Trân Văn
21-5-2019
Người Việt thường dùng thành ngữ “chịu đấm ăn xôi” để chỉ những kẻ trâng tráo, chấp nhận bị khinh ghét để thủ lợi. Không chỉ chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, Bộ Giao thông – Vận tải mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tiếp tục “chịu đấm, ăn xôi”,…
***
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố kết quả kiểm toán tám dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT và 7/8 dự án từ Bắc vào Nam đều có vấn đề (1):
a/ Không tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư mà chỉ định nhà đầu tư. Cũng vì vậy, lẽ ra BOT là cách để tận dụng vốn riêng của nhà đầu tư trong việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông thì lại giao đủ loại “đầu heo” cho nhà đầu tư “nấu cháo”: Có loại “đầu heo” là tiền chính phủ đứng ra vay của bá tánh bằng cách bán trái phiếu rồi giao cho các nhà đầu tư. Có loại “đầu heo” là mồ hôi, nước mắt của dân lành, được nhà đầu tư chắt lọc qua các trạm thu phí bỏ vào, rồi gọi đó là “bổ sung vốn chủ sở hữu”. Do vậy, có thể gọi loại “đầu heo” thứ hai này là phương thức lấy mỡ dân lành rán chính họ!
b/ Tính toán, phê duyệt sai đủ thứ, từ tổng mức đầu tư đến sai khối lượng, sai đơn giá và sai nhiều thứ mà KTNN ngại liệt kê nên gọi chung là… “sai khác”. Nhờ vậy, nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT được thu phí dài hơn, với mức phí cao hơn. KTNN kiến nghị giảm 1.059 tỉ đồng trước đó đã được xác định là giá trị của 7/8 dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT, giảm đi 16 năm 2 tháng được phép thu phí của 7/8 dự án này. Có một điểm đáng ngạc nhiên là KTNN tiếp tục làm ngơ, không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của bất kỳ ai!
Với (a) chẳng lẽ những cá nhân không tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư, thản nhiên chỉ định những nhà đầu tư không đủ năng lực mà luật đã định, không vi phạm điều 222 Luật Hình sự. Những cá nhân quyết định giao nguồn tiền do chính phủ đứng ra vay thông qua bán trái phiếu, vi phạm Nghị quyết số 65/2013/QH13 mà Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 15 tháng 11 năm 2013, cũng không phạm tội nào hết? Tương tự, những cá nhân cho nhà đầu tư lấy mỡ dân lành rán chính họ – thu phí để “bổ sung vốn chủ sỡ hữu” – là hoàn toàn… thiện lành, thành ra không phạm tội nào cả?
Còn với (b), thôi thì KTNN không màng đến trong nhà – “lợi ích của nhà nước”, không quan tâm “bảo vệ trật tự pháp luật” cho dù rõ ràng các bên có liên quan cố tình sai đủ thứ, song chẳng lẽ dân rên như bọng, KTNN nhẫn tâm lờ đi, không đếm xỉa đến tiền bạc của dân lành mà cả hiến pháp lẫn luật pháp cam kết bảo vệ. Khi mức phí, thời hạn thu phí vượt xa mức hợp lý, các trạm thu phí BOT trở thành yếu tố làm vật giá tăng vọt, dân lành chia nhau lãnh đủ, chẳng lẽ những cá nhân dính líu đến tính toán sai, phê duyệt sai không phạm tội nào trong chương dành cho các tội xâm phạm quyền sở hữu trong Luật hình sự?
Đây không phải là lần đầu tiên KTNN nói riêng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nói chung hành xử kỳ quái như thế.
Năm 2016, sau khi kiểm toán 21 dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT, KTNN từng phát giác những vấn đề y hệt như vừa kể và kiến nghị giảm 1.150 tỉ đồng trước đó đã được giới hữu trách công nhận là giá trị của 21 dự án này, đồng thời kiến nghị giảm thời hạn được phép thu phí của 21 dự án, cộng chung là 107 năm.
Năm 2017, sau khi kiểm toán thêm 40 dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT khác, KTNN tiếp tục xác định, những vấn nạn cũng chẳng khác gì những vấn nạn mà cơ quan này công bố năm 2016 và kiến nghị giảm 1,460 tỉ đồng trước đó đã được giới hữu trách công nhận là giá trị của 40 dự án được kiểm toán, đồng thời kiến nghị giảm thời hạn được phép thu phí của 40 dự án, cộng chung là… 120 năm (3).
Sau đó thì sao? Vấn nạn BOT vẫn thế! Không có ai bị truy cứu trách nhiệm và không có bất kỳ chuyển biến nào! Thậm chí những người phản kháng hoạt động của các trạm thu phí BOT đã được giới hữu trách xác định là đặt sai vị trí và đề nghị dẹp bỏ song vẫn ngang nhiên tổ chức thu phí, còn bị tống giam, chờ ngày ra tòa như Hà Văn Nam (4), bị đánh vỡ mặt như mới xảy ra ở trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài (5).
