Tin trong nước
Tình hình Biển Đông
To xác nhưng chuyên bắt nạt kẻ yếu là đặc trưng của “bạn vàng” rồi. Thái độ hậm hực của Trung Quốc đối với Việt Nam được GS Carl Thayer phân tích trên Diplomat và được đài RFI đăng tải. Theo đó, việc Trung Quốc coi “các hòn đảo ở Biển Đông đã là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ xưa” và “yêu cầu Việt Nam dừng khoan dầu tại lô 136/03” đã làm lãnh đạo Việt Nam cho là vô lý và đã bác bỏ. Cũng chính vì thế mà ngay lập tức ông Phạm Trường Long đã bỏ về nước, đồng thời cũng hủy luôn cuộc “Giao Lưu Hữu Nghị Quốc Phòng Biên Giới” được hai nước chuẩn bị kỹ lưỡng.
Vẫn chưa hết cay cú khi tàu khu trục USS Stethem của Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, đài VOA cho biết, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng “Hoa Kỳ gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông“. Trung Quốc đã nói vậy nhưng hiện vẫn chưa thấy Việt Nam lên tiếng.
Mời xem clip tàu khu trục USS Stethem của Mỹ, có trang bị tên lửa hành trình, đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn:
Việc tàu khu trục Hòa Kỳ USS Stethem vào bên trong khu vực 12 hải lý đảo Tri Tôn của Việt Nam, dịch giả Song Phan, là người chuyên quan sát tình hình Biển Đông, cho rằng, nếu tàu USS Stethem “đi qua vô hại thì dù có băng ngang đường cơ sở bất hợp pháp của Tàu cũng kh̀ông có ý nghĩa nhiều“.
Còn đây là “Toàn văn Thư kiến nghị Thủ tướng Đức đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự hội nghị G20 của cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu” được tờ Thời Báo đăng tải. Trong thư, những người Việt ở châu Âu kiến nghị “Thủ tướng và Chính phủ Liên bang quan tâm nhiều hơn và có quan điểm rõ ràng hơn đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông thông qua việc lên án các hoạt động phi pháp, hiếu chiến của TQ trên Biển Đông, yêu cầu TQ chấm dứt các hoạt động đó, cũng như ủng hộ các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp“.
Cũng chuyện bảo vệ chủ quyền biển đảo, như thường lệ, nếu không bị công an cản phá, thì Câu lạc bộ bóng đá No-U ra sân chiều chủ nhật hàng tuần. CLB bóng đá No-U là “Đội bóng của những người yêu nước, luôn kiên định con đường đấu tranh đòi chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa về cho Việt Nam, xoá bỏ đường lưỡi bò phi pháp mà Trung Quốc vạch ra trên Biển Đông…“.
Tin thảm họa môi trường biển miền Trung
Sáng 3/7, Facebook Tin Mừng Cho Người Nghèo đưa lên mạng một video clip, cho thấy đông đảo “người dân thuộc xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, tuần hành về UBND xã để đòi hỏi quyền lợi sau thảm họa Formosa“.
Trong khi đó, Facebook Đặng Ngọc Quý cũng cho đăng tải một clip, cho thấy cảnh người dân đang kéo lên Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh “để làm rõ vấn đề môi trường và đền bù chưa thoả đáng“.
sự kiện xảy ra tại ủy ban nhân huyện Lộc Hà – Hà Tĩnhthành thật xin lỗi các bạn vì âm thanh không được tốt
Publié par Đặng Ngọc Quý sur dimanche 2 juillet 2017
Sự kiện ở hai địa phương trên cũng đã được đài BBC tường thuật, theo đó yêu cầu của người dân là được bồi thường kịp thời. Tuy nhiên, vẫn quen “hứa lèo” như các lần trước, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình lại cho kéo dài chuyện bồi thường đến “trước 30/6”, nhưng một người dân cho biết, “Họ cứ nói là 30/6 sẽ giải quyết mà giờ 3/7 rồi mà vẫn chưa có gì hết cả”.
