Từ Trướng Hải đến biển Giao Chỉ, chứng minh chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông

Hồ Bạch Thảo

31-7-2018

Các lãnh tụ Trung Quốc từng khẳng định rằng, Trung Quốc có chủ quyền trên biển Nam Hải từ đời nhà Hán. Bằng chứng xưa nhất họ nêu lên là biển Trướng Hải, ghi trong quyển sách cổ nhan đề Dị Vật Chí [异物志] của Dương Phu đời Đông Hán. Sách này tuy đã thất truyền nhưng được các tác gỉả Trung Quốc đời Tống, Minh, Thanh, nhắc lại như sau:

漲海崎頭水淺而多磁石徼外大舟錮以鐵葉值之多拔 (1)

[Trướng Hải kỳ đầu thủy thiển nhi đa từ thạch khiếu ngoại đại châu cứ dĩ thiết diệp trị chi đa bạt]

Tại Trướng Hải Kỳ Ðầu nước cạn nhưng nhiều đá nam châm, thuyền lớn đi ngoài cõi,dưới thuyền gắn lá sắt sẽ bị nhổ ra.

Sách Ngã Quốc Nam Hải Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] do Trung Quốc xuất bản nhắm dành chủ quyền trên Biển Đông, bàn về sử liệu nêu trên, cho rằng Trướng Hải là biển Nam Hải tức biển nam Trung Quốc bao gồm các đảo như Tây Sa [Hoàng Sa, Việt Nam], Nam Sa [Trường Sa, Việt Nam]. (2)

Chúng tôi xin dùng sử liệu cũng thuộc thư tịch Trung Quốc, phần lớn trong Nhị Thập Tứ Sử [二十四史 The Twenty Four Histories] để chứng minh ngược lại rằng Trướng Hải thuộc Việt Nam; chiếu theo trình tự, xin lần lượt trích dẫn như sau:

Năm Nguyên Đỉnh thứ 6 [-111 trước Công nguyên], Hán Vũ Đế xua quân xâm lăng nước Nam Việt; chia đất này thành 9 quận, gồm: Đam Nhĩ, Châu Nhai, Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam; đặt dưới quyền Thứ sử Giao Chỉ. Đến đời Hán Nguyên Đế [-46 trước Công nguyên], các quận Đam Nhĩ, Châu Nhai chống đối nên phải bãi bỏ, còn lại 7 quận; lúc đầu đặt dưới quyền Thứ sử Giao Chỉ, sau thuộc Thứ sử bộ Giao Châu.

Kể từ khi xâm lăng nước Nam Việt, Trung Quốc bước đầu biết đến vùng biển phương nam, vùng thủy triều lên xuống gấp, được đặt tên là Trướng Hải.

Sách Hậu Hán Thư [後漢書 The Book of The Later Han] của Tạ Thừa [謝承], tại quyển 1 chép: “…7 quận Giao Chỉ cống hiến, đều từ Trướng Hải vào [Trung Quốc]….7 quận Giao Chỉ hiến long nhãn… Trên đây thuộc Thứ sử bộ Giao Châu….”

[…交趾七郡貢獻,皆從漲海出入..交趾七郡獻龍眼…以上屬交州刺史部]

Dưới thời Bắc thuộc, quan lại cai trị thường lấy long nhãn từ quận Giao Chỉ đem tiến cống; Giao Chỉ thời Hán vị trí tại miền bắc Việt Nam hiện nay. Nhãn nỗi tiếng tại tỉnh Hưng Yên, thuộc lưu vực sông Hồng; từ đó chở về Trung Quốc phải qua vùng biển thuộc các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh. Đoạn văn này chỉ cho biết vị trí Trướng Hải tại vùng biển Bắc phần, Việt Nam ngày nay.

Quách Phác thời Đông Tấn, chú thích sách Nhĩ Nhã, đề cập đến Trướng Hải như sau: “Ốc loa lớn như cái đấu sinh ra từ Trướng Hải quận Nhật Nam, có thể dùng làm chén uống rượu.”

