Vết thương không lành

FB Nguyễn Thị Bích Ngà

23-4-2018

Cứ đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, tháng tư luôn là tháng nóng từ ngoài đường cho đến trên mạng xã hội. Cái nắng cái nóng cộng với cái màu đỏ rực của máu từ băng rôn, khẩu hiệu, cờ xí cứ xồng xộc tấp vào mặt vào óc tất cả mọi người đi đường. Màu đỏ máu tươi hiện lên trên ti vi, trên những con đường, trong trái tim, tâm trí, nỗi ám ảnh của những người lớn tuổi. Tháng tư về, nhức nhối, khôn nguôi.

Cũng đến hẹn lại lên, tháng tư lại tràn ngập tuyên truyền, đầy ắp thông tin, tư liệu, ngồn ngộn những bài viết, tâm sự…trên mặt báo chính thống và các trang mạng xã hội. Đọc nhiều mỗi năm, năm nay cũng không ngoại lệ, điều đọng lại trong tôi, thế hệ sinh sau chiến tranh, không phải là niềm tự hào, không phải là niềm vui chiến thắng, không phải là sự thật hay dối trá, mà nó chỉ đơn thuần là nỗi đau.

Nỗi đau ban đầu còn mơ hồ, giờ thì tưởng chừng có thể cầm nắm được. Nỗi đau mất mát, nỗi đau nhục nhằn, nỗi đau bất lực…Tự đặt câu hỏi cho chính mình, tại sao tôi lại đau nhiều đến thế? Tôi tự đi tìm câu trả lời cho chính mình.

Con người chỉ có thể tha thứ khi và chỉ khi sự thật được phơi bày, minh bạch, không giấu diếm và người có lỗi phải nhìn nhận, sửa sai, chịu sự phán xét của pháp luật, tòa án, lương tâm chứ không thể đòi hỏi sự tha thứ khi người có lỗi vẫn che đậy, thụ hưởng từ cái việc có lỗi mà có. Lòng bao dung, nhân ái phải dựa trên nền tảng của nhân bản, văn minh và thẳng thắn, trung thực, không thể dựa trên cảm tính, dối lừa và càng không thể là sự bắt buộc.

Nhìn vào cách hành xử của nhiều nước sau chiến tranh, có thể thấy họ rất nhanh chóng hòa giải, hòa hợp dân tộc và cùng nhau xây dựng đất nước. Việt Nam sau bốn mươi năm thống nhất đạt được những gì? “Bên thắng cuộc” vẫn tưng bừng ca hát, chào đón, tung hô chiến tích bằng những mỹ từ sáo rỗng, những hình tượng người lính với cây súng lăm lăm vẫn chỉa thẳng lên trời, vẫn những hào hùng, tô hồng, bôi đen nhưng vẫn bem bẻm nói ra lời hòa giải với “bên thua cuộc.” Có sự trơ trẽn nào hơn? Bài học nào được đúc kết và rút ra một cách thành thật và chân thành sau bốn mươi năm? Không có bài học nào hết.

Bốn mươi năm thống nhất, những ngày này, báo chí, truyền hình lại tụng ca ăn mừng hào quang cũ để quên đi các chỉ số tụt hậu của đất nước, quên đi vấn đề biển Đông đang bị xâu xé, quên đi các vấn nạn xã hội từ quan cho đến cộng đồng, quên đi nỗi xấu hổ, thẹn thùng và cay đắng khi đất nước thua kém các nước trong khu vực và trở thành một đất nước ăn mày. Ăn mày dĩ vãng, ăn mày viện trợ và ăn mày tương lai. Tự hào gì? Bất cứ một người nào còn lương tri và nhân bản đều cảm thấy đau đớn và xấu hổ.

Bốn mươi năm thống nhất, đất nước đang ở đâu? Theo ý chí của một nhóm người, cả một đất nước bị dẫn dắt đi theo một học thuyết, chủ nghĩa mà hầu hết các nước trên thế giới đều đã từ bỏ, một xã hội chủ nghĩa mà ngay cả người đứng đầu cũng không biết là bao giờ mới đi tới nơi, một xã hội nạc không ra nạc, mỡ không ra mỡ, không tạo điều kiện cho đất nước, người dân phát triển nhưng lại làm lợi cho quan chức câu kết với các nhóm lợi ích đục khoét từ tài nguyên cho đến từng đồng thuế phí của dân, gây ra bao cảnh oan khiên, tang thương, sai trái và bất bình trong xã hội.

Những người năm cũ rồi cũng già đi, rồi họ cũng phải tự buộc bản thân tha thứ cho những chính sách sai lầm trong và sau chiến tranh đã từng làm họ mất mát về người, của, tinh thần để họ có thể sống và yêu thương. Nhưng, họ làm sao có thể tha thứ khi họ nhìn thấy “bên thắng cuộc” không làm tốt vai trò lãnh đạo và đưa đất nước đi lên, kèm theo đó là những hệ lụy, tham nhũng, tàn phá và oan trái, khổ đau ngay ở thời bình cùng nguy cơ có thể mất nước?

Bốn mươi năm là quá đủ để những sai lầm có thể được sửa chữa, để những vết thương cũ lành miệng, để xây dựng và phát triển đất nước nếu đảng cộng sản và nhà nước thực sự là một đảng, nhà nước do dân, vì dân. Từ những tồi tệ trong quá khứ và hiện tại, ta có thể thấy và chứng minh cụm từ “do dân, vì dân” mà đảng và nhà nước thường xuyên sử dụng trong các văn bản chỉ là sự tuyên truyền, dối trá.

Vết thương trong lòng người, vết thương của đất nước chỉ có thể lành miệng khi và chỉ khi sự thật lịch sử được nhìn nhận và đánh giá một cách công bằng, trung thực, thẳng thắn làm nền tảng cho việc hoà giải và hoà hợp yêu thương. Điều này, đảng cộng sản không làm được.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Chẳng bao giờ lành được cả nếu như cả hai bên (thắng trận và thua trận) đều khuyếch trương cái gọi là đạo lý (của riêng mình) và đòi hỏi bên kia thừa nhận cái đạo lý đó.
    * Những người thuộc phe Cộng Sản, từ trước tới nay phất cao CỜ ĐỎ SAO VÀNG, với tâm thức là bên thắng cuộc nên đã tổ chức ra các hội cựu chiến binh, các liên hoan giai điệu tự hào để tưởng thưởng những chiến công “oanh liệt” của mình thì không thể hòa giải, hòa hợp dân tộc một cách nghiên túc được, cùng lắm là chỉ lừa được vài Trịnh Vĩnh Bình “hiến thân cho đất nước” mà thôi!.
    * Những người thuộc phe Quốc Gia, là những người đi theo CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ, lại nghĩ rằng mình đi theo con đường chính đạo và tưởng rằng trong bối cảnh ngặt nghèo hiện nay thì TỔ QUỐC RẤT CẦN ĐẾN MÌNH, nhưng chính họ lại quên mất rằng dưới lá cờ đó, tham nhũng cũng xảy ra kịch liệt (xâu xé, kiếm chác từ nguồn viện trợ của Mỹ và các nước đồng minh), hoặc, Hoàng Cơ Minh cũng lấy danh nghĩa của lá cờ đó để lừa bịp, kiếm tiền mà mọi người lại tưởng rằng hắn đang phụng sự vì tổ quốc!
    Vậy, nếu có ý định hàn gắn viết thương của dân tộc thì trước hết hãy vứt cả hai loại cờ này vào sọt rác của lịch sử!?

Comments are closed.