Một người dân thấp cổ bé họng bức xúc: “Việc làm của các cấp các ngành chưa đúng… Chúng tôi đề nghị cấp trên trả biển trả sông. Con người sống không có sông có biển không thể tồn tại được”.
Án tù của blogger Mẹ Nấm
Về bản án 10 năm tù của blogger Mẹ Nấm, trong một bài viết dành riêng cho Tiếng Dân, có tựa đề: Những kẻ vá trời khi lỡ bước… tác giả Nguyễn Trung so sánh chuyện dấn thân và chấp nhận đi tù của blogger Mẹ Nấm và khí phách của cô đón nhận bản án này, cũng giống như cụ Phan Châu Trinh đã từng mô tả trong bài thơ Đập Đá Ở Côn Lôn năm 1907: “Những kẻ vá trời khi lỡ bước/ Gian nan chi kể sự con con”.
Cũng chuyện án tù của blogger Mẹ Nấm, blogger Nguyễn Anh Tuấn kêu gọi chính quyền nên nhất quán: Rút khỏi Liên Hiệp quốc, cấm vận EU, Mỹ, Đức. Blogger này lập luận rằng, khi kết án Mẹ Nấm 10 năm tù, chính quyền CSVN nên tránh xa những “kẻ xấu” khác, đã lên tiếng bênh vực cho blogger Mẹ Nấm như: Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, Các Báo cáo viên Đặc biệt về Nhân quyền của LHQ, EU, Đức, Mỹ, các tổ chức phi chính phủ như Ân xá Quốc tế, Ủy ban Bản vệ Ký giả, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền…
À, có đây rồi! Chính phủ không dám làm theo lời kêu gọi của blogger Nguyễn Anh Tuấn, là tránh xa những “kẻ xấu” như LHQ, EU, Mỹ, Đức… mà chỉ dám cho cái loa rè của báo QĐND phát trong mục chống Diễn Biến Hòa Bình, “lải nhải” về các “thế lực thù địch” như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và các “đài địch” như BBC, RFA, VOA…
Báo QĐND hậm hực về phúc trình thường niên của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho rằng báo cáo này là “vô căn cứ”. Bài báo viết, “Phúc trình hoàn toàn không dựa vào một nguồn tin chính thức nào của cơ quan, tổ chức Nhà nước Việt Nam, kể cả báo chí Việt Nam“. Nếu dựa các nguồn tin chính thức của chính phủ và báo chí Việt Nam, chắc nhân quyền ở Việt Nam hơn hẳn quyền con người ở các nước Mỹ và châu Âu, nên chẳng có gì để Human Right Watch viết báo cáo!
Với Đảng và Quân đội Nhân Dân thì xem dân là địch và các tổ chức bênh vực cho quyền làm người cũng bị xem là “thế lực thù địch”, nhưng đối với người dân thì “Trung Quốc không phải ‘thế lực thù địch’ thì là ai đây?“.
Tương lai của Đảng CSVN
Một bài viết riêng cho Tiếng Dân, nhà báo Mạnh Kim nhận định về những ngày đen tối của đảng CSVN, rằng đảng không còn tính chính danh để lãnh đạo đất nước. Tác giả cho rằng, đảng CSVN đang tự phân rã và số phận của đảng cũng mong manh như số phận của dân tộc: “Đảng đang ở một thời khắc sống còn. Số phận quốc gia đang ở một giai đoạn sống còn. Đảng không thể sống trong một quốc gia đang chết, trong một dân tộc đang chết, trong một xã hội đang chết”.
Kết thúc bài, tác giả viết: “Chẳng ai có thể lật đổ cộng sản, trừ chính họ. Cũng chẳng ai cứu được cộng sản, trừ chính họ, bằng sự thay đổi, bằng sự tái nhận thức lại con đường chính trị lẫn chính sách cai trị, và bằng sự dứt khoát đoạn tuyệt cái ách ‘xã hội chủ nghĩa’ mà họ tròng vào mình và tròng vào cổ nhân dân”.
