15-3-2019
Đã hơn 2 năm kể từ khi xảy ra vụ án ở Đắc Nông, khi công ty Long Sơn cướp đất của những người nông dân khiến 3 người chết, 13 người bị thương, dù đã hứa và dự định nhiều lần, nhưng đến bây giờ tôi mới đến thăm và chia sẻ được cùng với gia đình của người tử tù Đặng Văn Hiến – người nông dân đã phải nổ súng vào bọn cướp để bảo vệ vợ, con thơ và mảnh đất thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt của cả gia đình anh.
Trước tiên, người viết xin được tóm tắt sơ qua vụ án kinh hoàng này, theo báo chí “chính thống”. Vì khuôn khổ một bài viết, nên nếu cần chi tiết mời mọi người tìm đọc thêm trên google vậy.
“Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 6.2013, vợ chồng ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu nhận chuyển nhượng Công ty Long Sơn và tiếp tục thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp trên diện tích 1.079 ha đất rừng tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, H.Tuy Đức) được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê. Trong quá trình thực hiện dự án, một số hộ dân xâm canh trồng điều, cà phê, cao su trên đất dự án.
Ngày 23.10.2016, ông Sửu và ông Thiện tổ chức lực lượng hơn 30 cán bộ, bảo vệ Công ty Long Sơn chia thành 2 nhóm, mang theo các công cụ hỗ trợ vào san ủi, phá hủy vườn cây của các hộ Đặng Văn Hiến, Hoàng Văn Thắng, Triệu Phụ Cao, gây thiệt hại tài sản 73 triệu đồng…
Thấy cây trồng nhà mình bị phá, Đặng Văn Hiến cùng Ninh Viết Bình sử dụng súng thể thao bắn vào những người của Công ty Long Sơn. Hà Văn Trường tiếp đạn cho Hiến bắn. Hậu quả 3 người của công ty Long Sơn gồm: Dương Văn Tiến, Điểu Vinh và Điểu Tào tử vong tại chỗ và 13 người khác bị thương tích từ 6 – 54%.”
Ngày 2-1-2018, TAND tỉnh Đắk Nông xét xử sơ thẩm và tuyên án tử hình anh Đặng Văn Hiến với tội “Giết người”. Cùng với tội danh này, Hà Văn Trường lãnh 12 năm tù và Ninh Viết Bình lãnh 20 năm tù. Còn Nghiêm Xuân Thiên Sửu lãnh 6 năm tù, Phạm Công Thiện (quản lý Công ty Long Sơn) lãnh 4 năm tù với tội “Hủy hoại tài sản. Ngày 12-7-2018, TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm, tuyên giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác nhưng y án TỬ HÌNH ĐẶNG VĂN HIẾN.
Sau phiên tòa phúc thẩm, anh Đặng Văn Hiến đã có đơn gởi Chủ tịch nước xin miễn tội chết. Đồng thời, rất nhiều người dân ở tiểu khu 1535 và trên cả nước đồng kí tên xin miễn tội cho anh Hiến.
Ngày 17-7-2018, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo, kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án.
Tuy nhiên, đã gần một năm trôi qua, vụ án này vẫn “dậm chân tại chỗ”! Thật lạ kì! Đặc biệt hơn, khi người viết đến được tiểu khu 1535, được nghe chính những người dân ở đây kể lại sự vụ, thì cá nhân vô cùng nghi vấn: Đâu mới là sự thật của vụ án này, lời kể của người dân hay cáo trạng của toà án?! Trong khi đó, những điều người dân địa phương kể có quá nhiều tình tiết hợp lý…
Tôi đến nhà gia đình anh Đặng Văn Hiến theo ngã Sóc Bom Bo, Bù Đăng, Bình Phước. Từ ngã ba chợ Minh Hưng nằm trên đường Quốc lộ 14, đi vào tiểu khu 1535 khoảng 40km. Trong đó, đoạn đường gần 13km từ ngã ba Chuồng Trâu đến ngã ba Đắc Xuyên, đến ngã tư Sóc Đồng Bào, đường bị hư rất nhiều nên rất khó đi.
