Bản tin ngày 7-6-2019

Tin Biển Đông

Việt Nam lên tiếng về việc TNS Mỹ muốn trừng phạt Trung Quốc ở Biển Đông, trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 6/6, người phát ngôn BNG Lê Thị Thu Hằng nói về vụ một số Thượng nghị sỹ Mỹ đề xuất dự luật trừng phạt Trung Quốc tại Biển Đông, “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo luật pháp quốc tế”.

Bà Hằng nói rằng, các bên “cần nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý được xác định bởi luật pháp quốc tế”, trong đó có UNCLOS. Nếu bà Hằng và những lãnh đạo của bà, vốn đã quen cúi đầu trước “bạn vàng”, không thể nhận ra giá trị của sự giúp sức từ người Mỹ đối với vấn đề Biển Đông, thì tốt nhất nên im lặng, thay vì nói những lời vô thưởng vô phạt.

‘Tổng thống Duterte dọa dân về chiến tranh trên Biển Đông với Trung Quốc’, theo báo Một Thế Giới. Ông Florin Pilot Hilbay, Tổng Chưởng lý trẻ nhất trong lịch sử Philippines và là người từng có công đưa Philippines “đến thắng lợi khi Tòa án trọng tài thường trực LHQ (PCA) phán quyết Trung Quốc không hề có ‘chủ quyền lịch sử’ trên Biển Đông” cho rằng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang dọa người dân Phi về viễn cảnh quân đội Phi bị tổn thất nặng nề bởi chiến tranh Biển Đông, để “hạ nhiệt” làn sóng chống Trung Quốc.

Mời đọc thêm: Việt Nam nói gì về việc thượng nghị sĩ Mỹ muốn trừng phạt Trung Quốc ở Biển Đông? (NLĐ). – Phản ứng của Việt Nam về dự luật Mỹ ngăn chặn quân sự hóa Biển Đông (VOV). – Bộ Ngoại giao thông tin Mỹ bán máy bay trinh sát cho Việt Nam (PLTP). – Điểm yếu cực lớn của tàu sân bay Trung Quốc sẽ tuần tra biển Đông (TP). – Tàu sân bay Trung Quốc có thể chỉ chạy được 6 ngày liên tục (VNE). – Quảng Nam: Ngư dân vẫn đánh bắt cá sau lệnh cấm của Trung Quốc (GDTĐ).

Tổng – Chủ Trọng tiếp tục “buông rèm chấp chính”

Báo Thanh Niên trích dẫn văn bản vừa được ban hành của Tổng bí thư, Chủ tịch nước: ‘Không để lọt vào cấp ủy người chạy chức, bè phái’. Theo đó, “nhân dịp Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã có bài viết quan trọng về chuẩn bị tổ chức đại hội”. Lẽ ra ông Trọng phải xuất hiện trong dịp này, nhưng có vẻ ông không còn sức để “diễn” nữa nên đành “chữa cháy” bằng văn bản.

Ông Trọng tại Hội nghị Trung ương 10, ngày 15/5/2019. Ảnh TTXVN

Trong bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng “nhấn mạnh 5 nhiệm vụ đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức đảng phải đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo thực hiện để chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp”. Chung quy cũng chỉ xoay quanh vấn đề cơ cấu nhân sự, trọng tâm của chiến dịch thanh trừng nội bộ.

Xuất hiện trên ‘văn bản’, ông Trọng chỉ đạo ‘kiên định CNXH, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng’, theo VOA. Bài viết nhận định, “sự vắng mặt liên tục của ông Nguyễn Phú Trọng trong gần hai tháng qua đã gây ra nhiều chú ý và đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông. Bất chấp sự kiện ông bất ngờ xuất hiện trở lại trong một buổi họp giữa các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam vào ngày 14/5 và vài ngày sau, những đồn đoán có vẻ như đã chấm dứt, sau lần xuất hiện này lại nổi lên”.

Tình hình chính trường đầy mâu thuẫn của VN hiện tại không cho phép ông Trọng “diễn” được vài ba hôm là xong, nhất là vụ trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98 hôm 29/5, mà báo chí “lề đảng” trước đó thông báo rằng, ông Trọng sẽ là người trực tiếp trình lên Quốc hội, để rồi ông lại lặn mất tăm.

