Cuộc chiến của hai Thầy?

FB Trần Vũ Hải

23-3-2019

Mấy hôm nay, chùa Ba Vàng nổi lên thành chủ đề nóng của cư dân mạng và báo chí. Chùa Ba Vàng toạ lạc tai Uông Bí, Quảng Ninh, vốn là chùa cổ, đến năm 2007 Thích Trúc Thái Minh cùng đệ tử, du khách, phật tử bỏ công trùng tu vốn xã hội hoá đến 500 tỷ đồng, thực chất là xây mới. Tháng 3/2014, Chùa Ba Vàng mới được xây xong, chủ tịch Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiên Nhân đến và cắt băng khánh thành.

Chùa BV trở thành chùa lớn nhất Việt Nam, có công lớn của thầy Thích Trúc Thái Minh, hiện đang trụ trì Chùa. Thầy tên Vũ Minh Hiếu, sinh năm 1967, tốt nghiệp đại học Kinh Tế Kế hoạch, đến năm 1998 xuất gia. Có lẽ kiến thức học kinh tế của thầy đã giúp thầy thành công trong việc huy động vốn xây ngôi chùa giờ có tiếng bậc nhất Việt Nam, có đông đảo Phật tử, môn sinh và khách thập phương từ khắp nơi, kể cả những quan chức cao cấp nhất Việt Nam. Nói nôm na và theo trào lưu, thầy Minh đã startup đại thành công.

Sau khi báo Lao động có loạt bài (kèm video) tố chùa BV thỉnh vong báo oán và thu tiền “dịch vụ”, bão tố nổi lên với thầy Minh và chùa Ba Vàng, thầy Phó Ban trị sự Phật Giáo tỉnh Quảng Ninh tiết lộ, thầy Minh từng quỳ sám hối trước thầy Thích Thanh Quyết nhiều lần, xong đâu lại vào đấy.

Thầy Quyết là “đại sư” của Phật giáo Việt Nam, sinh năm 1962, trụ trì các chùa Phúc Khánh, Đống Đa, Hà Nội (nổi tiếng với vụ lễ giải oan thiếu 50.000 đồng mới đây), chùa Non Nước, Sóc Sơn, Hà Nội và đặc biệt trụ trì khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), đại biểu Quốc hội tại tỉnh Quảng Ninh 2 khoá từ 2011 đến nay, Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng các ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng ninh, tỉnh Hà nam, tỉnh Bắc Kạn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam.

Chiều 21/3/2019, Thầy Minh thông qua mạng xã hội, trực tiếp phản hồi lại thông tin báo chí (chủ yếu từ báo Lao Động) cho rằng, “chùa Ba Vàng là một chùa lớn, có tiếng trong tỉnh Quảng Ninh, cả nước và cả trên thế giới nên có những người ganh ghét, đố kỵ”.

Tôi chưa xem buổi pháp thoại được truyền hình trực tiếp trên Facebook, trang Web của chùa và trên YouTube, nhưng tôi đánh giá cao sự bản lĩnh của thầy, đối mặt “cuộc khủng hoảng”, trong khi hầu hết các nhà chính trị, đại gia hay chức sắc tôn giáo ở Việt Nam đều “bịt tai, bịt mắt” khi có khủng hoảng đối với họ. Ngay thầy Thích Thanh Quyết, trong cuộc khủng hoảng “thiếu 50.000 đồng” ở chùa Phúc Khánh, cũng “trùm mền”, chỉ cử ”bề dưới” đến trình bày.

Điều lý thú cả hai vụ “khủng hoảng” này đều có sự can dự của báo Lao Động.

Thuyết âm mưu có vẻ đáng tin, sau khi chùa Phúc Khánh của “đại sư Thích Thanh Quyết” bị “khủng hoảng”, có bàn tay điều khiển hướng đến chùa Ba Vàng mới nổi. Thầy TTQ là một quan chức hàng đầu và nhiều quyền lực nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng tỏ ra một “tay chơi cờ”?

Chúng ta đang chứng kiến (hay có thể vô ý tham gia) một cuộc chiến của một “đại sư quyền lực lâu nay” của Phật giáo Việt Nam với một thầy “startup” quá thành công, thành một thế lực mới của Phật giáo, “dễ bị ganh ghét, đố kỵ”?

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nói nôm na là trận quyết đấu giữa hai trâu, “trâu cột ghét trâu ăn”.
    Nhưng đáng buồn thay, trâu nào cũng ra sức ăn cho mập ú. Chỉ Phật pháp là không thể đến được lòng người, nhất là người nghèo vì không đủ sức thoả mãn thủ tục “đầu tiên”.
    Định nghĩa tiêu biểu của cái gọi là thời mạt pháp.

  2. Thay vì cầu cho cái lăng Ba Đình phát nổ, cầu cho cái phủ tổng bí thư đổ sụp lún, cầu cho lũ bán nước trở nên điên khùng thì toàn dân tấp nập đi cầu an trong vô vọng, không ai có thể bình an trong cái xã hội cộng sản ung thư này, sư sãi bây giờ toàn quốc doanh định hướng tuyên giáo, Chùa chiền bây giờ không còn nghe tiếng chuông linh thiêng vì tiếng loạt soạt của đồng tiền cáu ghét ngày càng om sòm, ỏm tỏi.

Comments are closed.