Hướng Dương và Nguyễn Bảo
8-9-2018
Cập nhật thông tin Chủ tịch tỉnh Quảng Bình bị kiện, thực hiện bản án phúc thẩm số 73/2018/HC-PT ngày 29/5/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng: Hủy án hành chính sơ thẩm số 18/2017/HC-ST ngày 27/9/2017 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Bình, do vi phạm nghiêm trọng tố tụng trong việc xét xử vụ án khởi kiện quyết định trái luật của Chủ tịch tỉnh, từ chối bồi thường thiệt hại đất và tài sản trên đất và chuyển hồ sơ vụ án về TAND tỉnh giải quyết lại theo quy định của pháp luật.
Sáng ngày 19/7/2018, TAND tỉnh Quảng Bình mời các nguyên đơn và bị đơn tới để hòa giải, đối thoại. Thế nhưng, người bị kiện là ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch tỉnh và người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan vẫn không có mặt. Nội dung “Biên bản làm việc” sáng 19/7 thể hiện rõ chi tiết cụ thể vừa nêu. Ông Nguyễn Minh Mẫn và bà Trần Thị Hảo (trú ở thôn 16, xã Lộc Ninh, TPĐồng Hới, tỉnh Quảng Bình) giữ nguyên quan điểm và yêu cầu giải quyết theo bản án phúc thẩm có hiệu lực.
Trong khi đang đợi giải quyết, bất ngờ nguyên đơn nhận được Quyết định (QĐ) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án hành chính số 02/2018/QĐST-HC ngày 13/8/2018 của TAND tỉnh với lý do: TAND tối cao có Công văn số 150/CV-GĐKTIII ngày 26/7/2018 “đề nghị TAND tỉnh Quảng Bình chuyển hồ sơ vụ án đến Vụ giám đốc kiểm tra III TAND tối cao để xem xét giải quyết theo quy định”. TAND tỉnh Quảng Bình ra QĐ “tiếp tục giải quyết vụ án và hủy bỏ QĐ này khi lý do tạm đình chỉ không còn”.
Văn bản số 150 của TAND tối cao nói trên có nội dung: “Nhận được Công văn đề nghị xem xét thủ tục Giám đốc thẩm đối với bản án hành chính phúc thẩm số 73/2018/HC-PT ngày 25/9/2018 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng…”.
Tại đây, nguyên đơn tiếp tục phát hiện thêm cái sai: Bản án phúc thẩm số 73/2018 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên là ngày 29/05/2018 chứ đâu phải ngày 25/9/2018? Sai này, có lẽ Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình bị sức ép, nên không đọc hồ sơ, do “án bỏ túi” nên đã vội đề nghị xem xét thủ tục Giám đốc thẩm.
Trao đổi vấn đề này, có “Sếp” đã phải thốt lên: “Chánh án TAND tỉnh đề nghị cho thỏa mãn người đứng đầu tỉnh, chứ sự thật từ đó đến nay, người bị kiện và người có trách nhiệm nghĩa vụ liên quan không có văn bản đề nghị Giám đốc thẩm, bởi không có chứng cứ”.
Phía người khởi kiện có đầy đủ chứng cứ pháp lý (hồ sơ, tài liệu, hiện trạng thực tế và hàng ngàn bức ảnh chụp, video) được minh chứng hùng hồn. Cụ thể, dự án GPMB quốc lộ 1 A năm 2013 chưa thực hiện theo trình tự QĐ thu hồi đất, trích đo, bồi thường đất và tài sản trên đất của ông Mẫn và bà Hảo theo quy định. Vậy mà, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi nâng cấp, GPMB quốc lộ 1 A, cán bộ lãnh đạo UBND TP Đồng Hới tùy tiện huy động lực lượng, phương tiện ập đến tại tư gia khống chế, lôi kéo, đánh đập, bắt giữ người trái pháp luật; dùng máy công trình san ủi, hủy hoại tài sản cây trồng và nhà để cướp đất, có sự dung túng của người đứng đầu cấp tỉnh.
