Tác giả “Nhà văn An-nam khổ như chó” có cuộc đời thực ra sao?

Lê Thiếu Nhơn

7-2-2018

Nhà văn Nguyễn Vỹ (1912-1971). Ảnh do NSNA Bạch Ngọc Danh (cháu rể nhà văn Nguyễn Vỹ) cung cấp cho Hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi nhân dịp hội thảo.

“… Bây giờ thời thế vẫn thấy khó/ Nhà văn An-nam khổ như chó!/ Mỗi lần cầm bút viết văn chương/ Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương/ Rồi nhìn chúng mình hì hục viết/ Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết/ Mà thương cho tôi, thương cho anh/ Ðã rụng bao nhiêu mái tóc xanh!…”. Nhà thơ Bàng Bá Lân đúc kết: “Nguyễn Vỹ là nhà thơ có cảm tình với chó nhiều nhất, và lần nào anh đưa con vật đó vào thơ cũng đều xúc cảm được người đọc”. 

Chiều 30 Tết năm 1940, vì viết sách báo chống Nhật, Nguyễn Vỹ bị quân đội Nhật bắt giam trong hầm kín tại Sở Hiến binh Kampetai (Hà Nội) cùng 3 người khác, mãi cho đến 1945 mới được thả tự do. Giao thừa năm 1942, trong tầng hầm nhà giam ẩm thấp, chật chội như chuồng chó, Nguyễn Vỹ đã cảm tác viết bài thơ “Hai con chó”. Khi bên ngoài “Hà Nội đón mừng xuân Nhâm Ngọ/ Pháo nổ tưng bừng, đèn sáng tỏ”, thì bên trong “Chuồng ngục tối om kìa bốn xó/ Bốn thằng bơ vơ như bốn chó/ Chẳng được nói năng, chẳng được cười/ Hai chân chồm hỗm ngồi co ró…”.

Rồi bên ngoài song sắt, cả con chó Nhật cũng bị lính Nhật đá văng “chó Nhật ăng ẳng chạy gần đó/ Rồi tôi nhìn nó, nó nhìn tôi/ Thông cảm cùng nhau hai đứa chó!”. Con chó còn xuất hiện nhiều lần trong thơ Nguyễn Vỹ, và đều chất chứa sự đồng cảm về thân phận bị áp bức, cùng khổ.

____

Trần Tuấn

Đến giờ dường như vẫn chưa có một hình dung đầy đủ về đời sống riêng của Nguyễn Vỹ (1912- 1971) – tác gia văn chương, báo chí thuộc hàng độc đáo nhất Việt Nam. Có chăng chỉ là ít nhiều giai thoại. Như “một hôm say rượu, Tản Đà trách Nguyễn Vỹ: “Sao anh lại ví nhà văn chúng mình với chó? Anh không sợ xấu hổ à?”. Nguyễn Vỹ đáp lại, cũng trong lúc say: “Tôi có ví như thế thì chó xấu hổ, chứ chúng ta xấu hổ cái nỗi gì?” (dẫn theo Thi nhân Việt Nam – Hoài Thanh, Hoài Chân).

Một người mở đầu cách tân thơ Mới ngang hàng với “Tình già” (Phan Khôi) bị giới phê bình “đánh đập” cho “lên bờ xuống ruộng”, nhưng vẫn “gan lỳ” theo đuổi đến tận cuối đời. Người đương thời từng lập ra nhiều tờ báo tư nhân nhất, bị đóng cửa, đình bản nhiều nhất, và cũng bị tù, bị phạt nhiều nhất vì đả phá chính sách cai trị của Pháp, Nhật, chính quyền Bảo Đại… Nhưng kể cả hai cuốn sách mang tính “hồi ký” dày cả ngàn trang của ông, là “Văn thi sĩ tiền chiến” và “Tuấn, chàng trai nước Việt” (cùng in ở Sài Gòn năm 1970, sau này đều đã tái bản) tác giả cũng chỉ chủ ý vào lý tưởng tranh đấu cho tự do bác ái và đời sống sáng tạo văn nghệ. Nên chuyến về thăm Quảng Ngãi quê cha đất tổ lần đầu tiên sau bao nhiêu năm sống ở hải ngoại của con cháu Nguyễn Vỹ, và đặc biệt là cuộc hội thảo lần đầu tiên về ông được tổ chức tại Quảng Ngãi là dịp may hiếm có. Hội thảo “Nguyễn Vỹ – Cuộc đời và sự nghiệp” do Hội VHNT Quảng Ngãi phối hợp với Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Quảng Ngãi ngày 30/10/2017.

