“Năng động nhóm”

Michael Lê

11-9-2018

Mấy tiếng trên có vẻ lạ tai. Nó là tên của một môn học thuộc ngành xã hội học mà nếu tôi nhớ không lầm là xuất phát từ Mỹ. Tên tiếng Anh của nó là “DYNAMIC GROUP” (nhóm năng động), môn học nghiên cứu về “Nhóm”, nhất là nhóm nhỏ.

Các Nhóm tự nhiên (ví dụ nhóm bạn cùng xóm, nhóm đồng nghiệp…) hay các Nhóm tình cờ (nhóm bệnh nhân, nhóm hành khách…) hoặc các Nhóm quy tụ cách chủ động (ví dụ nhóm công tác, nhóm đồng chí…) được hình thành như thế nào? Phát triển như thế nào? Có quy luật khách quan nào không? Vấn đề trưởng nhóm hay thủ lãnh? Vấn đề truyền thông trong nhóm ra sao? Nhóm ảnh hưởng lên cá nhân (và chiều ngược lại) như thế nào?…

Cái tên Dynamic Group gợi lên mục tiêu nghiên cứu của môn học này: làm thế nào để một Nhóm trở nên năng động và hiệu quả?

Cô Nguyễn Thị Oanh, tốt nghiệp thạc sĩ khoa Phát Triển Cộng Đồng ở Mỹ trước 1975, sau 75 có mở “lớp chui” dạy chúng tôi môn này. Cô kể, ở Mỹ người ta đã phát triển cả một ngành khoa học về Nhóm đồ sộ công phu và gây ảnh hưởng lên nhiều ngành học khác, từ quản trị, hành chánh, giáo dục, y tế… cho đến công tác xã hội, trị liệu tâm lý v.v…

Ở VN mình, tiếc là vì ở hoàn cảnh phải… “dạy chui học chui”, sau này cũng được lấp ló ra dạy công khai đó nhưng chưa được các ngành chức năng trong nước nhìn nhận chính thức và đúng mức, nên môn học này vẫn còn chưa phổ biến.

Qua Mỹ sống, tôi cứ hay để ý xem do đâu người Mỹ họ có khả năng làm việc tập thể cao như vậy? Tôi cũng hay quan sát xem môn học về Nhóm đã được ứng dụng vào học đường ra sao? Người ta dạy học sinh Mỹ những gì và thế nào mà khi lớn lên, ở đâu có một nhóm người Mỹ họp lại thì hiệu quả của việc họ làm tăng gấp trăm lần (so với một nhóm… người Việt chẳng hạn).

Xét về mặt cá nhân thì người Mỹ họ không ‘thông thái’ và ‘lắm tài’ bằng người Việt mình đâu bà con ạ. Người Việt mình quả là tài. Tài đầy mình. Cái gì cũng biết (và vì vậy cái gì cũng biết… chút chút). Một người Việt có thể giỏi bằng ba người Mỹ lận đó chớ. Nhưng ở đâu có ba người Việt họp lại thì… thành cái chợ, toàn ‘thầy’ không mà hổng thấy ‘thợ’ đâu. Tối ngày… cãi!

Tôi muốn chọn đúng hôm nay để nói về môn Năng Động Nhóm “đặc sản Mỹ” này. Hôm nay, đúng ngày 11/9, ngày kỷ niệm vụ tấn công kinh hoàng của không tặc vào nước Mỹ.

Ngày này cách đây 17 năm, trên một chuyến bay nội địa bị cướp, một cú “năng động nhóm” tuyệt vời đã xảy ra.

Ai ở Mỹ thì biết máy bay nội địa nó giống như… xe đò ở VN vậy. Hành khách tình cờ đi chung chuyến, ngồi xếp lớp như cá mòi, chẳng ai quen ai trước, vào chỗ đâu đó rồi là mạnh ai nấy… ngủ. Có thể ông bên này… hôi nách, bà bên kia ngáy khò khò.