[螺 大 者 如 斗, 出 日 南 漲 海中, 可 以 爲 酒]

Theo nghiên cứu của Học giả Đào Duy Anh (3) lãnh thổ quận Nhật Nam đời Tấn khoảng từ tỉnh Quảng Bình đến đèo Hải Vân, Đà Nẵng. Như vậy vùng biển miền Trung Việt Nam cũng thuộc Trướng Hải.

Tại nước Việt Nam giai đoạn tự chủ dưới thời Tiền Lê, trong cuộc tiếp xúc với Sứ thần Trung Quốc Lý Nhược Chuyết vào năm Bính Thân [996], vua Lê Đại Hành tức Lê Hoàn đã khẳng định chức phận của An Nam là giữ an ninh biển Trướng Hải. Tổng sử [宋史, History of Song] quyển 488, Liệt truyện Giao Chỉ, trích dẫn như sau:

Hoàn ngạc nhiên dời chiếu đứng dậy nói: Hải tặc phạm biên, là tội của thủ thần ; Thánh quân khoan dung, ơn quá cha mẹ, không gia tru phạt. Từ nay cẩn thận giữ chức phận đã giao, giữ yên nơi TrướngHải.”

[桓愕然避席,曰:「海賊犯邊,守臣之罪也。聖君容貸,恩過父母,未加誅責。自今謹守職約,保永清於漲海].”

Lời nói của vua Lê Đại Hành khẳng định Trướng Hải thuộc Việt Nam và vua ta đã hứa với vua Tống giữ gìn an ninh vùng biển này.

Qua 4 sử liệu dẫn chứng, chỉ cho biết vị trí Trướng Hải tiếp giáp với bờ bể Việt Nam. Khảo thêm sách Đông Tây Dương Khảo [東西洋考] của Trương Tiếp đời Minh, trong mục “Giao Chỉ Dương 交阯洋” [Biển Giao Chỉ], tác giả nêu lên bài thơ “Độ Hải Thi”của thi sĩ đời Đường, Thẩm Tuyền Ký, trong đó có đề cập đến Trướng Hải. Lời giới thiệu Biển Giao Chỉ, Trương Tiếp viết như sau:

Giao Chỉ dương Đường Thẩm Tuyền Kỳ hữu Độ Hải Thi交阯洋〈唐沈期有《渡海詩

 [Về Biển Giao Chỉ, thi sĩ đời Đường Thẩm Tuyền Kỳ có bài thơ Độ Hải Thi.]

Sách Đại Minh Nhất Thống Chí [大明一統志], quyển 90, trong mục “Biển” chép rằng “biển bao bọc phía đông nam các phủ Giao Châu”. [海〈環交州等府東南]; rồi cũng giới thiệu bài “Độ Hải Thi” của Thẩm Tuyền Kỳ. Bài thơ “Độ Hải Thi” trong 2 sách trích dẫn, đề cập đến Trướng Hải; như vậy có thể hiểu Trướng Hải, biển Giao Chỉ đều là những tên gọi để chỉ Biển Đông Việt Nam hiện nay.

Trước khi đi sâu vào bài thơ, xin tìm hiểu qua về tác giả Thẩm Tuyền Kỳ: Ông sinh vào thời Đường Cao Tông Hiển Khánh thứ nhất (656), mất đời Huyền Tông Khai Nguyên thứ 2 (714). Ðậu tiến sĩ năm Thượng Nguyên thứ 2 (675), được ban chức Hiệp Luật Lang thời Vũ Hậu, rồi thăng Khảo Công Viên Ngoại Lang. Vì nhận hối lộ nên bị hạ ngục, khi ra khỏi ngục được phục chức, đổi làm Cấp Sự Trung. Lúc bây giờ Vũ Hậu hoang dâm, sủng ái hai anh em đẹp trai nhà họ Trương, Xương Tông và Dịch Chi ; Thẩm Tuyền Kỳ kết giao với hai người này, nên bị liên luỵ. Năm Thần Long thứ nhất (705) xảy ra cuộc đảo chính trong cung đình, Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi bị chém chết ; quân đảo chính đòi hỏi Vũ Hậu phải từ chức, trả ngôi lại cho con là Ðường Trung Tông. Vị vua này truy tội những người có dính líu với anh em nhà họ Trương, do đó Thẩm Tuyền Kỳ bị đày sang châu Hoan [Nghệ An], thuộc An Nam Đô Hộ phủ. Vào năm Thần Long thứ 3 (707) được tha và ban chức Khởi Cư Lang, thường hầu cận trong cung, cuối đời được thăng chức Thái Tử Thiếu Chiêm Sự.