Hôm ấy Quảng Ngãi bên ngoài mưa như trút nước. Áp thấp đang chuyển thành bão. Bên trong hội trường, khi ban tổ chức mời thay mặt gia đình lên phát biểu, bà Nguyễn Thị Diệu Phương, con gái ông Nguyễn Vỹ mắt nhòa đi vì xúc động. Cùng anh trai sang Pháp học từ nhỏ, hơn nửa thế kỷ nay mới cùng chồng người Pháp ông Dominique Coulot lần đầu về lại quê cha, bà nghẹn lời thốt lên bằng tiếng Việt “Vậy là tại đây, hôm nay, ba tôi đã được sống lại đời sống thứ nhì…”.

Còn đời sống thực, đời sống thứ nhất của Nguyễn Vỹ? Là tình nhân say đắm của thi ca, là kẻ sĩ suốt đời dấn thân và hành động, những điều này hẳn nhiều người đã biết. Chỉ biết rằng trong đời sống sáng tạo thi ca thế kỷ 20, hiếm có nhà thơ nào bị giới văn chương, phê bình “tấn công” nhiều như trường hợp Nguyễn Vỹ. Từ Hoàng Đạo, Nhất Linh, Thế Lữ, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Hoài Chân, kể cả Phan Khôi, Tô Hoài… đều tỏ ra “khó chịu”, cho rằng thơ ông chỉ là “trò quỷ thuật”. Để lại một cái “án thơ” mà đến nay nhiều người vẫn còn cảm thấy áy náy. Bởi ngay từ “Tập thơ đầu” (in năm 1934, khi mới 22 tuổi), Nguyễn Vỹ đã cách tân thơ quá mạnh, mở ra “trường thơ Bạch Nga”, thơ thị giác, lối thơ “12 chân”, rồi làm thơ bằng cả chữ Tây lẫn ta…

Kịch liệt “chê” thơ cách tân Nguyễn Vỹ, nhưng “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh-Hoài Chân đã phải đề cao bài “Sương rơi”, và thừa nhận “Gửi Trương Tửu” là một “kiệt tác”.

“…Bây giờ thời thế vẫn thấy khó/ Nhà văn An-nam khổ như chó!/ Mỗi lần cầm bút viết văn chương/ Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương/ Rồi nhìn chúng mình hì hục viết/ Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết/ Mà thương cho tôi, thương cho anh/ Ðã rụng bao nhiêu mái tóc xanh!…”. Nhà thơ Bàng Bá Lân đúc kết: “Nguyễn Vỹ là nhà thơ có cảm tình với chó nhiều nhất, và lần nào anh đưa con vật đó vào thơ cũng đều xúc cảm được người đọc”.

Chiều 30 Tết năm 1940, vì viết sách báo chống Nhật, Nguyễn Vỹ bị quân đội Nhật bắt giam trong hầm kín tại Sở Hiến binh Kampetai (Hà Nội) cùng 3 người khác, mãi cho đến 1945 mới được thả tự do. Giao thừa năm 1942, trong tầng hầm nhà giam ẩm thấp, chật chội như chuồng chó, Nguyễn Vỹ đã cảm tác viết bài thơ “Hai con chó”. Khi bên ngoài “Hà Nội đón mừng xuân Nhâm Ngọ/ Pháo nổ tưng bừng, đèn sáng tỏ”, thì bên trong “Chuồng ngục tối om kìa bốn xó/ Bốn thằng bơ vơ như bốn chó/ Chẳng được nói năng, chẳng được cười/ Hai chân chồm hỗm ngồi co ró…”. Rồi bên ngoài song sắt, cả con chó Nhật cũng bị lính Nhật đá văng “chó Nhật ăng ẳng chạy gần đó/ Rồi tôi nhìn nó, nó nhìn tôi/ Thông cảm cùng nhau hai đứa chó!”.

