27-2-2019
Ai muốn Bắc Hàn sụp đổ? Mỹ, Nhật, Nam Hàn, hay Trung Quốc? Câu trả lời, chẳng ai muốn điều đó xảy ra. Nếu không còn Bắc Hàn, nước Mỹ lấy lý do gì để bày bố binh lực quanh khu vực Đông Bắc Á!
Bắc Hàn sụp đổ sẽ kéo theo là sóng tị nạn mà tất cả các nước trong khu vực đều kinh sợ. Nam Hàn thừa biết nếu phải dang tay với người đồng bào phía Bắc của mình trong hoàn cảnh ấy sẽ khiến họ đi lùi vài thập kỷ, xoá bỏ những thành tựu kinh tế đang có. Với Trung Quốc, chẳng bao giờ đế quốc này muốn bỏ sự kiểm soát đối với Bắc Hàn, một tay sai có “dao kiếm” hạt nhân vừa là “tấm khiên” chặn “bọn tư bản”.
Kim Jong Un, 37 tuổi, lãnh đạo Bắc Hàn nhờ kế thừa ngôi vị của cha mình, hiểu rất rõ điều ấy. Cả Kim và Bắc Hàn chỉ có thể tồn tại nếu lách giữa những “con sóng lừng”, nghiêng về bên nào quá cũng sẽ bị “sóng” kia đánh lật thuyền.
Cho đến bây giờ Bắc Hàn vẫn là một đất nước bí ẩn với thế giới. Những câu chuyện rùng rợn về thanh trừng của Kim, được báo chí Tây phương nói đã có 412 nạn nhân là quan chức cao cấp, vẫn không thể nào kiểm chứng. Nhưng, có thể kiểm chứng được đó là tay lãnh đạo trẻ (bằng tuổi tôi thưa quý dzị) đang muốn thay đổi đường đi của mình và đất nước.
Các cuộc gặp gỡ chưa từng có tiền lệ với người đồng cấp bên phía Nam Hàn của Kim mở ra những hy vọng về việc giải trừ hạt nhân, nối lại giao thương và, biết đâu, thống nhất hai miền Nam Bắc mà không bên nào cần phải xẻ dọc dãy Trường Bạch để cứu nước.
Nhưng, Trung Quốc vẫn ở đó. Làm mất lòng Trung Quốc, khiến họ nghĩ Bắc Hàn đang muốn ngả vào vòng tay vỗ về của Mỹ thì Kim sẽ ra đi sớm thôi. Bây giờ, chúng ta có thể hiểu tại sao Kim đến Việt Nam trên một chuyến tàu xuyên Trung Quốc, ai có thể tin Kim ngồi trên chuyến tàu ròng rã từ Bình Nhưỡng đến Đồng Đăng? Đó chỉ là một thông điệp “trước khi đến Việt Nam gặp Mỹ, chúng tôi đi qua Trung Quốc trước” và biết đâu Kim đến Trung Quốc trên một chuyến bay rồi bắt tàu sang Việt Nam. Chuyến tàu, do đó, mang hình ảnh chính trị hơn là biện pháp an toàn.
Tại sao là Việt Nam? Dĩ nhiên là Việt Nam. Trong khu vực còn đất nước nào phù hợp hơn Việt Nam cho cuộc hò hẹn này? Vẫn là một nước cộng sản, cũng chịu sự ảnh hưởng từ Trung Quốc, nhưng đại diện cho một nền kinh tế cởi mở và những năm gần đây đang có vẻ muốn xích lại gần Mỹ. Trump dĩ nhiên chọn Việt Nam để gửi đến Trung Quốc lời nhắn “anh sắp có thêm một người bạn trong khu vực đấy”. Kim chọn Việt Nam để an tâm Trung Quốc rằng “em vẫn chọn nhà của anh em trong băng mình đấy anh ơi”.
Việt Nam đã rất khéo léo khi cử ông Võ Văn Thưởng – Trưởng ban Tuyên giáo của đảng ra đón ông Kim. Nghi thức đón ông Kim hoàn toàn đúng truyền thống cộng sản. Có quan chức, có lính bồng súng, có dân vẫy cờ, và có học sinh cho lãnh tụ vuốt má ôm hôn. Còn đón ông Trump là ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng chánh văn phòng Chính phủ. Rất phù hợp với tình thế ngoại giao khi Bí thư kiêm Chủ tịch nước lại đi công du nước ngoài vào dịp này.
Việt Nam muốn nói với Trung Quốc “em cho thuê nhà thôi đại ca ơi, em vẫn phe mình”.
Nhưng thật khó để thuyết phục một nơi thừa hưởng thuật trị quốc của Tần Thuỷ Hoàng, Tào Tháo, Lưu Bang… lại tin rằng đây chỉ là cho mướn phòng hò hẹn. “Tiểu thiếp” Bắc Hàn đã có dấu hiệu ngoại tình. Còn “người tình không chân dung” Việt Nam lại ngày càng khó nhận diện. Với sự đa nghi ấy, Trung Quốc không tin rằng đây chỉ là việc cho thuê phòng hò hẹn sau giờ cơm trưa, đây hẳn là một cuộc tình tay ba.
Cuộc tình tay ba ấy, đứng về phía Việt Nam, chẳng có gì là ngang trái. Giống như Bắc Hàn, việc luồn tránh giữa các con sóng để giữ được chế độ luôn là ưu tiên. Những sự chèn ép ngày một tăng của Trung Quốc trên mọi phương diện buộc VN phải tìm thêm nơi nương tựa. Và thật vui, có thêm cô em Bắc Hàn. Chị sẽ dẫn em làm quen với thằng Mỹ nhiều tiền khoẻ mạnh, có thể bảo lãnh cho chị em mình, lo cho mình và con riêng của tụi mình. Nghe thật quen, chuyện quốc gia hoá ra có thể minh hoạ bằng chuyện đời các cô gái lỡ làng.
“Thằng” Mỹ ấy dĩ nhiên không làm phước cho hai ”em gái”. Nó dùng hai em để vui hay để giật mối của thằng Tàu, ai cũng đã rõ. Việt Nam, một lần nữa trở thành bến đỗ cho các thế lực chống nhau trên thế giới.
Điều ấy chính thức bắt đầu khi chuyến tàu của Kim tiến vào sân ga Đồng Đăng.