Mời đọc thêm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng (ĐV). – Tổng bí thư: Không để những người chạy chức lọt vào cấp ủy khóa mới (TT). – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Vẫn còn cấp ủy biểu hiện “trên có chính sách, dưới có đối sách” (Viet Times). – Toàn văn bài viết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước về chuẩn bị Đại hội Đảng 13 (KS).

Phó TT Phạm Bình Minh trong phiên chất vấn, đề cập đến sai phạm Thủ Thiêm

Báo Thanh Tra dẫn lời Phó Thủ tướng: Khẩn trương kết luận thanh tra, xử nghiêm vi phạm ở Khu đô thị Thủ Thiêm. Lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 6/6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các cơ quan chức năng “khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm (PVTex, Ethanol Phú Thọ, Cảng Quy Nhơn; các dự án BOT, BT giao thông; Công ty VN Pharma; Khu đô thị mới Thủ Thiêm…)”.

VTV dẫn lời Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Phòng chống tham nhũng vẫn còn tồn tại, hạn chế. PTT thừa nhận: “Các quy định của pháp luật vẫn còn sơ hở, bất cập. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện vi phạm trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ thu hồi, xử lý về tiền, tài sản, đất đai trong các vụ tham nhũng còn thấp”.

“Tham nhũng vặt”: Hậu quả không hề “vặt”: Bài 1: Xử mạnh tham nhũng to nhưng rất lo “tham nhũng vặt”. Theo đó, “tham nhũng vặt” có thể “kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho địa phương, đơn vị trong thu hút đầu tư; làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp”.

Đó là tư duy làm gì cũng phải có “tiền bôi trơn” gắn liền với một xã hội không dân chủ, một nhóm người quản lý không nổi nhưng vẫn “quản lý” mọi phương diện kinh tế – chính trị.

Mời đọc thêm: PTT Phạm Bình Minh: Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm tại các dự án PVTex, Ethanol Phú Thọ, Cảng Quy Nhơn, KĐT Thủ Thiêm (KT&TD/VNBiz). – TP HCM sắp đấu giá 9 lô đất “vàng” ở Thủ Thiêm (NLĐ). – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lần đầu ngồi “ghế nóng” trả lời chất vấn (NLĐ). – Xử lý nghiêm hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng như Vũ “nhôm”, Út “trọc” (LĐ). – Thương chiến Mỹ – Trung có thể làm giảm 6.000 tỉ đồng GDP Việt Nam (TT). – Bài 2: Xói mòn lòng tin của nhân dân (ĐCSVN).

UBND TP Đà Nẵng bị kiện

Báo Tiền Phong đưa tin: UBND TP Đà Nẵng bị Cty thép Dana – Ý khởi kiện, đòi bồi thường 400 tỉ đồng. Ngày 6/6, TAND TP Đà Nẵng xác nhận, đã tiếp nhận đơn khởi kiện UBND TP Đà Nẵng của Công ty CP thép Dana – Ý đòi bồi thường 400 tỉ đồng. “Các thủ tục thụ lý vụ kiện đang được thực hiện theo quy định”.

Trong đơn khởi kiện, Cty CP Dana – Ý đề nghị TAND TP Đà Nẵng xem xét các yêu cầu hủy Công văn số 1446 ban hành ngày 2/3/2018, hủy một phần quyết định 5585 ban hành ngày 23/11/2018 (các văn bản này đều do ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ký), đồng thời buộc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bồi thường thiệt hại.

Báo Người Lao Động có bài: Thời gian hòa giải hết hiệu lực, Nhà máy thép kiện Đà Nẵng đòi 400 tỉ đồng. Ông Nguyễn Thành, Chánh án TAND TP Đà Nẵng, cho biết, sau khi tiếp nhận đơn kiện nói trên, TAND TP Đà Nẵng đã thực hiện các thủ tục để thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật. Nhưng gần đây, phía Công ty CP Thép Dana – Ý yêu cầu tòa án tạm dừng thụ lý vụ án để hai bên thương lượng nhằm tìm giải pháp tối ưu nhất và tòa đã thực hiện theo yêu cầu.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Tân, TGĐ Công ty CP Thép Dana – Ý giải thích, đến thời điểm hiện tại, do thời gian hòa giải theo quy định đã hết hiệu lực và do áp lực của cổ đông nên công ty cũng đã tiến hành nộp án phí để TAND TP Đà Nẵng tiếp tục thụ lý giải quyết: “Đây mới chỉ là bước khởi đầu, nếu UBND TP Đà Nẵng không có động thái giải quyết, công ty sẽ tiếp tục có nhiều đơn kiện nữa”.

