Nguyễn Đình Ấm
24- 2- 2018
Khi BOT “trấn lột” bị nhận diện, dân phản ứng khắp nơi, thì VTV, bộ GTVT và nhiều quan chức lớn, bé liên tục đưa ra các lời trí trá như: “Chủ trương BOT là đúng khi vốn đầu tư của nhà nước còn ‘hạn hẹp’, BOT đã thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, …” rồi chỉ thị, hô hào kiên quyết trấn áp những “kẻ gây rối”…
Cứ theo những phát ngôn, thông báo, chỉ thị…này thì dân phản đối BOT là sai, là gây rối. Đó là sự trí trá đánh lạc hướng dư luận che giấu một sự thật: Dân không hề phản đối BOT mà phản đối những sai phạm kiểu “cướp ngày” của nhiều BOT, đó là:
1- Cướp đoạt quyền tự do giao thông của dân:
Đường QL1 Pháp vân – Cầu Giẽ hình thành hàng trăm năm qua từ tiền thuế, phí của dân là đoạn đường huyết mạch bắc – nam dân vẫn đi lại tự do, hưởng thụ những đóng góp của họ. Thế nhưng từ năm 2014 người ta bày ra chuyện BOT với lý do rất “chính đáng” là tận dụng vốn tư nhân, xã hội để thay vốn nhà nước còn hạn hẹp nâng cấp con đường. Tham gia “giúp đỡ” nhà nước có ba DN tư nhân: TCT Minh Phát có trụ sở tại 181 Trần Hưng Đạo TP Bắc Ninh (góp 65% vốn), Cienco1 (18%), Phương Thành (17%), 80% số tiền họ đầu tư vào dự án “cải tạo nâng cấp” (giai đoạn 1) và “mở rộng hoàn chỉnh” 29 km QL1 là vốn vay ngân hàng. Giai đoạn 1 họ mới chỉ đầu tư 30% dự án nhưng từ mấy năm nay “nhóm lợi ích” BOT thu phí với giá như làm đường mới bất kể ai cũng phải đi qua vì không có lựa chọn nào khác. Tức họ tước đoạt quyền tự do đi lại của dân mà họ đã đóng thuế, phí làm nên từ bao năm qua.
Tất cả những BOT làm trên các con đường cũ đều trong tình trạng này.
2- Bắt người nghèo xài sang
Nhân chuyện nhiều trạm thu phí BOT đặt trên đường sẵn có “độc đạo” hoặc thu phí cao đường cũ để bắt dân phải đi vào BOT tôi nhớ lại một buổi họp của tổng cục hàng không VN vào những năm 1990 khi tôi làm báo ở đó.
Hôm ấy, ban vận tải báo cáo hệ số sử dụng ghế đường bay Hà Nội – Điện Biên, Sài Gòn- Đông Tác (Phú Yên) quá thấp, trung bình chỉ 7- 12 ghế/50 ghế của máy bay Antonov 24, 30 ghế máy bay YAK 40. Tuy giá vé chỉ hơn 100 nghìn đ/vé chưa đủ chi phí nhưng dân cứ đi ô tô không chịu đi máy bay vì vé đi ô tô Điện Biên–Hà Nội chỉ 20, 25 nghìn đ/vé…
Có người để xuất, hay đề nghị hội đồng bộ trưởng (chính phủ) yêu cầu nâng giá vé ô tô khách chạy trên đường Hà Nội – Điện Biên, Sài Gòn – Phú Yên lên để dân phải đi máy bay…
Có vài ba người ồ lên tán thưởng nhưng lập tức nhiều ý kiến phản đối. Ông tổng cục trưởng “cắt” ngay:
– Không làm thế được, không phải dân không muốn đi máy bay nhưng họ còn nghèo không có tiền đi máy bay. Người ta chọn đường bộ dù vất vả nhưng có lợi cho người ta hơn thì người ta đi chứ bắt họ sao được…
Nhiều tiếng xì xào: “Đi một chuyến bay mất cả tạ ngô trong khi số ngô ấy nuôi sống người ta cả nửa năm trời, dân phải tính chứ… Người ta đem mấy chai mật ong, dăm bảy cân gừng từ Điện Biên về Hà Nội bán lãi hai, ba chục mà đi máy bay thì còn “ăn” gì nữa. Dân nghèo chỉ lấy công làm lãi mà lị”…
Quá ít khách, những đường bay này đã phải giảm tần suất, dừng bay nhiều lần do dịch vụ hàng không còn xa xỉ với dân. Đến nay mức sống dân đã khá hơn các đường bay trên mới bay ổn định.
Không ngờ cái chuyện quá đơn giản mà những người ít học ở ngành hàng không đã nhận ra, hiểu người nghèo, thì nay những kẻ xưng toàn kỹ sư, tiến sĩ… “hết lòng phục vụ nhân dân” lại “chặn đường trấn lột” dân!
Quốc lộ 5 có từ hàng trăm năm trước và qua mấy lần tu bổ, nâng cấp, mở rộng nhưng đến những năm gần đây nó đã trở nên chật chội, xuống cấp. Đó là quy luật tất nhiên với con đường bất kỳ nên nhà chức trách mới sinh ra chính sách cứ ai mua phương tiện đi lại (xe máy, ô tô, mua nhiên liệu xăng, dầu…) đều phải đóng phí đường bộ cao “chót vót”. Nhà nước có quyền thu loại phí này đủ để chi cho việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, chưa thấy người dân nào chống đối. Cũng không có ai phản đối các BOT như Nội Bài – Lào Cai, Long Thành – Dầu Giây, Sài Gòn – Trung Lương mặc dù những đoạn đường này cũng chưa đúng tiêu chí BOT.
