Mạc Văn Trang
26-3-2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mấy lần lớn tiếng tuyên bố trước truyền thông: Niềm tin của nhân với Đảng và Nhà nước chưa bao giờ lớn như lúc này! Nhưng chính quyền bên dưới lại toàn phá niềm tin của dân. Ví dụ như chuyện quê tôi.
Từ Tết đến giờ, tôi liên tục nhận được điện thoại của bà con ở quê gọi đến, bảo bác ở Hà Nội, “gần trung ương” có cách gì giúp chúng em với. Có người bảo, làng bây giờ như “ấp chiến lược’, loa phát thanh giải thích, hăm dọa; dân thì liên tục bị triệu tập họp nghe về chủ trương thu hồi đất nông nghiệp; dân họp mấy lần, không nghe, sau triệu tập không đi họp nữa. Thế là lại triệu tập họp đảng viên mấy lần, đe dọa: nếu đảng viên không chấp hành sẽ bị kỷ luật; rồi họp Cựu chiến binh…
Dân không đi họp thì họ kéo từng tốp cán bộ đến từng nhà vận động, phát giấy kê khai nhân khẩu, ruộng đất và dỗ dành bán đất trước sẽ có ưu tiên… Một vài nhà đang túng bấn, nợ nần, có người nhà đang bệnh, nên đành bán đất… Tết năm nay chả mấy nhà treo cờ; Hội làng năm nay chẳng mấy người tham gia. Không khí trong làng rất căng thẳng và buồn chán… Đầu đuôi là thế này.
Làng Vũ La quê tôi thuộc xã Nam Đồng, huyện Nam Sách, nhưng nay “quy hoạch” về TP Hải Dương. Thấy vậy dân cũng mừng. Nhưng lệnh của “trên” về phổ biến, khi lên Phường, thì phải giao hết đất nông nghiệp phía trước làng cho TP! Cánh đồng trước làng, bờ xôi ruộng mật, một năm làm ba vụ lúa/màu; trước đây, từ 2008, đã bị thu hồi làm nhà máy, xí nghiệp mất một phần. Nay còn gần 40 mẫu, dân đang canh tác, mà yêu cầu thu hết, kể cả những mẩu đầu thừa, đuôi thẹo… Mà thu đất của dân, nhưng không cho “Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra” thu hồi để làm gì? Đưa bản đồ quy hoạch cho dân xem; Bản vẽ công trình là gì? Doanh nghiệp sử dụng đất sao không gặp dân, thỏa thuận… Tất vả đều “bí mật”!
Dân đã gửi Đơn sau đây lên Chủ tịch TP Hải Dương, với chữ ký của hơn 100 hộ dân, nhưng không được trả lời, mà cán bộ cứ về làng triệu dân họp; dân không đi thì đến từng nhà hối thúc rất căng thẳng… (Dưới đây là Đơn của dân làng, mong có bác nào báo cáo cho “Trên” biết để an dân).
***
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
ĐƠN YÊU CẦU
Vũ La, ngày 2/3/2019
Kính gửi: Ông Chủ tịch UBND Thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, thay mặt và đại diện cho các hộ dân thôn Vũ La, xã Nam Đồng thuộc Thành phố Hải Dương (trước đây là Huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) viết ĐƠN YÊU CẦU này gửi tới ông Chủ tịch và UBND Thành phố Hải Dương để đề đạt và kiến nghị các ông giải quyết những đòi hỏi và yêu cầu của các hộ dân chúng tôi trên cơ sở người dân và chính quyền cùng thượng tôn pháp luật!
Ngày 16 tháng 01 năm 2019 vừa qua, chúng tôi nhận được Thông báo số 35/TB-UBND do ông Phó Chủ tịch Trần Hồ Đăng thay mặt UBND Thành phố Hải Dương ký gửi các hộ dân, nội dung nói “Về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 1829/QĐ-UBND ngày 29/5/2008 của UBND tỉnh Hải Dương về việc thu hồi và tạm bàn giao đất cho Công ty thương mại, vận tải Thành Đạt để kiểm kê, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng”. Nhận được thông báo này tất cả các hộ dân ở thôn Vũ La chúng tôi mới ngỡ ngàng té ngửa biết rằng ruộng đất của chúng tôi đã có quyết định thu hồi từ trên 10 năm trước, nay chúng tôi mới được biết?
