Nhận chìm chất thải của nhiệt điện Vĩnh Tân: Đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn

LTS: Để có thông tin đa chiều, chúng tôi xin giới thiệu cùng quý độc giả bài viết của PGS.TS Vũ Thanh Ca, đăng trên báo VnMedia ngày 11-7-2017, “Nhận chìm chất thải của nhiệt điện Vĩnh Tân: Đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn“. Do báo cáo tác động môi trường không được công bố cho dân chúng tham khảo, nên bài viết của TS Vũ Thanh Ca có thể xem như quan điểm chính quyền.

Kính mời quý độc giả đọc bài viết dưới đây, rồi so sánh với bài của tác giả Đăng Nguyễn, đã đăng trên Tiếng Dân vài ngày trước: Sau Vĩnh Tân 1: Nguy cơ nguồn tài nguyên hải sản bị xóa sổ. Cả hai bài viết đều bàn về vấn đề pháp lý của kế hoạch xả thải xuống biển, nhưng khác với bài của TS Vũ Thanh Ca, bài của Đăng Nguyễn nêu lên quan điểm phía dân sự và dư luận.

____

VnMedia

PGS.TS Vũ Thanh Ca

11-7-2017

PGS.TS Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã đưa ra những cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học của quyết định cho phép nhận chìm cũng như đánh giá sơ bộ những thiệt hại về môi trường, sinh thái biển do hoạt động nhận chìm chất nạo vét gây ra.

Theo Giấy phép số 1517/GP-BTNMT cấp ngày 23 tháng 6 năm 2017, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được phép nhận chìm 918.533 m3 chất nạo vét khu nước trước bến và vũng quay tàu xuống khu vực biển đã được chọn ở vùng biển Bình Thuận. Ngay sau khi Giấy phép được cấp, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có rất nhiều ý kiến các nhà khoa học và người dân lo ngại về những tác động của dự án nhận chìm tới môi trường sinh thái tại khu vực biển nhận chìm và các khu vực xung quanh. Thậm chí có những ý kiến lo ngại về tính pháp lý của Giấy phép số 1517/GP-BTNMT.

Bài báo này sẽ trình bày những cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học của quyết định cho phép nhận chìm cũng như đánh giá sơ bộ những thiệt hại về môi trường, sinh thái biển do hoạt động nhận chìm gây ra.

Thành phần của chất nạo vét ở Vĩnh Tân và khả năng ảnh hưởng tới môi trường

Theo Báo cáo dự án nhận chìm Vĩnh Tân, độ dày lớp đất cát nạo vét điển hình khoảng 14,5m.Trong đó có một lớp cát pha bùn sét với hàm lượng bùn sét không vượt quá 5%. Các lớp khác chủ yếu là cát và có rất ít bùn sét.

Khi bị đổ xuống biển, chất nạo vét sẽ trùm lên đáy biển và gây ra tác hại với các sinh vật sống ở đáy biển. Nếu lớp chất đổ xuống dày, một số loài sinh vật sẽ bị chết. Một số khác có khả năng xuyên qua lớp cát để lên mặt và không bị chết. Ngoài ra, bùn và các chất độc hại (nếu có) trong chất nạo vét có khả năng hòa tan trong nước biển và bị dòng chảy biển mang đi, có khả năng ảnh hưởng tới các khu vực khác.

Theo Báo cáo nhận chìm Vĩnh Tân, kết quả khảo sát hiện trường cho thấy nền đáy biển khu vực đổ chất nạo vét nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân chủ yếu là nền cát với rất ít sinh vật sinh sống. Vì vậy, hoạt động đổ thải sẽ ảnh hưởng ít tới đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản ở khu vực này.

Theo kết quả phân tích đối với dự án nhận chìm chất nạo vét tại Vĩnh Tân, trong thành phần của chất nạo vét không thấy có chất độc hại như kim loại nặng hoặc các chất độc hại khác vượt quá mức cho phép. Như vậy, vấn đề cần quan tâm khi đổ chất nạo vét chỉ là độ đục của nước chứ không phải là hàm lượng của các chất độc hại.

Cảng than nhà máy Vĩnh Tân 1. Ảnh: VnMedia/ internet

Tác động môi trường tới bãi cạn Breda và khu bảo tồn biển Hòn Cau như thế nào?

Như đã nêu ở trên, hoạt động nhận chìm chất nạo vét trong dự án Vĩnh Tân có thể có tác động tới môi trường của các khu vực xung quanh, đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Cau và bãi cạn Breda là những khu vực có các rạn san hô quý hiểm và hệ sinh thái rạn san hô với đa dạng sinh học rất cao. Nếu bùn nạo vét bị vận chuyển tới và lắng đọng tại các khu vực này, thiệt hại về môi trường, sinh thái sẽ rất lớn. Vì vậy, dự án cần được thực hiện sao cho việc nhận chìm chất nạo vét ảnh hưởng không đáng kể tới khu vực nhận chìm.

Vùng biển Bình Thuận có một hệ thống dòng chảy rất phức tạp. Mùa hè, dòng mặt chảy ven bờ chủ yếu có hướng từ nam lên bắc.Mùa đông, dòng chảy mặt chủ yếu có hướng từ bắc xuống nam. Cần chú ý rằng hệ thống dòng chảy biển là tổng hợp của dòng chảy gió, dòng chảy do chênh lệch mật độ và cao độ mặt nước và dòng chảy do lực hấp dẫn gây ra (dòng chảy triều). Dòng chảy gió gây ra do tác động của gió trên bề mặt (ứng suất gió) và có độ sâu thay đổi tùy thuộc vào độ dày lớp xáo trộn bề mặt biển (là lớp gần như đồng nhất về nhiệt độ ở trên cùng cột nước biển) và thời gian tác dụng của gió. Khi gió bắt đầu thổi, lớp nước có dòng chảy gió rất mỏng.

Theo thời gian, do quá trình trao đổi động lượng rối giữa lớp nước mặt biển và các lớp nước sâu hơn, dòng chảy gió sẽ lan truyền tới hết độ sâu của lớp xáo trộn bề mặt, Trong điều kiện biển mở, khá xa bờ, độ sâu này có giá trị khoảng 25m tới 30m vào mùa hè. Do có sự thay đổi nhảy vọt của nhiệt độ và độ muối biển từ lớp xáo trộn bề mặt với lớp nước sâu, xoáy rối không vượt quá được ranh giới của lớp nhảy vọt mật độ, nằm cách mặt nước biển vào mùa hè khoảng từ 25m tới 30m đối với vùng biển mở. Vì vậy, nói chung trong gió mùa mùa hè, lớp nước có dòng chảy gió có độ sâu khoảng 25m tới 30m. Trong mùa đông, lớp xáo trộn bề mặt biển có độ sâu lớn hơn.

Cũng có một số ý kiến cho rằng trong mùa hè có tồn tại một vùng nước trồi bên ngoài vùng biển Nam Trung Bộ nên việc đổ thải vào mùa hè là rất nguy hiểm do hệ thống nước trồi này có khả năng vận chuyển nước đục đi xa. Tuy vậy, cần nhận thức rằng xoáy nghịch tạo ra hệ thống nước trồi ở đây có tâm cách bờ khoảng 100km, ở vùng biển có độ sâu rất lớn. Vì khu vực nhận chìm có độ sâu nhỏ, dòng chảy từ khu vực nước trồi vào khu vực này gần như theo phương ngang và có vận tốc nhỏ hơn rất nhiều so với dòng gió và dòng triều nên nó hầu như không ảnh hưởng đáng kể tới việc vận chuyển nước đục đi xa.

