18-5-2018
Hôm qua tôi đã xét hỏi nội dung gì trong phiên toà sơ thẩm vụ án 8 người chết do sự cố y khoa 29/5/2017 tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình?
Theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, trong phiên toà luật sư hỏi về những chứng cứ, tài liệu để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ mình. Trong vụ án này, tôi bảo vệ cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc, bị cáo buộc “vô ý gây chết người”. Bị cáo Quốc theo yêu cầu của công ty Thiên Sơn đến sửa chữa hệ thống nước RO tại đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hoà bình. Tôi xét hỏi một số người để làm rõ những nội dung sau:
1/ Công ty Thiên Sơn cung cấp cho cơ quan điều tra Hợp đồng 25/5/2017 giữa công ty Thiên Sơn và Trâm Anh (của bị cáo Quốc) để hợp thức hoá việc Quốc đến sửa chữa hệ thống lọc nước RO2 tại bệnh viện ĐKHB vào ngày 28/5/2017. Trong khi bị cáo Quốc và đại diện công ty Trâm Anh (là vợ bị cáo Quốc) khẳng định hợp đồng này ký vào ngày 29/5/2017 ngay trong ngày xảy ra sự cố y khoa, khi ký Quốc không mang theo dấu và chỉ ký trang cuối, không xem kỹ nội dung hợp đồng. Đến sáng 30/5/2017 Quốc mang dấu đến công ty Thiên Sơn, gặp một số điều tra viên ở đây, nhân đó làm việc với cơ quan điều tra. Đến chiều một phó giám đốc của Thiên Sơn gửi trả cho một nhân viên của Trâm Anh con dấu công ty này. Ngoài ra, chúng tôi có một nhân chứng xác định ngày 25/5/2017 đi công tác với Quốc từ Quảng Bình, chiều tối mới về nhà nên không thể có chuyện Quốc ký hợp đồng với Thiên Sơn vào ngày này. Hôm khai mạc phiên toà, ông chủ toạ chấp nhận nhân chứng này, nhưng hôm qua lại không chấp nhận.
Tôi cũng đề nghị công ty Thiên Sơn giải thích tại sao báo giá của công ty Trâm Anh cho giá dịch vụ dưới 50 triệu đồng tại sao Thiên Sơn lại ưu ái ghi trong Hợp đồng là trên 70 triệu đồng (còn Thiên Sơn ký với bệnh viện ĐKHB là gần 100 triệu đồng)? Sao hợp đồng giữa hai công ty ghi thanh toán 1/2 ngay sau khi ký, nhưng Thiên Sơn lại không thanh toán ngay cho Trâm Anh khoản này? Đại diện Thiên Sơn không giải thích được.
2/ Tôi đề nghị đại diện Thiên Sơn và bệnh viện cho biết có lưu giữ bản hướng dẫn quy trình bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống lọc nước RO2 hay không và nếu có cấp cho Quốc bản đó không khi Quốc bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống lọc nước RO2. Đại diện Thiên Sơn thừa nhận, năm 2010 có bán và lặp đặt hế thống lọc nước RO2 cho bệnh viện ĐKHB, do nhà công ty Anh Quân sản xuất, có bản hướng dẫn quy trình như vậy và có cấp cho bệnh viện. Sau khi bảo hành 1 năm, Thiên Sơn không còn lưu giữ tài liệu này và cũng không hướng dẫn cho Quốc quy trình này, dù Quốc chuyên làm cho Thái Sơn để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO2 này khi Bệnh viện ĐKHB có yêu cầu từ 2013 đến ngày xảy ra sự cố. Đại diện bệnh viện ĐKHB cho biết không rõ có lưu trữ bản hướng dẫn này không. Bị cáo Quốc cho biết chưa từng được Thiên Sơn hay bệnh viện trao cho bản hướng dẫn hay quy trình từ nhà sản xuất, bị cáo làm theo kinh nghiệm từ 2006 đến nay trong chuyên ngành xử lý nước (trong đó có xử lý hệ thống nước RO2 trong những đơn nguyên thận nhân tạo của nhiều bệnh viện trong nước).
