Tại sao CSVN im lặng về chiến tranh biên giới?

FB Trần Trung Đạo

21-2-2018

Ảnh: internet

Cả CSVN và CSTQ đều im lặng. Với họ, cuộc chiến tranh gây tổn thất hàng trăm ngàn nhân mạng dường như chưa từng xảy ra.

Công tâm mà nói, nhiều người Trung Quốc cũng đau xót khi nhớ lại những người bạn chiến đấu của mình đã bỏ xác ở Lạng Sơn, Lào Cai và mong mỗi năm đến ngày 17 tháng hai được có một phút cúi đầu mặc niệm. Thắng hay bại đều đã qua, chỉ tiếc thương là còn lại.

Về phía Việt Nam. Máu của thanh niên Việt Nam đổ xuống để bảo vệ Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu v.v… phát xuất từ lòng yêu nước trong sáng và xứng đáng được kính trọng nhưng khi cuộc cờ tàn, chẳng còn ai nhắc nhở đến máu xương đó nữa.

Tại sao Trung Cộng im lặng?

Những năm ngay sau cuộc chiến, Đặng Tiểu Bình im lặng vì nhục nhã.

Cuộc chiến biên giới năm 1979 là một thất bại quân sự của Đặng Tiểu Bình. Họ Đặng che giấu thất bại quân sự chua cay này bằng cách ngăn chặn việc phổ biến dưới mọi hình thức các tài liệu có liên quan đến cuộc chiến.

Zhou Xu Ke, một cựu chiến binh Trung Cộng tham gia chiến tranh biên giới và tác giả của cuốc sách do ông tự in lấy “Cuộc chiến cuối cùng” trả lời hãng tin AFP: “Tại Trung Quốc, nhà nước tôn trọng lịch sử chẳng khác gì tôn trọng chó.”

Để vượt qua những yếu kém, Đặng Tiểu Bình thay đổi cấp lãnh đạo, xác định lại phương hướng phát triển kinh tế song song với việc tiếp tục gây áp lực và bất ổn cho phía Việt Nam.

Trung Cộng tiếp tục các trận chiến xoi mòn như trận Cao Bằng năm 1980, Lạng Sơn và Hà Tuyên năm 1981, Vị Xuyên Hà Tuyên năm 1984, Lão Sơn Hà Giang năm 1984, Vị Xuyên lần nữa vào năm 1985 và năm 1986.

Riêng trận Lão Sơn ngày 26 tháng Tư, 1984, theo lời kể của viên tư lịnh quân Trung Cộng đã có 3700 binh sĩ Việt Nam bị giết. Thân xác họ, thay vì được trao trả cho phía Việt Nam hay chôn cất, đã bị đốt cháy bằng xăng dọc chân núi Lão Sơn trong lãnh thổ Việt Nam. Trung Cộng có thể khoác lác tuyên truyền về con số và cách chết của tuổi trẻ Việt Nam, nhưng Lão Sơn rơi vào tay Trung Cộng là sự thật.

Sự sụp đổ của phong trào CS Châu Âu đã đặt hai đảng CS Trung Quốc và Việt Nam trước một thách thức và đe dọa chưa từng có. Hai chế độ CS tại Trung Quốc và Việt Nam có nguy cơ sụp đổ nếu không liên kết chặt chẽ với nhau về cơ chế, lý luận và chiến lược sinh tồn.

Tại sao CSVN im lặng?

Liên Sô không còn nữa. Số phận đảng CSVN bấp bênh ngoài biển cả và quá cần một chiếc phao.

Đặng Tiểu Bình cũng nhận thấy việc cô lập Việt Nam không còn cần thiết nên ném một chiếc phao và cho phép người em “côn đồ” bơi về lại trong vòng ảnh hưởng Trung Cộng lần nữa như thời 1950.

Hội nghị bí mật tại khách sạn Kim Ngưu, Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 giữa phía Việt Nam gồm Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh và phía Trung Cộng gồm Giang Trạch Dân và Lý Bằng. Thực chất của hội nghị là lễ cam kết một loại “công hàm Phạm Văn Đồng” khác nhưng tác hại trầm trọng hơn đến chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam.

Phái đoàn CSVN đinh ninh là Đặng Tiểu Bình sẽ có mặt trong hội nghị để chính thức tuyên bố “xóa bỏ hận thù và siết chặt tình đồng chí anh em.”

Không, Đặng Tiểu Bình không thèm đến gặp các lãnh đạo CSVN. Trong đầu của Đặng, các lãnh đạo CS Việt Nam không những vẫn là côn đồ mà còn là một loại cô đồ ngu dốt và lạc hậu.

Năm 1990, Đặng đã có tham vọng cạnh tranh với Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Nam Hàn trong lúc đầu óc của những kẻ cầm đầu đảng CSVN vẫn còn nghĩ đến chuyện “chống Mỹ cứu nước”.

Trần Quang Cơ kể lại, giới cầm quyền CSVN ngày đó vẫn còn tin “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa cùng chống âm mưu đế quốc xoá bỏ chủ nghĩa xã hội, phải cùng chống đế quốc.”

Thật khó tìm một câu văn nào thích hợp để mô tả tầm nhìn không qua khỏi rặng tre làng của giới cầm quyền CSVN.

Nội dung chi tiết của hội nghị Thành Đô chưa được tiết lộ nhưng dựa theo các hành vi của Trung Cộng theo sau cũng có thể suy ra một phần nào.

Ngày 25 tháng 2 năm 1992, Quốc vụ viện Trung Cộng thông qua “Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp” áp dụng cho cả bốn quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa).

CSVN không có một phản ứng nào cụ thể ngoài những tuyên bố chủ quyền gần như lập lại từ những lời tuyên bố trước.

CSVN cũng không còn nhắc nhở đến chiến tranh biên giới dù cây trên rừng Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng lá vẫn đỏ màu máu Việt Nam và dưới Núi Lão Sơn hàng ngàn tử thi chưa tan hết mùi khét cháy.

Những người Việt đã chết trong bốn tuần lễ của tháng 2 và tháng 3 năm 1979 xứng đáng được tiếc thương, tưởng niệm vì họ đã chết với tình yêu nước vô cùng trong sáng.

Máu là máu Việt Nam, xương thịt là xương thịt Việt Nam, tuy nhiên, cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 không phải là cuộc chiến của người Việt bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Đó chỉ là hình thức. Thực chất, chiến tranh biên giới là xung đột võ trang giữa hai đảng CS bằng xương máu Việt Nam.

Như mọi người đều thấy. Một khi hai đảng bắt tay nhau, cuộc chiến được ném vào quá khứ lãng quên như hai đảng đang làm.

Quá khứ như cuộn tơ vò. Một người Việt Nam, để có một chọn lựa đúng, một thái độ đúng, một con đường đúng cho mình và cho đất nước không chỉ nhìn vào hậu quả mà phải bình tĩnh đặt ra câu hỏi và tìm hiểu nguyên nhân. Nỗi đau của dân tộc Việt Nam sẽ không dứt nếu không biết tại sao đau.

Bình Luận từ Facebook