17-3-2019
(Viết về hệ thông biển hiệu giao thông, bài 1)
1. Ở thành phố HCM, các con đường từ Bình Chánh, Gò Vấp, hướng lên Đông Thạnh quận 12, Bình Mỹ thuộc Củ Chi hoặc lên Tp Thủ Dầu Một đều có những biển hướng dẫn lên một địa chỉ lạ lẫm, ít ý nghĩa và không giúp người đi đường biết hướng đại thể của con đường đi đâu. Đó là địa danh rất mờ nhạt, ít phổ dụng: Cầu Rạch Tra!
2. Ở Khu du lịch Bái Đính khi trở ra, lái xe tỉnh khác rất khó tìm đường trở ra QL 1 hoặc về đường cao tốc đi Hà Nội tuyệt nhiên không có tấm biển nào cả.
3. Ở đầu mối phía Hà Nội của đường cao tốc Cầu Giẽ, Pháp Vân không thể tìm thấy biển chỉ đường lên hướng phạm Hùng, Cầu Giấy, Đại lộ Thăng Long.
Tạm chỉ ra vài ví dụ nhỏ trong hàng ngàn đầu mối như vậy trên đất nước này. Giờ xin nói đến bi kịch của chính tôi.
MỘT ÁM ẢNH BUỒN VÀ MỘT NIỀM VUI
Tôi đi vào vùng Bát Tràng thuộc Long Biên, Hà Nội từ hướng trạm thu phí gần Phố Nối trên QL 5 cũ. Tôi biết địa chỉ, hướng đến khá đúng. Tôi đã mở Google Map ra tham khảo.
Tôi đã từng đi cầu Thanh Trì từ HN sang và vô cùng khốn khổ khi vừa lái xe sao cho an toàn, vừa nhìn vừa đoán những tấm biển ghi rất… ngu hướng dẫn người ta, nếu tin vào những tấm biển, coi chừng! Cho nên tôi đi chậm, quan sát kỹ các biển báo.
Tôi sẽ phân tích ngay phần cuối bài này. Giờ xin mô tả tiếp.
Tôi lên cầu Thanh Trì hướng Gia Lâm sang Hà Nội. Đi chậm, căng mắt ra nhìn và chấp hành. Được hơn một cây số thì thấy tấm biển chỉ hướng đi “Hải Phòng, Hưng Yên” mà nơi tôi đến là vùng Ecopark, thuộc Văn Giang, Hưng Yên sát với Bát Tràng.
Tôi đánh tay lái theo hướng dẫn. Nó vòng vèo một chập rồi tiến thẳng vào… Cao tốc HN-Hải Phòng. Tôi dừng xe ngay trước lối vào Cao Tốc.
Bên phải tôi, phía ngoài đường gom cũng thút nút vài chục cái xe cùng số phận. Đến đây, hầu như chỉ còn một cách là đi… Hải Phòng, tất nhiên là phải mua phí rất đắt. Rồi đến Hải Dương, quay lại.
Tôi vào cabin điều khiển GT gặp một cậu nhân viên thanh tra GT ngồi đó, trình bày rõ nỗi khốn khổ của mình. Cậu trẻ tuổi cười “Bác lòng vòng quanh khu này thì đến tết cũng không ra được đâu. Hàng ngày rất nhiều người bị như bác”.
Tôi hỏi “Cậu có cách gì giúp tôi không, tôi ở rất xa đến đây”. Không ngờ, thật không ngờ, thật … kinh ngạc, giữa thời nay ở Việt Nam mà tôi gặp một… người tốt!
Anh thanh tra viên này nói điềm đạm và ân cần: Bác chờ con thu xếp công việc buổi này xong rồi con đưa bác đi Bát Tràng, khó lắm, chỉ cho bác cũng không đến được đâu. 10 phút sau hết ca, anh ra làm hiệu lệnh cảnh báo xe phía sau, khi thật an toàn anh ra hiệu cho tôi lùi xe khoảng 10 mét, đủ để lách ra con đường gom bên cạnh.
Xong, anh lấy xe chuyên dụng của ngành dẫn tôi đi. Xem ảnh:
Có thể nói, đúng như anh nhận định: nếu chỉ hướng dẫn thôi, thậm chí ngay hôm sau quay lại đúng lộ trình này, vẫn không thể đi ra Bát Tràng được ngon lành.
Anh bạn tốt bụng phải mất 20 phút hơn, đi xe mô tô lòng vòng, ngoằn ngèo, rẽ xuôi, chui ngược mới đưa xe tôi lên đê sông Hồng để về Bát Tràng.
