Hiệp sĩ và xã hội dân sự

FB Trung Bảo

14-5-2018

Đó dường như là một nghịch lý. Trong khi các hoạt động ôn hoà của những tổ chức xã hội dân sự khác bị ngăn cản thì việc các tổ chức “hiệp sĩ đường phố” – thực chất cũng là những tổ chức xã hội dân sự, lại được công khai ủng hộ dù tiềm tàng rất nhiều nguy hiểm cho từng cá nhân “hiệp sĩ” lẫn cho toàn xã hội. Giải thích nghịch lý này như một hiện tượng xã hội cần được nhìn từ nhiều phía nhưng từ phía nào cũng thấy lồ lộ sự vô trách nhiệm của chính những cơ quan công quyền.

Có thể những lực lượng vũ trang của chính quyền hiện tại đa phần đều thấm nhuần cương lĩnh “chiến tranh nhân dân” nên xem việc nhân dân tự tổ chức chiến đấu chống lại các thế lực xấu là điều bình thường? Cho đến giờ lực lượng công an vẫn thường nhắc đi nhắc lại “thế trận an ninh quốc phòng toàn dân”, liệu rằng việc khuyến khích và để tồn tại các lực lượng hiệp sĩ tự phong này cũng nằm trong cái “thế trận” ấy chăng?

Cũng có lời giải thích rằng những nhân viên công an cấp thấp khi nhìn vào khối tài sản khổng lồ của những tướng lãnh trong ngành đều thấy chạnh lòng với mức lương không đủ sống của mình nên chẳng dại gì dấn thân. Vì vậy, họ để tồn tại các lực lượng “hiệp sĩ” tự phát này để chia sẻ bớt những nguy hiểm rủi ro.

Tất cả đều là giả thiết và không thể nào chứng thực được. Nhưng, cái chết của những “hiệp sĩ” vừa qua là có thật. Và sự thất trách của lực lượng được giao gìn giữ trị an cũng có thật. Chống tội phạm không phải là một cuộc chiến tranh, không thể dùng lực lượng “du kích” để “tiêu hao sinh lực địch”. Không người dân nào có nghĩa vụ liều thân mình để bảo vệ trị an. Cũng không luật pháp nào trao quyền cho một nhóm người dân để họ có thể tổ chức tuần tra hay bắt giữ nghi phạm. Cả “hiệp sĩ” lẫn “kẻ cướp” đều chịu sự kiểm soát của pháp luật và ai trong họ cũng không được phép miễn trừ trách nhiệm pháp lý.

Một lý giải khác, sự hình thành tự phát của các nhóm hoạt động xã hội dân sự “Hiệp sĩ đường phố” dường như làm an lòng nhà cầm quyền rằng các nhóm này không làm ảnh hưởng đến “chính trị”. Thực tế đã chứng minh, điều mà các “hiệp sĩ” này ghét sau đám ăn cướp, có lẽ đó là những lý lẽ đi ngược lại các chủ trương của nhà cầm quyền. Do đó, họ tự họp thành nhóm có hoạt động thường kỳ và công khai những hoạt động này mà không gặp bất kỳ trở ngại nào từ các cơ quan hữu quan, thậm chí họ nhận bằng khen và được báo chí cổ vũ. Trong khi đó, các hoạt động ôn hoà của những nhóm xã hội dân sự khác luôn gặp sự cản trở dù đó chỉ là hoạt động vì môi trường hoặc phản đối lạm dụng tình dục.

Hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến và con trai trong căn nhà thuê dán đầy bằng khen vì những thành tích bắt cướp. Ảnh: Internet

“Những nhà cầm quyền vô trách nhiệm cần sự im lặng của những kẻ bị trị hơn là cần tới bất cứ tính tích cực nào, ngoại trừ tính tích cực mà họ khống chế được” – Triết gia John Stuart Mill đã viết như vậy trong tác phẩm Chính Thể Đại Diện. Có suy nghĩ nào của chúng ta khi liên tưởng đến mô hình “Hiệp sĩ đường phố” không?

Lực lượng công an đã chứng tỏ họ có khả năng thế nào khi tích tắc đã bắt được ngay hai nghi phạm trong vụ sát hại các “hiệp sĩ”. Theo báo chí, phải đến 50 cảnh sát bao vây với súng ống đầy đủ để bắt một trong hai nghi phạm này. Nghi phạm được cho đã ra tay giết hai “hiệp sĩ” đã dùng lưỡi lê quân đội, thứ vũ khí nếu đâm trúng chỗ yếu hại thì nạn nhân chắc chắn chết vì không cầm máu được. Trong phần trả lời phỏng vấn trên giường bệnh viện, một “hiệp sĩ” đang trọng thương cho biết không ai trong số họ có võ hay ít nhất là kỹ năng thoát hiểm khi đối diện hung khí.

