BOT Long Thành – Trách nhiệm của quản lý Nhà nước

FB Nguyễn Tuấn Anh

9-2-2019

Một dự án với khối lượng tiền đầu tư quá lớn như cao tốc Long Thành – Dầu Giây mà thụ động chờ báo cáo?

Tiền thu hằng ngày là 3 tỷ, 5 tỷ hay 10 tỷ,…? Thu đến bao giờ thì ngưng? Không thấy cơ quan quản lý nhà nước nào liên quan, trả lời một cách rõ ràng.

Trách nhiệm của bộ Tài Chính, bộ GTVT là rất lớn trong việc này nếu thực sự chênh lệch quá lớn giữa số lượng xe thực tế đi trên đường và số tiền thu về.

Dân chưa bao giờ thoái thác trách nhiệm trả tiền với thứ mà họ được sử dụng. Dường như chỉ có nhà đầu tư và các bộ chủ quản đang không làm tròn trách nhiệm của mình với nhà nước, với dân mà thôi.

Chưa người dân nào thiếu được 1 đồng lẻ khi đi qua cao tốc. Họ được quyền dị nghị khi thấy chủ đầu tư và các cơ quan chủ quản có dấu hiệu làm ăn không chuẩn xác và thiếu chuyên nghiệp.

Thời buổi của công nghệ, các cơ quan quản lý cũng cần phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật để có phương án giám sát nhà đầu tư một cách độc lập. Không thiếu gì senso, camera có thể đo đếm tự động và hoàn toàn chính xác số xe chạy trên từng làn đường, mỗi ngày, mỗi tháng…

Các senso, camera hiện đại thậm chí có thể phân loại và tự động gửi dữ liệu về trang web của bộ giao thông vận tải hay bộ tài chính, để người dân và báo chí có thể truy cập bất kể lúc nào, giám sát một cách hoàn toàn độc lập.

Ngân hàng cho vay cũng căn cứ vào đó để có số liệu giám sát chủ đầu tư, rút ngắn thời gian thu hồi vốn, tránh đi những rủi ro tài chính. Còn việc thu phí, đó là việc của chủ đầu tư. Họ chỉ nên làm phận sự của họ và không liên quan gì đến việc đo đếm lượng xe của đơn vị quản lý.

Tui nghĩ họ biết cả, nhưng họ không muốn làm điều ấy. Đang có một VEC với rất nhiều tai tiếng về nợ công và khuất tất với nhiều dự án. Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là một ví dụ điển hình.

Giữ nguyên đơn giá nhưng kê khống khối lượng luôn là bài toán trục lợi cũ rích mà thường khó kiểm soát.

Với khối lượng tiền lớn, tuyệt đối không được phép làm việc theo kiểu ước lượng, theo kiểu phỏng đoán trong một khoảng thời gian nào đó rồi áp phương án cho một chặng đường dài, bởi như vậy con số thất thoát là vô cùng khủng khiếp.

Chỉ cần thu quá vài ngày, người dân sẽ mất hàng chục tỷ. Thu quá 1 tháng dân sẽ mất cả trăm tỷ. Số tiền bất minh, ấy ai chịu trách nhiệm? Vào túi nhà nước hay tư nhân, đều là vi phạm pháp luật cả mà thôi.

Nó phải được kiểm soát chặt chẽ, chuẩn xác theo từng giây, từng phút và suốt cả năm, nhằm đảm bảo tối ưu ngân sách được thu về, tránh lạm thu.

Đừng đánh thuế vào xăng, xe hay lên đầu ngừoi dân. Tăng thu như vậy thì dễ quá. Ai cũng có thể làm bộ trưởng bộ Tài chính được. Đánh thuế như vậy không có lợi cho kinh tế nước nhà và không thể khuyến khích được sáng tạo, khởi nghiệp. Thêm nữa, vừa thu bạc cắc lại vừa gây bức xúc trong dân.

Đánh thẳng vào những nơi có doanh thu tiền tỷ và rủi ro thất thoát cao như BOT mới có khả năng thu lại cho nhà nước những khoản thu khổng lồ. Có thu được thì mới có tiền làm tiếp được đường sá, các vị lại có công ăn việc làm, có cái ăn lâu dài. Đừng cắn xổi như vậy.

Khi nợ công của quốc gia đang đe doạ hệ thống tài chính thì chỉ có sự minh bạch, tránh đi tham nhũng, trục lợi của một số cá nhân mới có thể giữ lại tiền và ổn định mọi vấn đề xã hội mà thôi.

Một nhóm lợi ích về đất đai, hạ tầng tại TP. HCM cho đến nay vẫn chưa thể ngã ngũ, nếu tiếp tục có một nhóm lợi ích về hạ tầng quốc gia gây nhức nhối ở VEC, không biết đất nước sẽ về đâu?

Đừng nhìn sang Venezuela mà nghĩ rằng ta may mắn. Nếu tiếp tục như vậy, đấy chính là tương lai của dân Việt. Thời buổi này, thường không phải chờ lâu.

Bình Luận từ Facebook