Phạm Trần
26-5-2017
Một cuộc bàn luận mới vừa bung ra giữa người Việt trong và ngoài nước quanh đề xướng đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam đang nghiên cứu mở ra đối thoại “với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Tác giả của tuyên bố này là ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Người cầm đầu ngành tuyên truyền đã tiết lộ tin mới tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, sáng 18-5-2017 tại Hà Nội.
Hai câu nói gây ấn tượng của ông Thưởng chung quanh vấn đề này là: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”.
“Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
BÁO LỀ ĐẢNG – ĐỐI THOẠI VỚI AI?
Tuy nhiên, nếu coi những gì ông Thưởng nói là sự thay đổi tư duy rất mới của lãnh đạo Cộng sản ở Việt Nam đối với thành phần chống đảng thì ý tưởng này lại bị báo chí “lề đảng” hạ xuống mặt đất.
Bằng chứng là lời tuyên bố của ông Thưởng, đứng hàng thứ 17 trong Bộ Chính trị, tuy quan trọng nhưng chỉ được tường thuật trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh Online (PLO). Tuyệt nhiên không thấy xuất hiện trên các báo chính thống như Nhân Dân, Quân đội Nhân Dân, Sài Gòn Giải phóng, hệ thống các báo điện tử của Bộ Thông tin-Truyền thông hay Thông tấn Xã Việt Nam, Đài Phát thanh Quốc gia (VOV, Voice of Việt Nam) hoặc Đài truyền hình quốc gia (VTV).
Ngay cả báo của Ban Tuyên giáo, Tạp chí Cộng sản, Xây Dựng Đảng và Quốc phòng Toàn dân cũng không đưa tin.
Như vậy, hoặc là Bộ Thông tin-Truyền thông đã kiểm duyệt ý kiến của ông Thưởng hay vì Ban Bí thư vẫn còn thảo luận nên không muốn thông tin để tránh bị Bộ Chính trị khiển trách?
Nhưng không chừng ông Thưởng đã tung bong bóng cho mọi người vồ nên đã có nhiều người hiểu sai lời nói của ông để biến con kiến thành con voi.
Bằng chứng như báo PLO đã trích lời ông Võ Văn Thưởng nói rằng: “Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”.
Ông Thưởng nói văn hoa như thế vì ông có bằng Thạc sĩ Triết học, nhưng đằng sau câu nói là sự thật giả vờ như PLO đã tiết lộ: “Ông Thưởng cũng cho rằng cần có quy định rõ ràng để từng cấp từng ngành từng cơ sở từng đơn vị xác định rõ trách nhiệm của mình và phương pháp trong trao đổi, đối thoại. Ông Thưởng nói đang cố gắng để Ban Bí thư thông qua vấn đề này trong thời gian tới”.
Nhưng nếu đối thoại với đảng mà lan tận xuống lớp cán bộ của ngành, cơ sở và đơn vị thì cái ý đối thoại của ông Thưởng chỉ co cụm vào giải quyết những tranh chấp giữa người dân với chính quyền địa phương chứ không can dự gì đến vị trí chính trị cầm quyền của đảng.
Bởi vì vai trò lãnh đạo của đảng CSVN đã được “đóng đinh” vào khoản 1 của Điều 4 Hiến pháp 2013, theo đó: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Như vậy, nếu cái ý đối thoại của ông Thưởng công bố ngày 18/05/2017 có hàm ý tìm một lối thoát cho ngõ bí đoàn kết và hoà giải, hòa hợp dân tộc sau 42 năm không nhúc nhích thì vị trí cầm quyền của đảng tất phải thay đổi.
Nhưng vào lúc này, căn cứ vào những gì đảng nói và đảng làm thì thật khó mà tin rằng đảng CSVN đã sẵn sàng thay đổi, nếu không phải là mỗi ngày một lạc hậu, bảo thủ, chai lì và chỉ biết bám vào Trung Hoa để tồn tại.
TẤM GƯƠNG QUÁ KHỨ
Lý do dễ hiểu vì trong quá khứ, đảng CSVN đã chứng minh, họ chỉ biết nắm quyền để hành dân, phục vụ cho quyền lợi của thiếu số lãnh đạo.
Cho nên dù đối thoại cách gì và ở cấp nào đi nữa thì cũng cần phải lấy những việc đã xẩy ra trong quá khứ để làm gương cho các cuộc nói chuyện tương lai, nếu xẩy ra.