Lúc đi đày sang An Nam Đô Hộ phủ, từ phương bắc lặn lội xuống miền nam Trung Quốc, Thẩm Tuyền Kỳ phải băng qua quan ải Quỉ Môn hiểm trở tại Quảng Tây, nhân đó làm bài thơ Nhập Quỷ Môn Quan [入鬼門 關]. Rồi vượt biển vào An Nam Đô Hộ phủ, ông làm bài thơ Độ Hải Thi. Cần lưu ý phần khảo dị, trong Toàn Đường Thi, tác phẩm Độ Hải Thi được nêu lên nhưng với nhan đề là Độ An Hải Nhập Long Biên [渡 安海 入 龍 編], và chép tăng thêm 8 câu. Tra chính sử Đường Thư, vào đời Đường, năm Điều Lộ thứ nhất [679] đặt An Nam Đô Hộ Phủ coi 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, như vậy nhan đề Độ An Hải Nhập Long Biên có nghĩa là: Vượt biển An Nam Đô Hộ Phủ đi vào thành Long Biên [Hà Nội].

Bài thơ chép trong Đông Tây Dương Khảo và Đại Minh Nhất Thống Chí như sau:

交阯洋唐沈佺期有《渡海詩》:

嘗聞交阯郡,

南與貫胸連。

四氣分寒少,

三光置日偏.

越人遙捧翟,

漠將下飛鳶。

北斗崇山掛,

南風漲海牽。

別離頻改月,

容鬢驟催年.

虛道崩城淚,

明心不應天。

Phiên âm:

Giao Chỉ Dương, Đường Thẩm Tuyền Kỳ hữu Độ Hải Thi:

Thường văn Giao Chỉ quận,

Nam dữ Quán Hung liên.

Tứ khí phân hàn thiểu,

Tam quang trí nhật thiên. (4)

Việt nhân dao phủng địch,

Hán tướng hạ phi diên.

Bắc đẩu Sùng Sơn quải,

Nam phong Trướng Hải khiên.

Biệt ly tần cải nguyệt,

Dung phát sậu thôi niên. (5)

Hư đạo băng thành lệ,

Minh tâm bất ứng thiên.

Dịch nghĩa:

Biển Giao Chỉ: thi sĩ Thẩm Tuyền đời Đường có bài thơ Độ Hải Thi.

Ta từng nghe tại quận Giao Chỉ,

Phía nam giáp với nước Quán Hung (6)

Thời tiết tuy 4 mùa, nhưng mùa đông lạnh ít,

Trong 3 thứ ánh sáng (7), riêng ảnh hưởng lớn bởi mặt trời.

Nhớ chuyện thời Chu, dân Việt nơi xa xôi đến dâng lông đuôi chim trĩ,

Tướng Hán, Mã Viện, ngắm cảnh chim cắt bay rồi rơi phịch xuống Hồ Tây.

Sao Bắc Đẩu treo lững lơ trên đền Sùng Sơn (8) Thanh Hóa,

Gió nam từ Trướng Hải dẫn đến nơi này.

Biệt ly theo ngày tháng chồng chất,

Tóc tai dung mạo đổi thay như thôi thúc năm mới đến.

Lời nói vu vơ bất giác khiến lệ tuôn tràn,

Tấm lòng trong trắng sao chưa thấu đến trời!

***

Bài thơ mô tả một cách rõ nét hình ảnh đền Sùng Sơn tại thị trấn Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, vị trí có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cửa biển Thần Phù, nơi giáp giới tỉnh Ninh Bình; đón nhận làn gió nam từ Trướng Hải thổi đến:

Bắc Đẩu Sùng Sơn quải,

Nam phong Trướng Hải khiên.