Thế rồi bọn không tặc bất ngờ đứng dậy, hung tợn la hét, vũ khí lăm lăm khống chế mọi người. Trong những phút giây sống chết rợn rùng ấy, có năm sáu hành khách chỗ ngồi gần nhau đã làm nên một kỳ tích.

Họ chỉ cần nhìn nhau ra hiệu chăng? Họ chỉ cần thầm thì trao đổi thật ngắn chăng? Năm sáu người Mỹ ấy, những người mới trước đó còn xa lạ, đã nhanh chóng “đồng thuận” để đi đến một quyết định cảm tử. Không cần bàn tán tranh cãi phân tích lý luận đại hải tràng giang như… người Việt Nam, họ biết ngay họ phải làm gì; họ biết phân công hỗ trợ nhau làm sao; họ biết phải hành động thế nào cho hiệu quả nhất!

Điều trên cả tuyệt vời là – không cần bàn cãi nhiều – họ biết rằng đàng nào cũng chết nhưng còn có một nhiệm vụ phải cùng nhau làm lần cuối. Đó là cứu lấy “đồng bào” của mình dưới mặt đất. Đó là hy sinh cho nước Mỹ!… Và năm sáu người Mỹ đó đã làm được một kỳ công!

Tôi hy vọng các bạn đọc bài này đều đã biết câu chuyện quá nổi tiếng về những hành khách Mỹ trên chuyến bay định mệnh ngày 11/9/2001 đó.

Tôi hy vọng là chúng ta sẽ tự hỏi: cái Năng Động Nhóm là cái gì? Nó có giúp được gì cho nước Việt chúng ta trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng này của quê hương không?

Bức ảnh này có cái tên rất ngắn gọn: “911”

____

Zing

‘Phi vụ cuối cùng’ của hành khách trên chuyến bay ngày 11/9

11-9-2016

Trong 4 chiếc máy bay bị không tặc khống chế trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, chỉ có một chiếc không đến được mục tiêu mong muốn của bọn khủng bố.

Ngày 11/9/2001, trong lúc tivi trên toàn nước Mỹ và thế giới vẫn đang chiếu đi chiếu lại cảnh hai chiếc máy bay đâm vào toà tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới, một chiếc máy bay khác đã rơi xuống bãi đất trống ở bang Pennsylvania.

Đó là chiếc máy bay của hãng United Airlines, chuyến bay số hiệu 93, khởi hành từ New Jersey và dự định bay đến San Francisco. Thế nhưng, nếu không rơi xuống ở Pennsylvania, chiếc máy bay có thể đã đến được Washington DC để đâm vào tòa nhà quốc hội Mỹ.

Chuyến bay số 93 ngày hôm đó là chiếc máy bay thứ tư bị không tặc khống chế, nhưng chính hành khách mới là người định đoạt số phận chuyến bay (chiếc máy bay thứ ba đâm vào Lầu Năm Góc).

Những giây phút hỗn loạn 

Tháng 4/2006, hơn 4 năm sau ngày định mệnh đó, đoạn băng ghi âm từ hộp đen những cuộc trò chuyện và tiếng động bên trong chiếc máy bay hôm đó được công bố lần đầu tiên, trong phiên xử Zacarias Moussaoui, nghi phạm tham gia vụ khủng bố 11/9.

Đoạn băng bắt đầu lúc 9h31 ngày 11/9/2001, 3 phút sau khi những tên khủng bố bắt đầu ra tay khống chế máy bay. Trong khi đó, tại New York, hai tòa tháp đôi đã bị đâm vào lúc 8h46 và 9h03 giờ địa phương.

Các hành khách lúc này sẽ được nghe thông báo về tình hình của họ.

“Thưa quý vị. Đây là cơ trưởng. Hãy ngồi yên, chỉ ngồi yên thôi. Chúng tôi có một quả bom trên máy bay, nên quý vị hãy ngồi yên đó”, Ziad Jarrah, tên không tặc đang lái máy bay, thông báo.

