30-1-2019
Tiếp theo bài 1: Viết cho những ngày chờ tuyên án đối với bác sĩ Hoàng Công Lương — Bài 2: Những chứng cứ “giả mạo” buộc tội Hoàng Công Lương — Bài 3: Các hợp đồng thầu và sự cố ngày 29/5/2017 — Bài 4: Lỗi hệ thống trong sự cố ngày 29/5/2017
Trong lời luận tội tại phiên tòa xét xử vụ án sự cố chạy thận nhân tạo những ngày qua, có nhiều vấn đề ám ảnh chúng tôi về tính thực, hư, chính xác của lời luận tội cho đến tận bây giờ. Những nội dung này là luận điểm vững chắc của cơ quan truy tố dùng để buộc tội đối với bác sĩ Lương, song hoàn toàn không thuyết phục nên đây là lý do khiến tôi viết tiếp bài này.
KSV xác định rằng theo quy trình kỹ thuật nội khoa chuyên ngành thận tiết niệu ban hành kèm theo Quyết định số 4590 từ nam 2000 của Bộ Y tế quy định bác sĩ lọc máu chu kỳ phải được đào tạo về kỹ thuật. Y lệnh của bác sĩ Nguễn Mạnh Linh và Phạm Thị Huyền phải có chữ ký của bác sĩ Lương xác nhận mới có giá trị chạy thận…Do vậy việc y lệnh và ký xác nhận y lệnh của Hoàng Công Lương có tính quyết định trong việc kết nối máy chạy thận cho 18 bệnh nhân ngày 29/5/2017.
Tuy nhiên, ngay tại phiên tòa chiều 18/01/219, Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng (Trưởng Khoa thận nhân tạo – Bệnh viện Bạch Mai) đã khẳng định Quy chế Khoa lọc máu quy định tại Quy chế Bệnh viện từ năm 1997 đến nay đã có phần lạc hậu, việc chạy thận nhân tạo liên tục thực hiện theo các quy trình mới do Bộ Y tế ban hành. Như vậy, chúng tôi nhận thấy việc đại diện VKS áp dụng quy trình kỹ thuật nội khoa chuyên ngành thận tiết niệu ban hành kèm theo Quyết định 4590 vào năm 2000 để buộc tội Hoàng Công Lương do quy định “Bác sĩ lọc máu chu kỳ phải được đào tạo về kỹ thuật” là không phù hợp vì tại thời điểm xảy ra sự cố ngày 29/5/2017, đang áp dụng theo quy trình quy định tại QĐ 3592 ngày 11/9/2014 của Bộ Y tế. Mặt khác, nếu cơ quan truy tố cáo buộc Hoàng Công Lương việc ký xác nhận y lệnh cho bác sĩ Linh và bác sĩ Huyền có tính quyết định, thì như vậy chúng tôi cũng có thể đưa ra lập luận rằng nếu các bác sĩ này không thăm khám bệnh nhân, không đề nghị y lệnh, cũng như điều dưỡng viên Điệp không thông báo hệ thốn RO2 đã sửa chữa xong, có thể hoạt động bình thường; điều dưỡng viên Hậu không khởi động test máy và thông báo chỉ số đồng hồ đo độ dẫn diện trong giới hạn an toàn thì Hoàng Công Lương không ra y lệnh, và như vậy cũng không có hậu quả xảy ra. Trách nhiệm của các bác sĩ được đánh giá không sai phạm, trách nhiệm của điều dưỡng không phải xử lý thì Hoàng Công Lương đương nhiên không phạm tội hình sự được.
VKS cũng luận tội rằng qua lời khai của ông Hoàng Đình Khiếu, điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng và 12 điều dưỡng đơn nguyên lọc máu và đơn nguyên HSTC trong giai đoạn điều tra bổ sung cho thấy Hoàng Công Lương được Hoàng Đình Khiếu phân công nhiệm vụ phụ trách chuyên môn điều trị tại đơn nguyên lọc máu.
Về vấn đề này, có lẽ VKS đã thoát ly khỏi những chứng cứ được cơ quan điều tra thu thập như sau:
+ Tại văn bản số 1084/SYT-NVY ngày 18/6/2018 của Sở Y tế Hoà Bình trả lời cơ quan điều tra đã khẳng định:
“- Tại khoản 1,2 Điều 1 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định: 1. Người hành nghề chỉ được làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 2. Người hành nghề chỉ được đăng ký làm người phụ trách một khoa của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
– Theo nội dung quy định tại Phần II Quy chế Bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 đã quy định về quy chế nhiệm vụ,quyền hạn, chức trách cá nhân của bác sĩ điều trị.