Mời đọc thêm: Một công ty khởi kiện UBND Đà Nẵng, đòi bồi thường gần 400 tỷ đồng (VTC). – Kiện UBND TP Đà Nẵng ra tòa, Công ty thép Dana-Ý đòi bồi thường 400 tỷ đồng (Viet Times). – Đà Nẵng đối diện nguy cơ đền bù 400 tỉ đồng cho nhà máy thép (LĐ).

Các vụ “ăn” đất

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về dự án sân bay Long Thành: Đền bù đất bị thu hồi ra sao? Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Hiện trung ương đã bố trí 11.000 tỉ đồng để tỉnh giải phóng mặt bằng 5.000ha và tổ chức tái định cư cho người dân… Hiện nay chúng tôi đã tăng cường hơn 50 cán bộ xuống địa bàn huyện Long Thành tập trung lo việc kiểm đếm, đo đạc đất đai để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân”.

Biếm họa của LAP/ TTC

Nhiều sai phạm trọng sử dụng đất công ở Quảng Nam, theo báo Đất Việt. Bài báo đưa tin, Kiểm toán Nhà nước khu vực III vừa công bố kết quả kiểm toán chuyện sử dụng đất công trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017 tại Quảng Nam.

Tính đến cuối năm 2017, tỉnh này có 46,7 triệu m2 đất của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa được chuyển về Sở TN&MT quản lý, theo dõi. Tuy nhiên, diện tích đất thuê tại một số doanh nghiệp (chênh lệch gần 2,4 triệu m2) chưa khớp với diện tích cơ quan thuế lập.

Báo Nghệ An có bài: Cán bộ địa chính có dấu hiệu tội phạm, xã chỉ kiến nghị xử lý hành chính. Theo đó, một cặp vợ chồng ở xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu vừa gửi đơn tố cáo bà Lê Thị Hương Giang – cán bộ địa chính xã này lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 1.050m2 đất của gia đình này rồi chia nhau với cán bộ huyện.

Bài viết lưu ý, mặc dù bà Giang đã giả mạo chữ ký của một số thành viên trong gia đình nói trên “trong các hợp đồng chuyển nhượng nhưng UBND xã Quỳnh Châu vẫn chứng thực cho các hợp đồng này là không đúng với quy định về chứng thực”.

Lừa đảo nhiều người, Giám đốc dự án khu dân cư bị bắt, theo báo Lao Động. Chiều 6/6 Công an tỉnh Bạc Liêu đã bắt ông Nguyễn Việt Trung, GĐ Công ty Thiên Phúc, vì liên quan đến sai phạm tại dự án Khu dân cư Nọc Nạng, thị xã Giá Rai. Đây là dự án do Công ty Thiên Phúc trúng thầu năm 2011, trị giá 63 tỉ đồng.

Tuy nhiên, sau đó Công ty Thiên Phúc xin điều chỉnh quy hoạch phân lô dự án và được UBND huyện Giá  Rai phê duyệt điều chỉnh phân lô tăng từ 294 nền lên 358 nền. “Ông Trung không chỉ lừa bán 1 nền cho nhiều người mà ngay cả đất của cơ quan nhà nước, ông cũng lấy đi thế chấp”.

Mời đọc thêm: Sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại Quảng Nam (ĐT). – Bạc Liêu: Bắt giam chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Nọc Nạng (VOV). – Bắt giam một giám đốc Công ty bất động sản ở Bạc Liêu (PLTP). – Đà Nẵng luân chuyển một loạt cán bộ quản lý đất đaiKhởi tố vụ sai phạm đất đai, xây dựng ở Bình Chánh (PLTP). – Cán bộ xã bán đất công ở Sơn La: Huyện xử lý kiểu “giơ cao đánh khẽ”? (KT).

Cho thuê đất trái luật, một phó chủ tịch huyện ở tỉnh Ninh Thuận nói ‘chuyện đã lỡ’ (VTC). – Vụ Gia Lai lại tái diễn tình trạng san lấp đất ruộng để bán nền: Nếu không khắc phục nguyên hiện trạng sẽ thu hồi đất (TN&MT). – Giám đốc lâm trường phải trả lại đất “mượn” làm trang trại (LĐ). – Bắc Kạn: Tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp, chủ tịch xã có lộng quyền? (MTĐT).