Hình ảnh trên giúp người đọc thấy rõ Trướng Hải là Biển Đông thân yêu, ôm lấy bờ biển Việt Nam.

____

Chú thích:                                                  

1. Ngã Quốc Nam Hải Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] trang 23; nhà xuất bản Hạ Môn Ðại Học Nam Dương Nghiên Cứu sở, Trung Quốc, 1975.

2. Ngã Quốc Nam Hải Sử Liệu Hối Biên. Sđd. Trang 24.

3. Đào Duy Anh, Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời, NXB Thuận Hoá: Huế, 1994, trang 78.

4. Trong Độ An Hải Nhập Long Biên [渡 安海 入 龍 編]] dưới câu này, thêm 4 câu:

尉 佗 曾 馭 國,

Úy Ðà tằng ngự quốc,

[Viên Úy Triệu Đà từng ngự trị nước này]

翁仲久 游 泉,

Ông Trọng cựu du tuyền.

[Lý Ông Trọng thời An Dương Vương xưa thường du ngoạn suối khe]

邑 屋 連 甿 在,

Ấp ốc liên mang tại,

[Thôn ấp cửa nhà trù mật]

魚 鹽 舊 產 傳,

Ngư diêm cựu sản truyền.

Cá muối vốn là nghề xưa truyền lại]

5. Trong Độ An Hải Nhập Long Biên [渡 安海 入 龍 編] dưới câu này, lại có thêm 4 câu:

昆 弟 搉 由 命,

Côn đệ tồi do mệnh,

[Anh em lưu lạc do số mệnh]

妻 孥 割 付 緣,

Thê noa cát phó duyên.

[Vợ con bị chia cắt, mặc cho duyên số]

夢 來 魂 尚 擾,

Mộng lai hồn thượng nhiễu,

[Trong giấc mộng hồn vấn vương]

愁 委 病 空 纏,

Sầu ủy bệnh không triền.

[Buồn sầu quấn quít bởi bệnh].

6. Quán Hung: sách Sơn Hải Kinh mục Hải Ngoại Nam Kinh ghi Quán Hung là nước tại phía đông, dân nước này bụng có lỗ [山海经·海外南经》:“贯匈国在其东,其为人匈有窍]. Nhân dịp xin cáo lỗi; khoảng 10 năm về trước chưa tra được những điển tích liên quan, nên trong bài viết “Theo dấu chân thi sĩ Thẩm Thuyên Kỳ (沈佺期) về thăm quê hươngtôi đã dịch sai 3 danh từ riêng thành danh từ chung; như nước Quán Hung là “dùi lỗ vào bụng”; Trướng Hải là nước dâng lên, và Sùng Sơn là núi cao. Do sở học thô thiển và chữ Nho không viết hoa, nên không phân biệt được đó là những danh từ riêng [proper noun].

7. Tam quang chỉ 3 thứ ánh sáng: mặt trời, mặt trăng, và sao.

8. Sùng Sơn tức Sùng Sơn từ, hay đền Sùng Sơn tại Thanh Hóa. NXB Khoa Học Xã Hội năm 2011 cho xuất bản tập thơ Cẩm Đình Thi của Tiến sĩ đời Nguyễn, Phan Thúc Trực; trong đó có bài thơ Sùng Sơn Từ, nguyên văn, phiên âm và dịch nghĩa như sau:








Sùng Sơn từ

Sùng sơn hiển hách hà niên thị,
Nhất thốc sùng từ duyệt cổ kim.
Kỷ độ tang thương tồn miếu mạo,
Thiên thu hương hoả tại nhân tâm.
Hoàn tường bích thảo tự xuân sắc,
Cách diệp hoàng anh không hảo âm.
Đối cảnh bất tiêu đàm vãng sự,
Thần Phù hải khẩu vọng trung thâm.

