Tin trong nước
Tình hình Biển Đông
Tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục căng thẳng hơn trong những ngày tới, khi Việt Nam gia hạn thêm hai năm nữa cho công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh, thăm dò dầu khí ở lô 128.
Lô 128 (vòng tròn đỏ) thuộc vùng đặc quyền kinh tế của VN. Ảnh: internet
Lô 128 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN, nhưng nó cũng nằm trong “đường lưỡi bò” của TQ. VOA dẫn lời một giới chức cao cấp của công ty ONGC Videsh, nói rằng, “khu vực này được chú trọng về chiến lược hơn là thương mại“, rằng VN muốn công ty Ấn Độ khai thác ở đây là vì yếu tố Trung Quốc. Hai năm trước có thông tin, Videsh sẽ rút khỏi lô 128 vì không có dầu.
Có vẻ như Việt Nam đang âm thầm thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực? Gần đây, Việt Nam có những hành động mạnh bạo hơn trong việc thách thức đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc. Theo đài RFI, vũ khí của Việt Nam là dầu khí, VN dùng nó để công phá “đường lưỡi bò” của nước láng giềng.
Cũng tin Biển Đông, theo đài VOA, hôm 7/7, không quân Mỹ cho hay, hai máy bay ném bom B-1B Lancer xuất phát từ đảo Guam, bay qua khu vực Biển Đông mà các nước đang tranh chấp, nhằm khẳng định vùng này là lãnh thổ quốc tế, dù “Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trên hầu hết các tuyến hàng hải trong khu vực“.
Về đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm giữ, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn có bài phân tích về lịch sử, pháp lý và hệ quả kinh tế chiến lược, nếu VN từ bỏ chủ quyền trên hòn đảo này. Ông Tuấn cho rằng, sự kiện tàu khu trục của Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý ở đảo Tri Tôn, rồi TQ mang tàu chiến và chiến đấu cơ ra thách thức, thì VN phải lên tiếng.
Ông Tuấn viết: “Khi VN giữ thái độ im lặng thì hành vi (đe dọa sử dụng vũ lực) của TQ lại được xem như là hành vi ‘khẳng định chủ quyền’. Việt Nam từ bỏ chủ quyền tại đảo Tri Tôn, có nghĩa VN đồng thời từ bỏ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa“.
Chu Ân Lai, Hoàng Sa và Hai Bà Trưng
Lịch sử Việt Nam là một cuộc trường kỳ chiến tranh chống lại người láng giềng hùng mạnh tại phương Bắc.
Trong mục Diễn Đàn của BBC có bài viết đáng chú ý của ông Nguyễn Tiến Hưng, Cựu Tổng trưởng VNCH, “Chu Ân Lai và vấn đề Hoàng Sa”, trong đó có những trích đoạn thú vị: “Lúc còn đương thời, ông Chu đã hăng say tranh đấu cho tuyến chín vạch, nhưng vào lúc hoàng hôn của cuộc đời thì trong nơi hậu trường kín đáo, chính ông lại lên án tổ tiên ông đã bóc lột Việt Nam. Như vậy, bằng một cách gián tiếp, ông cũng đã tự phê phán về hành động của chính mình.”
Và đoạn nói về Hai Bà Trưng của Việt Nam, như sau: “Tài liệu của Tòa Bạch Ốc (đã được giải mật) ghi thật rõ biên bản cuộc họp kín tại Bắc Kinh ngày 9 tháng 7, 1971 giữa Thủ tướng Chu Ân Lai và Cố vấn Henry Kissinger. Lúc ấy ông Kissinger gặp ông Chu để sắp xếp chuyến viếng thăm của Tổng thống Nixon (tháng 2, 1972). Thật lạ lùng: trong buổi họp, ông Chu đã xác nhận: ‘Hai nghìn năm trước Trung Quốc đã xâm lăng Việt Nam… tổ tiên chúng tôi là những người bóc lột nhưng bị đánh bại bởi hai nữ tướng’.”
Lao động Việt Nam chết trên vùng biển Trung Quốc
Báo VnExpress đưa tin, Việt Nam xác nhận 7 trong số 9 công dân Việt Nam đã thiệt mạng trên vùng biển tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Báo này không nói nguyên nhân thiệt mạng, do bị đánh đập, bị chìm tàu hay bị giết hại trên biển.