Thế nhưng ngày 29/11/2007 ông Nguyễn Sinh Hùng phó thủ tướng ký quyết định1621 TTg cho phép NH phát triển VN (VDB) góp 51% vốn điều lệ của TCT phát triển hạ tầng đầu tư tài chính (vidifi), ngân hàng ngoại thương VN (VCB) được góp 29%, tức “tthu xếp” cho vidifi vay 70 và 30% trong tổng số vốn vay để đầu tư dự án QL 5B và cho phép vidifi thu phí cả hai quốc lộ 5, 5B để hoàn vốn.
Để “dây máu ăn phần” vidifi bảo dưỡng “qua quýt” QL5 để thu phí. Tại trạm 1 quốc lộ 5 cũ, thu 10 ngàn/lượt (xe 4 chỗ) chưa đủ ép dân phải đi BOT 5B họ tăng lên 45 ngàn đ/lượt. Do bị phản đối quyết liệt nay họ giảm xuống 40 ngàn đ/lượt. Cũng với xe 4 chỗ khứ hồi trên BOT 5B số tiền phí lên đến gần 500 ngàn đ. Chỉ có xe của quan chức tiêu phí ngân sách, các đại gia, những doanh nghiệp lớn ít bị cạnh tranh bán sản phẩm giá cao hơn…thì mới lựa chọn đi BOT 5B. Thế nhưng do nhóm lợi ích thu, tăng phí qua QL5 thì tất cả không còn lựa chọn. “Đi đằng nào cũng không thoát”! Nhiều xe cỡ lớn né phí quá cao họ chạy len lỏi vào các con khác phá nát nhiều tỉnh lộ của tỉnh Hải Dương, Hưng Yên…
Đây rõ ràng không phải là một dự án BOT vì đám lợi ích chủ yếu vay vốn ngân hàng, chỉ “tráng men” một đoạn cho phẳng mịn hơn, đi xe êm, thoải mái, an toàn hơn nhưng tất cả mọi người giàu nghèo phải trả giá cao mới được đi qua, tương tự người dân ở vùng quê còn nghèo khó, mỗi sáng chỉ dám năm bát cơm, củ khoai, nay bắt buộc phải “nôn” tiền ăn bát phở bò Cobe (Nhật).
3- Chiếm dụng vốn xã hội để tạo ra sản phẩm chưa phù hợp thị trường
BOT 5B Hà Nội – Hải Phòng bề ngoài đạt chất lượng quốc tế gần ngang với cao tốc xuyên châu Âu Paris (Pháp) – Amsterdam (Hà Lan). Ô tô đi trên con đường đó êm, nhanh an toàn hơn đi trên QL5 cũ. Thế nhưng tại sao dân không chịu đi trên con đường tốt hơn đó mà lại chủ yếu đi trên QL5 đến mức nhóm lợi ích phải tăng phí trên QL 5 hơn 4 lần để dân buộc phải đi trên BOT 5B? Bởi vì BOT 5B có mức đầu tư, phí quá cao, là thứ dịch vụ chưa phù hợp với mức sống, thu nhập của nhân dân cũng như vận tải hàng không Điện Biên- Hà Nội những năm 1990. Có thể 10, 15 năm nữa khi mức sống của dân cao hơn thì BOT 5B sẽ được nhiều người lựa chọn đủ để nhà đầu tư thu phí có lãi không phải dùng quyền lực để tăng phí QL5. Trên nhiều con đường BOT làm trên đường cũ cũng tương tự. Đường được cải tạo tốt hơn nhưng mức phí không phù hợp với mức thu nhập của dân. Đường rộng nhưng dân không muốn đi – một sự “phồn vinh giả tạo” đúng nghĩa. Trong khi đó, rất nhiều nơi dân đi lại vô cùng vất vả, nguy hiểm vì không có cầu, đường nhưng lại không có vốn để làm.
Như vậy, nhóm lợi ích BOT đã chiếm dụng hàng chục nghìn tỷ đồng vốn xã hội để đầu tư vào dịch vụ chưa phù hợp thị trường. Sản phẩm chưa phù hợp nên dân từ chối và nhóm lợi ích đã chọn phương án vũ lực điều cảnh sát vũ trang uy hiếp bắt dân phải “mua” sản phẩm độc quyền của họ. Tức là, dân còn nghèo nhưng đám quan chức thối nát, đại gia lưu manh thì muốn giàu ngay! Nay họ trí trá vu khống dân “gây rối” BOT (trừ một số hành động quá khích sai pháp luật như bẻ gẫy thanh chắn xe, đập phá trạm BOT) để dùng vũ lực bắt dân phải tuân thủ cái sai của họ.
Đảng, nhà nước nếu thực sự vì dân thì mở cuộc điều tra làm rõ các sai phạm, trừng trị bọn tham nhũng và dùng quỹ tiền thuế phí trả cho nhà đầu tư những khoản chính đáng để trả lại cho dân quyền tự do lưu thông trên các con đường của họ.