Tin nhân quyền

Báo Thanh Niên đưa tin: Nguyễn Ngọc Ánh sử dụng mạng xã hội chống phá Nhà nước, lãnh án 6 năm tù. Ngày 6/6, TAND tỉnh Bến Tre đã kết thúc phiên xử sơ thẩm và tuyên phạt kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh 6 năm tù giam, 5 năm quản chế, về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền, thông tin tài liệu chống phá Nhà nước”.

Theo cáo trạng, từ tháng 3 đến tháng 8/2018, Sở TT&TT tỉnh Bến Tre phát hiện ông Nguyễn Ngọc Ánh sử dụng nhiều email, mạng xã hội để livestream, trao đổi thông tin, cung cấp hình ảnh, tư liệu “kết nối với 14 tài khoản Facebook khác để phát tán, chia sẻ các nội dung tuyên truyền, lôi kéo, kích động, tổ chức biểu tình, xuyên tạc chính sách pháp luật, vu khống, bịa đặt gây tâm lý hoang mang, chống phá chế độ XHCN”.

RFA có bài: Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh bị tuyên án 6 năm tù. Bài viết dẫn lời chị Nguyễn Thị Châu, vợ ông Ánh, khẳng định, đây là một phiên tòa sắp đặt, (như bao phiên tòa xử các nhà hoạt động trước đó), rằng chồng chị không có tội. Chị Châu nói: “Nói chung đối với em và ông xã em thì chúng em đã xác định 6 năm hay 10 năm thì chúng em cũng coi như là mình không có tội, vì phiên tòa này chỉ là phiên tòa áp đặt. Mình chỉ ngồi nghe họ đọc thôi”.

Facebooker Nguyễn Ngọc Ánh tại phiên tòa ngày 6/6/2019 ở tỉnh Bến Tre. Ảnh: Reuters

Vụ ông Ánh bị kết tội vì “livestream”, chị Châu nói: “Những lời nói lên tiếng của người dân về môi trường, về Hoàng Sa, Trường Sa, về học đường, bất tuân dân sự, và bảo vệ dân oan thì ông nói đó là tiếng nói của ông ấy, là tiếng nói của người dân yêu nước, người dân có quyền. Cái đó ông không nhận tội”.

Mời đọc thêm: Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh bị xử 6 năm tù, 5 năm quản chế (VOA). Báo “lề đảng”: Phạt 6 năm tù kỹ sư thủy sản phát tán tài liệu chống phá nhà nước (VOV). – Phát tán thông tin chống phá Nhà nước trên mạng xã hội, lĩnh án 6 năm tù (Tin Tức).

Vụ Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói VN “xâm lược” Campuchia

Việt Nam đã gửi công hàm về phát biểu của thủ tướng Singapore, Zing đưa tin. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng cho biết trong buổi họp báo thường kỳ ngày 6/6, rằng: “Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan liên quan đã giao thiệp chính thức và không chính thức với đối tác Singapore. Chúng tôi đã có công hàm gửi tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội. Tôi tin rằng phía Singapore hiểu rõ thông điệp của chúng ta”.

Bà Hằng nói thêm: “Đóng góp và hy sinh của Việt Nam trong việc cùng nhân dân Campuchia chấm dứt tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ là sự thật đã được thừa nhận rộng rãi”. Tuy nhiên, chuyện CS Bắc Việt hậu thuẫn cho lực lượng CS Campuchia (Khmer Đỏ) để có đường tiến vào miền Nam VN cũng là sự thật đã được thừa nhận rộng rãi.

BBC đặt câu hỏi về cuộc chiến lật đổ Pol Pot: Khó khăn khi Việt Nam thuyết phục quốc tế? Bài viết nhận định, “có vẻ như ban đầu Việt Nam tưởng rằng thế giới sẽ nhanh chóng quên chuyện Việt Nam tiến vào Campuchia… Suy nghĩ này hóa ra là sai lầm, và Việt Nam phải trả giá”.

Các nhóm quan điểm chính làm nên thái độ không thiện cảm của quốc tế trước cuộc chiến VN – Campuchia: “Mỹ và các đồng minh xem hành vi của Việt Nam là một phần trong Chiến tranh Lạnh. Asean lo sợ Việt Nam can thiệp vào Campuchia báo hiệu tham vọng bá chủ khu vực. Các nước trung lập lo ngại Việt Nam vi phạm luật quốc tế”.