Kể từ giây phút đó, đoạn băng ghi âm trở nên hỗn loạn. Rõ ràng có ai đó đã kháng cự, một tiếng nói vang lên: “Không được động đậy. Im ngay”. Tiếp đó là những tiếng ẩu đá, tiếng kim loại va vào. Rồi ai đó lại quát lên: “Ở yên đó, ngồi xuống, ngồi xuống…”

Loa trong khoang hành khách lại vang lên, tiếng ồn ào dịu xuống. Là đài kiểm soát không lưu: “Chuyến bay 93 gọi phải không?”. Một tên khủng bố đáp lại: “Nhân danh đấng Allah từ bi và trắc ẩn”.

Một vài phút sau đó là những âm thanh từ buồng lái. Tiếng kêu cứu của một phi công, những lời cuối cùng của một tiếp viên hàng không, và giọng một tên khủng bố nói “hết rồi”. Chỉ mới 9h37.

Chuyển hướng 180 độ

Trong vài phút vừa qua, những tên khủng bố cho máy bay chuyển hướng 180 độ, thay vì đến San Francisco như lịch trình, máy bay bay đến Washington DC. “Mọi thứ đều tốt”, một tên khủng bố nói.

Những tiếng hỗn loạn bắt đầu lúc 9h57. Có vẻ các hành khách bắt đầu tấn công từ phía sau khoang hành khách. Có tiếng đập và gãy.

“Cái gì vậy?”, một tên khủng bố hỏi. “Đánh nhau hả?”. “Đi nào tụi bay”.

Tên khủng bố đang cầm lái cho máy bay lượn qua lại để khiến hành khách mất thăng bằng.

“Vào trong buồng lái. Nếu không làm thế chúng ta sẽ chết hết”, một hành khách hét lên.

Khoảnh khắc sau đó, một tiếng nói khác: “Bắt đầu nào”.

Liên tục kế đó là những tiếng rên rỉ, tiếng khóc đau đớn, gào thét kinh hoàng và một tiếng rít lên khi bộ phận lái tự động của máy bay bị tắt. Một tên khủng bố kêu lên “Allah vĩ đại” trong lúc máy bay đâm xuống đất.

Cánh đồng của sự vinh danh mãi mãi

Chiếc máy bay trên được cho sẽ nhắm vào tòa nhà quốc hội Mỹ nếu những tên khủng bố thành công. Rốt cuộc, nó lao xuống một cách đồng ở vùng Shanksville, bang Pennsylvania. Toàn bộ 40 người trên máy bay (33 hành khách, 7 thành viên phi hành đoàn và 4 tên khủng bố) đều thiệt mạng, nhưng không ai dưới mặt đất bị thương.

Chân dung những nạn nhân trên chuyến bay 93. Người đang hướng dẫn trong hình là ông Gordon Felt, người đã mất anh trai của mình trên chuyến bay đó. Ảnh: Reuters

Todd Beamer là một trong những hành khách trên chuyến bay 93. Sau khi máy bay bị khống chế, Todd gọi điện cho vợ mình, nhưng không thành và được nối máy đến tổng đài viên của dịch vụ gọi điện thoại từ máy bay, Lisa Jefferson. Todd nói với Lisa rằng anh cùng các hành khách và tiếp viên sẽ “nhảy vào” bọn không tặc. Những lời cuối cùng của Todd với Lisa là: “Các anh sẵn sàng chưa? Hãy bắt đầu nào”.

Ngày 10/9/2015, Công viên tưởng niệm chuyến bay 93 đã được khánh thành tại bang Pennsylvania, Mỹ, đúng tại nơi chiếc máy bay đã lao xuống theo nguyện vọng của các hành khách.

'Phi vu cuoi cung' cua hanh khach tren chuyen bay ngay 11/9 hinh anh 2
Lối vào công viên tưởng niệm chuyến bay 93. Ảnh: Reuters
'Phi vu cuoi cung' cua hanh khach tren chuyen bay ngay 11/9 hinh anh 3
Đài quan sát nhìn ra cánh đồng nơi chiếc máy bay đã lao xuống. Dòng chữ trên kính: Cánh đồng của sự vinh danh mãi mãi. Ảnh: Reuters

Phương Thảo (Telegraph)

Bình Luận từ Facebook