôi không biết ông nội tôi Trần Văn Hảo lấy vợ vào năm nào và có phải con cháu nhà cụ Hoàng Diệu hay không. Tôi chỉ biết bà nội tôi tên là Hoàng Thị Tý và khi cha tôi được sinh ra vào năm 1915, ông đặt tên cúng cơm cho cha là Trần Văn Đễ và tên húy là Hoàng Thái, cho đến hôm nay mộ ông bà nội tôi vẫn còn nơi đó và cha mẹ tôi cùng mất năm 2002 cũng được mai táng ngay cạnh ông bà.
Lúc còn sống, cha tôi thường kể, lúc trẻ mọi người đều gọi cha là Hoàng Thái. Tên Hoàng Thái liên quan đến Đội tự vệ thành Hoàng Diệu do cha và các bạn thân tự thành lập để bảo vệ thủ đô đêm 19/12/1946 và tồn tại chiến đấu suốt 72 ngày đêm trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
Cha luôn luôn kể rằng, cụ nội và ông nội đã dặn dò các con cháu đời sau phải tìm mọi cách để phục hồi dòng sông Tô Lịch từng chảy qua phía Bắc cổng thành Thăng Long. Và Cha hay hát: “Thăng Long thành xưa ngàn năm yêu dấu/ Đó Tháp Rùa soi bóng dưới Đô thành … ”
***
Sau năm 1954, chúng tôi từ Việt Bắc trở về Hà Nội. Trường Phổ thông cấp II và III Hà Nội sau này có tên là Trường Việt Đức Hà Nội, được thành lập tại 47 phố Lý Thường Kiệt. Ngoài những học sinh từng theo cha mẹ đi kháng chiến từ chiến khu Việt Bắc và các vùng Thanh Nghệ Tĩnh trở về, trong trường còn có một bộ phận khá đông các chị học sinh cấp III từ Miền Nam tập kết ra Hà Nội, họ ở ngay trong ngôi nhà 3 tầng phía sau trường, do Thầy dạy Toán Hoàng Chúng và một vài thầy người Miền Nam nữa phụ trách.
Lúc mới thành lập trường Việt Đức tôi mới chỉ là một cô bé học sinh cấp II, nhưng hai năm sau lên cấp III, tôi trở thành học sinh do thầy Hoàng Chúng trực tiếp giảng dậy. Tôi là một học sinh giỏi toán, được bạn bè yêu đặt tên là “Ngôi sao toán học” và được thầy Hoàng Chúng rất yêu quý.
Có lẽ mối Duyên và Ngiệp của tôi bắt nguồn từ ngày đó.
Học hết phổ thông trung học, tôi làm đơn xin thị học TOÁN LÝ tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng Bộ Giáo dục lại rút đơn của tôi về, gửi tôi vào học khoa Trung Văn của trường Ngoại ngữ Gia Lâm và xét thấy tôi rất giỏi môn Hình học không gian và môn vẽ Mỹ thuật, tôi được cử đến Thượng Hải học bộ Môn Kiến trúc tại Đại học Đồng Tế, một ngôi trường do người Đức thành lập từ thế kỷ 19.
Sau này tốt nghiệp về nước rồi, tuy được phân công rất nhiều công trình khác nhau ở nhiều tỉnh thành khác nhau, nhưng tôi không sao rời bỏ được ước nguyện làm một việc gì đó cho Hà Nội “Thăng Long thành xưa ngàn năm yêu dấu…”. Tôi luôn luôn nghĩ đến phong thủy Thăng Long đã bị triệt và tôi luôn ước mơ có dịp phục hồi hệ thống phong thủy Thăng Long.
Năm 1980 và 1981, tôi theo học Chương trình đào tạo Quốc tế về Quản lý Hệ thống Sinh thái tại TU Dresden. Có dịp làm quen với Bộ quản lý nguồn nước của CHDC Đức, tôi hiểu triết lý về Phong Thủy của người Đức là “Dòng nước sạch tạo nên ngọn gió lành”, là bí quyết cơ bản tạo nên một xã hội văn minh.