Mời đọc thêm: Việt Nam gửi công hàm cho Singapore sau phát ngôn của ông Lý Hiển Long (TT). – Việt Nam trao đổi với Singapore về phát biểu ‘xâm lược Campuchia’ của Thủ tướng Lý Hiển Long (VNE). – Gay gắt và ôn hòa – người Việt phản ứng trước việc dùng từ “xâm lược” của Lý Hiển Long (Sputnik). Nguyễn Lương Hải Khôi: Việt Nam giải phóng Campuchia khỏi Khmer Đỏ: khách quan hay hư cấu? (TD). – Tội ác diệt chủng: Người đàn bà bị đạn xuyên đầu, thấu ngực sống sót khó tin giữa cánh đồng xác chết (ĐSVN).

“Cát tặc” hoành hành

Bài thứ hai trong loạt phóng sự trên báo Thương Hiệu và Pháp Luật: “Đột kích” bãi tập kết cát lậu “khổng lồ”. Bài viết  bàn về hoạt động khai thác cát lậu tại tại thôn 3, xã Ea M’Đoal, huyện M’Đrắk, Đắk Lắk “diễn ra công khai từ chiều tối và sáng sớm, hàng trăm mét khối cát trên thượng nguồn thủy điện Nguồn Sáng đã bị các đối tượng ‘cát tặc’ rút ruột và chở đi tiêu thụ. Nghiễm nhiên, họ bỏ túi hàng chục triệu đồng mỗi đêm. Trái lại, tài nguyên khoáng sản của quốc gia đang bị đục khoét hằng ngày, hằng giờ” nhờ sự “làm ngơ” của chính quyền xã Ea M’Đoal.

Báo Một Thế Giới có bài: Phó Công an xã ‘bảo kê’ cho kẻ trộm cát. Theo đó, đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng Công an huyện Châu Thành, Bến Tre vừa có báo cáo xác nhận hành vi sai phạm của ông Lê Quang Thận, Phó Công an xã Thành Triệu liên quan đến nhóm khai thác cát trái phép.

Trước đó, vào rạng sáng 23/2, có 2 công an viên ấp Phước Thạnh I bắt quả tang một ghe gỗ khai thác cát trái phép trên sông Ba Lai, đã gọi điện báo cho cấp trên. “Khi ghe đến cầu Đò, trên bờ đê có ông Thận đứng đợi sẵn”. Lúc này ông Thận và ông Triệu, chủ ghe, xưng hô như 2 người quen biết từ trước. Đến khoảng 5 giờ sáng, ông Thận gọi cho 1 trong 2 công an viên nói trên: “Cho ghe của Triệu đi đi, vì đã đặt tiền bảo lãnh phương tiện xong”.

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Lại phát hiện bơm hút cát lén lút trên sông Đồng Tranh. Theo đó, công an đường thủy TP HCM vừa phát hiện một thuyền bơm hút cát của 1 người dân ở huyện Cần Đước, Long An khai thác cát trái phép trên sông Đồng Tranh. Đó là “phương tiện có số đăng ký LA-07309, trọng tải toàn phần 170 tấn, công suất 350 CV để bơm hút cát”.

Mời đọc thêm: TPHCM chi hơn 160 tỉ đồng “chiến” với cát tặc (LĐ). – Phóng sự điều tra – Kỳ 1: “Thâm nhập” đại công trường khai thác cát lậu quy mô lớn (TH&PL). – Bắt quả tang 3 phương tiện ‘cát tặc’ hút trộm cát trên sông Hàm Luông, Bến Tre (TN). – Vụ ‘dàn trận địa cọc tre’ ngăn cát tặc: Doanh nghiệp vi phạm chây ì khắc phục (TP).

Quảng Trị: Cát tặc chơi trò “cút bắt” trên sông Hiếu (Infonet). – Bình Định: Khai thác cát Khu kinh tế Nhơn Hội chưa có giấy phép để làm bến xe Nhơn Lý (TN&MT). – Hà Tĩnh: Buông lỏng quản lí khai thác cát trên sông Ngàn Phố (DS). – Sẽ xử lý nghiêm các cá nhân liên quan khai thác trái phép ở Suối Máu (MTĐT).

***

Thêm một số tin: Ngăn hàng nhập khẩu Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam (DNVN). – 20 năm mòn mỏi chờ công nhận liệt sỹ: Đề nghị sưu tầm thêm lý lịch người làm chứng (Infonet). – Vì sao nhóm giang hồ từng buộc nhà báo gỡ bài bị tấn công ở Sài Gòn (VNN). – Chủ hụi “bốc hơi” cùng tiền tỷ, hàng trăm người điêu đứng (CAĐN).

Bình Luận từ Facebook