Vì sao cấm báo dự họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội?

Phạm Trần

14-7-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong khi đảng và nhà nước liên tục tuyên truyền các phóng viên báo chí ở Việt Nam được pháp luật bảo vệ để tác nghiệp tự do thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hành động ngược lại để xác nhận báo cáo của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) kết luận tình hình tự do ngôn luận của người dân càng ngày càng tồi tệ.

Báo cáo năm 2016 của RSF xếp Việt Nam đứng hàng thứ 175/180 nước trên thế giới cũng cho thấy Việt Nam chỉ đứng trên Trung Quốc, Syria, Turkmenistan, Bắc Triều Tiên, và Eritrea.
Nhưng RSF nói Việt Nam bị sụt mất 1.64 điểm so với năm 2016 vì nhà nước Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã gia tăng mức độ đàn áp các nhà báo tự do hoạt động trên mạng xã hội và các Bloggers.

Hành động hạn chế quyền tự do thông tin và được thông tin, không mới ở Việt Nam, mặc dù Hiến pháp nước này ra đời năm 2013, đã cam kết “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” (Điều 25)

Nói như thế nhưng Quốc hội của đảng đã gắn thêm cái đuôi “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” ở cuối Điều 25 để hạn chế quyền của dân.

Hành động thì như thế mà nhà nước lại ra sức tuyên truyền trong dân và ra nước ngoài nhiều bài viết đề cao vai trò nối kết quan trọng giữa báo chí với các cơ quan nhà nước, giữa báo chí và Quốc hội để giúp dân tiếp cận được các hoạt động của chính phủ và các Đại biểu Quốc hội.

Bài viết của Vũ Tuấn Hà trên trang Nguoilambao.vn là một tỷ dụ. Hà viết: “Truyền thông đại chúng có vai trò quan trọng, phản ánh trung thực mọi hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đến cử tri và là cầu nối để cử tri tham gia vào các hoạt động như lập hiến, lập pháp và giám sát tối cao; qua đó, thực hiện quyền làm chủ của mình.”

Vì có nhu cầu cao như vậy nên mức quan tâm của báo chí đối với hoạt động của Quốc hội cũng đã tăng cao mau chóng. Nhà báo Vũ Tuấn Hà viết: “Nếu như kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa IX, năm 1993 mới có 300 phóng viên, kỹ thuật đại diện từ 50 cơ quan thông tấn báo chí đưa tin, đến nay đã tăng lên 600 phóng viên, kỹ thuật đại diện từ 100 cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương.”

Trong khi đó thì Thu Hoa, tác giả của bài “Thực tiễn sinh động về tự do báo chí ở Việt Nam”, phổ biến trên báo viết Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) ngày 09/05/2012 đã khoe: “Báo chí VN thực sự là diễn đàn để phát huy quyền làm chủ, quyền tự do ngôn luận của người dân…. Báo chí Việt Nam không có “vùng cấm”, mà luôn phản ánh trung thực, toàn diện mọi mặt đời sống xã hội, cả những mặt tích cực và tiêu cực, cả tình hình trong nước và quốc tế.

Hai Tác giả Kim Lên – Hồng Hải còn tự đắc trên báo Quân đội Nhân dân ngày 26/06/2017: “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp báo chí là tất yếu khách quan, mọi hoạt động lãnh đạo của Đảng là nhằm bảo đảm quyền tự do báo chí và quyền tự do sáng tạo tác phẩm báo chí”.

SỢ CÁI GÌ MÀ BỊT MIỆNG?

Tự đề cao mình như thế, nhưng họ đâu biết vào ngày 11 tháng 07 năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã đóng cửa không cho phép phóng viên tham dự để tường thuật các cuộc họp hàng tháng của Ủy ban.

Báo chí trong nước trích lời Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa cho biết: “Từ nay, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), báo chí được dự 5 phút đầu của buổi làm việc. Cuối mỗi ngày sẽ có thông cáo báo chí gửi đến các phóng viên”.

Thời gian 5 phút chỉ đủ để chụp hình và quay phim nhanh trước khi cánh cửa được khép lại.

Nhưng tại sao Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng là là cơ quan đại diện dân mà lại sợ báo chí thông tin việc làm của mình cho dân?

Theo giải thích của ông Nguyễn Hạnh Phúc với báo trong nước thì: “Phóng viên báo, đài không được nghe thảo luận như các phiên họp trước đây là để các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ trao đổi, phát biểu hết các vấn đề, phát biểu sâu, không ngại việc có thông tin thuộc bí mật ‘vô tình’ được đề cập”.

Như vậy là vì có nhiều Đại biểu thiếu bản lĩnh, tư tưởng đã lung lay, khả năng hiểu biết kém và trình độ chính trị thấp nên đôi khi cũng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để “tự thoái hóa” khiến đảng lo bị lộ?

Hay việc gì cũng đã có nhà nước lo như tập quán độc tài xưa nay của nhà nước nên Thường vụ Quốc hội muốn báo chí đi chỗ khác chơi để được thoải mái tranh biện quăng mèo ném chó mà không sợ bị chê thiếu văn hóa?

Nhưng theo quy định thì Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm tòan những tai to mặt lớn của Quốc hội như Chủ tịch, các Phó chủ tịch Quốc hội, và các uỷ viên, nhưng không đồng thời là thành viên của chính phủ chứ có phải là bèo đâu mà sợ bóng sợ gió với con ma “diễn biến hòa bình” lập lòe đâu đó?

Nên biết, quyết định “mở cửa” để phóng viên báo chí tham dự, đưa tin nội dung các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện từ Quốc hội khóa XI (27 tháng 6 năm 2001 – 26 tháng 6 năm 2006) dưới thời Chủ tịch Nguyễn Văn An.

Theo báo Tuổi Trẻ, khi được hỏi về quyết định này, ông An đáp: “Đã là đại biểu của dân thì chúng ta phát biểu gì, chính kiến thế nào dân phải được biết. Tôi quyết định để báo chí vào đưa tin nhằm minh bạch hóa hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu báo chí đưa tin sai thì xử lý theo pháp luật, còn nếu đại biểu phát biểu thiếu chuẩn mực bị đưa lên thì khó có thể trách báo chí”.

Như vậy, nếu thời ông Nguyễn Văn An mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội không lo “lộ bí mật”, hay sợ có Đại biểu ăn nói loạng quạng, hay nói ngọng trước các vấn đề quốc gia đại sự thì, sau 17 năm thực hành, chẳng lẽ lại có những nảy sinh mới hay nhạy cảm không dám nói, hoặc nếu cứ toặc móng heo ra thì sợ khi báo chí đưa tin thì có kẻ sẽ mất nồi cơm?

Cũng đáng chú ý là dưới thời ba Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, hai khoá IX và X (19 tháng 9 năm 1992 – 27 tháng 6 năm 2001); Nguyễn Phú Trọng khóa XII (2006-2011) và Nguyễn Sinh Hùng khoá XIII (2011-2016), không thấy có điều tiếng gì lộ ra trong Ùy ban Thường vụ, hay có mà vì biết che, biết đóng cửa bảo nhau nên cuối cùng rồi cũng dĩ hòa vi qúy và đồng chí đồng lòng với nhau cho trong ấm ngoài êm?

Riêng trong nhiệm kỳ của mình, ông Nguyễn Sinh Hùng đã có nhiều tuyên bố làm cho nhiều người mát lòng mát dạ mà nghe sướng cái lỗ tai.

Chẳng hạn như khi thảo luận Dự luật Báo chí năm 2016, đã có những ý kiến khác nhau về tự do ngôn luận và tự do báo chí, hay làm sao để kiểm soát thông tin trên mạng.

Dịp này, theo báo Tuổi Trẻ điện tử thì: “Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại câu chuyện Bác Hồ hỏi đại tướng Võ Nguyên Giáp dân chủ là gì, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời nhiều ý, nhưng cuối cùng Bác Hồ tóm gọn lại rất đơn giản, sâu sắc và dễ hiểu: dân chủ là để cho dân được mở mồm ra!”

“Quyền tự do ngôn luận là quyền hiến định. Vì vậy các đồng chí định cấm cái gì thì đưa vào đây, chứ để trong nghị định là không được đâu. Bây giờ xu hướng đọc khác xưa rồi, người ta mở cái điện thoại ra là có thông tin. Các đồng chí nói rằng đó không phải báo nên tôi không quản lý thì không được. Các đồng chí nhớ rằng quyền mở mồm ra là quyền của mỗi người dân” (Theo Tuổi Trẻ Online, ngày 18/02/2016).

Vậy tại sao, dưới thời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người thay thế ông Hùng, quyền được “mở mồm” trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại bị kiểm soát để đóng lại, không muốn cho báo chí biết để thông tin đến dân?

Nói thế nhưng dễ gì một mình bà Ngân mà dám ra lệnh cấm báo dự các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội? Việc này phải có bàn tay của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu quyết định, vì mọi việc ở Việt Nam phải có đồng ý của Bộ Chính trị.

Vậy ông Nguyễn Phú Trọng có toan tính gì mới mà muốn giấu dân?

Cũng nên biết vai trò và quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong guồng máy cai trị nhà nước rất lớn và quan trọng.

Những quy định trong Điều 74, Hiến pháp năm 2013, gồm có:

1- Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì kỳ họp Quốc hội;

2- Ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh;

3- Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;

4- Đình chỉ việc thi hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất; bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

5- Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn và bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội;

6- Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước;

7- Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân;

8- Quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

9- Quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh trong trường hợp Quốc hội không thể họp được và báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất;

10- Quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;

11- Thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội;

12- Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

13- Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.

Với nhiệm vụ quan trọng như vậy mà báo chí không dược phép theo dõi để tường thuật ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có ai còn muốn điếm xỉa đến bản tin cuối ngày thuộc loại mèo khen mèo dài đuôi của cơ chế này?

Bằng chứng là bản tin thứ nhất phổ biến chiều 11/7/2017 cho biết Ủy ban đã “thảo luận, cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng”, nhưng không ai biết họ đã tranh luận như thế nào và tại sao lại có vấn đề “phạt tiền trong lĩnh vực tín ngưỡng” được đem ra thảo luận vào lúc này để làm gì?

Bình Luận từ Facebook