Nhưng báo Dân Việt cho biết, những nạn nhân này là những người nằm trong số “hơn 20 lao động Việt Nam đi lao động ‘chui’ trên đường sang vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) không may bị chìm tàu, chết và mất tích… cơ quan chức năng mới chỉ vớt được 16 người, trong đó có 6 người xác định được nhân thân”.Nạn nhân Lưu Xuân Hoàng, sinh năm 1990 đã chết. Ảnh: internet
Có lẽ đây là những nạn nhân của Formosa, đến từ những khu vực biển đảo và môi trường sống bị tàn phá, họ không thể kiếm sống trên quê hương mình, đã phải đi lao động chui ở TQ. VOA đưa tin: “Thông tin ban đầu cho biết nhóm người đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình… là những tỉnh chịu thiệt hại trực tiếp trong thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung do công ty Formosa gây ra“.
Sự kiện Đồng Tâm
Sự kiện Đồng Tâm lại tiếp tục được hâm nóng, khi hôm qua, Thanh tra TP Hà Nội khẳng định, không có diện tích 59 ha đất nông nghiệp xứ đồng Sênh, mà đó là đất quốc phòng. Báo Tiền Phong dẫn lời Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói rằng “có một nhóm người kích động để mong muốn đòi quyền lợi, và có sự gian dối để kích động người dân…“. Hóa ra ông chủ tịch từng ký vào bản cam kết, hứa không “truy cứu hình sự” người dân Đồng Tâm chỉ là một chiêu trò lừa bịp?!
Báo Dân Trí nêu kết luận thanh tra: sẽ buộc những công dân “đang chiếm giữ trái phép đất quốc phòng”, trả lại đất cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội “để thực hiện xây dựng các công trình quốc phòng”.
Về chuyện xảy ra xô xát với người dân Đồng Tâm, Dân Trí cho biết: “Công an Thành phố Hà Nội phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức và cá nhân có liên quan đối với quản lý, sử dụng đất quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn…“. BBC dẫn lời ông Chung, cho biết: “Cơ quan công an TP khởi tố là giai đoạn để người dân chứng minh mình, những gì người dân được hưởng khoan hồng”.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn chỉ ra vì sao ông Chung không muốn mọi người đào sâu vấn đề là “vì sao đất quốc phòng mà lại bỏ không?“. Theo ông Tuấn, thì “vì đây là một trong những vấn đề mấu chốt quyết định cách nhìn của dư luận về sự việc“.
Ông Tuấn cũng nhắn gửi tới ông Chung: “Ở mức độ nào đó người dân chúng tôi sẵn sàng chịu thiệt nếu thực sự vì mục đích phòng thủ quốc gia, nhưng chúng tôi đã chán ngấy việc các nhóm lợi ích dùng ‘an ninh-quốc phòng’ như tấm lệnh bài để hô biết đất quốc phòng thành sân golf, khách sạn, biệt thự, nhà hàng, khu đô thị khắp trong nam ngoài bắc nhằm vơ vét cho đầy túi tham trên danh nghĩa quốc gia“.
Blogger Trịnh Anh Tuấn có bài, Công bố dự thảo thanh tra ở Đồng Tâm: Một phép thử trái luật. Tác giả cho rằng, việc công bố dự thảo thanh tra khi chưa có kết luận thanh tra chính thức, có thể là một phép thử của chính quyền Hà Nội, để đo lường phản ứng từ người dân Đồng Tâm và dư luận. Thế nhưng, phép thử này đã vi phạm vào Điều 13, Luật Thanh tra 2010, nghiêm cấm: “Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức…”
Đồng Tâm chắc chắn sẽ không yên ả như chính quyền mong muốn rồi, “Không khí ‘thời chiến’ như đang trở lại” Đồng Tâm.
Quân đội – Kinh tế
“Quân đội sẽ tiếp tục xây dựng kinh tế” là khẳng định của Cục trưởng Kinh tế Quốc phòng Võ Hồng Thắng khi trả lời phỏng vấn của báo VnExpress về nội dung “quân đội làm kinh tế”.
Ông Thắng cũng cho rằng, “Chủ trương quân đội lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, không phải do lợi ích hoặc quân đội muốn làm thì làm“. Kinh chưa!