Dịch nghĩa

Núi Sùng hiển hách tự năm nào
Một ngôi đền lớn trải từ xưa tới nay
Mấy độ tang thương đền miếu vẫn còn đó
Ngàn thu hương hoả ở lòng người
Cỏ xanh trên tường vây quanh tự toả sắc xuân
Chim hoàng anh trong lá hót lảnh lót
Trước cảnh quên bàn chuyện đã qua
Ngắm cửa biển Thần Phù trong sâu thẳm

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Thi Sĩ Bùi Chí Vinh.

    Biển Đông không chấp nhận “Đường Lưỡi Bò” láu cá
    Không chấp nhận tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính thưa em (thứ tàu lạ mơ hồ)
    Biển Đông không có dầu hỏa cho bọn cường hào, không có thềm lục địa cho ác bá
    Nhưng có ngư dân hiền lành và tuổi trẻ khát tự do

    Biển Đông tang thương từ những rặng san hô
    Nơi xác cha ông trồi lên thành quần đảo
    Nơi bọn xâm lăng đang gióng trống giương cờ
    Tưởng đất nước Tiên Rồng thời bình trôi hết máu

    Anh đã từng nếm mùi chiến tranh, từng nếm mùi đói cơm thiếu áo
    Thoát chết ở Trường Sơn, sống lại ở đồng bằng
    Thuộc lòng sử Việt Nam như một người tử đạo
    Thương cọc nhọn Ngô Quyền, mê chiến thắng Bạch Đằng Giang

    Làm sao có thể thờ ơ trước bầy cá mập ăn đêm
    Dám lồng lộn khắp Biển Đông dọa nạt
    Chúng săn anh và chúng đuổi em
    Bằng lý luận của Thiên Triều xưa… “quá đát”

    Em ơi em tự do có thật
    Mộ gió cha ông cũng có thật kia kìa
    Sờ lên ngực anh đi, khi trái tim còn đập
    Thì đâu dễ gì giặc phương Bắc được hả hê ?

    Em ơi em khi sinh tử cận kề
    Mới hiểu hết thế nào là nhân quả
    Mới thấy “cháy nhà ra mặt chuột” ngô nghê
    Thấy “tàu lạ” thành tàu quen… dối trá

    Biển Đông không có chỗ cho Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống rạp mình hèn hạ
    Không có chỗ cho tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính “giả nai” quen thói mơ hồ
    Càng không có dầu hỏa cho cường hào, không có ngư trường cho ác bá
    Chỉ có cọc nhọn Bạch Đằng và cánh tay “Sát Thát” khát tự do !

    Nguồn Mạng.

  2. * Khi bạn đang ở thời gian khó, bạn phải cầm cố ruộng đất hoặc nhượng chủ quyền một phần đất đai của cha ông, với giấy tờ công nhận chủ quyền cho chủ sở hữu khác, thậm chí, công nhận sở hữu cả những miếng đất mà cái bọn chủ tương lai này đã cướp trắng của bạn từ trước.
    * Bây giờ, con cháu bạn nghe hơi nồi chõ ở đâu đó rằng, cái miếng đất đã bị nhượng kia rất có giá trị, thế nên chúng hắn tập hợp rất nhiều văn bản từ thời ông tằng tổ để chứng minh rằng mảnh đất ấy là của mình và đòi công luận phải bằng mọi cách giúp mình để lấy lại các thứ đó!
    * Người ngoài nghe con cháu bạn kêu ca thì cười ruồi vì họ rất tôn trọng các chứng từ chuyển nhượng. Muốn họ giúp thì con cháu bạn phải tuyên bố chính bạn là kẻ đem gán bỏ lung tung tài sản sản của gia tộc trong lúc ngáo đá và mong luật pháp xem xét lại các văn bản này và tuyên bố rằng chúng bất hợp pháp vì mọi thành viên khác trong gia tộc chưa có ý kiến đồng thuận trong chuyện này.
    * Bạn có cam lòng chấp nhận là con cháu bạn, dù đòi được gia sản hay không, sẽ sỉ vả mình đến nơi đến chốn hay không?

Comments are closed.