Tương lai của CNXH – Liên hệ Việt Nam
Báo Sputnik có bài, New York Times dự đoán tương lai theo kiểu Lenin cho chủ nghĩa xã hội. Với một thái độ vui mừng hiếm hoi, báo này đã khen “tờ báo địch” New York Times là “có ảnh hưởng” khi tờ này cho đăng một bài viết của tác giả Bhaskar Sunkara trên mục ý kiến, trong đó tác giả viết “về tương lai của chủ nghĩa xã hội và lợi thế của nó so với hệ thống tư bản chủ nghĩa“.
Bài báo cho biết, “mặc dù nửa cuối thế kỷ XX đã xảy ra sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội, nhưng những ý tưởng của Lenin và đồng chí của ông trong Quốc tế Thứ hai, như Karl Liebknecht, vẫn còn sống cho tới ngày nay“. Và kết luận “Khi tuân thủ những điều kiện nhất định, chủ nghĩa xã hội thế kỷ XX ‘sẽ cho phép nhiều người từng chịu bất công có thể tham gia vào việc kiến tạo ra một thế giới mới’.”
Có hy vọng rồi, tương lai CNXH ở Việt Nam không mờ mịt tăm tối như lời cụ Tổng đâu nhé!
Lịch sử nhân loại – Liên hệ… Việt Minh
Tương lai của CNXH thì như vậy, thế còn lịch sử của nó thì sao? Đài BBC có bài phân tích “Lịch sử nhân loại dưới tán cây bồ đề“. Đấy là nhân loại, còn “Lịch sử Việt Minh thì dưới bóng đa Tân Trào“, hề hề…
BBC viết: “Trong quá trình phát triển, chúng mọc rễ dài từ trên không xuống dưới, và đám rễ ngày càng trở nên dày dặn, to cứng thêm, bao trùm và biến cây chủ thành một ‘con mồi’ sống. Chúng thậm chí còn có thể bóp nghẹt, làm chết những cây chủ to lớn, và phát triển mạnh mẽ, trở thành những khối cột cao lớn“.
Lịch sử lặp lại giống hệt như 2.000 năm trước: “Hơn 2.000 năm trước, một nhánh từ thân cây đặc biệt quan trọng đã được chiết ra theo lệnh của quốc vương Ấn Độ Ashoka Đại đế. Nó nằm ngay dưới tán cây nơi được cho là Đức Phật Thích Ca Mầu Ni đã đắc đạo“. Còn theo Tổng cục du lịch thì từ năm 2008 – 2010, “Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã chiết thành công 21 trong tổng số 26 cành của cây để lưu giữ nguồn gen và một phần để tạo rễ ngay trên thân cây“.
Quan chức – Tài sản – Bảo kê
Có lẽ chẳng còn người dân nào còn tin vào công cuộc chống tham nhũng mà đảng đang tiến hành, bởi chính lá bùa hộ mệnh “Diệt chuột đừng để vỡ bình” đã chứng minh như vậy.
Chuyện tham nhũng ở Yên Bái, VTC đã khui thêm một vụ bê bối nữa ở tỉnh này. Theo phóng sự của VTC14, người dân tại đó cho biết, chính sự bảo kê của công an Yên Bái đã giúp cho việc khai thác đá đỏ tại lòng hồ Thác Bà diễn ra một cách ngang nhiên như vậy. Và đừng hỏi những viên đá quý đó chảy vào túi ai, ngoài đám quan chức bất lương và tham lam vô độ.
Bình luận về những sự kiện này, trên trang facebook của mình, nhà báo Huy Đức cho rằng, “Chính trị là phe phái, trong thể chế nào thì tham nhũng lòi ra cũng thường vì phe phái tố cáo lẫn nhau. Nhưng trong một thể chế mà chỉ có phe phái chứ không có pháp quyền, trong khi báo chí lại chỉ làm công cụ, thì không bao giờ triệt được căn nguyên tham nhũng“.