Còn báo Thanh Niên, dẫn lời ông Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng, “nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã, đang và sẽ là chức năng nhiệm vụ hết sức quan trọng của quân đội, nhưng lại là điểm mà các thế lực thù địch tập trung chống phá. ‘Chúng cho rằng quân đội không làm kinh tế. Nguyên tắc chúng ta là Đảng lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt đối với quân đội, không giao cho tổ chức, cá nhân nào lãnh đạo, điều hành quân đội’.”
Ối trời! Ông cựu thủ tướng Vũ Khoan thì bảo rằng, “Gen bảo vệ đất nước vẫn là gen trội, gen kinh tế là gen bổ sung“.
Trong khi đó, vẫn im như hến, ông “Bí thư Quân ủy Trung ương đã đến thắp hương tại Nhà tưởng niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhân 50 năm ngày mất của Đại tướng“.
Còn theo ý kiến của khách mời tại Bàn tròn của BBC thì Việt Nam cần minh bạch về các hoạt động làm kinh tế của quân đội. Nhà báo Trần Đức Tiến cho biết: “Nếu là lấy đất của dân, phải đền bù rõ ràng như là vụ Đồng Tâm, chứ không thể nào nhập nhằng được, và tất cả nguồn đầu vào cũng phải tiến đến rất minh bạch, vậy những doanh nghiệp ấy đóng góp được gì cho quốc phòng…”
Vừa muốn ăn vừa muốn giấu ai chịu nổi?
Chống tham nhũng – “Diệt chuột đừng để vỡ bình“.
Báo Infonet đưa tin, trong buổi tiếp xúc với cử tri TP.HCM vào sáng ngày 7/7, Chủ tịch Trần Đại Quang, cựu Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, “Là người trong cuộc mới thấy rằng đấu tranh rất cam go, quyết liệt”. Và ông Quang cũng cho rằng, “Hơn ai hết lãnh đạo phải nói không với tham nhũng”.
Giá được như ông Quang cũng biết nói không, thì thực trạng đất nước đã không bi đát như ngày hôm nay.
Nhiệt liệt chào mừng… Thủ tướng
Tờ báo “đáng ghét” Thời Báo hôm nay đặt câu hỏi: “Tiếp thủ tướng – phải chăng chúng ta đều đã quá mệt mỏi?“. Đúng là quá mệt với màn trẻ con “phải luyện hô thử khẩu hiệu lúc mọi người chờ ông Thủ tướng vào là: “Nhiệt liệt chào mừng…”
Còn mệt nữa khi bị tố dẫn tên tác giả sai khi đọc thơ. Nhà thơ Đỗ Trung Quân than phiền về chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc 4 câu thơ trong bài thơ “Bài học đầu cho con” của nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhưng lại gán cho tác giả bài thơ đó là nhà thơ Giang Nam. “Tác giả của bài thơ được thủ tướng trích dẫn sai, tác giả ấy là tôi – còn sống: Đỗ Trung Quân“.
Cũng chuyện Thủ tướng đi Đức, theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, tối 6-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel tại TP cảng Hamburg và có buổi tiếp kiến Tổng thống Đức Steinmeier. Ông Steinmeier đã nhấn mạnh “Những bước đi can đảm hơn trong việc tăng cường tự do báo chí và tự do quan điểm là một nền tảng quan trọng cho mối quan hệ mật thiết hơn giữa hai nước”.
Đối thoại, đừng đối thụi!
Nhà giáo Tiến Dân có bài viết cho trang Tiếng Dân: Võ Văn Thưởng và lời thách thức “không ngại đối thoại”. Bài viết kêu gọi ông Võ Văn Thưởng và “đội Tuyên giáo” của ông ra đối thoại công khai với dân như ông đã tuyên bố: Không sợ đối thoại, tranh luận. Trong bài tác giả mượn sân chơi của Tiếng Dân làm võ đài thi đấu, cùng đội Tuyên giáo so găng.
Tác giả viết: “Lão mời các ông, đến với báo Tiếng Dân – một sân chơi hết sức Dân chủ. Nơi đó: Ai, cũng có thể đến dự – Ai, cũng có thể nói lên chính kiến của mình. Tiếng Dân, chấp nhận và tôn trọng mọi quan điểm khác biệt và không kiểm duyệt tư tưởng của bất kì một ai. Lão chắc chắn rằng họ không ngại và né tránh tranh luận. Họ cho rằng, có tranh luận, mới tìm được ra Chân lý“.
