BTV Tiếng Dân
Vụ tàu chiến TQ lao vào chặn ngay trước mũi, suýt va chạm với tàu khu trục Mỹ tại Đá Ga Ven, hôm 1/10 vừa rồi, Nate Christensen, Phó Phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, lên tiếng tuyên bố, Trung Quốc đã hành xử không an toàn và không chuyên nghiệp khi tiếp cận với tàu DECATUR, đang thực hiện hoạt động tự do hải hành ở Biển Đông.
“Vào khoảng 08:30 giờ địa phương ngày 30 tháng 9, một tàu khu trục LUYANG của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã tiếp cận USS DECATUR theo cách thức không chuyên nghiệp và không an toàn trong vùng nước lân cận Gaven Reef ở Biển Đông. Tàu khu trục của Trung Quốc đã thực hiện một loạt các chuyển động với cường độ hung hăng ngày càng tăng, kèm theo đó là các cảnh báo DECATUR phải rời khu vực. Tàu khu trục Trung Quốc đã áp sát, chỉ cách mũi tàu DECATUR 45 Iat (xấp xỉ 41 m), khiến cho DECATUR đã phải dịch chuyển để tránh va chạm.
Tàu chiến và máy bay của Hải quân Hoa Kỳ hoạt động hàng ngày ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao gồm cả ở Biển Đông. Như đã diễn ra trong nhiều thập kể, các lực lượng của chúng tôi sẽ tiếp tục bay, đi qua và hoạt động ở bất cứ đâu luật quốc tế cho phép“, nguyên văn tuyên bố của Phó phát ngôn Christensen.
Một quan chức quốc phòng Mỹ khác cho biết chi tiết hơn về vụ chạm trán. Theo đó, hai tàu chỉ đối mặt nhau trong thời gian ngắn. Lúc đầu, tàu Trung Quốc chỉ cách tàu Mỹ khoảng 460 m về phía mạn trái. Sau đó tàu đã vượt lên trước và cắt ngang mũi tàu Mỹ ở khoảng cách xấp xỉ 41 m.
Còn theo VnExpress, cựu đại tá hải quân Mỹ Carl Schuster cho biết hành động áp sát của tàu Trung Quốc rất nguy hiểm. Chỉ huy tàu đã chỉ có vài giây để quyết định xem có chuyển hướng tàu hay không. “Các hạm trưởng sẽ rất căng thẳng khi các tàu cách nhau dưới 900 m“, ông Schuster nhấn mạnh.
Phản ứng lại tố cáo trên, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian cho biết trong một tuyên bố trên trang web của Bộ Quốc phòng hôm thứ ba rằng, một tàu hải quân Trung Quốc đã nhanh chóng phát hiện ra tàu Decatur và cảnh báo nó rời khỏi khu vực, theo Wall Street Journal. Tuyên bố không đưa ra thêm chi tiết về vụ việc.
Như thường lệ, tuyên bố nói rằng Bắc Kinh có chủ quyền không thể tranh cãi đối với tất cả các đảo Biển Đông và vùng biển lân cận, và Hoa Kỳ đã đe dọa an ninh của Trung Quốc và làm suy yếu quan hệ song phương bằng cách liên tục gửi tàu chiến vào vùng biển quanh các đảo và rạn san hô trong khu vực.
“Quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng và tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia và bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định khu vực”, tuyên bố nói.
Trước đó, các đơn vị Hải quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đã tiến hành diễn tập bắn đạn thật phòng vệ trên biển và trên không ở Biển Đông. Cuộc diễn tập này được đánh giá là một hành động phô diễn sức mạnh trước sự bành trướng của Trung Quốc đang diễn ra trong khu vực, báo Washington Times đưa tin ngày 28/9.
Cuộc diễn tập được thiết kế để nâng cao sự nhuần nhuyễn trong phối hợp tác chiến hỏa lực trong các hoạt động chiến đấu tiềm năng ở Thái Bình Dương, theo Washingtion Times.
Trong cùng khoảng thời gian, Quân đội Trung Quốc cũng đã triển khai các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tiến hành diễn tập bắn đạn thật trong một phạm vi ở Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi Mỹ điều máy bay ném bom hạng nặng bay qua Biển Đông hai lần trong tuần qua, trang Stars and Stripes dẫn thông tin từ đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết hôm 29/8.
Báo cáo của CCTV cho biết, hàng chục máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân từ Bộ Tư lệnh phía Nam đã tiến hành các cuộc tập trận để thử nghiệm các cuộc tấn công của các phi công, năng lực thâm nhập và tấn công chính xác ở biển, theo Stars and Stripes.
Xem thêm: 5 nước tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông (RFA). – Khu vực tập trận không phải ở vùng tranh chấp (CP Singapore). – Trung Quốc bực tức khi tàu chiến Hàn Quốc vào Hoàng Sa tránh bão (VNE). – Bắc Kinh đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng ở Biển Đông (SCMP).
Chính sách biển Việt Nam
Lần đầu tiên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có một tuyên bố đúng với tầm của một chính trị gia, khi xác định rằng biển đảo là không gian sinh tồn của người Việt. Ông Trọng đưa ra những tuyên bố về biển đảo khi đề cập đến nội dung tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc sáng 2/10 tại Hà Nội.
Ông Trọng nói: “Như chúng ta đều biết, đối với nước ta, biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam.
Các vùng biển, nước ta có vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Thế kỷ 21 được coi là kỷ nguyên của đại dương, việc “vươn ra biển” đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và cả quốc gia không có biển“.
Theo ông Trọng, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã đề xuất Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong bối cảnh tình hình mới ở trong nước và khu vực:
“Nghị quyết sẽ định hướng cho việc xây dựng chiến lược, sẽ định hướng cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án, dự án tổ chức thực hiện của Chính phủ, các địa phương và các cơ quan liên quan, đặc biệt là việc huy động nguồn lực trong Kế hoạch đầu tư trung hạn cho phát triển kinh tế biển và ven biển, phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030”, Tổng Bí thư nói, với lối hành văn tương đối dài dòng.
“Các nội dung về phát triển kinh tế biển có quan hệ hữu cơ, chặt chẽ với các vấn đề của toàn bộ nền kinh tế đất nước, cần được phổ biến, quán triệt sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để từ đó nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của toàn xã hội trong việc quản lý, khai thác, bảo tồn, phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam,” Tổng bí thư nhấn mạnh.
Đọc thêm: Quốc gia biển không thể mãi đi thuê, đi mua tàu (VnEconomy). – Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết về “Chiến lược Biển Việt Nam”(VOV). –10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam: Bài 1- Nỗ lực trở thành quốc gia mạnh từ biển — 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam: Bài 2 (Tin tức). – Bài viết của Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Xây dựng kinh tế biển xanh – trọng điểm cho phát triển bền vững biển Việt Nam (CP). – Mỹ và Philippines tăng cường hợp tác an ninh trong năm 2019 (ĐSQ Mỹ ở Philippines). – Củng cố tin cậy chính trị và thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung Quốc (TCCS).