Khu vực Hòn Cau. Ảnh: VnMedia/ internet

Theo những tính toán của riêng tác giả bằng cách sử dụng mô hình số trị 3 chiều có tính đến tác động của gió, dòng triều và dòng chảy mật độ (mô hình POM của đại học Princeton, Hoa Kỳ với số liệu độ sâu của Dự án Xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sóng thần và số liệu khí tượng, hải dương lấy từ trường số liệu tái phân tích của Trung tâm dự báo môi trường Hoa Ky, NCEP), có thể thấy vùng nước ven bờ biển, từ bờ ra ngoài khu vực nhận chìm tại vùng biển Bình Thuận về mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 7, gió có hướng chủ đạo là tây nam, nam và đông nam và dòng chảy biểntrung bình khá đồng nhất từ mặt đến đáy và có hướng từ nam lên bắc. Vào tháng 8 và tháng 9, gió chuyển thiên về đông nam và dòng chảy trung bình tại đây có hướng chếch ra khơi lên phía bắc. Vào tháng 10, do có nhiều đợt gió mùa đông bắc, dòng chảy trung bình tháng ở đây có hướng từ bắc xuống nam.

Các kết quả tính toán dòng chảy tầng mặt trung bình cũng do tác giả bài viết thực hiện sử dụng số liệu đo đạc tại Trung tâm dữ liệu Đại dương quốc gia Hoa Kỳ (NODC) kết hợp với số liệu của Hệ thống quan trắc đại dương toàn cầu (GOOS) cũng cho các kết quả tương tự như trên.

Như vậy, vào mùa hè, dòng chảy biển tại khu vực nhận chìm có hướng từ nam lên bắc. Vì nước đục là do dòng chảy vận chuyển nên cũng được vận chuyển lên bắc. Dòng chảy vào tháng 10 có hướng chủ đạo xuống nam nên cần đặc biệt lưu ý.

Vì giấy phép nhận chìm của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ cho phép đổ vào mùa hè và đầu thu, từ 23/6/2017 tới 31/10/2017, khả năng xảy ra gió mùa đông bắc trong thời gian này khá hiếm. Với hệ thống trạm quan trắc quy định như trong giấy phép, nếu xảy ra hiện tượng nước đục lan tới ranh giới khu bảo tồn biển Hòn Cau trong gió mùa đông bắc thì cần dừng ngay hoạt động nhận chìm để chờ gió đổi sang hướng nam, đông nam hoặc tây nam. Đồng thời, cần xây dựng các phương án ứng phó sự cố môi trường nếu sự cố xảy ra trong quá trình nhận chìm.

Trong điều kiện bão, các sóng bão có chu kỳ khá dài có thể tác động tới đáy biển nơi nhận chìm bùn cát. Tuy vậy, do sóng biển là quá trình thế, không xoáy nên dưới tác động của sóng cát biển sẽ chỉ dịch chuyển cát được một đoạn rất ngắn do hiệu ứng phí tuyến và không thể cuốn lên để trùm lên san hô tại Hòn Cau hoặc Breda. Bùn có thể bị cuốn lên, nhưng động lực mạnh mẽ tại rạn san hô trong bão sẽ không cho phép bùn lắng đọng ở đây.Thực tế là trong bão bùn từ trong lục địa chảy ra rất nhiều, làm đục cả dải nước biển ven bờ nhưng không ảnh hưởng gì đến các rạn san hô.

Khả năng chất nạo vét sẽ bị vận chuyển lên phía bắc vào mùa hè và quay lại để ảnh hưởng tới khu bảo tồn biển Hòn Cau vào mùa đông.

Cần nhận thức rằng nước đục là do bùn trong chất nạo vét gây ra. Theo các kết quả nghiên cứu trên thế giới, bùn là những hạt có kích thước nhỏ hơn 60 micrometre, có cấu tạo dạng bản và tích điện trái dấu ở giữa bản (điện âm) và xung quanh (điện dương) nên nó có xu hướng kết bông (tiếng Anh gọi là flocculation hay aggregation) do tích điện trái dấu và hút nhau giữa cạnh hạt bùn và giữa hạt bùn. Các khối bông kết bùn giúp bùn lắng đọng nhanh hơn nhưng khá yếu trong nước ngọt.Tuy vậy, khi ra đến biển, nước biển có chứa rất nhiều i-ôn.Các i-ôn này sẽ làm các khối bông kết của bùn vững chắc hơn rất nhiều.Chính các khối bông kết này giúp bùn nhanh chóng lắng đọng xuống đáyở vùng cửa sông, ven biển để tạo ra các đồng bằng châu thổ. Với lý do này, chỉ khu vực gần cửa sông mùa lũ là có nước đục còn biển ngoài khơi luôn trong xanh.Đó cũng là lý do tại sao sau các trận mưa lớn, nước sông tải ra biển thậm chí hàng tỉ m3 nước đục nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó biển trở thành trong sạch rất nhanh.Khi lắng đọng xuống đáy, bùn sẽ hấp phụ các chất nhiễm bẩn khác và làm sạch nước biển.

