Cần thực hiện ngay Luật “Trưng cầu ý dân”

Chủ nợ Trung Quốc cho vay và đầu tư không chỉ nhằm mục đích kinh tế mà còn có mục đích chính trị. Nhiều quốc gia là con nợ của Trung Quốc không trả nợ được đã phải gán nợ bằng một phần lãnh thổ của họ. Hiện nay Trung Quốc đã có 77 đặc khu, xây dựng tại 36 quốc gia, trong đó có 56 đặc khu tại 20 quốc gia, nằm dọc theo tuyến “một vành đai, một con đường” của Tập Cận Bình.

Vũ Quang Diệu

19-6-2018

Thứ sáu, ngày 15/6/2018, mỗi hộ dân ở Sài Gòn được phát miễn phí hai tập tài liệu của Mặt trận Tổ Quốc Thành phố (có người nói tài liệu đó của Tuyên giáo Thành ủy), trong đó giới thiệu hai vấn đề:  Dự Luật 3 Đặc khu Kinh tế và Luật An ninh mạng.

Tài liệu thì dài, tựu trung vừa khuyên, vừa đe Dân 4 diều:

1- Hãy tin tưởng vào chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

2- Người Dân nên hiểu thực chất sự việc và nên tham khảo các nguồn tin của Báo, Đài quốc doanh.

3- Người Dân kiên quyết không mắc mưu “kẻ xấu “mà hưởng ứng các cuộc tụ tập đông người (ám chỉ cuộc biểu tình ngày 10/6/2018).

4- “Người Dân yêu nước là người không vi phạm pháp luật” (ý nói hiện nay chưa có luật biểu tình, đi biểu tình là vi phạm pháp luật).

Đọc xong tài liệu ai cũng tự hỏi “Làm sao tin tưởng vào chủ trương của Đảng khi mà suốt từ quá khứ đến hiện tại, Bộ Chính trị của Đảng đã liên tiếp phạm không ít sai lầm như Cải cách ruộng đất; Hợp tác hóa nông nghiệp làm nông dân mất ruộng đất; Tịch thu, trưng thu tài sản của tư sản, xóa bỏ kinh tế thị trường sẵn có ở miền nam, độc quyền buôn bán, ngăn sông cấm chợ, dẫn đến khủng hoảng kinh tế, sắp lăn xuống đáy vực vào những năm 1986… Những sai lầm đó đã làm Dân phẫn nộ oán thán, bởi do Đảng mà họ ngày càng nghèo khổ.

Gần đây nhất là Bộ Chính trị chủ trương thành lập các “Quả đấm thép” trong kinh tế, làm tan hoang nền kinh tế, tạo ra hàng lũ quan chức tham nhũng, có mặt cả ủy viên Bộ Chính trị. Nợ công thì như “Chúa Chổm”, đang phải vay nước ngoài để đáo nợ. Bộ Chính trị quyết định gom tất cả đất đai của cả nước thành “Sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý”, mà không có cơ chế hữu hiệu nào giám sát, tạo ra hàng đàn sâu, dựa vào quyền lực để ăn đất, làm giàu cho cá nhân và gia đình. Dân mất đất lũ lượt kéo ra thủ đô, ăn nằm vật vạ hàng tháng để khiếu kiện lên Trung ương Đảng và Nhà nước, đòi lại đất để sinh sống, mà vẫn vô vọng.

Tài liệu còn cho biết, Dự thảo 2 bộ Luật đã được các chuyên gia quốc doanh soạn thảo rất công phu, kỹ lưỡng. Nhưng Dân lại thấy ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội còn không phân biệt được sự khác nhau giữa khái niệm Đặc khu Kinh tế và các Khu China Town, khu Little Saigon ở Mỹ như thế nào. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư là ông Nguyễn Chí Dũng muốn nói “người Trung Quốc” nhưng lại viết vòng vo trong Dự Luật là “công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh”, thì Dân tin sao được tài năng và sự công phu tỉ mỉ của các chuyên gia quốc doanh?

Lại nói về Dự thảo thành lập ba Đặc khu Kinh tế. Dự án Đặc khu Kinh tế Vân Đồn đã được ông Phạm Minh Chính, cựu bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh tự tay viết từ năm 2012 rồi trình lên và được Bộ Chính trị duyệt. Trong Dự án này, ông Chính còn đề xuất cho các doanh nghiệp dịch vụ có vốn đầu tư nước ngoài thuê đất đến 120 năm. Tham vọng của ông Chính là biến Vân Đồn thành cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.

Để lập dự án, ông Chính đã tham khảo kinh nghiệm của Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông và các đặc khu kinh tế khác của Trung Quốc, do Trung tâm nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc thuộc trường Đại học Thâm Quyến giới thiệu trong một cuộc Hội thảo với Tỉnh ủy Quảng Ninh, mang tên “Phát triển Đặc khu Kinh tế – Kinh nghiệm và Cơ hội”. Trong suốt thời gian đó, báo và đài quốc doanh không có thông tin nào cho Dân biết. Chỉ sau 5 năm, vào ngày 22/3/2017, trong thông báo số 21-TB/TW, Bộ Chính trị giao cho Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội ra Luật ba Đặc khu, thì Dân mới biết việc rất hệ trọng này. Vậy Dân có nên chỉ trông cậy vào thông tin của các Báo, Đài Quốc doanh, hay phải tìm những nguồn tin khác?

Dự thảo Luật ba Đặc khu Kinh tế của Việt Nam hướng theo mô hình Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc. Vì thế, chúng ta nên biết Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc có những ưu việt gì, nó ra đời và hoạt động trong hoàn cảnh nào, nó thành công đến đâu và mặt tối của nó là những gì?

Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến

Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc ra đời vào những năm 1979 và 1980, sau cuộc cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông đã phá tan hoang nền kinh tế Trung Quốc (cũng là thời điểm Đặng Tiểu Bình đem quân “dạy cho Việt Nam một bài học”, đánh cược với Mỹ rằng, Trung Quốc đã dứt khoát từ bỏ hệ thống xã hội chủ nghĩa, để được Mỹ tin và viện trợ). Vào thời điểm đó nền kinh tế của Liên Xô và của Việt Nam cũng rất khó khăn, thiếu lương thực, thiếu hàng hóa nhưng chưa đến nỗi như Trung Quốc đứng trước mối lo sẽ chết đói hàng loạt.

Mỗi người dân Trung Quốc chỉ được phân phối nửa mét vải trong một năm để vá quần áo. Thiếu chất béo, những người Trung Quốc ở sát biên giới với Việt Nam, tìm sang bà con là Hoa kiều đang sinh sống ở Việt Nam nhờ mua thịt mỡ, nấu ra mỡ nước, đem về Trung Quốc để xào rau củ ăn dần. Giữa cải cách mở cửa hay chịu bị sụp đổ, Đặng Tiểu Bình buộc phải chọn “Cải cách, mở cửa không hạn chế”. Từ một nền kinh tế XHCN khép kín, đột ngột thực hiện nền kinh tế mở hoàn toàn, kinh tế thị trường đầy đủ, thực chất là chấp nhận “một liệu pháp xốc”, do ĐCSTQ lãnh đạo, chuyển hẳn sang nền kinh tế Tư bản Chủ nghĩa giai đoạn đầu.

Lúc này trong nội bộ ĐCSTQ có những cuộc tranh luận rất gay gắt. Có người nói:  “Ngoài lá cờ đỏ năm sao, Trung Quốc không còn gì là XHCN nữa”. Không còn con đường lùi, Đặng Tiểu Bình quyết định “Cứ làm, không bàn cãi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm theo cách dò đá qua sông”. Đó là lý do ra đời Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến. Báo chí của Trung Quốc đặt tên rất kêu cho đặc khu Thâm Quyến là:  “Phòng thí nghiệm cải cách mở cửa để tạo ra những điều thần kỳ của Trung Quốc”.

Đặc khu Kinh tế (viết tắt là SEZ) Thâm Quyến đã thành công. 27 năm sau, vào năm 2007, sản lượng kinh tế của riêng Đặc khu Thâm Quyến là 338 tỉ USD, vượt qua Quảng Châu, được xếp hạng thứ 3 ở Trung Quốc, chỉ sau Thượng Hải và Bắc Kinh, cao hơn sản lượng kinh tế của cả nước Bồ Đào Nha, Ireland và Việt Nam.

Sở dĩ Đặc khu Thâm Quyến thành công như vậy vì có nhiều thuận lợi, trong đó có 3 thuận lợi cơ bản:

– Thuận lợi thứ nhất là địa lợi:  Thâm Quyến sát biển và gần Hồng Kông, là nhượng địa của Trung Quốc cho nước Anh và là một trung tâm tài chính lớn. Người Thâm Quyến và người Hồng Kông đều là người Trung Quốc, cùng nói tiếng Quảng Đông. Họ dễ hiểu ý nhau. Vì thế, đặc khu Thâm Quyến thu hút được lượng vốn đầu tư rất lớn, kỹ thuật mới và nhiều chuyên gia, công nhân giỏi nghề từ Hồng Kong. Hồng Kông là người bao tiêu sản phẩm của Thâm Quyến. Có thể nói sự phát triển ban đầu của đặc khu Thâm Quyến là dựa vào Hồng Kông.

– Thuận lợi thứ hai là về thiên thời:  Từ chỗ là kẻ thù của nhau, Trung Quốc đã bắt tay làm bạn với Mỹ, được Mỹ viện trợ ồ ạt. Liên Xô là nước XHCN, có chung đường biên giới nhưng đang loay hoay tự cứu nền kinh tế của họ, không có khả năng đụng độ vũ trang với Trung Quốc như trong thập kỷ 60.

– Thuận lợi thứ ba là:  Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến nằm trên đất liền, lãnh thổ có thể mở rộng. Năm 2007 Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến có diện tích 2050 km2, dân số 8,6 triệu người. Vì thế, trong Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến có Khu công nghệ cao (SZIP), thành lập vào năm 1996, tích hợp với Công viên phần mềm, có tổng diện tích là 115 km2. Thâm Quyến có Sở Giao dịch chứng khoán (SZSE) là thị trường chứng khoán quốc gia, trong đó có 540 Công ty niêm yết, 35 triệu nhà đầu tư đăng ký. SZSE đã phát triển vốn hóa thị trường khoảng 122 tỉ USD (bằng một ngàn tỉ nhân dân tệ).

Năm đặc khu kinh tế khác của Trung Quốc thành lập sau Đặc khu Thâm Quyến là Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn, Kashgar, đảo Hải Nam không có những thuận lợi như Thâm Quyến nên không thành công như Thâm Quyến. Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến đạt mức tăng trưởng cao nhất vào năm 1981 và năm 1993, sau đó chậm lại dần. Khi những vùng còn lại của Trung Quốc bắt đầu tự do hóa thì mô hình đặc khu kinh tế mất dần sức hút. Mô hình chủ yếu ở Trung Quốc vẫn là kinh tế phụ thuộc vào đầu tư (1).

Việt Nam hướng theo mô hình Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc nhưng cả 3 đặc khu dự định thành lập không có những thuận lợi cơ bản như Thâm Quyến.

– Thứ nhất:  Việt Nam muốn phát triển kinh tế và xã hội nhanh và vững chắc thì phải được đầu tư lớn vào công nghệ mới và giáo dục – đào tạo. Các nước phát triển Phương Tây có thể đáp ứng nhu cầu đó, nhưng thường gắn với điều kiện nhân quyền, là thứ Bộ Chính trị ĐCSVN rất dị ứng. Trung Quốc, với hơn 2000 tỉ USD sẵn có trong ngân khố quốc gia, sẵn sàng cho vay và đầu tư vào các nước nghèo, kể cả Việt Nam mà không kèm theo điều kiện nhân quyền như phương Tây. Như vậy, Bộ Chính trị ĐCSVN rất khó bỏ qua “miếng mồi thơm” đó của Trung Quốc. Hơn nữa, Dự thảo Luật ba Đặc khu Kinh tế nói rõ:  “Cơ hội đầu tư tại các đặc khu dành cho tất cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, không dành riêng cho một quốc gia nào”, là chỗ dựa về pháp lý để mời chào Trung Quốc cho vay và đầu tư, trong lúc chưa trả được nợ nước ngoài và đang khát đôla.

Nhưng Trung Quốc là thợ câu có hạng. Ngày xưa Lã Vọng đội nón mê mải ngồi câu cá ở sông Vị mà trong bụng lại nghĩ ra được kế sách giúp Tây Bá Cơ Xương tiêu diệt nhà Thương, lập nên cơ nghiệp nhà Chu.

Chủ nợ Trung Quốc cho vay và đầu tư không chỉ nhằm mục đích kinh tế mà còn có mục đích chính trị. Nhiều quốc gia là con nợ của Trung Quốc không trả nợ được đã phải gán nợ bằng một phần lãnh thổ của họ. Hiện nay Trung Quốc đã có 77 đặc khu, xây dựng tại 36 quốc gia, trong đó có 56 đặc khu tại 20 quốc gia, nằm dọc theo tuyến “một vành đai, một con đường” của Tập Cận Bình.

Ký với điều kiện cho thuê đất trong 99 năm để được Trung Quốc cho vay vốn và đầu tư, Đặc khu “Tam giác vàng” ở tỉnh Bo Keo của Lào có diện tích 102 km2 đã phải giao cho Trung Quốc toàn quyền kiểm soát, trở thành một thế giới riêng của Trung Quốc và đã biến thành một ổ tội phạm, buôn bán ma túy khổng lồ. Đặc khu Sihanoukville của Campuchia có diện tích 11,12 km2 đã trở thành một “Tiểu quốc Trung Hoa” trong lòng nước Campuchia. Khoảng 100 Công ty và 16.000 nhân viên Trung Quốc đang sống trong đó. Các cửa hiệu trong đó đều treo bảng viết bằng tiếng Trung Quốc. Cũng vì không trả được nợ, Srilanka đã phải chính thức giao Cảng chiến lược Hambatota cho Trung Quốc. Liệu Việt Nam có tránh được thân phận làm “con ngựa Thành Troy” cho Tập Cận Bình không?

– Thứ hai: Việt Nam ở địa chính trị không thuận lợi. Sát gần người láng giềng quá đông dân và có tham vọng bành trướng lãnh thổ, Việt Nam đã bị mất dần lãnh thổ và chủ quyền vào tay Trung Quốc (Hoàng Sa, đảo ở Biển Đông, lãnh thổ gần biên giới phía bắc, trong đó có Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc …) là điều mà đứa con nít Việt Nam cũng biết. Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc đều là các vùng xung yếu, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, nhất là Vân Đồn, một vị trí chiến lược ở cửa ngõ đất nước về phía đông bắc, gần với Trung Quốc, chỉ cách đảo Hải Nam khoảng 200 hải lý, nơi có căn cứ tầu ngầm của Hải quân Trung Quốc. Vân Phong gần cảng quân sự Cam Ranh, có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ miền trung, đối diện với “đường lưỡi bò “ở Biển Đông của Tập Cận Bình. Tại Vân Phong, nếu đặt tên lửa đất đối không trên núi thì có thể kiểm soát được toàn bộ vùng trời ở eo biển Malacca và eo biển Singapore. Đảo Phú Quốc nằm trên Vịnh Thái Lan, cửa ngõ phía nam của Việt Nam, cách bờ biển của Campuchia khoảng 30 km. Tại đó Trung Quốc đã được Campuchia cho thuê một phần bờ biển trong 99 năm để xây căn cứ Hải quân, có thể đón tầu khu trục và chiến hạm của Trung Quốc.

Liên bang Nga là một nước lớn cũng phải “vừa hợp tác, vừa cảnh giác” đối với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. A. Tsyganok là Giám đốc Trung tâm dự báo quân sự thuộc Viện Sharavin của Liên bang Nga cho rằng, Trung Quốc luôn luôn có dã tâm về lãnh thổ. Họ (tức TQ) sẽ không từ bỏ lãnh thổ đã bị Nga chiếm từ thế kỷ 17 và thế kỷ 18. Từ cách đây 10 năm, tại vùng tiếp giáp giữa Nga-Trung, mật độ dân số Trung Quốc cao gấp 10 lần của Nga, còn dân số Trung Quốc thì gấp 8 lần của Nga. Tsyganok cho rằng Trung Quốc luôn luôn dùng cách di dân bất hợp pháp, lặng lẽ thực hiện bành trướng kiểu ốc sên bò dần (2).

Khi định thành lập 3 đặc khu kinh tế, nhất là đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bộ Chính trị ĐCSVN có lo cho đất nước như mối lo của người Nga về lãnh thổ và về mối lo di dân của Trung Quốc không?

– Thứ ba: Khác với Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc có diện tích rộng đến 2050 km2, Phú Quốc là đảo có diện tích 589,2 km2 với dân số 101.407 người (2009). Vân Phong rộng 1500 km2 nhưng phần đất liền chỉ có 700 km2, còn lại 800 km2 là phần biển. Vân Đồn là một huyện đảo, gồm khoảng 600 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó chỉ có 20 đảo có người ở. Tổng diện tích huyện đảo là 551,3 km2, với 40.204 người (2009). Giao thông trong huyện đảo chủ yếu bằng đường thủy.

Những mặt tối của Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến là gì?

Với đầu đề “Đặc khu Kinh tế Trung Quốc: Hào quang và nước mắt ở Thâm Quyến”, báo Zing viết:  Sự thịnh vượng của Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến và của các đặc khu kinh tế khác của Trung Quốc đã được xây dựng bằng sự bóc lột lao động của công nhân tràn lan và khốc liệt. Năm 2003, tại Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến có ít nhất 1/3 (một phần ba) số công nhân Trung Quốc chỉ được hưởng lương không đủ bảo đảm mức sống tối thiểu. Năm 2006, tại Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến đã nổ ra trên 10.000 cuộc đình công của công nhân. Thâm Quyến và Quảng Châu là nơi có tỉ lệ công nhân tử vong rất cao so với các nơi khác, vì lao lực và tai nạn lao động.

Cũng tại Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến, sự phát triển kinh tế không cân đối, nổi lên vấn đề đầu cơ đất và mất đất. Các doanh nghiệp lớn được ưu đãi nhiều nhưng nông dân không được đảm bảo quyền sử dụng đất. Mức giá đền bù cho việc thu hồi đất thấp hơn nhiều so với giá thị trường, làm cho đời sống của nông dân càng khó khăn. Nạn đầu cơ bất động sản phát triển, kéo theo Tập đoàn đầu tư và tín thác quốc tế tại Quảng Đông, nơi có Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến, phải tuyên bố phá sản. Những hệ lụy này kéo dài suốt 16 năm, cho đến năm 1996 mới được bước đầu giải quyết, dưới thời Thủ tướng Lý Bằng.

Thế nào là Khu Kinh tế Tự do (FEZ)?

Theo Bách khoa toàn thư, Khu Kinh tế Tự do là tên chung, gọi các khu kinh tế được thành lập trong một quốc gia, nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, bằng các biện pháp khuyến khích đặc biệt.

Thuật ngữ này được dùng để nói về các khu vực kinh tế mà tại đó các công ty bị đánh thuế rất nhẹ hoặc không bị đánh thuế, nhằm khuyến khích hoạt động kinh tế. Các quy tắc về thuế cho các khu kinh tế tự do do từng quốc gia xác định, có thể khác nhau. Hiệp định WTO về “Trợ cấp và Biện pháp đối kháng (SCM)” có nội dung về các điều kiện và lợi ích của các khu kinh tế tự do.

Các đặc khu kinh tế (SEZ) của Trung Quốc là một dạng đặc biệt của khu kinh tế tự do (FEZ).

Đến nay, khu kinh tế tự do đã được thành lập tại các nước:  Anh, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Bắc Triều Tiên, Belarus, Brazil, Bulgaria, Chile, Georgia, Iran, Các Tiểu vương Ả rập thống nhất, Malaysia, Ukraina, Philippines, Tây Ban Nha.

FEZ của Anh là London Docklands

FEZ của Nhật là khu thương mại tự do đặc biệt Okinawa

FEZ của Hàn Quốc gồm:  Incheon, Busan, Jinhae, Gwang Yang, Daegu và Hoàng Hải

FEZ của Bắc Triều Tiên là khu kinh tế Rason

FEZ của LB Nga gồm:  Nakhodka, Ingushata, Yantar

FEZ của Philippine gồm khu cảng tự do Vịnh Subic, khu kinh tế đặc biệt Clark

FEZ của Việt Nam gồm:  Dung Quất, Chu Lai, Nghi Sơn

Liên bang Nga làm Luật Đặc khu Kinh tế rất khác với Trung Quốc

Trước năm 1991, LB Nga là một thành viên của Liên bang Xô Viết, có nền kinh tế XHCN gần như khép kín, chủ yếu chỉ trao đổi với các nước XHCN Đông Âu. Sau năm 1991, nền kinh tế của LB Nga đã mở so với trước. Năm 2005, Tổng thống Nga Putin đã ký ban hành Luật Đặc khu Kinh tế của Liên bang Nga. Có lẽ ra đời sau và rút được kinh nghiệm của các đặc khu kinh tế Trung Quốc, Luật đặc khu kinh tế của LB Nga rất khác so với mô hình đặc khu kinh tế của Trung Quốc và khác với Dự luật 3 đặc khu kinh tế của Việt Nam.

Có thể nêu ra 5 điểm khác biệt sau đây:

1- Chỉ chấp nhận 2 loại hình hoạt động trong đặc khu kinh tế là hoạt động sản xuất-công nghiệp và hoạt động ứng dụng công nghệ-kỹ thuật (không thấy nói đến hoạt động sòng bạc Casino).

2- Thời hạn tồn tại của đặc khu kinh tế không quá 20 năm. Không xem xét kéo dài sau 20 năm.

3- Diện tích của đặc khu kinh tế không quá 20 km2.

4- Trong đặc khu kinh tế cấm các hoạt động:  kinh doanh nhà ở, khai thác khoáng sản, luyện kim, sản xuất các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ ôtô, xe máy).

5- Chính sách thuế và phí tuân theo Luật của Liên bang về thuế và phí (không ưu đãi riêng).

Toàn văn Luật đặc khu kinh tế của Liên bang Nga gồm 10 chương, 41 điều, đã được Nguyễn Thành Sơn dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt, đăng trên Báo Dân Quyền ngày 14/6/2018.

Tại sao nhân dân biểu tình ngày 10/6/2018?

Hàng chục ngàn người, cùng một thời điểm vào sáng Chủ Nhật 10/6/2018 đã đồng loạt biểu tình ôn hòa (ngoại trừ Bình Thuận) ở nhiều thành phố trong cả nước, phản đối dự luật thành lập 3 đặc khu kinh tế, mà Quốc hội dự định thông qua vào ngày 15/6/2018.

Báo, Đài quốc doanh nói “Dân bị bọn xấu lợi dụng lòng yêu nước, tụ tập đông người, làm mất trật tự đường phố”. Dân hỏi nhau: “Bọn xấu nào được lòng dân, tổ chức được hàng vạn người cùng biểu tình trên cả nước như thế?”. Trên báo Dân Quyền, tác giả Thiện Tùng, trong bài “Có phải toàn quốc xuống đường biểu tình hôm 10/6/2018 là do bị thế lực thù địch xúi giục hay không”, đã trả lời: “Không đâu. Đó là nhân dân cả nước đồng tình lên tiếng phản đối Dự luật 3 đặc khu và Luật an ninh mạng, để cứu nước, cứu mình”.

Trang Bauxite VN của giới trí thức Việt Nam ngày 15/6/2018 đã đăng toàn bộ danh sách 2.536 người ký tên vào bản kêu gọi phản đối Dự thảo Luật 3 đặc khu kinh tế, nói rõ rằng “Chúng tôi đòi hỏi không chỉ lùi thời gian thông qua mà là phải hủy bỏ vĩnh viễn”.

Tại sao phải hủy bỏ vĩnh viễn?

Trên Viet-studies ngày 8/6/2018, cựu đại biểu Quốc hội là Nguyễn Minh Thuyết đã nói rõ: Người dân không chỉ lo ngại về thời hạn cho thuê đất đến 99 năm mà còn lo Dự Luật thiếu vững chắc về cơ sở pháp lý, về tính khoa học và thực tiễn và có nhiều rủi ro tiềm ẩn. Những rủi ro tiềm ẩn đó là gì? Xin hãy nghe ý kiến của một số chuyên gia:

Tiến sĩ Tô Văn Trường:  

– Hiện nay mô hình đặc khu kinh tế ít phát huy tác dụng, vì hình thức đầu tư FDI từ nhiều nước mới công nghiệp hóa (như Nhật, Hàn Quốc …) phát triển phổ biến và linh hoạt hơn. Thị trường tiêu thụ ngày nay đang có sự cạnh tranh rất mạnh, cần thay đổi công nghệ nhanh, cộng với tình hình biến động chính trị thế giới phức tạp như hiện nay, không thể bảo đảm các nhà đầu tư có uy tín có khả năng duy trì và phát triển lâu dài trong đặc khu kinh tế. Vì thế, nhiều nhà kinh tế cho rằng hiện nay áp dụng mô hình đặc khu kinh tế là không thích hợp.

– Điều 39 của Dự luật quy định, Đặc khu có quyền bội chi không vượt quá 70% ngân sách thu là tư duy quản lý kinh tế rất ấu trĩ. Thực chất điều 39 cho quyền Đặc khu được lấy ngân sách nhà nước không quá 70% để bù vào. Vì vậy, Chính phủ phải có luận cứ về quyền bội chi ngân sách của Chính quyền đặc khu, phải xây dựng quy chế minh bạch và chế tài về kiểm tra, kiểm soát công khai thu chi, phát hiện xử lý kịp thời những sai phạm trong thu chi ngân sách.

– Trong Dự Luật, giá thuê biển rất thấp, chỉ 7 triệu đồng / 1 ha / 1 năm. Nếu không điều chỉnh sẽ thất thu và mất biển, vì người thuê có thể hiểu là được khai thác cả mặt biển, cột nước và đáy biển.

– Tổng vốn đầu tư lập 3 đặc khu này dự kiến là 1,3 (một phẩy ba) triệu tỉ đồng, chưa kể đội vốn thì sẽ lấy ở đâu trong khi ngân sách thu không đủ chi, nợ như Chúa Chổm. Nếu trông vào nguồn tài chính sẽ vay của Trung Quốc thì Việt Nam và thế giới đã có quá nhiều bài học “tiền mất, tật mang” rồi!

– Với bộ máy hiện có và những yếu kém của cán bộ đã biểu hiện ra ở những vị trí quan trọng nhất, liệu Việt Nam có đủ năng lực để quản lý đặc khu, với tất cả những tính phức tạp và rủi ro của nó, để đạt được cái lợi mong muốn và tránh được cái hại dự kiến có thể xảy ra hay không? Rõ ràng là KHÔNG! Yếu tố này không được bảo đảm thì mọi mong muốn, dù là tốt đẹp, cũng chỉ là viển vông.

– Ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội nói “làm đặc khu kinh tế để thí nghiệm” là rất nguy hiểm, vì hiện nay Việt Nam chưa có cơ chế nào hữu hiệu để kiểm soát quyền lực. Không thể thí nghiệm vận mệnh của cả quốc gia được!

Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Học viện tài chính: Những ưu đãi dựa trên lợi nhuận được đề xuất trong Dư Luật đã lạc hậu. Nhiều quốc gia không sử dụng nữa. Điều mà các nhà đầu tư cần là sự thông thoáng trong tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường. Hầu hết các quốc gia đã bỏ các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

– Dự Luật đặc khu đang vướng 2 vấn đề:  1- Lấy ưu đãi thuế làm tiền đề thu hút các nhà đầu tư, 2- Lấy thời hạn cho thuê đất dài đến 99 năm làm cơ sở để các doanh nghiệp lớn yên tâm làm ăn.

Sau khi có bài học 30 năm thu hút FDI ở Việt Nam, cả 2 quan điểm này đã tỏ ra lỗi thời. Cơ quan soạn thảo Luật nói lập ra 3 đặc khu với số vốn ước tính khoảng 70 tỉ USD để “thí nghiệm cải cách thể chế kinh tếthì sẽ lấy số tiền này ở đâu? Qua 30 năm thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, có nhiều hệ quả tiêu cực còn chưa được đánh giá hết, chẳng hạn do ưu đãi thuế, doanh nghiệp chuyển giá, phân mảnh đầu tư, hình thành tình trạng “một quốc gia có 2 nền kinh tế khác nhau là FDI và doanh nghiệp trong nước”. FDI được ưu đãi quá nhiều nhưng khu vực kinh tế trong nước được ưu đãi quá ít, thậm chí thắt chặt, làm cho quy mô doanh nghiệp trong nước bị thu nhỏ lại, không cạnh tranh được. Các nước khác không làm như chúng ta. Cho thuê đất đến 99 năm là chính sách rất tệ hại. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0 đang diễn ra, vòng đời sản phẩm sẽ ngắn lại. Ai dám bảo đảm rằng mình sẽ làm một ngành nghề nào đó suốt 99 năm?

Chính sách cho thuê đất đến 99 năm chỉ có lợi cho các doanh nghiệp bất động sản nhưng không quốc gia nào thịnh vượng nhờ kinh doanh bất động sản. Các nước chỉ cho thuê đất tối đa là 50 năm. Trung Quốc ngày nay cũng vậy. Ở một số lĩnh vực họ chỉ cho thuê đất đến 20 năm.

– Trong Phụ lục của Dự Luật, cả 3 đặc khu đều có hoạt động kinh doanh Casino và công nghệ cao. Công nghệ cao và kinh doanh sòng bạc Casino là 2 loại hình hoạt động khác nhau, không thể cùng tồn tại trong một khu vực, nhất là ở một đảo nhỏ. Đó là vì đối tượng phục vụ của 2 loại hình này rất khác nhau. Casino phục vụ vui chơi giải trí, thử vận đỏ đen. Khách hàng của Casino là những người nhàn rỗi, ưa náo nhiệt. Hậu quả của loại hình này là các tệ nạn xã hội, thậm chí đẻ ra tội phạm.

Công nghệ cao là việc của những người làm kinh tế trí thức, đam mê nghiên cứu, thử nghiệm những cái mới trong các lĩnh vực khác nhau. Khách hàng của công nghệ cao là những người quan tâm đến sự phát triển, trí tuệ, chất lượng của công việc, của cuộc sống với những giá trị tốt đẹp và cao hơn cho con người. Họ cần được làm việc trong môi trường yên tĩnh, không náo nhiệt để tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, tranh luận chuyên môn. Dĩ nhiên họ cũng cần nghỉ ngơi giải trí nhưng không giải trí giống khách hàng của Casino. Công nghệ cao cần ở gần những nơi có nhiều cơ sở dịch vụ nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường trí thức để hỗ trợ nhau phát triển. Công nghệ cao cũng cần được kết nối với những vùng có các ngành phụ trợ, với các lĩnh vực mà nó hướng tới phục vụ, chẳng hạn công nghiệp, nông nghiệp … Vì thế ở các nước, công nghệ cao thường đặt gần những đô thị lớn, tập trung trí thức và lực lượng lao động có kỹ năng, nhiều Viện nghiên cứu và trường đại học.

Ở các nước đi trước, ví dụ ở Mỹ, công nghệ cao tách riêng với Casino. Las Vegas dành cho Casino còn Thung lũng Silicon dành cho công nghệ cao. Nếu không tính toán, quy hoạch chu đáo, rất có thể Casino sẽ đẩy công nghệ cao ra khỏi đặc khu kinh tế, vì Casino có khả năng sinh lời cao, còn công nghệ cao có thể bị lỗ trong thời gian đầu chưa có sản phẩm thương mại hóa. Muốn có nền kinh tế phát triển bền vững phải đặc biệt khuyến khích và ưu đãi công nghệ cao vì không nước nào phát triển bền vững nhờ Casino.

Luật sư Lê Văn Luân:

– Theo Dự Luật đặc khu, việc cho thuê đất kèm theo quy định người nước ngoài được sở hữu nhà hoặc căn hộ biệt thự dạng nhà thương mại hoặc biệt thự nghỉ dưỡng, tức là cho phép người nước ngoài sở hữu loại nhà “trên là nhà, dưới là đất “, cộng thêm quyền tài phán của tòa án đặc khu thì thật sự nguy hiểm đối với việc bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền ở đặc khu.

– Luật đặc khu cho phép có thể lựa chọn Tòa án nước ngoài để giải quyết một số tranh chấp với tổ chức và cá nhân người nước ngoài, trong khi chỉ có Trọng tài mới là cơ chế giải quyết tranh chấp, do lựa chọn chủ động theo Điều ước quốc tế hoặc theo thỏa thuận của các bên tham gia giao dịch (lĩnh vực thương mại quốc tế, thuộc tư pháp quốc tế). Nay Luật đặc khu lại cho phép các bên lựa chọn Tòa án để giải quyết tranh chấp thì đó là vấn đề pháp lý nguy hại nghiêm trọng, vì đối với mỗi đất nước, Tòa án là cơ chế (nhánh tư pháp) thể hiện quyền tài phán riêng biệt và duy nhất, để khẳng định chủ quyền quốc gia.

Không biết vì lý do gì mà người dự thảo Luật lại có thể coi đặc khu kinh tế là một nơi được lựa chọn tòa án nước ngoài để giải quyết tranh chấp. Tôi (Lê Luân) chưa thấy nơi nào cho một cơ quan tài phán khác được phép xét xử các tranh chấp trên chính lãnh thổ của mình.

Ông Nguyễn Ngọc Giao:

Dự Luật trao quyền rất lớn cho Trưởng đặc khu mà không thấy kèm theo cơ chế nào kiểm tra giám sát quyền lực là điều rất nguy hiểm

Ông Nguyễn Ngọc Chu:  

Điều 54 khoản 4 Dự Luật đặc khu viết: “Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực với thời hạn xác định. Trường hợp có nhu cầu đến các địa điểm khác của tỉnh Quảng Ninh để du lịch thì làm thủ tục thông qua Doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam”. Viết như vậy có nghĩa là Luật đặc khu ưu ái đặc biệt cho người Trung Quốc ra vào đặc khu Vân Đồn nên nhiều người cho rằng Luật thiết kế riêng Đặc khu Vân Đồn cho người Trung Quốc. Rồi đây, với điều khoản này, tất cả hơn 1 tỉ người Trung Quốc chỉ cần giấy chứng minh thư, không cần hộ chiếu và Visa, đều được ra vào Vân Đồn. Như thế có gì chắc chắn là bọn tội phạm từ Trung Quốc không lợi dụng điều khoản này để sang tìm nơi lẩn trốn ở Việt Nam? Thử hỏi ngược lại:  Vậy người Việt Nam có được tự do ra vào đặc khu Thâm Quyến của Trung Quốc hay không? Chắc chắn là không. Sao người viết Luật lại tự hạ mình xuống thấp hèn như thế?

Ông Nguyễn Văn Hòa:

Theo Dự Luật đặc khu thì người nước ngoài chỉ cần đầu tư 5 triệu đô la (110 tỉ VND) là được cấp thẻ tạm trú 10 năm. Họ sẽ được miễn thuế thu nhập 5 năm và sau đó được giảm tiếp 50%. Họ được miễn thuế đất 30 năm, có thể bán lại tài sản và tài sản được thừa kế. Họ còn được quyền thuê người nước ngoài vào làm việc 180 ngày/ 1 năm mà không cần giấy phép lao động. Luật quy định như thế sẽ mở đường cho bọn quan tham bán nước công khai và sẽ dẫn đến một làn sóng di dân mới vào các đặc khu kinh tế, đặc biệt là với giới lao động không có chuyên môn từ Trung Quốc tràn vào.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc:

Chúng ta phải lưu ý đến yếu tố địa chính trị của Vân Đồn, đừng để đặc khu Vân Đồn trở thành nơi để Trung Quốc di dân

Tiến sĩ Võ Trí Hảo:

– Điều có thể xảy ra ở các đặc khu kinh tế là 1 Tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam nào đó được lĩnh dự án qua chỉ định thầu (ví dụ Phú Quốc tháng 7/2011 đã có 74 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 48 ngàn tỉ đồng). Khi giành được dự án, họ sẽ thành lập một Công ty con để sở hữu, quản lý, vận hành. Sau đó, nhân một thời điểm thuận lợi nào đó, họ chuyển nhượng cổ phần của Công ty con này cho doanh nghiệp Trung Quốc hoặc doanh nghiệp có nguồn vốn Trung Quốc.

– Tôi quan ngại nhất về nguy cơ đối với Vân Đồn, do quần đảo này có giá trị quốc phòng đối với Trung Quốc. Vân Đồn nằm cận kề với Trung Quốc, trước năm 1979 đã có người Trung Quốc sinh sống ở đó.

Vì vậy phải đề phòng khả năng Trung Quốc lợi dụng kẽ hở pháp luật của đặc khu kinh tế Vân Đồn để di dân. Những di dân người Trung Quốc này đông đến một mức nào đó có thể tạo ra bất ổn chính trị, kiếm cớ biểu quyết ly khai rồi xin gia nhập Trung Quốc như kịch bản Crimea.

Tiến sĩ Trần Công Trục, cựu trưởng ban biên giới của Chính phủ:

– Tôi chia sẻ mối quan ngại của Tiến sĩ Hảo. Đây thực sự là một nguy cơ nên chính sách đối với Vân Đồn phải tính đến các biện pháp phòng ngừa.

– Nhiều nước đã ban ưu đãi về thời hạn cho thuê đất cho nhà đầu tư chứ không chỉ riêng Việt Nam, nhưng ở Việt Nam lại trở thành vấn đề nhạy cảm vì trong quá khứ và hiện tại, nhiều động thái của Trung Quốc gây cho người Việt Nam nhiều nghi ngại. Tâm lý đó hình thành do hậu quả của cả một quá trình Trung Quốc thực hiện các chính sách về biên giới, lãnh thổ, đặc biệt là đối với Biển Đông.

Trên đây chỉ là một phần trong các ý kiến của các chuyên gia và người dân, đã đăng trên các trang mạng, nhưng đã đủ thông tin để kết luận rằng, Dự Luật 3 Đặc khu Kinh tế đang đầy rẫy những lỗ hổng và có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn. Nó chứng tỏ nội dung Dự Luật là vấn đề hệ trọng của Quốc gia, phải được toàn dân quyết định. Đất nước này không phải là tài sản riêng của 19 uỷ viên Bộ Chính trị ĐCSVN.

Theo cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết thì: Hiến pháp 2013 đã long trọng tuyên bố nước CHXHCNVN do Nhân dân làm chủ, tất cả mọi quyền lực thuộc về Nhân dân. Riêng về đất đai, tài nguyên, tài sản thì Điều 53 của Hiến pháp đã quy định:  đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đây là mối quan hệ giữa người chủ và người quản lý. Với vấn đề hệ trọng như thế này, người quản lý không thể tùy tiện quyết định, mà phải xin ý kiến của người chủ, do đó Quốc hội cần:

1- Vì lợi ích của dân của nước, hủy bỏ hẳn bản dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn – Bắc Vân Phong – Phú Quốc.

2- Hoặc tham khảo Luật Đặc khu Kinh tế của Liên bang Nga, viết lại bản Dự thảo mới.

3- Nếu vẫn muốn thông qua Dự Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn – Bắc Vân Phong – Phú Quốc thì trước khi thông qua phải trưng cầu ý dân theo Điều 6 của Luật trưng cầu ý dân.

Ghi chú:

(1) – “Đặc khu Kinh tế – phòng thí nghiệm cải cách kinh tế và những điều thần kỳ của Trung Quốc”- Guo Wanda, Viện nghiên cứu phát triển Trung Quốc.

(2) – “Người Nga nghĩ gì trước sự trỗi dậy của Trung Quốc” – Tạp chí nghiên cứu quốc tế 21/5/2018

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. – Cần thực hiện ngay Luật “Trưng cầu ý dân”!
    Quan trọng là không để cho đảng độc tài CSVN kiểm phiếu!
    Phải có sự giám sát của LHQ, hay của một UB Quốc tế, các thành viên không có Trung Cộng!

Comments are closed.