Trong số này, đứng đầu là vấn đề khiếu kiện của dân đòi bồi thường cưỡng chiếm đất đai; đền bù không công bằng khi bị giải phóng mặt bằng; ô nhiễm môi trường do các công ty nước ngoài gây ra cho sông ngòi, mạch nước và trên đất liền ở khắp 3 vùng đất nước Bắc-Trung-Nam.
Vụ người dân Đồng Tâm gần Hà Nội, chống cưỡng chế đất nông nghiệp, kết thúc ngày 23/4/2017, sau 8 ngày căng thẳng giữa dân và chính quyền là bài học lịch sử không riêng cho nhà cầm quyền ở Thủ đô Hà Nội mà cho cả đảng CSVN.
Vậy phải chăng từ kết qủa ở Đồng Tâm, khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, đích thân đến tận thôn xã nói chuyện và dàn xếp với dân thì mọi việc được giải quyết nên bây giờ Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng mới bổ sung cho công tác đối thoại với dân bằng một quyết định của Ban Bí thư chăng?
Nếu mục đích chỉ nhỏ nhoi như thế thì cần gì phải đợi ý kiến của Ban Bí thư rồi cả Bộ Chính trị, cơ chế thật sự nắm quyền ở Việt Nam, nhẩy vào làm quan trọng hoá vấn đề để tuyên truyền cho chính sách mị dân của đảng. Nhưng có thể đây chỉ là chuyện con kiến mà ông Thưởng đã tô vẽ thành con voi, khiến nhiều người lầm tưởng là chuyện đại sự mà tưởng tượng ra một thứ Hội nghị Diên hồng để đối thoại với đảng.
Ngoài các vụ khiếu kiện đòi công bằng và công lý của dân, chắc chưa ai quên nhà nước CSVN đã từ chối đối thoại với trên 3.000 nhân sỹ, trí thức, những đảng viên nghỉ hưu gọi là lão thành cách mạng và văn nghệ sỹ khi họ yêu cầu đình chỉ dự án khai thác Bauxite trên Tây Nguyên vì đảng đã để cho Trung Quốc nhảy vào vùng đất chiến luợc này từ năm 2001 và vì viễn ảnh nguy cơ bị thảm họa bùn đỏ độc hại phá họai sinh thái và mạng sống của hàng triệu người dân, nếu các hồ chứa bị vỡ.
Cũng đáng nói là trong số những người ký tên vào kiến nghị có cả Đức cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Địa phận Vinh, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Gần đây nhất là kiến nghị và các cuộc biểu tình đòi đền bù và đòi đóng cửa Formosa Hà Tĩnh của hàng ngàn người dân miền Trung cũng đã bị nhà nước đáp trả bằng đàn áp đẫm máu.
Nhà máy gang thép này, gốc từ Đài Loan nhưng có Trung Quốc đứng sau chống lưng, đã thải chất độc ra biển ngày 6/4/2016 làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường và gây chết cho hàng chục ngàn tấn cá và các sinh vật biển khác.
Bây giờ, sau hơn 1 năm, thảm trạng ô nhiễm vẫn chưa được bảo đảm không còn; sinh vật biển phục hồi chậm; người dân không dám xâm mình ăn hải sản đánh bắt được ở tầng trên như nhà nước tuyên truyền đã an tòan; và nạn thất nghiệp, tương lai mờ mịt của hàng triệu người dân, nạn nhân của 4 tỉnh bị nhiễm độc gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Qủang Trị và Thừa Thiên-Huế vẫn còn quằn quại trong kinh hoàng.
Trong khi đó thì đảng và nhà nước lại tìm mọi cách để chống chế cho những quyết định phản khoa học, không hội đủ các tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh của thế giới để đánh lừa dân. Quan trọng hơn cả là chuyện chính phủ Việt Nam đã từ chối mọi giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và các nước tân tiến trên thế giới muốn giúp khảo nghiệm và tìm phương pháp giúp làm sạch mức nguy hại môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Vì vậy, thay vì nghiêm chỉnh đối thoại với dân để giải quyết những khó khăn trong hiện tại và trong tương lai của hàng triệu con người thì đảng và nhà nước CSVN lại bênh vực cho quyền lợi của Công ty Formosa và cho phép công ty này tiếp tục họat động.
Như vậy thì chuyện gọi là “đối thoại” của ông Võ Văn Thưởng đưa ra ngày 18/05/2017 nhằm mục đích gì, nếu không phải để đánh lạc hướng dư luận hãy còn lo âu về thảm họa Formosa và tung hỏa mù để tuyên truyền?