Trước hết, xin được hỏi và đề nghị ông và quý cơ quan giải thích cho các hộ dân chúng tôi hiểu và biết rõ mấy vấn đề cụ thể sau đây:
1/. Quyết định 1829 nói trên của UBND tỉnh Hải Dương ban hành cách đây đã trên 10 năm, lý do vì sao nay mới thông báo cho các hộ dân chúng tôi? Nội dung chi tiết, phạm vi, đối tượng áp dụng quyết định này có còn hiệu lực thi hành? Lý do vì sao văn bản Quyết định số 1829 nói trên đến nay cũng không gửi cho các hộ dân có đất bị thu hồi biết để thực hiện?
2/. Khái niệm “Thu hồi và tạm bàn giao đất cho doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt” (như tiêu đề của Quyết định 1829), chúng tôi thực sự chưa hiểu! Đề nghị quý cơ quan giải thích cho chúng biết thế nào là “tạm bàn giao”? Khái niệm này nằm trong Điều khoản nào của các Luật Đất đai 2003 và 2013, cũng như của Điều nào, Khoản mấy của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về thi hành Luật Đất đai 2013?
3/. Khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai 2013, quy định: “Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm”. Căn cứ vào riêng quy định này, chúng tôi thấy Thông báo số 35/TB-UBND ngày 16/01/2019 của quý cơ quan không những trái với Luật Đất đai 2013 mà còn không tuân thủ quy định 5 bước của Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 43/NĐ-CP của Chính phủ! Thông báo số 35/TB-UBND nói trên tính đến ngày 2/3/2019 mới chỉ được 45 ngày, cớ sao thúc ép người dân chúng tôi phải bàn giao mặt bằng ngay?
4/. Tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi của thôn Vũ La (mà các cán bộ xã và thành phố đang thúc ép người dân đủ cách để buộc chúng tôi phải sớm bàn giao mà không dựa trên văn bản pháp lý nào của các cấp có thẩm quyền) là vào khoảng trên 13 hecta (tức trên 35 mẫu Bắc bộ). Tất cả các hộ dân sử dụng đất bị thu hồi đều đã được UBND huyện Nam Sách trước đây hoặc Thành phố Hải Dương hiện nay cấp Giấy Chứng nhận. Việc thu hồi đất nông nghiệp để giao cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh nhất thiết phải theo đúng Luật Đất đai 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, không thể khuất tất và tùy tiện! Tại sao chính quyền đến nay không có văn bản nói rõ tổng diện tích đất bị thu hồi, và không giao quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân có đất bị thu hồi theo quy định? Người dân chúng tôi rất thắc mắc và muốn được quý cơ quan giải thích lý do vì sao phải “giấu tổng diện tích đất định thu hồi này”?
5/. Các hộ dân chúng tôi không chống đối việc giao đất cho các doanh nghiệp và sẵn sàng bàn giao mặt bằng để họ thực hiện các dự án phát triển kinh tế, nhưng phải trên cơ sở đúng quy định của Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan! Cụ thể, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp Thành Đạt phải trực tiếp bàn bạc, thống nhất giá cả và phương án bồi thường, hỗ trợ, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp với các hộ dân có đất bị thu hồi, v.v… Ngoài ra chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp Thành Đạt nhất thiết phải cam kết và có phương án bảo vệ an toàn môi trường một cách nghiêm ngặt, vì đây là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết cho cuộc sống của chúng tôi hiện nay và cả sau này! Chỉ sau khi 2 bên nhất trí cùng nhau đạt thỏa thuận chung theo đúng quy định của pháp luật có sự chứng kiến của chính quyền, lúc đó các hộ dân chúng tôi mới có thể bàn giao mặt bằng cho dự án!
Xin cảm ơn và kính gửi quý cơ quan lời chào trân trọng.
Nơi nhận:
– Như trên
– UBND tỉnh Hải Dương
– Bộ Tài nguyên và Môi trường
– Lưu
Ảnh chụp danh sách các hộ dân có đất bị thu hồi ký tên: