Đinh La Thăng, như một vĩ thanh

FB Nguyễn Tiến Tường

14-1-2018

Ông Đinh La Thăng. Ảnh: Zing

Có nhiều ý kiến cho rằng ông Thăng là nạn nhân của “thể chế”, tôi hoàn toàn không đồng tình với luận điểm này. Đây cũng là mấu chốt để nhìn nhận về “tội trạng” của ông Thăng. Thể chế, là một cái gì đó rất nặng nề. Đối với tư lệnh PVN, tập đoàn có lúc đóng góp 25% GDP quốc gia, ông Thăng thừa hiểu điều đó. Ông đã “xé rào”.

Chúng ta từng được nghe về những “cuộc xé rào vĩ đại” của bí thư Kim Ngọc, của ông Đoàn Duy Thành ở Hải Phòng, của ông Sáu Dân ở Sài Gòn, thời đất nước mông lung về chính sách kinh tế. Họ dám phá vỡ các quy tắc lạc hậu để vươn tới điều tốt đẹp hơn cho nhân dân. Tâm thế của họ, hoàn toàn là vì đau đáu thời cuộc.

Nhìn lại những cuộc xé rào của ông, chúng ta chỉ thấy toàn thua lỗ và thất thiệt. Thể chế, không buộc ông phải đốt đến 532 triệu USD ở Venezuela, không buộc ông phải giao kết với họ là trả 1 USD/thùng dầu dù không khai thác được dầu. Thể chế nói rằng, với mức vốn đầu tư khủng khiếp như vậy, phải thông qua Quốc Hội. Ông Thăng phớt lờ.

Thể chế trước đây, cũng không cấm cản hoặc bắt buộc một tập đoàn phải đa ngành. Ông Thăng một tay dúi 800 tỷ vào Oceanbank, bằng quyết định trái luật. Nếu không có nguồn tiền “thơm phức” này, Hà Văn Thắm và thuộc cấp lấy gì mà chiếm đoạt?

Hàng trăm tỷ đồng ở Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng chủ trương cho một PVC không có năng lực thực hiện. Ở đây, có bóng dáng của đàn em Trịnh Xuân Thanh. Ông Thăng nói tại tòa, là do Bộ Chính trị chỉ đạo. Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị, không có chữ nào về việc chỉ đạo này. Thể chế, rõ ràng không can thiệp sâu vào công việc của doanh nghiệp.

Khi BCT công khai một văn bản như một cách đối chiếu chứng lý, tức là cũng đã có động thái sòng phẳng với ông Thăng. Rạch ròi với sự thật và chứng minh rằng không có bàn tay phương Bắc nào ở đây cả. Luận điểm “chỉ đạo phương Bắc” rất dễ bị suy luận. Chúng ta thoát Tàu như thế nào, khi não trạng luôn có một chữ Trung Quốc?

Nhìn lại những năm tháng ông Thăng làm tư lệnh PVN, nhằng nhịt những thua lỗ, thất thoát. PVC 3.300 tỷ, sợi Đình Vũ 1.500 tỷ, Nhiệt Điện Thái Bình 2 tổng mức đầu tư 34 nghìn tỷ, Ethanol Dung Quất 2.100 tỷ, Ethanol Bình Phước 1.700 tỷ, Ethanol Phú Thọ 2.500 tỷ…

Chừng ấy, đủ để thấy những cuộc “xé rào” của ông Thăng hoàn toàn thất bại. Tất cả đều dựa trên ý chí cá nhân. Và cũng cần nhìn nhận, hầu hết là để mưa móc cho đàn em, doanh nghiệp con. Một xu hướng quyết liệt mang tính cường quyền chuyên chế kéo dài rất nhiều năm mà không ai có thể ngăn cản. Thể chế, không có ý nghĩa với ông Thăng, và ông là nạn nhân của chính mình !

VỀ ĐINH LA THĂNG KHÁC

Con người Đinh La Thăng ở giai đoạn đã vào đến Bộ Chính Trị, là một con người khác. Khi đã ở đỉnh cao tiền bạc, đương nhiên thứ người ta mưu cầu là danh tiếng. Sự nhiệt tâm ở giai đoạn này của ông là thật.

Thời gian ngắn làm bí thư SG, ông đã truyền một nguồn cảm hứng lớn. Đó là một Đinh La Thăng hành động, quyết liệt và vô tư. Xứng đáng được ghi nhận. Qua ải chém tướng, thấy sai giải quyết ngay. Nhưng cũng cần sòng phẳng, những chỉ đạo của ông cũng chỉ dừng lại ở các nhân sự lắt nhắt hoặc mở đường, thăm bệnh viện. Chưa rõ lắm về một người kiến tạo thượng tầng, định khung cho quốc kế dân sinh.

Điều người ta ấn tượng nhất là ông Thăng quyết liệt với nhà thầu Trung Quốc. Khi đó, người trên ông là ông Dũng đang rất “vào phom” với tuyên bố không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viễn vông. Tôi cũng nghĩ rằng, ông Thăng mắng nhà thầu Trung Quốc không có quá nhiều ý nghĩa. Dù tôi không khẳng định là dân túy.

Đó vẫn là một động thái quyết liệt thường thấy của người có cá tính, và đơn chất kinh tế khi doanh nghiệp Trung Quốc không đáp ứng được yêu cầu. Lần ngược lại các thất thoát tại Nhiệt Điện Thái Bình từ chủ trương của ông, vẫn có một nhà thầu Trung Quốc bên trong.

VĨ THANH

Có hai con người Đinh La Thăng, một là ông Thăng “tội đồ kinh tế”, hai là ông Thăng “hào sảng” hành động. Nhưng ông Thăng thứ 2 đến quá muộn và không thể “bù” cho ông Thăng thứ nhất. Công quá ít so với tội trạng, theo tôi là vậy.

Cho dù thế nào, lịch sử vẫn sẽ lưu danh ông với tư cách cả hai con người. Cái nhìn của chúng ta hay hậu thế đều nên nhìn từ hai phía, lấy con người này để khỏa lấp con người kia, đều không phải là tâm thế của kẻ cầu tiến.

Trong một nghiệp viết, nếu ai đó từng được gần những nhân vật như ông Thăng, là một phần phúc. Và có lẽ không nên nhắc lại về một ông Thăng đời thường rất gần gũi, tình cảm. Nhưng nếu là tôi, tôi cũng sẽ vẫn nhìn ông như vậy, không để xúc cảm lấn át lý trí.

Nếu trách thể chế, tôi sẽ trách rằng tại sao thể chế sản sinh ra quá nhiều lãnh đạo biến chất, làm ít phá nhiều. Để dân thiếu thốn niềm tin đến mức phải tôn sùng một cá nhân “có làm có phá” như ông Thăng? Phá của dân một đồng cũng là tội ác. Tội ác thì phải có trừng phạt!

Đinh La Thăng, bây giờ là một thân phận. Cám cảnh và thương xót, là điều đương nhiên nhưng thái độ cao nhất của chúng ta, là nhìn về sự thật. Để mong mỏi một sự tiến bộ, không có cách nào khác là chúng ta phải sòng phẳng với thông tin.

Điều duy nhất tôi hy vọng là sự “trả giá” của ông Thăng, sẽ là bài học cho một thế hệ lãnh đạo đương thời. Biết thế nào là đủ, biết tiết chế dã tâm. Hy vọng sự trừng phạt này sẽ mở ra cho dân tộc một thời đoạn mới tốt đẹp hơn.

Nếu thật sự thương dân yêu nước, tôi tin ông Thăng cũng sẽ ngậm cười!

Bình Luận từ Facebook