Theo nội dung của 02 văn bản nêu trên không có quy định về trách nhiệm của bác sĩ được giao phụ trách chuyên môn bác sĩ điều trị.”
+ Điều này cũng phù hợp với ý kiến của ông Hoàng Đình Khiếu tại Biên bản ghi lời khai ngày 19/6/2018: “Tôi phân công bác sĩ Lương phụ trách chuyên môn điều trị vì tôi là Trưởng khoa, chứ chưa có văn bản pháp luật nào quy định bác sĩ phụ trách chuyên môn điều trị” (BL 9267)
VKS luận tội cho rằng, Hoàng Công Lương phải biết tầm quan trọng nước RO dùng trong lọc máu sau tẩy rửa hệ thống đường ống phải có xét nghiệm hóa chất tồn dư, là điều kiện đảm bảo chất lượng nước bởi căn cứ Lương là người ký Biên bản kiểm tra xác định tình trạng sửa chữa hệ thống RO2 và ký thừa lệnh Trưởng khoa thể hiện rõ là tẩy rửa màng RO, hệ thống đường ống tuần hoàn.
Vấn đề này, tại bài viết thứ hai về những cứ “giả mạo” buộc tội Hoàng Công Lương, chúng tôi đã chỉ ra không có Biên bản kiểm tra tình trạng thiết bị hệ thống RO2, không hề có đề xuất sửa chữa RO2…mà tất cả là tạo lập, giả mạo từ giấy tờ phục vụ cho sửa chữa hệ thống RO1 nào đó. Chữ ký thừa lệnh Trưởng khoa của Hoàng Công Lương là sửa chữa hệ thống RO1 trước đây, không phải cho hệ thống RO2 vào ngày 28/5/2017. Còn vấn đề xét nghiệm tồn dư hóa chất là bắt buộc, nhưng VKS nghĩ sao khi biết rằng acid HF và HCL mà Bùi Mạnh Quốc dùng để tẩy rửa màng RO không có que thử hay thanh thử cho hóa chất này (không dùng trong khử khuẩn y tế) thì làm sao xét nghiệm nhanh tồn dư hóa chất?
Tiếp theo, VKS cũng luận tội buộc Lương căn cứ vào quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo của Bộ Y tế và của BVĐK tỉnh Hòa Bình có quy định mức kiểm tra máy không còn chất sát trùng…Với trình độ chuyên môn mà Lương được đào tạo buộc Bị cáo phải biết tầm quan trọng của nước RO, phải biết trước khi chạy máy phải kiểm tra không còn chất sát trùng trước, trong và sau khi lọc máu…
Về điểm này, chúng tôi nhận thấy có sự nhầm lẫn về chuyên môn của cơ quan truy tố vì quy định các bước tiến hành trong đó có chuẩn bị, khởi động máy tại quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật TNT ban hành kèm theo Quyết định số 3592/QĐ-BYT ngày 11/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế có yêu cầu phải kiểm tra máy thận, lưu lượng 500ml/phút, không còn chất sát trùng…thì đây là công việc của điều dưỡng viên, không phải của bác sĩ điều trị. Hơn nữa, việc kiểm tra không còn chất sát trùng cần hiểu rằng thông thường người ta sử dụng peracitic để sát trùng, việc làm này vô cùng đơn giản vì máy thận tự động báo và chất sát trùng phải kiểm tra này là chất sát trùng làm sạch đường ống bên trong máy thận, không liên quan gì đến hệ thống RO cấp nước cho máy thận. Chất sát trùng dùng cho đường ống máy thận không phải là chất acid đã dùng sực rửa hệ thống RO. Cơ quan truy tố cần nghiêm túc nghiên cứu và nhìn nhận lại việc buộc tội của mình vì tôi cho rằng có sự sai lầm về kiến thức khi buộc tội.
VKS luận tội Hoàng Công Lương là người ra y lệnh, có vai trò là cánh cửa chốt chặn cuối cùng để nguồn nước không thể đi vào người bệnh nhân, gây hậu quả.