Con chó còn xuất hiện nhiều lần trong thơ Nguyễn Vỹ, và đều chất chứa sự đồng cảm về thân phận bị áp bức, cùng khổ.

Với “Gửi Trương Tửu”, Nguyễn Vỹ đã không “Nhớ nhau vảy bút làm mưa gió/Cho đống xương đời được nở hương” như Trần Huyền Trân. Mà kêu gọi “Múa bút tung gươm hả một phen?/ Cho bõ căm hờn cái xã hội/ Mà anh thường kêu mục, nát, thối?/ Cho người làm ruộng, kẻ làm công/ Ðều được an vui hớn hở lòng?”. Bài thơ này in lần đầu trên báo “Phụ nữ” khoảng đầu những năm 1930 tại Hà Nội thời đó đã bị kiểm duyệt cắt bỏ 14 câu. Là những vần thơ mạnh, khí khái “Quét sạch quân thù trên đất nước/Để cho toàn thể dân Việt Nam/Đều được tự do muôn muôn năm/ Để cho muôn muôn đời dân tộc/ Hết đói rét lầm than tang tóc…”.

Nhà văn Nguyễn Vỹ cùng 3 con tại Đà Lạt năm 1953- ảnh tư liệu Bạch Ngọc Anh.                           

Tại hội thảo Nguyễn Vỹ, lần đầu tiên mọi người được thấy những bức ảnh khác về Nguyễn Vỹ. Là bộ ảnh trắng đen gần 40 tấm khổ lớn được người cháu rể là nghệ sĩ nhiếp ảnh Bạch Ngọc Anh khôi phục lại từ những tấm ảnh nhỏ cỡ 6×9 âm thầm lưu trữ trong album gia đình suốt hơn nửa thế kỷ qua. Nhìn Nguyễn Vỹ ăn vận lịch lãm tươi cười mãn nguyện bên vợ con, ít ai nghĩ ông nghèo!

Nhưng Nguyễn Vỹ nghèo, dẫu ông có những người vợ giỏi giang, thành đạt. Nghèo, bởi ông luôn cho đi, luôn chia sẻ với tấm tình ấm áp.

Nghèo, từ thời ở Hà Nội, như ông kể trong “Văn thi sĩ tiền chiến”: “Nhiều tháng chúng tôi không có tiền… Có lần tôi được nhuận bút 10 đồng, Trương Tửu lấy 4 đồng đi uống rượu đế và ăn thịt chó, Vũ Trang lấy 4 đồng đi Nam Định để biểu diễn thôi miên”. Chiều 30 Tết năm 1936, “vạn bất đắc dĩ” Nguyễn Vỹ phải viết thư tay hỏi vay Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) 5 đồng, vì biết “trong làng văn hôm nay chỉ có ông có tiền”, dù lúc đó hai người còn chưa…quen biết nhau! Nhận được 5 đồng từ Nhất Linh, Nguyễn Vỹ cảm động “Tôi không biết cách nào trả ơn ông Nhất Linh: Tôi đưa tấm bạc rách lên môi, hôn nó”. Nhưng rồi 5 đồng bạc ấy Nguyễn Vỹ cũng trao lại cho chàng thi sĩ “con Nai vàng” Lưu Trọng Lư, để rồi không có tiền tiêu Tết. Nằm bẹp, đến chiều mùng 2 Tết, Trương Tửu mới đem đến cho hai chiếc bánh chưng! Hai mươi năm sau, gặp nhau ở Sài Gòn, Nguyễn Vỹ đã trả Nhất Linh 5 đồng còn thiếu nợ từ thời tiền chiến. Nhất Linh đã đem 5 đồng ấy mua rượu uống để “kỷ niệm một giai thoại”.