Như vậy, trong gió mùa mùa hè, bùn trong dòng nước đục do hiện tượng nhận chìm chất nạo vét gây ra sẽ bị vận chuyển lên phía bắc và nhanh chóng lắng đọng xuống đáy biển mà không thể tồn tại từ mùa hè qua mùa đông để bị vận chuyển qua lại và lắng đọng xuống khu bảo tồn biển Hòn Cau.

 Đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn trong việc nhận chìm chất nạo vét

Từ những vấn đề trình bày ở trên, tác giả cho rằng: Việc nhận chìm chất nạo vét khu  nước trước bến và vũng quay tàu xuống khu vực biển đã được chọn ở vùng biển Bình Thuận có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn.

Các đánh giá sơ bộ cho thấy phương án nhận chìm chất nạo vét ở biển có lợi về mặt kinh tế – xã hội và môi trường hơn phương án đổ chất nạo vét ở trên bờ.

Cần thực hiện rất nghiêm túc các giải pháp kiểm tra, giám sát để đảm bảo dừng ngay hoạt động nhận chìm nếu nước đục do hoạt động nhận chìm có thể ảnh hưởng tới ranh giới khu bảo tồn biển Hòn Cau và bãi cạn Breda.

Phát triển bền vững yêu cầu phải giới hạn tác động môi trường của các hoạt động phát triển trong giới hạn mà môi trường và các hệ sinh thái biển có thể phục hồi. Việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nhấn chìm ở biển là một trong những nội dung quan trọng nhất của phát triển bền vững nền kinh tế biển xanh.

____

Nhận chìm chất nạo vét ở biển dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam

Tháng 6 năm 1972, Liên Hợp quốc đã kêu gọi xây dựng một Công ước về đổ thải xuống biển. Vào tháng 11 năm 1972, tại Hội nghị Liên chính phủ tổ chức tại London, dự thảo Công ước về phòng ngừa ô nhiễm biển do đổ chất thải và các chất khác ở biển (Công ước London 1972) được thông qua.Hiện nay đã có khoảng 80 nước phê chuẩn Công ước. Để hiện thực hóa Chương trình Nghị sự 21, tăng cường bảo vệ môi trường biển phục vụ phát triển bền vững, tại cuộc họp đặc biệt của các nước thành viên Công ước London 1972 vào năm 1996 tại London, Nghị định thư về Công ước về phòng ngừa ô nhiễm biển do đổ chất thải và các chất khác ở biển (Nghị định thư London 1996) được thông qua.

Nghị định thư này mới được sửa chữa, bổ sung vào năm 2006. Mục đích của Công ước cũng như Nghị định thư đều đảm bảo hạn chế tới mức thấp nhất ô nhiễm biển do đổ thải ở biển gây ra, đồng thời giúp tìm các phương án đổ thải thích hợp nhất, tăng cường hiệu quả của các dự án đầu tư, góp phần phát triển kinh tế biển.

Trong Công ước London 1972 và Nghị định thư London 1996 đều quy định chất nạo vét là chất được phép đổ xuống biển. Cơ sở của việc này là chất nạo vét là chất được đưa lên từ đáy biển và việc đưa nó trở lại biển là một việc rất tự nhiên nếu nó không chứa những chất độc hại có khả năng làm môi trường biển thay đổi theo chiều hướng xấu đi.

Nhiều văn bản khác của luật pháp quốc tế về môi trường, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, các Nghị quyết đại hội đồng Liên hợp quốc về Đại dương và Luật biển cũng luôn đề cập tới các hoạt động nhận chìm.