Chúng tôi thấy rằng ép lên Lương trách nhiệm của “cánh cửa chốt chặn” cuối cùng là không phù hợp với thực tế diễn biến hành vi và sự thật vụ án. Bởi lẽ:
+ Ngay vào ngày xảy ra sự cố 29/5/2017, vào hồi 22h30 Sơn đã cho lời khai tại Cơ quan điều tra: “Đến ngày 29/5/2017 tôi đi kiểm tra thiết bị máy thì có phát hiện độ dẫn điện đạt mức 8 (là mức an toàn). Sau đó, tôi có đi đến các buồng số 1, số 2 thấy các máy chạy thận đã được test qua và đang tiến hành lắp, chuẩn bị máy chạy thận cho bệnh nhân” (BL 859). Như vậy, tại thời điểm sáng 29/5/2017 khi Sơn đi kiểm tra thì đơn nguyên TNT mới đang chuẩn bị máy chạy thận cho người bệnh, chưa thực hiện lọc máu chu kỳ kỹ thuật TNT. Nếu Sơn biết nhiệm vụ còn phải lấy mẫu nước RO đi xét nghiệm, chưa thể tiến hành chạy thận thì Sơn phải yêu cầu đơn nguyên và ngăn chặn các điều dưỡng dừng test, tiến hành lắp máy cho người bệnh. Đây là cánh cửa chốt chặn trong tay Sơn sau ngay cả khi đã có hay chưa có y lệnh của Hoàng Công Lương.
+ Theo lời khai của Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn và điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng thì đầu giờ sáng, lúc bắt đầu chạy thận cho một số bệnh nhân đầu tiên, Sơn và Quốc đã có mặt tại khoa gặp Hằng và nói về việc lấy mẫu nước đi xét nghiệm nhưng sau đó hẹn đến trưa quay lại lấy. Điều này chứng minh, họ đã đồng ý để cho đơn nguyên TNT thực hiện lọc máu cho các bệnh nhân khi chưa cần lấy mẫu nước xét nghiệm. Nếu họ cho rằng phải có kết quả xét nghiệm mẫu nước, mới cho hoạt động thì vì sao lại không yêu cầu điều dưỡng Hằng cho dừng ngay chạy thận vào đầu giờ sáng mà mặc nhiên đồng ý với nhau đến trưa mới lẫy mẫu nước mang đi xét nghiệm?
+ Còn một thực tế nữa, hệ thống RO2 sửa chữa, bảo dưỡng xong nếu cần lấy mẫu nước xét nghiệm thì có thể lấy mẫu nước ở ngay sau màng RO và sau tank RO2, không cần dừng chạy thận hay chờ hết ca lọc mới có thể lấy mẫu nước RO; chỉ trong trường hợp lấy mẫu nước để xét nghiệm endotoxin đối với hệ thống HDFonline (tức lấy qua hệ thống RO mini) mới phải dừng chạy thận khi cần lấy mẫu nước. Do vậy, việc Sơn và Quốc đồng ý để chờ lấy mẫu nước không phải là nhằm xét nghiệm cho chất lượng nước RO2 sau sửa chữa, bảo dưỡng.
+ Nếu Sơn và Quốc thông báo cho Hoàng Công Lương việc cần lấy mẫu nước xét nghiệm mới cho chạy thận và nếu điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng thông báo cho Hoàng Công Lương việc Sơn và Quốc xuống lấy mẫu nước đầu giờ sáng nhưng thống nhất để đến trưa …mà Lương vẫn ra y lệnh hoặc đã ra y lệnh khi biết các thông tin mà không y lệnh dừng lọc máu thì mới có cơ sở để quy buộc phần nào trách nhiệm thiếu sót của Lương!
Chỉ với những tình tiết khách quan liệt kê ở trên, cũng đủ thấy phía sau y lệnh của Hoàng Công Lương còn nhiều các cơ hội khác để ngăn chặn thảm họa của những người có trách nhiệm với công việc được giao, đó mới đúng là cánh cửa cốt chặn cuối cùng không để hậu quả ngày 29/5/2017 xảy ra nhưng không ai làm cả; tuyệt nhiên không là công việc và trách nhiệm của Hoàng Công Lương, cớ sao buộc tội bác sĩ này?
(Bài 6: Hệ thống RO – thiết bị y tế hay thiết bị thông thường?)