Hoa Nam tình báo cục – Anh là ai? (Phần 3): Hoa Nam phân cục

FB Duan Dang

20-10-2018

Tiếp theo Phần 1 và Phần 2

Năm 1939, Bộ Xã hội, tiền thân của Bộ An ninh quốc gia và Bộ Công an, và cả tình báo quân sự Trung Quốc, ra đời, với Khang Sinh là bộ trưởng, Lý Khắc Nông là thứ trưởng thường trực và Phan Hán Niên là thứ trưởng.

Huyền thoại tình báo Phan Hán Niên chủ yếu giám sát hoạt động đào tạo điệp viên ở Diên An và một số học trò của ông sau này đã theo ông đến Hồng Kông và Thượng Hải. Sau khi Phan Hán Niên trở lại địa bàn quen thuộc là Hồng Kông vào tháng 4.1939 để chữa bệnh mắt, giới lãnh đạo ở Diên An yêu cầu ông ở lại đây và giám sát việc tổ chức cơ quan tình báo ở phía nam có tên Hoa Nam Tình báo Cục, trên cơ sở hợp nhất các mạng lưới ở Thượng Hải, Hồng Kông Ma Cao và Quảng Đông như chúng ta đã biết.

Phan Hán Niên tái cấu trúc các mạng lưới hiện hữu bằng cách bổ sung những học trò mà ông dẫn theo từ Diên An. Ông cài cắm điệp viên vào các mạng lưới khác nhau, gồm cả cơ quan tình báo của Liên Xô ở Viễn Đông và Cục Điều tra và Thống kê quốc gia – cơ quan tình báo quân sự của Quốc dân đảng khét tiếng với tên rút gọn “Quân thống”, và dĩ nhiên là cơ quan tình báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản lúc bấy giờ.

Như một bi kịch oan khiên thường thấy của những nhà tình báo hiển hách, hoạt động của Phan Hán Niên ở Hồng Kông và Thượng Hải rồi sẽ khiến ông ngậm đắng nuốt cay với 22 năm tù ngục cho đến chết từ 1955 đến 1977.

Tuy nhiên, trước hết hãy giải quyết câu hỏi vì sao có lúc chúng ta gọi Hoa Nam Tình báo cục, có lúc lại gọi Hoa Nam Tình báo phân cục, có lúc lại chỉ đơn giản là tình báo Hoa Nam?

Sau khi Đệ nhị thế chiến kết thúc, tháng 12.1945, Cục Nam phương đổi tên thành Cục Trùng Khánh, tham gia vào hội nghị hiệp thương chính trị toàn quốc ở thành phố này. Đến tháng 5.1946, đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc dời về Nam Kinh theo chính phủ Trung Hoa dân quốc và đổi tên thành Cục Nam Kinh.

Tháng 3.1947, sau khi nội chiến toàn diện nổ ra, các tổ chức công khai của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Nam Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh bị trục xuất và triệt thoái về Diên An, Cục Nam Kinh, với các tiền thân là Cục Trùng Khánh, Cục Nam phương và Cục Trường Giang đã kết thúc sứ mệnh lịch sử và giải tán.

Trong cùng khoảng thời gian này, tại Hồng Kông, Phan Hán Niên cùng các đồng chí như Phương Phương, Doãn Lâm Bình, Chương Hán Phu nhận được chỉ thị thành lập Phân cục Hồng Kông trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc như là trung tâm chỉ huy của Đảng Cộng sản ở vùng Hoa Nam.

Ngoài tình báo, Phân cục Hồng Kông còn chịu trách nhiệm cho hoạt động hết sức quan trọng là công tác mặt trận thống nhất, bao gồm việc liên lạc với các lực lượng người Hoa ở hải ngoại, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Trong đó, Quảng Đông là khu vực hết sức quan trọng bởi đây là quê quán của nhiều người Hoa ở hải ngoại nhất.

Sau khi Đảng Cộng sản giành chiến thắng và tuyên bố lập quốc vào tháng 10.1949, Trung Quốc được chia thành 6 đại khu hành chính, gồm đông bắc, hoa bắc, hoa đông, tây bắc, tây nam và trung nam. Ngoài khu hoa bắc đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền trung ương, 5 khu còn lại đều được chỉ huy bởi các cục có tên tương ứng trực thuộc ban chấp hành trung ương. Như vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó có 5 cục địa phương là Cục Đông Bắc, Cục Hoa Đông, Cục Tây Bắc, Cục Tây Nam và Cục Trung Nam. Các cục này tồn tại từ năm 1949 đến 1955 thì đồng loạt bị bãi bỏ.

Trong khoảng thời gian này, Phân cục Hồng Kông được đổi tên thành Phân cục Hoa Nam và di chuyển đại bản doanh đến thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Phân cục Hoa Nam khi ấy trực thuộc Cục Trung Nam, là cục duy nhất có phân cục. Đến năm 1955, khi các cục địa phương bị bãi bỏ, Phân cục Hoa Nam trở thành Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông.

Tuy nhiên, Phân cục Hoa Nam đã trở nên khét tiếng bởi quãng thời gian tồn tại của nó trùng với cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Trong thời gian đó, Hoa Nam Phân cục luôn thường trực một bản kế hoạch về việc xâm lược Đông Dương và Đông Nam Á. Bản kế hoạch này đã bị Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) lấy được và đó có thể là một trong những lý do dẫn đến sự hình thành của cái gọi là “lý thuyết domino”, một trong những nguồn cơn của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, còn gọi là Chiến tranh Việt Nam.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook