24-3-2018
Vụ Đoàn Luật Sư Sài Gòn bất ngờ khai trừ Luật Sư Phạm Công Út, trưởng Văn Phòng Luật Phạm Nghiêm, hôm 12 Tháng Ba, đến nay vẫn gây xôn xao trong giới luật sư vì ông Út được nhiều người biết đến qua các vụ oan sai ở nhiều địa phương.
Ông Út cũng được cho là người có phát ngôn “mạnh miệng” về chính quyền trên báo đài hải ngoại.
Thời điểm bị khai trừ, ông Út đang là luật sư bào chữa cho tám bị cáo trong phiên tòa xử vụ Navibank.
Truyền thông Việt Nam ở thời điểm đó đều đăng cáo buộc của Đoàn Luật Sư Sài Gòn nói Luật Sư Phạm Công Út bị khai trừ vì “nhận 1 tỷ đồng (hơn $43,900) của một khách hàng nhưng không có khả năng thực hiện hợp đồng.”
Báo Zing viết: “Theo Đoàn Luật Sư Sài Gòn, hành vi của ông Út đã vi phạm Luật Luật Sư và quy tắc Đạo Đức và Ứng Xử Nghề Nghiệp Luật Sư Việt Nam. Luật Sư Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm Đoàn Luật Sư Sài Gòn, cho biết Hội Đồng Khen Thưởng và Kỷ Luật của đoàn đã họp và ra quyết định khai trừ ông Út, có hiệu lực từ ngày ký. Về nguyên tắc, luật sư bị xóa tên thì không thể tiếp tục tham gia bào chữa.”
Hôm 24 Tháng Ba, ông Út chuyển đến nhật báo Người Việt lá đơn ông đề gửi Ban Thường Vụ-Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam. Trong văn bản này, ông Út viết: “Quyết định của Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư Sài Gòn Nguyễn Văn Trung đưa ra hình thức kỷ luật tôi là không có cơ sở và hoàn toàn mang tính suy đoán, áp đặt và chủ quan.”
“Vụ việc nêu trong bản quyết định kỷ luật là quan hệ tranh chấp dân sự nếu có giữa một pháp nhân là Công Ty Luật Phạm Nghiêm với một bên là cá nhân bà Phạm Thị Nguyệt và ông Tăng Văn Hiệp thông qua hợp đồng dịch vụ pháp lý. Nếu có tranh chấp do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng thì thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, nếu một trong hai bên khởi kiện. Do đó không thuộc thẩm quyền giải quyết xử lý của Đoàn Luật Sư Sài Gòn mà Đoàn Luật Sư chỉ có quyền hòa giải,” đơn ông viết.
“Việc kỷ luật như thế này sẽ tạo thành tiền lệ nguy hiểm với bất kỳ luật sư nào, cho dù đó là vị cựu chủ nhiệm Đoàn Luật Sư nào đó. Vì lẽ nào chỉ cần đơn khiếu nại giữa khách hàng với một tổ chức hành nghề luật sư nào đó, thì luật sư có liên quan với khách hàng có thể bị mất quyền hành nghề hợp pháp của mình mà không cần một phán quyết nào của tòa án,” trích đơn ông Út.
Ông Út cũng viết thêm: “Trong vụ đại án Huyền Như xét xử giai đoạn 1, cụ thể là tại phiên phúc thẩm, ông Nguyễn Văn Trung, Đoàn Luật Sư Sài Gòn, là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phía Ngân Hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank). Phiên tòa đã khép lại bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật và đã chốt lại kết quả là Navibank đã bị mất số tiền 200 tỷ đồng (hơn $8.7 triệu) do bà Huyền Như chiếm đoạt. Vì thế, tại phiên tòa xét xử 10 bị cáo của Navibank về tội ‘Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ (giai đoạn 2), ngay từ đầu Hội Đồng Xét Xử, cũng như phía Viện Kiểm Sát đã xác định vấn đề hậu quả không thuộc phạm vi xét xử của vụ án này. Nghĩa là cơ quan tiến hành tố tụng không cần phải chứng minh hậu quả vụ án nữa.”
“Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, tám trong số 10 bị cáo của Navibank đã tìm đến tôi để kêu cứu vì cho rằng họ bị hàm oan. Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi nhận thấy đây là một vụ án oan, do đó tôi là người đứng ra kêu gọi các luật sư đồng nghiệp, cụ thể là gần 30 luật sư cũng đã nhìn nhận và đồng quan điểm với tôi rằng đây là một vụ án oan. Cả một tập thể thuộc nhóm luật sư đã đoàn kết lại cùng nhau tham gia để minh oan và chứng minh những điều khuất tất để làm sáng tỏ sự thật của vụ án về số tiền 200 tỷ đồng vẫn còn đang nằm ở tài khoản của Vietinbank,” theo nội dung đơn.
“Nếu sự thật này của vụ án được phơi bày cũng đồng nghĩa với việc bản án phúc thẩm sẽ bị hủy bỏ một phần theo thủ tục tố tụng đặc biệt. Và như thế sẽ dẫn đến việc phiên tòa phúc thẩm với Huyền Như và nhóm năm công ty liên quan đến Vietinbank với số tiền 1,085 tỷ đồng (hơn $47.6 triệu) sắp tới có thể bị phanh phui. Điều này sẽ làm cho phía Vietinbank – thân chủ của Luật Sư Trung – sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm có thể phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại hơn 5,000 tỷ đồng (hơn $219.2 triệu) cho những khách hàng đã ký gửi,” trích nội dung đơn.
“Chính vì lý do đó mà có thể dẫn đến sự việc tôi bị ông Trung ký ngay quyết định khai trừ một cách ‘hỏa tốc’ khi tôi còn đang tham gia vụ án dang dở. Ông Trung trả lời với báo chí với nội dung được hiểu là tước ngay tư cách luật sư của tôi để tôi không thể tiếp tục tham gia vụ án này nhằm phơi bày và làm sáng tỏ sự thật của vụ án có liên quan đến ông Trung, là luật sư bảo vệ cho Vietinbank,” ông Út khẳng định trong đơn.
Trong lá đơn, Luật Sư Út “đề nghị Ban Thường Vụ-Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam giải quyết khiếu nại, buộc Ban Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư Sài Gòn thu hồi và hủy bỏ lại quyết định kỷ luật, khôi phục hoàn toàn quyền hành nghề luật sư, bồi thường thiệt hại các thiệt hại về vật chất, tinh thần, và phải xin lỗi công khai.” (T.K.)