Tìm mộ liệt sĩ chôn tập thể trong sân bay Tân Sơn Nhất
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Thiếu tướng Trần Hữu Tài – Phó chủ nhiệm Chính trị quân khu 7, cho rằng, “Từ thông tin của các nhân chứng, từ tài liệu của phía Mỹ và phân tích đánh giá, có thể khẳng định còn một mộ tập thể nữa của các liệt sĩ tại Tân Sơn Nhất, hy sinh trong đợt 1 Mậu Thân 1968”.
Công binh bắt đầu tìm mộ trong sân bay. Ảnh: T.N.A./ báo TT
Trong khi đó, báo Tiền Phong đã cử phóng viên theo đoàn khảo sát, vào khu vực tìm kiếm để đưa tin trực tiếp, tại khu vực đang san lấp mặt bằng ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Báo TP dẫn lời ông Lê Công Hoàng, cựu binh VNCH, nói: “Tôi là người đã trực tiếp đi thu gom các thi thể liệt sĩ đem về đây. Các thi thể được đưa vào hai hố lớn. Việc chúng tôi là thế, còn việc chôn thì thuộc cơ sở khác và có lẽ họ dùng máy ủi để lấp nên rất nhanh”.
Nhân quyền ở Việt Nam
RFA đưa tin, trong một thư ngỏ do Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người ở Pháp cùng với hơn 40 tổ chức xã hội dân sự và cá nhân trên thế giới, kêu gọi Thủ tướng Việt Nam hãy trả tự do cho 3 tù nhân lương tâm là hòa thượng Thích Quảng Độ, luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà tranh đấu Đỗ Thị Hồng.
Cũng theo thông tin trên, “Thư ngỏ có chữ ký của nhiều tổ chức và nhân vật nổi tiếng như cựu ngoại trưởng Ý Giulio Terzi, cựu báo cáo viên Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo Asma Jahangir. Các tổ chức thế giới gồm Amnesty International, Ân Xá Quốc Tế, Human Rights Watch Giám Sát Nhân Quyền, tổ chức Đoàn Kết Công Giáo Thế Giới, Fredom House, Phong Trào Dân Chủ Cho Thế Giới …”.
Môi trường miền Trung
Báo Thanh Niên cho biết, “Việc Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận, theo các chuyên gia, bản chất là xả thải”. Và “Nó sẽ hủy hoại vĩnh viễn cả một vùng biển giàu có và độc nhất vô nhị về nhiều mặt của Việt Nam“.
Trong khi đó, theo báo Pháp luật Thành phố, Chủ tịch TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, “Đà Nẵng đủ năng lực giải quyết vấn đề Sơn Trà“, không cần bọn thối mồm chõ vào. Hề hề…
Đầu tư xây dựng tại Việt Nam – Yếu tố Trung Quốc
Báo Infonet dẫn lời ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, “việc thiếu vắng bóng dáng các DN Trung Quốc là ‘một điều đáng tiếc’ vì tiềm năng của Trung Quốc về tài chính cũng như kỹ thuật đang đứng nhất nhì thế giới“. Đúng vậy, thiếu bóng dáng “hoa hồng” thì đúng là đáng tiếc thật. Hiện bài báo này đã bị báo Tiền Phong và Infonet gỡ bỏ, nhưng báo Tiếng Dân đã kịp lưu lại.
Việt Nam chót bảng Đông Nam Á về an ninh mạng
Theo báo cáo của tổ chức ITU, Liên Hiệp quốc, Chỉ số An ninh Toàn cầu năm 2017 của Việt Nam được xếp hạng 101 trong số 195 quốc gia trên thế giới. Với thứ hạng này, Việt Nam đứng cuối bảng trong số các quốc gia Đông Nam Á về an ninh mạng.
Đánh giặc trên biển không xong, đánh trên bờ cũng bại, còn tham gia cuộc chiến không gian mạng (cyber war) thì Việt Nam sẽ từ chết tới… bị thương. Chỉ được cái đánh dân là giỏi thôi!
Tin quốc tế
Cuộc gặp gỡ giữa Trump với Putin
Vừa diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là cuộc gặp mặt đối mặt đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, đã thu hút nhiều sự chú ý của các nhà quan sát.
Trump và Putin đã bàn những gì? Theo ABC, thì Trump có lên tiếng với Putin về chuyện Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, nhưng cũng như trước đây, Putin đã phủ nhận bất kỳ sự liên can nào.