Nếu xem KTNN như phẫu thuật viên, ba lần tổ chức kiểm toán các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT suốt từ 2016 đến nay giống như ba ca phẫu thuật thì ca nào, phẫu thuật viên cũng chỉ rạch các khối u để ai cũng thấy bên trong bầy nhầy, hôi thối, nguy hại cho cơ thể quốc gia ra sao rồi để đó, không làm sạch dù dân chúng vật nài xin điều trị.
***
Cuối tuần trước, Việt Nam tổ chức khánh thành cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu. Vốn xây dựng cây cầu dài 2.970 mét, rộng 20,6 mét, trị giá 5.697 tỉ đồng này, chủ yếu do Nam Hàn hỗ trợ thông qua ODA ưu đãi, chính phủ Việt Nam chỉ bỏ một khoản nhỏ gọi là vốn đối ứng. Điểm đáng nói là các phương tiện giao thông qua lại cầu Vàm Cống phải trả phí cho Trạm thu phí T2 của Dự án cải tạo – mở rộng quốc lộ 91 theo hình thức BOT.
Trạm thu phí T2 đã nổi tiếng từ lâu vì vị trí mà cả dân chúng lẫn chính quyền các tỉnh Kiên Giang, An Giang cùng cho là… độc địa: Phương tiện giao thông ra vào hai tỉnh này đều phải lưu thông khoảng vài trăm mét trên quốc lộ 91 và do vậy, phải trả phí như các phương tiện lưu thông trên toàn tuyến quốc lộ 91 được cải tạo, mở rộng theo hình thức BOT.
Đầu năm ngoái, dân chúng và chính quyền các tỉnh An Giang, Kiên Giang bắt đầu đề cập đến chuyện phải di dời Trạm thu phí T2 đến vị trí hợp lý hơn còn vì, nếu không, sẽ giống như tạo điều kiện cho chủ đầu tư “đi tắt, đón đầu”, thu phí tất cả những phương tiện giao thông sử dụng cầu Vàm Cống dù nhà đầu tư không bỏ ra đồng nào để xây dựng cây cầu này. Lúc ấy, đại diện Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam thừa nhận, vị trí Trạm thu phí T2 rõ ràng là “bất cập, không công bằng” nhưng chuyển đến vị trí khác thì có thể làm vỡ “phương án tài chính của dự án, tiền mà chủ đầu tư vay của ngân hàng sẽ trở thành ‘nợ xấu’ của quốc gia” (6).
Từ đó đến nay đã 18 tháng, Trạm thu phí T2 vẫn tọa lạc ở vị trí cũ, từ cuối tuần vừa qua bắt đầu thu phí từ chủ những phương tiện giao thông qua lại cầu Vàm Cống, bất kể họ có dùng quốc lộ 91 hay không! Cần lưu ý rằng, 18 tháng trước, trả lời báo giới, nhà đầu tư công trình cải tạo, mở rộng quốc lộ 91 theo hình thức BOT từng tỏ ra rất tự tin vì… vị trí Trạm thu phí T2 vừa có sự đồng thuận của ngân hàng, vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Nhờ ngân hàng hỗ trợ, bắt “nợ xấu” làm con tin, khống chế cả nền kinh tế, lại còn “cột” được cả chính phủ bằng sợi thừng “liên đới trách nhiệm”, thảo nào, KTNN xác định, việc phê duyệt tổng mức đầu tư của công trình cải tạo, mở rộng quốc lộ 91 theo hình thức BOT vượt giá trị thực khoảng 100 tỉ, cần giảm thời hạn được phép thu phí khoảng bốn năm thì cũng chẳng có ai bị gì cả (7).
Ai đấm cứ đấm, miễn sao xôi vẫn đầy mâm. Trông vào nhận định của KTNN, thậm chí kết luận của Thanh tra chính phủ để đấm chỗ này, chỗ kia, coi chừng phải ăn cơm tù!
Chú thích
(6) https://tuoitre.vn/bo-thua-nhan-bot-quoc-lo-91-bat-cap-nhung-van-chua-di-doi-20180112082523023.htm
Xin có câu hỏi về “chịu đấm ăn xôi” hay “cố đấm ăn xôi”.Câu nào đúng ?
Nữ sĩ Hố Xuận Hương có bài thơ trong đó có 2 câu như sau :
Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn mướn không công.
Sở dĩ kiểm toán không đưa ra ý kiến xứ lý vì dã nhận phần.
Kiểm toán đã kết luận sai phạm mà BOT vẫn không thay đổi vì BOT của quan to,đã lo lót rồi!