YÊN BÁI: ĐÁ ĐỎ CHẠY VÀO TÚI AI?Không chỉ có câu hỏi về những dinh thự khổng lồ, những khối tài sản bị dư luận đặt câu hỏi về nguồn gốc; Yên Bái còn có câu chuyện những mỏ khoáng sản quý hiếm, mà lợi nhuận khổng lồ từ việc khai thác trái phép không biết chạy vào túi ai?#yênbái, #biệtphủ, #tàisảnlớn, #bíẩn #khoángsản #đáđỏ #ruby
Publié par VTC14 – Thời tiết – Môi trường & Đời sống sur dimanche 2 juillet 2017
Chuyên mục “Làm giàu không khó” hôm nay mách nhỏ bà con học tập ông Nguyễn Sỹ Kỷ – Phó Ban nội chính tỉnh Đắk Lắk. Khi được hỏi khu biệt thự xây dựng trái phép do vợ ông đứng tên, ông Kỷ cho biết, “Thời kỳ đó cuộc sống khó khăn lắm. Ngày tôi làm ở thanh tra tỉnh, tối thì lo chạy xe ôm thâu đêm. Vợ chồng còn phải nuôi heo, gà cóp nhặt từng đồng”. Học thêm cả chiêu của vợ ông ấy nữa: “nếu bị cưỡng chế sẽ tự tử“.
Lên tiếng về tham nhũng và lợi ích nhóm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, “Một bộ phận cán bộ chính quyền còn để xảy ra tai tiếng”. “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng một bộ phận cán bộ chính quyền còn để xảy ra tai tiếng do tham nhũng và lợi ích nhóm“.
Lãnh đạo và văn hóa từ chức
Làm gì có chuyện lãnh đạo từ chức trong cơ chế này. Ở Việt Nam, có những lãnh đạo được xếp vào lứa tuổi già nhất thế giới, nhưng không hề có dấu hiệu nhường ghế cho ai. Cái này người ta gọi là tham quyền cố vị, một dạng Tham nhũng quyền lực đấy, và loại tham nhũng này phải bị xử lý hình sự.
Không được như Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn TP Hà nội, từ chức vì có lòng tự trọng, thì cũng nên học vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma tuý (PSD) đi chứ. Cựu Viện trưởng Mạc Văn Trang hôm nay đã reo mừng vui sướng khi giao được cái chức viện trưởng cho PGS TS Nguyễn Sinh Phúc.
Ông viết: “Mình sợ nhất là cứ ngồi ì trên ghế đến lúc lú lẫn, lẩm cẩm, mở mồm nói câu nào là thiên hạ cười nhạo câu đó, mà cứ tưởng mình vẫn đang ‘đỉnh cao trí tuệ’! Lú mà không biết mình lú, cứ tham quyền cố vị thì tai hại cho sự phát triển của Viện, của tất cả mọi người và làm trò cười cho thiên hạ! May mình chưa lú, đã rút lui kịp thời, có phải không các bạn?”
“Thượng bất chính, hạ tắc loạn” thôi. Chắc các vị này học tập “trên” không chịu từ chức, nên Ủy ban kiểm tra trung ương mới “Cảnh cáo Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh” và “Xem xét thi hành kỷ luật Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa“. Nhưng đừng làm trò hề như trường hợp ông Đinh La Thăng nhá.
Quân đội – Kinh tế
“Quân đội tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng là nhiệm vụ chiến lược lâu dài” là tựa đề của phóng sự do Truyền hình QĐND thực hiện ngày 3/7. Mượn lời ông Nguyễn Minh Triết xin được đổi lại thành: “bỏ kinh tế là tự sát”!
Cũng chuyện quân đội làm kinh tế, đài RFI có bài “Sân bay Tân Sơn Nhất: Có thể được mở rộng hơn nữa“. Và có thể vì lý do này “Tuy quyết định sẽ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng chính phủ Việt Nam vẫn duy trì công trình xây dựng sân bay quốc tế Long Thành“, nên chuyện dẹp sân golf Tân Sơn Nhất sẽ còn rất xa vời, phải không các “đồng chí”?
Nhưng đừng có cố quá mà thành “quá cố” các đồng chí ạ! “Chấm dứt việc cho thuê mặt bằng xây dựng sân golf, nhà hàng trong sân bay”, “quân đội không được sử dụng đất quốc phòng để cho thuê mướn”, “tiến hành kiểm tra, thanh tra toàn diện dự án sân bay Tân Sơn Nhất” và đặc biệt “Trung ương cần có Nghị quyết về chủ trương quân đội không làm kinh tế” là các đề nghị của cử tri Thành phố trước kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX dự kiến khai mạc vào sáng nay. Những thông tin trên được báo Người Đô Thị đăng tải hôm 3/7. Mày hả bưởi?
Luật pháp – Phát ngôn
Chắc là sau khi thấy ông LS Trần Thu Nam nói bậy, à nhầm, nói vậy, nên Bộ Tư pháp bảo rằng “Luật sư không được nói bậy trên mạng“. Báo Pháp luật TP đưa tin, Bộ tư pháp đang soạn thảo một Nghị định theo đó quy định “LS phải có trách nhiệm xây dựng hình ảnh, uy tín của nghề và phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội theo đúng nguyên tắc hành nghề LS, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của LS“.
Như vậy là chỉ có luật sư mới không được nói bậy, còn các quan chức thì có quyền ăn nói văng mạng?
Báo chí – Kiểm duyệt
Về chuyện kiểm duyệt, Ban tuyên giáo Trung ương ĐCSVN chớ nên can thiệp báo chí bằng “Lỗi 404: đừng lấy tay tre mặt trời“, vì sẽ có người chụp lại ngay!
Trong bài Lỗi 404, tác giả Lê Ngọc Sơn viết: “Dù 404 là kết quả của sự chi phối của thế lực kinh tế, hay là sự can thiệp từ nhóm lợi ích chính trị nào đó, thì việc can thiệp vào hoạt động nghề nghiệp của báo chí là một hành động lỗ mãng, cần phải được chặn lại. Nền pháp quyền cần trao cho báo chí các công cụ pháp lý thực chất để tự vệ trước sự can thiệp của các nhóm lợi ích, để báo chí thực hiện tốt vai trò và chức năng giám sát và phản biện xã hội của mình“.
Nhẹ nhàng nhưng tinh tế, báo Lao Động khuyên các nhà báo, Hãy dừng tung hô “hoa hậu tình – tiền” đi, các “anh hùng bàn phím“! Có lẽ các “anh hùng bàn phím” nên “học tập và làm theo tấm gương” GS Ngô Bảo Châu. Trên Facebook của mình, GS Ngô Bảo Châu đã ký vào một thỉnh nguyện thư, gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho blogger Mẹ Nấm vô điều kiện và ngay lập tức.
Báo Lao Động viết, “Ngoài xã hội kia, còn bao người phụ nữ, dù có nhan sắc vượt trội hay bình thường, dù có tài năng xuất sắc hay trung bình, vẫn đang âm thầm ngày ngày làm việc cống hiến cho xã hội, lo toan cho gia đình và khẳng định bản thân chứ không sống dựa vào thứ ‘hợp đồng tình ái’ nào cả“.
Cũng chuyện báo chí, đài RFA đặt câu hỏi “Ai có thể bảo vệ phóng viên điều tra ở Việt Nam?“. Xin thưa, với luật pháp trong tay kẻ cầm quyền, thì ngoài việc biết tự bảo vệ mình, còn phải biết bảo vệ đồng nghiệp nữa (nếu đồng nghiệp đúng). Ngoài ra, nếu cần thì từ hôm nay các phóng viên có thẻ nhà báo có thể gia nhập đội ngũ các phóng viên “lề dân“.
Báo Tiếng Dân xưa và nay
Hôm nay, ngày 4/7, báo Tiếng Dân chính thức ra đời. Chọn ngày 4/7, ngày lễ Độc Lập của Hoa Kỳ để ra mắt tờ báo, BBT muốn Tiếng Dân được khai sinh trong khát vọng đi tới, xây dựng trên căn bản tự do và vị nhân sinh.
Tác giả Đỗ Mai Lộc có bài viết độc quyền cho Tiếng Dân, nói về bối cảnh ra đời của tờ báo Tiếng Dân 90 năm trước, dù bị Pháp cai trị với những chính sách hà khắc, tước đi các quyền tự do căn bản của con người, nhưng Toàn quyền Đông Dương, Alexandre Varenne vẫn cho phép cụ Huỳnh Thúc Kháng xuất bản tờ báo Tiếng Dân, cơ quan ngôn luận độc lập đầu tiên tại Trung Kỳ.
Thư của cụ Huỳnh Thúc Kháng gửi Khâm sứ Trung kỳ, xin xuất bản báo Tiếng Dân. Ảnh: internet
Nối tiếp tinh thần của cụ Huỳnh, 90 năm sau, báo Tiếng Dân tiếp tục cất lên tiếng nói “Khai dân chủ, Xướng dân quyền”.
So sánh bối cảnh ra đời báo Tiếng Dân ngày xưa của cụ Huỳnh, với báo Tiếng Dân ngày nay, tác giả viết: “Tuy nhiên, báo Tiếng Dân ngày hôm nay sẽ không được may mắn như cách đây 90 năm trước: không được có trụ sở hoạt động trên chính đất nước mình, không được nhà cầm quyền cấp phép! Những người tham gia báo Tiếng Dân chắc chắn sẽ rủi ro nhiều hơn cụ Huỳnh dưới chế độ thực dân phong kiến”.
Sự kiện Đồng Tâm
Về sự kiện Đồng Tâm, hôm qua báo Tuổi Trẻ có bài: Rút dự án thu hồi đất tái định cư ở xã Đồng Tâm. Bài báo viết: “Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký tờ trình gửi HĐND TP xin rút dự án thu hồi đất làm nơi tái định cư phục vụ việc di dời các hộ dân sử dụng đất quốc phòng tại sân bay Miếu Môn (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) ra khỏi danh mục các dự án thu hồi đất năm 2017“.
Phải giải thích cho độc giả hiểu cái câu rối rắm khó hiểu ở trên như sau: Tháng 5-2016, UBND TP Hà Nội chỉ đạo di dời 14 hộ gia đình, cá nhân sử dụng 6ha đất Đồng Sênh do quốc phòng quản lý tại sân bay Miếu Môn. Khi đó UBND huyện Mỹ Đức đã kiến nghị thu hồi khoảng 0,2ha đất tại xã Đồng Tâm làm nơi tái định cư cho 14 hộ gia đình, cá nhân này.
Tháng 12-2016, HĐND TP Hà Nội ban hành danh mục các dự án thu hồi đất năm 2017, trong đó có dự án thu hồi 0,2ha đất làm nơi tái định cư 14 hộ dân trên. Tuy nhiên do “Dân đã có đất, không phải tái định cư nữa” nên không phải thu hồi 0,2ha đất trên.
Cũng tin Đồng Tâm, tác giả Nguyễn Đăng Quang, cựu đại tá an ninh, có bài: Khởi tố hình sự vụ Đồng Tâm: Bảo vệ lợi ích nhóm hay giữ lòng tin với dân? Tác giả cho rằng, chuyện “lật kèo” của chính quyền Hà Nội là “một sai lầm chính trị tồi tệ của chính quyền trong mắt người dân Đồng Tâm cũng như người dân toàn quốc! Sai lầm này rất có thể sẽ phải trả giá!”
Kết thúc bài, tác giả viết: “Tôi muốn trân trọng chuyển đến chính quyền Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên đới khác trong biến cố Đồng Tâm câu răn dạy trên của cha ông ta để quý vị ứng xử với nhân dân sao cho phải đạo. Một chính thể không có lòng tin nơi dân chúng, chính thể đó không có lý do để tồn tại. Chữ TÍN luôn luôn phải bảo toàn, xin quý vị nhớ cho!”
Miền Nam đi trước về sau
Trả lời câu hỏi của báo Dân Trí, “Vì sao Hà Nội lại được cấp vốn Ngân sách gấp đôi TP.HCM?“, trước đó báo “anh 2 Sài Gòn” trả lời vì “Sài Gon đi trước Hà Nội hơn 4 thập kỷ“. Bài báo đó, báo 2Saigon đăng lại bài của báo Tầm Nhìn, rồi bài trên báo Tầm Nhìn biến mất, khoảng 5 tháng sau có tin “Báo Tầm Nhìn bị đình bản ba tháng“. Không rõ có phải bài báo đó và các bài khác trên báo Tầm Nhìn làm ông Trương Minh Tuấn cay mũi, nên phạt vạ tờ báo hay không.
Tin Quốc tế
Quan hệ Mỹ – Trung
VOA có bài, “Tập Cận Bình: Hy vọng Mỹ giải quyết Đài Loan hợp lý”. Theo bài báo, Tập Cận Bình bày tỏ bất bình về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Lãnh đạo nước này kêu gọi Mỹ tôn trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc”, loại bỏ các mối quan hệ chính thức với hòn đảo này.
Tập Cận Bình cũng bày tỏ sự khó chịu khi tàu khu trục Mỹ USS Stethem đi vào khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn, cũng như lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một số ngân hàng Trung Quốc do có giao dịch với Bắc Hàn. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng bất bình về việc Trung Quốc đã không làm hết mình trong việc kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn.
Định mệnh chiến tranh? Trung Quốc, Hoa Kỳ, và bẫy Thucydides là tiêu đề bài báo được trang Nghiên cứu Quốc tế dịch từ bài báo đăng trên báo Financial Times hồi cuối tháng 3/2017. Theo đó, kể từ khi vào Nhà Trắng “tổng thống mới đã gửi đi các thông điệp thiếu nhất quán về phương hướng chính sách của Hoa Kỳ tại châu Á“. Quan điểm bảo hộ của Trump và sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc về thương mại và quân sự thể hiện những mâu thuẫn phức tạp của các chủ thể liên quan.
Đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài
Luôn trong tình trạng tăng vốn trong các dự án, đó là chiêu lâu nay của Trung Quốc. Đài BBC cho hay, dự án điện hạt nhân của Trung Quốc đầu tư tại Anh đã đội vốn thêm 1,5 tỷ bảng. Và “Dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley gặp nhiều khó khăn cho thấy sự thận trọng của Chính phủ Anh trong các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như ảnh hưởng của chính sách an ninh năng lượng và hạt nhân“.
Lùm xùm nhà Thủ tướng Lý Hiển Long
Đài BBC đưa tin, ông Lý Hiển Long đã bác bỏ cáo buộc của hai người em, rằng ông “không nghe di nguyện của cha và lạm dụng quyền lực“.
Hai người em cáo buộc anh trai “không chịu thực hiện di nguyện của cha, ghi rõ trong di chúc, là phá hủy căn nhà ở 38 đường Oxley, thay vì biến thành nơi tưởng niệm“.
Sau khi có người hỏi có kiện hai người em không, Thủ tướng Singapore nói sẽ không kiện họ.
Bắc Hàn – Khoáng sản
Chắc là do “Triều Tiên đang ngồi trên ‘mỏ vàng’ trị giá nghìn tỷ USD” nên báo VTC cho rằng, họ yên tâm khi có nguồn thu ngoại tệ rất lớn.