Năm 1992, đang làm việc, đang thành đạt, tôi quyết định xin về hưu sớm để thành lập công ty Kiến trúc & Môi trường OIKOS – Co Ltd, để tôi có thời gian theo đuổi việc nghiên cứu Khoa học phong thủy và để có tiền nuôi những người giúp việc trong nghiên cứu khoa học của tôi.
Năm 1998, tôi thành công bước đầu trong việc cùng KTS Nguyễn Trực Luyện, Chủ tịch Hội KTS VN và Ts KTS Hoàng Phúc Thắng, ngăn chặn được Dự án Thủy cung Thăng Long ở Bán đảo Tây Hồ, một Dự án phá nát hệ thống phong thủy Thăng Long và có thể đưa đất nước đến họa Diệt Vong.
Năm 2006 tôi cùng Gs Vũ Đình Cự liên danh Kiến nghị phục hồi tên kinh đô Thăng Long.
Để lập luận kiến nghị của chúng tôi thêm vững chắc, tôi bắt đầu đưa các bài về phong thủy Thăng Long lên một số số báo Người Hà Nội của Hội VHNT Hà Nội và một trong những người ủng hộ tôi ngày đó là Gs Hoàng Tụy.
Tại sao tôi lại tranh thủ sự ủng hộ của Gs Hoàng Tuy? Một mối liên hệ thật khó giải thích rạch ròi. Như trên đã nói.
Các ghi chép của gia đình không còn lưu lại, nhưng tôi luôn luôn cảm thấy tôi có một mối liên hệ mật thiết nào đó với Cụ Tổ họ Hoàng, trong đó Tổng Đốc Hoàng Diệu là ông bác ruột của Gs Hoàng Tụy.
Tôi là người chứng kiến cơn lốc Hồ Tây chiều ngày 11/9/1955, là người có thể lý giải lý thuyết vật lý toán học của hiện tượng này là hiện tượng bình thông nhau. khi mực nước sông Hồng cao hơn mực nước Hồ Tây vào ngày đó là ngày 23/7 Âm Lịch.
Để tránh mọi người nghĩ tôi gửi đăng những bài báo đó là do mê tín dị đoan, tôi tìm người hỗ trợ cho tôi. Thầy giáo cũ của tôi từ trước năm 1960 là Gs Toán học Hoàng Chúng, em ruột của Gs Hoàng Tụy thì không còn nữa, tôi viết thư cho Gs Hoàng Tụy, kể lại tất cả sự việc ở trên và yêu cầu giáo sư, với tư cách là tác giả của Công trình Nghiên cứu “lý thuyết tối ưu toán học” được thế giới công nhận, giáo sư có thừa nhận câu chuyện truyền thuyết “Vua Lý Thái Tổ nhìn thấy rồng vàng bay lên năm 1010” và hiện tượng “Cơn lốc Hồ Tây 1955” chỉ là một hay không?
Và “Một người đã dùng Toán học để chỉ ra lỗi hệ thống” có đồng ý với tôi là mất một đoạn sông Tô Lịch từ Phố Chợ Gạo ngày nay, qua Cổng Thành phía Bắc giáp Hồ Tây đến Bến Hàm Tân bên Chợ Bưởi cũng là một “lỗi hệ thống” cần được phục hồi hay không?
Gs Hoàng Tụy đồng ý với quan điểm của tôi, nhưng cũng thừa nhận sửa chữa lỗi hệ thống này thật khó quá.
Từ năm 2006 đến nay, đã 13 năm trôi qua, tôi luôn trăn trở cách sửa đổi lỗi hệ thống theo quan điểm của mình.
Và hai năm nay, khi bám vào nghiên cứu khảo sát lộ trình vua Lý Thái Tổ từ Hoa Lư lên Thăng Long, tôi đưa ra ý tưởng khôi phục lộ trình từ Thăng Long trở về Hoa Lư.
Tôi phát hiện ra thời vận đổi thay của đất nước đã đến và nguồn tài chính cũng có thể sẽ có. Tôi vui mừng thông báo với nhiều bạn bè, nhưng với giáo sư Hoàng Tụy thì chưa kịp. GS đã qua đời ở tuổi 92.
Kính mong giáo sư thấu hiểu cho thiếu sót trên của tôi và mong giáo sư góp phần thúc đẩy cho Đại dự án trên sớm được thực hiện.