Không có những thông tin chi tiết về cuộc gặp gỡ này vì hai nhà lãnh đạo sau đó họp kín, báo chí các nước không được tham dự, chỉ có báo của nhà nước Nga mới được vào bên trong. CNN dẫn tin từ báo Sputnik, nói rằng hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về tình hình Ukraine và Syria, cuộc chiến chống khủng bố và tin tặc.
Có vẻ như ông Trump cũng không dám tỏ ra quá thân thiện với Nga, do ông đang bị điều tra vụ các nhóm vận động tranh cử của ông có dính dáng với Nga, và mối nghi ngờ ông thắng cử là nhờ tin tặc Nga giúp.
Trong khi đó, người dân Đức đã bày tỏ sự giận dữ của mình khi ông Trump đến dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20. VOA cho biết, hàng ngàn người đã biểu tình và mô tả như sau: “Cảnh sát Đức đã sử dụng vòi rồng và dùi cui để đàn áp hàng ngàn người biểu tình cánh tả đang chực gây gián đoạn cho hội nghị thượng đỉnh G-20. Những người biểu tình đã cắm trại trong nhiều ngày, để chờ nhà lãnh đạo Mỹ”. Mời xem clip người dân Đức biểu tình chống Trump và G20:
Khủng hoảng Bắc Hàn
Có nên dùng vũ lực đối phó Bắc Hàn hay không? Một câu hỏi khó có lời giải đáp cho ông Trump lúc này. RFI có bài, Hạt nhân Bắc Triều Tiên: Donald Trump bế tắc, trong đó RFI dẫn lời báo Le Monde, nói về chiến lược đối phó với Bắc Hàn của ông Trump không rõ ràng, và bây giờ Trump đã “hết thuốc chữa” trong vụ khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên. “Còn đối với Donald Trump, đã không có một lằn ranh đỏ rõ ràng. Trong một tweet tung ra hồi đầu năm, ông Trump chỉ tuyên bố chung chung là Bắc Triều Tiên sẽ không thể có được tên lửa tấn công Hoa Kỳ”.
Về chuyện trừng phạt Bắc Hàn, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc, ông Chu Quang Diệu (Zhu Guangyao) nói, Mỹ không nên lợi dụng chuyện Bắc Hàn để chế tài Trung Quốc. “Bắc Kinh sẽ thi hành tất cả những chế tài áp đặt lên Bắc Triều Tiên, hậu quả của những vụ thử nghiệm phi đạn của nước này, nhưng Hoa Kỳ chớ nên viện cớ Bắc Triều Tiên để chế tài các định chế tài chánh của Bắc Kinh“.
Thủ tướng Ấn Độ Modi gặp ông Phúc, tránh ông Tập
BBC đưa tin, Thủ tướng Ấn Độ sẽ không gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc vì căng thẳng biên giới giữa hai nước. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết “không khí chưa phù hợp cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi“.
Danh sách các nước mà Thủ tướng Ấn Độ sẽ gặp bao gồm các nước này (không có tên ông Tập Cận Bình): Tổng thống Argentina Mauricio Macri, các thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Anh Quốc Theresa May và Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc.
Căng thẳng biên giới giữa hai nước Trung – Ấn gia tăng ở vùng miền núi Sikkim, Ấn Độ, giáp ranh với Trung Quốc, theo đó Trung Quốc tố cáo lính biên phòng Ấn Độ, vượt biên giới vào vùng Đồng Lăng của Trung Quốc hồi tháng trước. Ấn Độ cũng nói đã cảnh báo Trung Quốc khi Bắc Kinh cho xây một con đường gần biên giới chung, sẽ gặp hậu quả an ninh nghiêm trọng.
Campuchia trục xuất 74 công dân Trung Quốc
Campuchia, nước láng giềng của Việt Nam vừa trục xuất hơn 70 công dân Trung Quốc vì bị cáo buộc tống tiền qua mạng và điện thoại. RFA đưa tin, “Thiếu tướng Ouk Haiseila, người đứng đầu bộ phận điều tra nhập cư, Bộ Nội vụ Campuchia, nói với hãng Reuters rằng những kẻ này đã dùng Campuchia làm nơi tống tiền những người ở Trung Quốc, nói thêm là 74 nghi phạm bị bắt ở Phnom Penh và tỉnh Kampot.”