3/ Tôi đề nghị đại diện bệnh viện hoặc đại diện ông Trương Quý Dương (cựu giám đốc bệnh viện ĐKHB) cho biết tại thời điểm xảy ra sự cố 29/5/2017, bệnh viện có quy chế, quy trình về bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, sử dụng trang thiết bị y tế trong bệnh viện không? Có quy chế riêng về đơn nguyên thận nhân tạo không khi đơn nguyên này có sử dụng trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao, bệnh nhân bệnh nặng và trả phí dịch vụ cao, nếu không tinh thông về nghiệp vụ, trang thiết bị sẽ gây rủi ro cao cho bệnh nhân lẫn chính bệnh viện. Đại diện bệnh viện nói không nắm rõ, việc này ông Dương cựu giám đốc và ông Thắng trưởng phòng vật tư nắm rõ hơn. Hôm kia ông Dương (hiện đang vi vu ở Canada) cử đại diện đến dự, hôm qua lại vắng mặt. Còn ông Thắng có đơn xin vắng mặt xét xử. Trong hồ sơ điều tra không thể hiện có những quy trình, quy chế riêng như vậy tại bệnh viện ĐKHB.
4/ Tôi đề nghị mời đại diện Bộ Y Tế đến trình bày ý kiến tại Toà. Vì Bộ Y tế có công văn số 4342 ngày 2/8/2017 gửi Cơ quan điều tra có trình bày nhiều ý kiến, nêu nhiều văn bản tài liệu để giải thích, trả lời nhiều vấn đề, câu hỏi cho cơ quan tố tụng liên quan đến sự cố y khoa này. Cáo trạng cũng nêu một số nội dung của công văn, để làm căn cứ buộc tội các bị cáo. Người ký công văn 4342 là ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng vụ Pháp chế Bộ Y tế có mặt tại toà án tỉnh Hoà bình để quan sát xét xử từ hôm khai mạc. Tuy nhiên Toà án cho rằng không cần thiết nên không triệu tập dù nhiều luật sư đề nghị mời. Tôi nhắc lại, việc mời là cần thiết vì có nhiều vấn đề chỉ cơ quan quản lý y tế và chuyên gia liên quan mới có đủ trình độ hiểu biết để giải thích cho người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng hiểu và có căn cứ giải quyết vụ án. Theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (điều 315), nếu đại diện cơ quan cung cấp tài liệu không có mặt tại phiên toà, toà phải công bố và luật sư có quyền nhận xét, hỏi thêm về tài liệu đó. Vì công văn này có nhiều nội dung liên quan đến bị cáo và xác định trách nhiệm gây ra sự cố, tôi có nêu một số nội dung và đề nghị được nhận xét, hỏi thêm. Tuy nhiên vị chủ toạ không hài lòng, cho rằng tôi làm mất thời gian xét xử.
Một đồng nghiệp của tôi khá sốt ruột, vì nói rằng đang có mấy phiên toà khác phải có mặt, trong đó có phiên toà vào buổi chiều bắt đầu sớm, cần về Hà nội gấp để chuẩn bị tài liệu và đến toà này ở ngoại thành Hà nội, nên muốn đến lượt xét hỏi. Đồng nghiệp này giơ tay nhiều lần khi tôi phát biểu.
Xét thấy chủ toạ có vẻ “mất kiên nhẫn” và đồng nghiệp đang nóng lòng xét hỏi, tôi quyết định nhường xét hỏi cho đồng nghiệp này, dù còn một số nội dung cần xét hỏi. Trước khi đồng nghiệp này xét hỏi, có thòng câu “đề nghị chủ toạ yêu cầu người hỏi chỉ hỏi không giải thích lòng vòng, mất thời gian”. Đến khi vị đồng nghiệp này xét hỏi thân chủ tôi, tức bị cáo Quốc, lại giải thích lòng vòng, có nội dung theo hướng quy chụp bị cáo Quốc , bị cáo Quốc nói không hiểu vị luật sư hỏi nội dung gì, ý gì. Tôi có nhắc nhỏ đủ đồng nghiệp nghe thấy “chỉ hỏi, đừng giải thích dài dòng nhé”. Vị đồng nghiệp này lại có hành vi khiếm nhã, buộc tôi giơ tay đề nghị phát biểu. Được chủ toạ cho phép, tôi nói “đề nghị đồng nghiệp chỉ hỏi, không giải thích dài dòng hay suy diễn đối với thân chủ tôi”. Sau khi vị đồng nghiệp này chấm dứt xét hỏi, ông ta vội vã rời phiên toà, còn tôi vẫn ngồi trong dãy bàn “người bào chữa”, tiếp tục nhiệm vụ!