Tôi cảm ơn anh bạn, vài ngày sau vẫn vương vấn ám ảnh ấm áp về con người này. Không hiểu giữa thời buổi này, điều gì đã giúp anh giữ được cốt cách của một “Đầy tớ của dân” với nghĩa thật của nó.
Tôi hỏi tên anh nhưng anh không nói, đành post tấm ảnh chụp với anh và chiếc xe của anh, hy vọng sẽ có bạn FB biết tên anh, để chia sẻ niềm vui thật 100% này với mọi người.
Bây giờ trở lại nội dung chính. Có ít nhất 04 điều được rút ra qua câu chuyện này.
1. Như những dẫn liệu trên đầu bài và trong trường hợp “Bát Tràng” vừa kể, có thể nói, trình độ của người làm quản lý giao thông rất lùn. Họ không đủ nhận thức được dân lái xe cần những tín hiệu như thế nào. Họ ghi những địa chỉ dù thật, nhưng rất mông lung và không giúp tài xế tìm ra hướng đi xác đáng. Như trường hợp đầu mối gần điểm Giáp Bát của cao tốc Cầu Giẽ, Gáp Bát.
Cái hướng đi “Nội Bài” cộc lốc, ngắn ngủn ấy lễ ra phải được thay bằng một tấm biển ghi vài địa danh: Hướng đi Cầu Giấy, Sơn Tây, Nội Bài hay Đại lộ Thăng Long là mọi chuyện ổn.
Khi vượt cầu Thanh Trì từ Hà Nội sang Gia Lâm, thay vì những biển “QL 1” hoặc “Bắc Giang” phải ghi những địa danh gần hơn như “Yên Viên” hay “Phủ Lỗ” v.v… nhiều người quan tâm.
2. Khi tôi kể câu chuyện này, một vị nói: Có thể kiểu đánh đố tài xế, sẽ tăng thu nhập qua tiền phạt hoặc “dụ” người ta đi lên cao tốc HN-Hải Phòng” để thu phí chơi!
3. Cánh quản lý Giao thông chắc không hề ý thức được nếu hệ thống biển báo chính xác, cụ thể, tiện dụng, thông thoáng sẽ tạo nên sắc màu thân thiện, góp phần làm giàu cho địa phương. (Như trường hợp vào Bát Tràng chẳng hạn).
Nhưng suốt dải QL 5, cách lối rẽ vào Bát Tràng 20 km không hề có một chỉ dẫn nào lưu ý du khách, vào sát Bát Tràng rồi, khách còn khốn khổ mới đến được điểm du lịch văn hóa tuyệt vời này!
4. Trở lại vụ tai nạn trên cao tốc do xe lùi gây nên hậu quả chết người cũng có “công” của kiểu hướng dẫn tù mù, đánh đố này.
Từ ba năm nay, chính tôi, dù rất thận trọng nhưng nhiều lần khốn khổ khi tìm đường. Hồi mới khánh thành, nút giao từ cao tốc Nội Bài, Lào Cai ở gần thị xã PHú Thọ ghi nhấn “Nút giao đường HCM” trong khi rất nhiều người không biết, hoặc không có nhu cầu đến cái địa danh “HCM” kia.
Xuống rồi, du khách cần hướng đi về Đoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh là những địa danh phổ dụng nhưng chỉ có một cách dừng hẳn xe hỏi thăm. Không có biển báo.
Rõ ràng, để kiếm được tiền làm đường đã khó, nhưng để tìm ra lực lượng cán bộ, chuyên viên quản lý, quản trị giao thông theo hướng tich cực nhất, ít phát sinh ra những hệ lụy nhất thì xem như rất khó.
Một nhà triết học đã nói: Bắt con khỉ ra khỏi rừng rất dễ nhưng lôi rừng ra khỏi con khỉ rất khó!
Vâng, những “Con khỉ” bên Giao thông bằng cấp đầy mình, đi nước ngoài như cơm bữa nhưng hình như nó không chịu học hỏi gì những điều tốt đẹp ở đó. Hãy coi tấm ảnh cuối cùng tôi chụp ở Malaysia, sắp đến một lối rẽ, họ cắm liên tục 3 tấm biển nhắc lại nhau, giúp tài xế nhận diện rõ những điểm đến.
Cứ một mực đánh đố tài xế như hiện nay thì khốn khổ thật! Mặc dù, Nó tiêu tốn cả núi tiền của quốc dân!
Hãy bằng mọi cách lôi rừng ra khỏi đầu những con khỉ!