3-7-2018
Vào nửa cuối tháng 6/2014, nghĩa là cách đây bốn năm, trên cộng đồng mạng xã hội facebook Việt Nam bắt đầu nổ ra một “chiến dịch”: report (báo cáo, tố cáo) các trang cá nhân để chúng bị Facebook deactivate (đóng cửa, cho ngừng hoạt động).
Thủ phạm chính của vụ này đương nhiên là các dư luận viên, và đối tượng chúng nhắm vào đầu tiên là những nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền. Chúng thậm chí lập ra những nhóm kín để bí mật ấn định với nhau giờ “nổi dậy”, đồng loạt nhấn nút báo cáo một trang nào đó. Ví dụ nhóm có tên “Những câu nói ngu đẳng cấp lịch sử của liên minh chống cộng thế kỷ XXI”, vào 7:06 tối thứ bảy, 12/7/2014, có thông báo kín như sau:
“Toàn quân trong doanh trại và ngoài doanh trại tập hợp. Đọc kĩ điều lệnh trước khi xuất quân.
Không comment – không like – không chửi… chỉ report.
Giờ G đã đến.
Chỉ tiêu: – Tấn công mau lên ít nhất phải được 140 report nào.
– Các bạn báo cáo 1 người/ 3 lần đi nha. Hơn thì càng tốt.
(….)”
Trong nửa cuối tháng 6 và cả tháng 7, hàng trăm facebook của các cá nhân, tổ chức hoạt động dân chủ-nhân quyền, và của những người chỉ đơn giản là hay phát ngôn trái ý tuyên giáo, bị đánh sập theo cách đó. Một loạt trang nổi tiếng bị đóng: Nhật Ký Yêu Nước, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, Cô Gái Đồ Long, Quê Choa, Nguyễn Lân Thắng…
Muốn mở lại trang, khổ chủ phải tự mình hoặc nhờ người khác liên hệ với Facebook, gửi hình chụp giấy tờ tuỳ thân để chứng minh này nọ, không khó nhưng rất mất thì giờ, đặc biệt nếu đang ở trong Việt Nam. (Người Việt hải ngoại, nhất là ở Mỹ và Canada, xin mở lại Facebook nhanh hơn, chỉ mất 1-2 ngày, trong khi dân trong nước có thể mất tới ít nhất nửa tháng).
* * *
Vào thời gian đó, tôi đang ở bang California (Mỹ), và đã tìm đủ cách để liên hệ với Facebook, xin một cuộc gặp. Ngày 13/8/2014, tôi và một số bạn khác đã hẹn gặp được đại diện của Facebook tại một văn phòng của họ ở Washington D.C.
Toàn bộ hình ảnh, giấy tờ lưu lại về cuộc gặp, tôi đã đánh mất hết (một phần là do email cá nhân bị hack). Tuy nhiên, nội dung chính của cuộc nói chuyện thì tôi vẫn nhớ được, có vài ý nổi bật là:
– Facebook ghi nhận có sự gia tăng đột biến số lượng báo cáo vi phạm, mà đứng đầu bảng là ở Hong Kong và thứ nhì là Việt Nam. (Thời gian đó là những ngày trước khi xảy ra cuộc cách mạng dù vàng ở Hong Kong). Facebook sẽ xem xét cẩn thận các báo cáo vi phạm và mở lại những trang bị đóng oan, tuy nhiên việc này mất thời gian và người dùng buộc phải “xếp hàng” chờ.
– Chính quyền Việt Nam đã nhận thấy rõ mối nguy hiểm trong việc người dân sử dụng Facebook làm công cụ để học tập, kết nối, và phản biện…
– Facebook đã và đang phải cố gắng cân bằng (nguyên văn tiếng Anh: balance, ta có thể dịch nôm na là “đánh đu”) giữa chính quyền Việt Nam và giới hoạt động dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam.
– Chính sách toàn cầu của Facebook là người dùng phải sử dụng danh tính thật, không dùng tên giả; chống các nội dung cổ vũ, kích động bạo lực, thù hằn.
– Cho dù thế nào thì chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn là một nhà nước chính danh, và Facebook là một công ty (tôi nghĩ họ có hàm ý rằng lợi nhuận là mục tiêu quan trọng nhất đối với Facebook).
Tất nhiên, họ đề nghị không công bố nội dung cuộc gặp lên mạng, và chúng tôi chấp nhận.
* * *
Cho đến đầu tháng trước, dưới áp lực của Quốc hội Mỹ, Facebook đã thừa nhận việc họ trao dữ liệu cá nhân của người dùng cho ít nhất 52 công ty trên toàn cầu. Trong danh sách này, có Alibaba, Huawei (Hoa Vi) của Trung Quốc, có Dell, LG, Microsoft, Mozilla, Nokia… và Việt Nam góp một “đại diện xuất sắc” là Zing Mobile.
Ngày 12/6, Quốc hội bù nhìn của Việt Nam thông qua luật An ninh Mạng, mà bản chất là phối hợp cùng các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook để “tìm và diệt” mọi tiếng nói phản biện, quyết tâm giữ vững chế độ.
Trong bối cảnh đó, hàng nghìn người dùng mạng xã hội ở Việt Nam bắt đầu lục tục “chuyển nhà” từ Facebook sang Minds. Cùng lúc, tranh cãi nổ ra xung quanh các công nghệ của Minds và khả năng Minds sẽ lại bắt tay với chính quyền trong tương lai để bán đứng người tiêu dùng. Nhiều người trách cư dân mạng Việt Nam sao không đặt vấn đề thẳng với Facebook, đấu tranh với Facebook hoặc đàm phán với họ để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Sự thực là không phải tôi không nghĩ đến điều đó, và tôi cho rằng việc tổ chức một cuộc đàm phán trực tiếp với Facebook cũng không đến nỗi bất khả thi. Suy cho cùng, Facebook chỉ là một công ty tư nhân, và xin khẳng định là gặp Facebook dễ hơn nhiều so với gặp gỡ quan chức (kể cả đại biểu quốc hội) Việt Nam xã nghĩa.
Tuy nhiên, tôi tự hỏi tại sao chúng ta cứ phải “xin gặp” và “cầu cạnh” những kẻ mà chúng ta biết rõ là đã và đang hợp tác với các chính thể độc tài?
Tại sao chúng ta không cho những kẻ ấy thấy rằng việc doanh nghiệp hợp tác với chính thể độc tài là đồng loã với cái xấu, là phản dân chủ, vô đạo đức, và chúng sẽ phải trả giá, ít nhất là chịu thiệt hại vì điều đó?
Quan trọng hơn, tại sao chúng ta không cho những kẻ ấy thấy được sức mạnh của chúng ta – quyền lực của người tiêu dùng?
Tại sao lại để các thế lực ác cấu kết với nhau để làm hại chúng ta?
Có lẽ nào người Việt Nam, ngoài việc run sợ trước nhà nước độc tài công an trị và mở miệng ra là “xin” nó, lại còn phải sợ, xin xỏ, và cầu cạnh thêm các ông lớn trong nước như Vincom, Sun, Mường Thanh… và rồi cả ông lớn ở nước ngoài như Facebook, tương lai rất gần là Hoa Vi cũng nên?
Kẻ nào hợp tác với độc tài, chúng ta hãy bất hợp tác với chúng.