Vì sao phải bảo vệ cho được vườn quốc gia Tam Đảo?

FB Save Tam Đảo

3-2-2019

Dự án Tam Đảo II đã từng một lần được đề xuất và phải dừng lại trước khi nó khởi công (2007), Điều đó chứng tỏ rằng có quá nhiều bất lợi và nguy cơ khi tiến hành dự án này. Nếu không bảo vệ được vườn Quốc gia Tam Đảo chúng ta không chỉ mất đi một cánh rừng nguyên sinh vô giá, mà chúng ta còn phải đối mặt với thảm cảnh của biến đổi khí hậu, đối mặt với thiên tai, sạt lở và hạn hán.

1- Khi dự án Tam Đảo II được xây dựng, thảm thực vật của 300 ha có thể lên tới gần 500 ha rừng nguyên sinh kia sẽ bị phá vỡ và khó có cơ hội phục hồi. Có lẽ đây là cánh rừng nguyên sinh mang đậm nét của vùng nhiệt đới nhất ở Việt Nam còn nguyên vẹn, với khí hậu bốn mùa trong ngày và luôn mang trong mình độ ẩm cao, khiến cho thảm thực vật nơi đây vô cùng phong phú và đa dạng.

Đi sâu vào quan sát, chúng ta dễ dàng nhận thấy môi trường cộng sinh của thảm thực vật nơi đây, trên cây có cây, hơn nữa phủ lên thân cây, rễ, đất và đá là một lớp rêu phong dày đặc. Nhờ thế rừng Tam Đảo là nơi tích tụ và dự trữ nước vô cùng quan trọng cho vùng hạ lưu, đặc biệt là 17 xã thuộc 2 tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc đang sinh sống xung quang đưới chân núi.

Một điều không thể bàn cãi, đó là rừng Tam Đảo giúp cân bằng hệ sinh thái, cung cấp nguồn oxi cho vùng đồng bằng xung quanh nó, đặc biệt trong bối cảnh không khí đang ngày càng ô nhiễm từ khí thải của các khu công nghiệp, từ các phương tiện giao thông thì rừng Tam Đảo như là một cứu cánh quan trọng.

Là nơi lưu giữ nguồn gen của nhiều loài động thực vật, do đó rừng Tam Đảo là nơi hiếm có để sinh viên, học sinh và các trường học trong và ngoài nước đến nghiên cứu và học tập.

2- Địa điểm tiến hành xây dựng dự án Tam Đảo II nằm ở vùng lõi của vườn Quốc gia, nơi được cho là dấu chân đầu tiên của Phật Giáo khi vào nước ta, với 15 công trình đền chùa nằm trong rừng, như khu danh thắng Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm. Và đặc biệt, vị trí xây dựng khu nghỉ dưỡng nằm đúng vị trí của chùa Địa Ngục, ngôi chùa này đang có nguy cơ bị giải tỏa.

Đây được xem như vùng đất tâm linh với nhiều câu chuyện bí ẩn còn chưa được giải đáp, một nơi có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Phật giáo Việt Nam thì càng cần phải được bảo vệ và giữ gìn tính linh thiêng miền đất Phật.

3- Gắn vào cái mác ‘Du lịch sinh thái’ song bản chất đây là dự án có tên chính thức là Tam Đảo Mountain Resort với hàng trăm căn biệt thự, cùng với sòng bài và chuồng đua ngựa, công viên, cáp treo, đường xe điện. Rồi chắc chắn họ sẽ biến vườn quốc gia thành khu đất riêng biệt của những người siêu giàu. Những người dân bản địa vào rừng lấy nước, những người ưa thích leo núi treking hay những sinh viên, học sinh ngành nghiên cứu động thực vật khó có cơ hội đặt chân lên vùng đất này.

Giống như cách Sungroup đã chiếm chọn mũi ông Đội, nơi duy nhất có 2 bờ biển ở phía Nam đảo Ngọc Phú Quốc biến chúng trở thành Sun Premier Village The Edan Bay, biến bãi Khem thơ mộng trải dài uốn cong với dải cát trắng thành Sun Premier Village Kem Beach Resort. Bờ biển, bãi cát vốn là của ngư dân, nhưng giờ có ngư dân, hay khách du lịch bình thường nào có thể vào đó được!

Hãy giữ lấy rừng Tam Đảo trước khi quá muộn.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Với kiểu quản lý xã hội chủ nghĩa như lâu nay,không những VƯỜN QUỐC GIA TAM ĐẢO mà rồi HỒ TÂY,HỒ GƯƠM cùng nhiều địa danh lịch sử khác cũng sẽ biến tướng hoặc mất hẵn.Vì công hữu – sở hữu toàn dân – thực chất chỉ là sở hữu của kẻ có quyền! Khi có quyền sẽ có tiền,tiền ít sẽ thành nhiều- tiền nhiều đẻ ra quyền.Có quyền lại có tiền.Cứ thế mà tiến lên đến mức” treo cổ cũng không từ bỏ được”!

Comments are closed.