Nhà văn An-nam thời ấy khổ, nghèo nhưng không hèn. “Đời sống vật chất của làng văn, làng thơ Hà Nội hồi tiền chiến, thật không xán lạn tý nào… Tuy đa số đều nghèo, và khổ, nhưng tất cả đều có một thái độ hiên ngang, một khí phách ngông nghênh, bất chấp những phù trầm của số kiếp” (Văn thi sĩ tiền chiến).

Năm 1945 vào Sài Gòn, nhà có bao nhiêu tiền Nguyễn Vỹ đều đem ra làm báo. Tờ này bị đình bản, đóng cửa lại ra tờ khác. Tuần báo “Thằng Bờm” chuyên “Hướng dẫn, giáo dục thiếu nhi Việt Nam”, trong số đặc biệt năm 1971 tưởng niệm sự ra đi của người sáng lập và điều hành Nguyễn Vỹ, tác giả An Khê viết: “Đã tuổi 63 anh còn hoạt động rất hăng, chủ trương ba tờ vừa nhật báo vừa tuần san, cắm cổ viết bài mãi để rồi không có một ngôi nhà, không một chiếc xe đi. Anh chết vì đi xe đò…”.

Nguyễn Vỹ chết trong một tai nạn giao thông khi đi xe đò, chứ không phải xe hơi (tự lái) như tiểu sử lâu nay nhiều chỗ vẫn viết. Vợ con ở Đà Lạt, mình ông ở trọ Sài Gòn làm báo. Bữa ăn quen thuộc của ông Chủ nhiệm báo Nguyễn Vỹ là “một khúc bánh mì thịt mua ngoài xe hoặc một bữa dĩa cơm lao động”, vừa ăn vừa ngồi viết.

Túng thiếu, nhưng Nguyễn Vỹ kiên quyết từ chối nhận giải nhất Giải thưởng Văn chương toàn quốc của Tổng thống Ngô Đình Diệm cho bộ tiểu thuyết “Hai thiêng liêng” (1957) hiện kim lên tới 60 ngàn đồng.

Và nhuận bút vẫn trả cực kỳ đúng hẹn. Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ (Nguyễn Văn Bổn) hiện đang là thành viên Hội đồng Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) kể lại chỉ một tuần sau khi truyện ngắn “Gió khuya ngoài phố” của mình được đăng trên bán nguyệt san Phổ Thông năm 1963, đã được nhận 300 đồng nhuận bút. Số tiền đủ cho một tháng cơm trọ của cậu học sinh 17 tuổi xa nhà. Kèm theo là thư cám ơn của chính Nguyễn Vỹ ký tên. Năm 1969, nhân chuyến vào Sài Gòn đến thăm tòa soạn, chàng sinh viên xứ Quảng được đích thân Nguyễn Vỹ ân cần tiếp chuyện gần gũi, chân tình.

Người trong gia đình Nguyễn Vỹ kể, làm báo được đồng nào ông đều trợ cấp cho những học sinh, sinh viên nghèo. Mỗi mùa mưa bão miền Trung, ông lại cùng bạn trẻ ở các Thi văn đoàn Thằng Bờm đi huy động quyên góp từng lon gạo, từng chiếc áo cũ để mang về trợ giúp bà con miền Trung. Tại hội thảo, nhiều người chú ý tới bức hình chụp một tấm biển gắn lên tường nhà, ghi dòng chữ “Nhà hảo tâm Nguyễn Vỹ – báo Dân Chủ, Đà Lạt”. Ông Bạch Ngọc Anh giải thích, đó là một trong những nhà dân nghèo được ông Vỹ tặng nhà, đã gắn những dòng chữ trên trước cửa, để ghi ơn…

***

Nhà văn Nguyễn Vỹ cùng 3 người con tại Saigon năm 1965. Ảnh tư liệu Bạch Ngọc Anh

Đời sống tình cảm của Nguyễn Vỹ là một “chương” đặc sắc và cũng rất đặc biệt trong cuộc đời ông. Người đời đồn rằng thi sĩ Nguyễn Vỹ có đến… 8 người “nâng khăn sửa túi”, nhưng chưa mấy ai tường hết câu chuyện. Tìm hiểu từ người thân, được biết người vợ đầu ông Nguyễn Vỹ là bà Trần Thị Dần, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Trí Hương (tại số 2 Cường Để, nay là đường Nguyễn Văn Cừ, Đà Lạt). Bà Dần sinh với ông Vỹ một người con gái là Nguyễn Thị Diệu Hạnh, được đưa sang Pháp học từ nhỏ, hiện định cư tại Úc.