Từ ngã tư này, quẹo trái, đi khoảng 500m qua một cái cầu bản, rồi quẹo phải men theo đường mòn đi vào rừng điều, đi thêm 7km nữa thì đến được nhà gia đình anh Đặng Văn Hiến. Mô tả cụ thể như vậy, vì nếu sau này, có phóng viên tự do nào muốn đến nhà anh Hiến thì sẽ dễ tìm đường hơn, tránh tình trạng chính quyền địa phương không muốn phóng viên tìm tới, điều tra.
Người dân kể lại rằng, có lần phóng viên VTV về tìm nhà mà chính quyền không hỗ trợ. Bản thân tôi thì được anh Mai Trưởng (người anh họ của chị Mai Thị Khuyên – vợ anh Đặng Văn Hiến) đón từ ngoài Sóc Bom Bo và dẫn đường giúp…
Anh Trưởng nói với tôi rằng, nếu đi vào mùa mưa, thì chiếc xe máy cà tàng có mà dắt bộ chứ không thể nào đi được. Đọc theo đường mòn đi vào hiện trường vụ án năm xưa, cây cối hai bên đường toàn một màu đỏ sậm – màu của đất đỏ ba-zan. Nhưng, màu đỏ của đất ấy như là màu đỏ từ máu của người dân nghèo đã phải đổ xuống, bám trụ nơi đây để mà sống. Một cảm giác xót buốt.
Hơn 9 giờ sáng, tôi đến được nhà chị Khuyên. Chị và cháu Đặng Nhung – con gái đầu của anh Hiến – đang ở nhà đợi tôi. Chị mời tôi vào nhà, rồi chị pha trà đãi khách. Nhìn căn nhà trống huơ trống hoác, không có bất kì một vật dụng nào đáng giá 1 triệu đồng. Gọi là nhà, nhưng thật ra là những miếng ván gỗ ghép lại với nhau làm thành những “bức tường”, mùa nắng trăng soi, mùa mưa lộng gió.
Uống hết ly trà, chị Khuyên dẫn tôi ra hiện trường, nơi cách đây 2 năm bọn cướp tràn vào tấn công để cướp đất. Trên đường đi, mọi người chỉ cho tôi rất nhiều những viên đá xanh, kích thước 4×6, được cho là đá xanh của bọn cướp dùng tấn công vào những nhà dân ngày đó.
Hiện trường vụ án cách nhà anh Hiến khoảng 300m. Đến nơi, mọi người lại chỉ cho tôi thấy những gốc điều trước đây bị công ty Long Sơn dùng máy ủi, ủi bay cả gốc lên. Hơn 2 năm rồi, nên giờ đã mục và phân hoá dần. Phần đất bị san ủi, người dân ở đây đã trồng lại cây điều, ra hoa và cho trái bói lứa đầu tiên. Chị Khuyên chỉ tiếp cho tôi thấy phần đất của gia đình anh Hoàng Văn Thắng, một trong 3 gia đình bị cướp đất…
Nghe có nhà báo tự do đến, anh Hoàng Văn Thắng, anh Lập, anh Vũ, và chị Vân – những người dân tộc Nùng ở gần – đều sang nhà chị Khuyên để dùng bữa cơm trưa gia đình với nhau, và trò chuyện cùng tôi. Trong suốt thời gian ấy, anh Hoàng Văn Thắng (biệt danh Thắng thổ) kể cho tôi nghe rất nhiều về chuyện vụ án năm xưa. Anh Thắng nói:
“Những điều tôi kể cho nhà báo nghe, cũng đã khai báo cho bên CQĐT rồi, nhưng hình như họ (CQĐT) không muốn nhắc đến. Hôm ấy (tức ngày 23/10/2016 – ngày xảy ra vụ án), trời mưa rất to, từ tờ mờ sáng, mới 5h bên phía công ty Long Sơn đã tràn vào. Đầu tiên, họ khống chế tôi và gia đình, để tôi không thể kêu cứu. Sau đó, họ san ủi… Thằng Hiến nó nổ phát súng cuối cùng, chưa đến 6h sáng… Nếu hôm ấy tôi có súng, chắc tôi cũng không ngồi đây mà nói chuyện với nhà báo rồi…”
Tôi nhìn vào mắt anh Thắng, tôi tin lời anh nói. Hơn hết, anh là một quân nhân, đã từng chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên, đánh nhau với bọn giặc Tàu. Anh sẵn sàng cầm súng, sẵn sàng đổ máu để bảo vệ Tổ quốc, thì tôi tin anh không nói dối tôi làm gì. Ngay cả anh Lập, anh Vũ đều khẳng định như vậy. Những thông tin này, tôi tìm mãi mà vẫn chưa tìm ra báo chí nào nhắc đến.