Theo Bản dịch của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 do nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2012, sự nhận chìm là (i) mọi sự trút bỏ có ý thức xuống biển các chất thải hoặc các chất khác từ tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc công trình bố trí ở biển; (ii) mọi sự đánh chìm tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc công trình khác được bố trí ở biển.

Tại Việt Nam, Luật bảo vệ môi trường 2005 nghiêm cấm mọi hình thức đổ chất thải xuống biển.Tuy vậy, nhận thức được rằng trong nhiều trường hợp, việc đổ thải trên bờ rất khó khăn, tốn kém, thậm chí bất khả thi.Nếu đổ chất nạo vét trên bờ thì cần tìm một khu đất để đổ. Việc tìm khu đất này cực kỳ khó khăn vì hiện nay tất cả đất đai đã có chủ và có mục đích sử dụng nên rất khó giải phóng mặt bằng để giao đất, tốn kém tiền đền bù, di dời và tạo sinh kế mới cho người dân. Nước mặn từ chất nạo vét sẽ ngấm xuống làm ô nhiễm vùng đất xung quanh và tầng nước ngầm, phải mất nhiều năm mới rửa sạch được.Trong khi đó, luật pháp quốc tế lại cho phép đổ thải xuống biển.Ngoài ra, chất nạo vét khi đổ xuống biển không có nghĩa là sẽ mất đi vĩnh viễn. Vào mùa hè, sóng lừng có chu kỳ dài truyền từ biển khơi vào bờ có khả năng tác động tới đáy biển sẽ dần dịch chuyển cát dưới đáy biển vào phía bờ để dòng chảy sát bờ vận chuyển dọc bờ tới bù cát cho những khu vực thiếu cát và do vậy hạn chế xói lở bờ.

Việc đổ cát nạo vét để bảo vệ bờ rất phổ biến trên thế giới. Một thí dụ rất điển hình là bãi biển Palm, Florida, Mỹ. Đây là bãi biển đẹp và đắt giá nhất nước Mỹ. Bãi này bị xói lở do cát bị vận chuyển dọc bờ theo hướng sóng thịnh hành và lắng đọng ở phía cuối của bãi. Để duy trì bãi, người ta đã nạo vét cát ở cuối bãi, chở lên “nhận chìm” ở đầu bãi. Gần đây, các nhà khoa học Hà Lan đã đưa ra ý tưởng sử dụng máy cát (sand engine), tức là đổ cát thành một doi ở khu vực phía đầu sóng của một bãi biển bị xói lở để cát từ từ di chuyển về cuối bãi. Khi cát đã lắng đọng ở cuối bãi, cát lại được nạo vét để “nhận chìm” ở đầu bãi.

Với các lý do trên, Luật bảo vệ môi trường 2014 đã cho phép nhận chìm, đổ thải ở biển. Việc nhận chìm ở biển đã được quy định chi tiết trong Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 và Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Danh mục các chất được phép nhận chìm ở biển quy định trong Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ hoàn toàn trùng lặp với danh mục các chất được đổ xuống biển quy định trong Công ước London 1972 và Nghị định thư London 1996 và bao gồm chất nạo vét, và do vậy chính là đã nội luật hóa luật pháp quốc tế trong luật pháp Việt Nam. Mục đích của là để quản lý tốt hơn và giảm thiểu tác động môi trường do đổ thải ở biển, đồng thời giảm chi phí đổ thải, tạo điều kiện để phát triển kinh tế biển một cách hiệu quả nhất.

Một quy định rất chặt chẽ trong luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về nhận chìm ở biển là phải thực hiện cấp phép để đảm bảo hạn chế thấp nhất những thiệt hại về môi trường, sinh thái do các hoạt động đổ thải gây ra. Theo đó, phải đảm bảo khu vực nhận chìm không phải là khu vực có tầm quan trọng cao về môi trường, sinh thái và hoạt động nhận chìm ở biển không được gây ra những tác động có hại tới các khu vực biển có tầm quan trọng cao về môi trường sinh thái ở xung quanh khu vực nhận chìm.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả) 

Bình Luận từ Facebook