Bị khiếu nại và tố cáo liên tục, được dư luận nhân dân cùng báo chí đồng loạt lên án mạnh mẽ về hành vi vi phạm pháp luật, nên sau đó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình mới ký Quyết định số 1334/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 công nhận: “Ông Nguyễn Minh Mẫn, bà Trần Thị Hảo khiếu nại đúng”. Tiếp kết luận nội dung tố cáo số 900/KL-UBND ngày 13/6/2016 của Chủ tịch tỉnh Quảng Bình thừa nhận dân tố cáo đúng.
Vậy mà cuối năm 2015 khi dự án này hoàn thành thì Chủ tịch TP Đồng Hới mới bồi thường 157/172,5 m2 (cố tình tước đoạt trên 600 triệu đồng). Để lấy được, Chủ tịch TP Đồng Hới “nại” ra: “Đất sử dụng của hộ ông Mẫn thừa so với thẻ đỏ”! Ông Mẫn và bà Hảo chứng minh Chủ tịch TP Đồng Hới và tỉnh Quảng Bình cố ý làm trái khoản 1, 2, 3 Điều 47/NĐ-84/2007 của Chính phủ quy định: “Bồi thường theo diện tích đo đạc thực tế người dân sử dụng ổn định”. Không trả lời được, Chủ tịch TP Đồng Hới và cán bộ tham mưu tỉnh chuyển qua vu khống: “Lấn chiếm đường ngang Trại tạm giam”, nên phải bớt lại 15,5m2?!
Do vu khống, dân tố cáo và đề nghị chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra để làm rõ. Phòng hậu cần Công an (CA), do Đại tá Nguyễn Văn Định có dấu hiệu gian dối, giả mạo “Biên bản lấn chiếm”. Vì vậy, ông Định và người tham mưu văn bản bị tố cáo, được báo chí đăng tải nhưng không muốn làm rõ theo luật định để bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình mà muốn chìm xuồng.
Vấn đề này, năm 2000 CA tỉnh thừa nhận mới bồi thường cây khi đường ngang đi qua vườn (còn nợ, chưa bồi thường đất). Bản tự khai (bút lục 75) của Phòng Hậu cần CA tỉnh cho rằng: đường ngang đó “không thuộc sở hữu của CA tỉnh”. Thượng tá Nguyễn Tiến Lượng- Phó phòng hậu cần đề nghị Tòa sơ thẩm loại ra khỏi “người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan” là điều dễ hiểu. Riêng người bị kiện (không thay đổi), lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo cấp dưới phải thực hiện, khiến dư luận hoài nghi, bức xúc, nên tiếp tục lên tiếng.
Căn cứ các bằng chứng (kèm hàng trăm bức ảnh) tại Tòa, Bản án số 73/2018/HC-PT phúc thẩm ngày 29/5/2018 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên là có căn cứ, được sự đồng tình cao của cán bộ, nhân dân và dư luận xã hội (báo Ngày Mới thuộc báo Người cao tuổi; Tiếng Dân… kịp thời phản ánh; Chương trình Truyền hình Quốc hội đã phát thông tin này vào lúc 18 giờ cùng ngày). Đó là chưa kể đến các văn bản của các cơ quan Trung ương yêu cầu Tỉnh ủy; UBND tỉnh Quảng Bình giải quyết đơn tố cáo của tập thể công dân xung quanh việc đảng viên, cán bộ chủ chốt của UBND thành phố Đồng Hới và tỉnh Quảng Bình vi phạm pháp luật, nhưng chưa được xử lý nghiêm minh theo tinh thần của Đảng, Chính phủ: “Xử lý tiêu cực, tham nhũng là không có vùng cấm”, khi “lò đã nóng”.
Nguyên đơn đề nghị TAND tối cao quan tâm xem xét, chỉ đạo Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết kịp thời vụ án trên theo đúng quy định của pháp luật. Phải bảo vệ cán cân công lý, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân bị xâm hại, phải được bồi thường thỏa đáng, để lấy lại niềm tin quần chúng, nhân dân.
Chúng tôi tiếp tục thông tin vấn đề này đến bạn đọc.
“Án sơ thẩm bị hủy: Quảng Bình đợi ý kiến chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao” tức là chờ ý kiến chỉ đạo của cái “Lực lượng lãnh đạo nhà nước” theo điều 4 hiến pháp)!