Trước khi có Diệu Hạnh, bà Dần cũng đôi lần sinh nở nhưng không thành. Trong những lần đưa vợ đến nhà bảo sanh Trương Thị Lập (ở số 17 Phan Đình Phùng, Đà Lạt), Nguyễn Vỹ gặp người chủ nhà hộ sinh đoan trang, hiền hậu. Trái tim thi sĩ hay là duyên mệnh cột buộc sao đó, để rồi bà Trương Thị Lập sau này trở thành người vợ thứ hai của ông. Bà Lập sinh hạ cho Nguyễn Vỹ được hai người con, là ông Nguyễn Trí Thiện và bà Nguyễn Thị Diệu Phương. Cả hai cũng đều được du học tại Pháp từ nhỏ, sau này ông Thiện ở Thụy Sĩ, bà Phương ở Pháp cùng theo nghề Y khoa trở thành những bác sĩ chữa bệnh, dạy học, có cuộc sống hạnh phúc, con cái đề huề.

Sau này, ông Nguyễn Vỹ có con riêng với một phụ nữ khác là bà Phan Thị Thu Mai –  Thư ký tòa soạn “Thằng Bờm”. Cậu con trai khôi ngô của hai người không may mất sớm khi tuổi còn thiếu niên. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bạch Ngọc Anh với những gì được chứng kiến và nghe gia đình kể lại, đã lý giải về những mối tình của cậu Nguyễn Vỹ. Rằng ông suốt ngày chỉ suy nghĩ và viết, thời gian để ăn uống bình thường còn không có, nói gì đến việc “tán tỉnh yêu đương”! Nhưng bởi ông là người quá tài hoa, hào hiệp, lại chu đáo ân tình, nên “các bà theo nhiều”.

Chuyến đi cuối cùng của ông là về Cần Thơ thăm một người bạn. Trên đường về ghé Bến Tre thăm một người bạn thân thiết nữa là ông Đạo Dừa (Nguyễn Thành Nam), chụp ảnh chung kỷ niệm. Khi về tới địa phận Long An thì bị tai nạn. Đó là ngày 4/2/1971. Tang lễ nhà văn Nguyễn Vỹ được tổ chức tại chùa Xá Lợi (Sài Gòn). Những tấm hình ghi lại cảnh đưa tiễn nhà văn, ngoài giới văn nhân là từng đoàn dài sinh viên, học sinh xếp xếp hàng cúi đầu thương tiếc. Ông được an táng tại Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Năm 1983, nghĩa trang di dời để làm công viên Lê Văn Tám, di cốt nhà văn được hỏa táng đưa về chùa Giác Ngạn.

Đám tang cha, vì hoàn cảnh những người con không về được. Nhưng trò chuyện với bà Diệu Phương, mỗi lần nhắc đến cha là bà lại nấc nghẹn một niềm yêu kính, tự hào. Bà kể về những cuốn sách của cha mà anh em bà mang theo khi rời xa đất nước từ khi còn nhỏ. Rồi những tác phẩm mới mà cha gửi sang từ Việt Nam. Như cuốn “Văn thi sĩ tiền chiến” khi vừa in xong, đã lưu lại bút tích Nguyễn Vỹ “Trao về Nguyễn Trí Thiện (Genève) con trai yêu quý của Ba” chỉ ít ngày trước khi ông mất… Bà Phương bảo, đó là những báu vật mà dù thế nào anh em bà cũng không thể rời xa…

Bình Luận từ Facebook