Rồi mấy anh còn cho biết thêm, thời điểm đó, dòng suối Ka-ran (tên người đồng bào đặt) chưa có cầu treo như bây giờ, nên đến hơn 8h sáng ngày 23/10/2016, những người dân ở gần mới đến được hiện trường vụ án. Ngày đó, đi qua dòng suối này, là bằng đò. Tấm hình anh Hiến đưa tay chào mọi người được lan truyền rộng rãi, là được phóng viên chụp khi anh ra đầu thú, và công an đưa đi…
Rồi tôi hỏi thăm chị Khuyên về tình hình anh Hiến ở trong tù. Được chị cho biết, anh Hiến sức khỏe và tinh thần ổn. Hằng tháng, chị đi thăm anh một lần. Con gái của chị – cháu Đặng Nhung – đã phải bỏ học tiếng Nhật, về ở nhà phụ chị việc nhà. Ước mơ sang Nhật của cháu, có thể nói, là mãi mãi chỉ là mơ ước thôi. Đứa con trai của anh Hiến, bây giờ đã học mẫu giáo, nhưng cháu đã xa Cha, giờ xa thêm Mẹ, thêm Chị về quê nội sống côi cút với Ông, Bà… Ôi sao mà quá xót xa!
Tôi có ghi hình lại khi phỏng vấn chị Khuyên, nhưng sẽ đăng ở một bài viết khác, chỉ xin trích dẫn câu hỏi cuối cùng để gởi đến độc giả trước.
Đàm Ngọc Tuyên: Gia đình có muốn nhắn gửi gì với giới Truyền Thông Tự Do bên ngoài về tình cảnh của anh Hiến hay không, thưa Chị?
Chị Mai Thị Khuyên: Gia đình mong muốn thông qua truyền thông tự do nhắn gởi đến cộng đồng mạng và toàn thế giới kêu gọi giảm án cho anh Hiến, để anh ấy sớm được trở về đoàn tụ cùng với gia đình!
Mọi người cứ giữ tôi ở lại thêm, nhưng tôi phải về gấp Sài Gòn có việc. Tôi có hẹn sẽ trở lại thăm gia đình và mọi người ở nơi đây một ngày gần nhất. Chia tay nhau, dù mới gặp lần đầu nhưng sao mà bịn rịn. Mọi người ra ngoài tiễn tôi, chụp hình kỉ niệm với nhau. Tôi có nói với chị Khuyên rằng, khi đi thăm anh Hiến, hãy mang những tấm hình cho anh ấy xem, để động viên tinh thần anh ấy. Mọi người luôn nhớ đến anh ấy và làm tất cả có thể để gia đình anh được đoàn viên.
Anh Mai Trưởng lại là người dẫn đường tôi ra về. Trên suốt đoạn đường rừng, trong tôi mãi trăn trở với câu hỏi: “Ai đã ‘bắn’ tan nát gia đình anh Đặng Văn Hiến?!”. Tôi tin rằng, câu trả lời chắc chắn thủ phạm chính không phải là công ty Long Sơn.
Điều này, là hoàn toàn có cơ sở, khi Thanh tra Nhà nước đã có kết luận Thanh tra chỉ rõ những sai phạm của chính quyền tỉnh Đắc Nông trong việc cấp đất cho công ty Long Sơn ở tiểu khu 1535, từ rất lâu rồi…
____
Hình ảnh của tác giả chụp chung với các gia đình nạn nhân, hiện trường nơi xảy ra vụ án và con đường tới đó: