23-5-2018
Sau khi quan sát những gì ông làm, lắng nghe những gì ông nói, nghiền ngẫm về con đường ông đi, là một công dân, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm nói với ông vài lời. Tôi mong ông nhìn nhận rõ hơn rằng, dù là người dân thấp cổ bé họng nhưng không đồng nghĩa ai cũng ngu dần, dốt nát, bị lừa mị, bị dẫn dắt bởi những lời lẽ có thể nói là xảo ngôn của ông.
Cách gọi tên “thu giá” thay vì “thu phí” ở các trạm BOT mà Bộ Giao thông của ông là tác giả, nói thực là tôi thấy vô cùng ngớ ngẩn, ông Bộ trưởng ạ. Bản chất của việc thay thế cách gọi này là vô bổ, thừa thãi, tốn kém chi phí, tốn kém giấy mực đưa tin của báo giới và tốn cả nước bọt bàn tán của người dân.
Hôm qua, bên hành lang Quốc hội, ông giải thích về sự ngớ ngẩn ấy rằng, gọi là thu giá thì có thể giảm giá, doanh nghiệp được chủ động cân đối phương án tài chính. Trong khi gọi là thu phí, muốn thay đổi phải thông qua các bộ nên rất chậm.
Thưa ông Thể…
Tôi không tin chỉ số IQ của ông khiêm tốn đến mức không biết rằng, gọi là thu giá hay thu phí, xét về bản chất không có gì khác biệt. Vẫn là tiền người dân phải nộp cho các chủ đầu tư BOT. Vẫn là người dân bị áp đặt nôn tiền cho họ mà thôi. Muốn giảm phí BOT, điều quan trọng là nhóm lợi ích BOT có chịu nhả bớt hay không.
Áp lực của những đòi hỏi, yêu cầu phải xử lý những BOT bất hợp lý từ người dân ở khắp nơi còn chẳng thay đổi được gì, BOT bất hợp lý vẫn trơ lì như một lời thách thức, thì cái quyết định thay đổi cách gọi tên từ thu phí sang thu giá cũng chỉ là một tờ giấy lộn, không hơn.
Ông Thể ạ…
Tôi cần phải nhấn mạnh rằng, thu phí là áp đặt, trong khi thu giá được hiểu là giá dịch vụ. Vậy, là dịch vụ thì người tiêu dùng có quyền mặc cả giá. Nếu không thể thống nhất thì người tiêu dùng có quyền từ chối sử dụng dịch vụ, tức không đi đường BOT. Vậy, ông có dám ngẩng mặt lên, nhìn thẳng vào ánh mắt đã từng chờ đợi, hi vọng, ngờ vực, rồi thất vọng của người dân và nói rằng, ông sẽ đảm bảo thực hiện được hai vấn đề trên hay không?
Đừng vòng vo bao biện một cách hời hợt để khiến mình tầm thường như thế, ông Bộ trưởng ạ. Bởi vì, sau quá nhiều sự bẽ bàng, chắc chắn vẫn còn một người dân như tôi đây, tuyệt đối không u mê để bị lừa mị.
Tôi chân thành khuyên ông, hãy suy nghĩ kĩ càng, hãy lật tới lật lui mọi sự trước khi mở miệng. Ông đang tự biến mình thành hình ảnh quan chức có bề dày xảo ngôn rồi, thưa ông Bộ trưởng. Tôi vẫn chưa quên ông dám cả gan vận dụng sự uyển chuyển của ngôn ngữ để dẫn dụ người dân. Đó là khi ông tuyên bố, nói BOT đặt nhầm chỗ là không chính xác, có thể dùng từ đến thời điểm này vị trí đặt trạm chưa hợp lý.
Thật là…
Xin lỗi cho tôi được cười nhạt một cái. Ông nghĩ rằng, người nghe những lời nói hươu nói vượn kia không đủ tư duy để hiểu hay sao? Dù gọi là nhầm chỗ hay vị trí chưa hợp lý, thì xét cho cùng vẫn là một nơi cho doanh nghiệp BOT đè dân lấy tiền, mà dân chẳng có sự lựa chọn nào khác.
Nào đã hết đâu. Hôm qua, khi ông nói đại ý rằng các điểm nóng BOT là sản phẩm của giai đoạn trước, tôi hiểu rõ hơn bao giờ hết nghĩa của từ trơ trẽn.
BOT bất hợp lý là sản phẩm của giai đoạn trước. Ông nói như thể ông vô can và giờ phải vất vả dọn dẹp?
Rõ ràng giai đoạn trước, Bộ trưởng ông đây chính là thứ trưởng. Không những thế còn là thứ trưởng phụ trách giao thông địa phương – địa bàn có nhiều BOT. Thậm chí, ông chính là tác giả của BOT Cai Lậy đầy tai tiếng.
Thưa ông Thể…
Cái trò ngửa mặt lên trời phun nước bọt, chỉ có trẻ con lên ba mới dám làm. Lẽ nào tôi buộc phải hiểu ông Bộ trưởng đây là cậu bé sống lâu?
Nếu như vậy thì dân tộc này mạt vận mất rồi. Mạt đến mức phải đưa một người như cậu bé sống lâu vào vị trí đứng đầu một ngành nền tảng, tiêu tốn vô số nguồn lực quốc gia.