Có thể khâm phục tinh thần hiệp nghĩa nhưng không thể cổ vũ người dân tự đấu tranh bảo vệ mình. Chỉ có những xã hội vô chính phủ thì người dân mới phải lập ra các đội tự vệ để tự lo cho trị an.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bài này tác giả Trung Bảo viết rất hợp lý hợp tình,nếu người đọc có kiến thức
    về luật pháp mới đánh giả cao những nhận định của ông.
    Tôi hoan hô ông Bảo,con người của lý trí gìữa xã hội tha hoá đến tận cùng !

  2. Đã có rất đông người không quen biết, đến để đưa tiễn hai thanh niên anh hùng trẻ tuổi về nơi an nghỉ cuối cùng, họ trở về quê nhà, nơi họ đã sinh ra ! Nhiều hình ảnh chân thực, rung động làm xúc động lòng người . Một phút cuối đầu tưởng nhớ đến các anh , lòng chợt nghĩ, người tốt quanh ta vẫn còn và còn nhiều lắm…

    Tấm gương hy sinh ấy của hai thanh niên quả cảm, làm người ta nhớ đến chuyện ở Pháp –ngày ấy cả nước Pháp để tang trung tá Arnaud Beltrame- người đã tự nguyện dấn thân vào nguy hiểm , hy sinh chính mình để cứu giúp người vô tội- Ngày ấy, mọi nhân vật cao cấp nhất trong chính phủ Pháp (cựu TT François Hollande, Nicolas Sarkozy, CT Thượng viện Gérard Larcher, Hạ viện François de Rugy …) đều có mặt trong lễ tiễn đưa và truy điệu. Người ta dành sự cảm phục sâu sắt nhất của mình để nghĩ về một cuộc đời bất vị kỷ, biết ‘sống vì người khác và sống cho người khác” . Người ta truy tặng Huân chương vàng, Huân chương Cành cọ đồng của Hiến binh quốc gia cho hành động can đảm và tận tụy phục vụ của ông.

    Ở đó, chỉ có niềm tiếc thương vô hạn và sự thàn phục cảm mến sâu sắt nhất…! Nhìn vào tấm gương ấy , trong lòng người Pháp hiếm có ai nghĩ rằng “ông Trung tá ngu muội, thích nổi danh, không ai bận dạy đời người khác …Ở đó, cũng hoàn toàn không có chổ cho những tên ‘Sửu nhi đê tiện’ lòng dạ nhỏ mọn thấp hèn, chực chờ có dịp để khoe mẽ cái máu khôn vặt của mình, hả hê ca tụng thái độ trốn né, cầu toàn…

    Đừng nói Âu Mỹ không có trộm cướp , đừng nói Âu Mỹ…không có những “hiệp sĩ”, những người hùng …cũng đừng nói Âu Mỹ không có loại Cảnh sát hèn nhát , trốn né trách nhiệm “đến chậm một chút là an toàn thêm một chút” ! Có những vấn đề xã ho65imang tính muôn thuở, trộm cướp không phải điều đặc biệt của riêng một quốc gia nào , dù Dân chủ hay Độc tài –Nó rộ lên khi nghèo đói & thất nghiệp, và giãm đi khi no đủ, sung túc và thỏa mãn ! Nhưng điều thật sự khiến cho cac xã hội văn minh trở nên khác biệt, chính là mức độ quan tâm đến người khác , và thái độ hành xử của con người, của lực lượng bảo an ở từng nơi !
    Trước nghĩa cử hy sinh của hai thanh niên quả cảm ,bọn ‘lãnh đạo Việt cộng” đang làm gì – Họ không có thói quen tôn vinh những tấm gương như lãnh đạo ở Pháp, bởi vì với họ “ mạng người không quan trọng “ ! Điều đáng buồn là, một số những bài viết trên mạng , thay vì đả kích thái độ khốn nạn của bọn côn an dân phòng vô trách nhiệm , biến xã hội thành một dạng vô chính phủ ….vv, thì lại quay sang đả kích cả những con người tốt, những ý kiến đúng đắn trung thực. Một số kẻ quá dồi dào căm hơn, đã trở nên mù quáng, căm hờn tất cả mọi thứ xung quanh y ?! Xã hội Việt cộng đã tạo nên rất nhiều những kẻ đau xót và căm hờn một cách bơ vơ, mất phương hướng …chỉ vì họ không có chính kiến vững vàng ! Lại có một số bài cực đoan ,ranh vặt …bộp chộp làm nổi, trình bày toàn những ý tưởng đáng khinh, đáng phỉ nhổ …!

    Thế giới văn minh được hưởng nhiều sự bình an và hạnh phúc hơn, so với một thế giới hoang dại , đầy những kẻ hèn mọn khôn vặt. Chỉ vì họ sống như thế , đối với nhau như thế ,nên họ đáng được hưởng như thế !

Comments are closed.