Cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân (phần 1)

Đỗ Mai Lộc

4-7-2017

Ảnh báo Tiếng Dân số đầu tiên ngày 10/8/1927. Nguồn: internet

Phần 1. Báo Tiếng Dân

90 năm trước, ngày 10 tháng 8 năm 1927 báo Tiếng Dân ra đời số đầu tiên ở xứ Trung kỳ Việt Nam thuộc Pháp.

Người Pháp xâm lược Việt Nam, được cho là thực thi những chính sách hà khắc, đã tước đi nhiều quyền tự do, quyền con người ở nước thuộc địa; nhưng ông Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne vẫn quyết định cho phép thành lập tờ báo Tiếng Dân ký ngày 12/2/1927, có trụ sở chính đặt ở Huế, do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ nhiệm và Chủ báo.

Phân tích về cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân vào nửa đầu thế kỷ 20, trước khi đảng Cộng sản ra đời, cũng đã cho thấy một bức tranh xã hội lúc bây giờ. Tuy nhiên, lịch sử đã bị viết lại theo ý đồ của thế lực cầm quyền; đã tiêu hủy tất cả những tư liệu, những con người không có lợi cho phong trào cách mạng. Cho đến bây giờ, những tư liệu như Hồi ký “Một cơn gió bụi” của sử gia Trần Trọng Kim, cựu Thủ tướng Chính phủ Đế Quốc Việt Nam cũng bị cấm phát hành, bởi vì Cộng sản và Sự thật là hai thái cực hoàn toàn đối lập.

Nghiên cứu về tư tưởng của cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng với nhóm nhân sĩ Thập Ngũ Phụng Tề Phi của đất Quảng Nam xưa; quan điểm làm báo và tôn chỉ, mục đích báo Tiếng Dân của Cụ là những chuyên đề dài. Bài viết này chỉ trong phạm vi hẹp về cụ Huỳnh và quyền căn bản của con người từ sự ra đời của tờ Báo.

Tự do ứng cử, bầu cử

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876, là một nhà nho ái quốc, Cụ đỗ Đệ Tam giáp tiến sĩ năm 1904. Cụ cùng với các Cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp lãnh đạo phong trào Duy Tân. Vì lý do đó, Cụ bị bắt năm 1908, rồi bị đày ở Côn Đảo suốt 13 năm, đến mãi năm 1919 mới được trả tự do.

Trong hồ sơ của mật thám Pháp: cụ Huỳnh luôn bị xem “là một trong những phần tử nguy hiểm, cần theo dõi đặc biệt”, một tù nhân chính trị “làm tổn hại đến nhà nước bảo hộ qua các cuộc dấy loạn

Một người với “lý lịch” như vậy lẽ ra nhà cầm quyền phải cho ở tù chung thân hoặc bị trục xuất ra khỏi đất nước. Nhưng cụ Huỳnh vẫn được ra ứng cử, đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ năm 1926.

Tự do bày tỏ quan điểm

Khi trở thành Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, cụ Huỳnh luôn đề cao tinh thần dân tộc, chống bất công, áp bức, cường quyền. Với tư cách Viện trưởng, Cụ đã đề đạt lên chính phủ bảo hộ giải quyết gồm: một là “học giới bó buộc”, hai là “tài nguyên kiệt quệ”, ba là “hình luật phiền lụy”. Kiến nghị của Cụ đã tác động nhận thức căn bản của thành phần quan lại tham gia chính quyền và tầng lớp trung lưu vẫn còn tư tưởng thụ động của triều đại phong kiến. Cụ ủng hộ các cuộc biểu tình của nông dân chống lại tận thu sưu thuế.

Cụ Huỳnh không bị trừng phạt khi nêu ra thực trạng xã hội, nguyên nhân bản chất sự việc và thậm chí chỉ trích chính quyền.

Những vấn đề cụ Huỳnh nêu ra về chính quyền thực dân phong kiến cách đây hàng trăm năm cho đến nay vẫn còn là thực trạng xã hội không riêng gì ở miền Trung.

Tự do báo chí

Tờ báo Tiếng Dân được Toàn quyền Đông Dương cho phép thành lập ở Huế do một người là “phần tử nguy hiểm, cần theo dõi đặc biệt” làm Chủ nhiệm và Chủ báo, cho thấy, chính quyền thực dân, dù sao đi nữa vẫn văn minh hơn nhiều so với chính quyền cộng sản hiện đại.

Nói thêm: tờ báo Tiếng Dân là tờ báo đầu tiên ở miền Trung Việt Nam.

Quan điểm chính yếu của cụ Huỳnh khi ra tờ báo Tiếng Dân là: “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai. Vì đất nước Việt Nam có biên cương và lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới. Cho nên, tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Do đó, tôi thách đố mọi trừng phạt và hiểm nguy đến với cá nhân tôi”.

Qua báo Tiếng Dân, Cụ còn công bố nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà, trong đó có những chứng cứ về chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Liệu có nhà báo được cấp thẻ hay tờ báo được cấp phép nào lúc này dám công khai nói lên tiếng nói độc lập, tự do và tự chủ hay biên cương và lãnh thổ?

Tư tưởng của cụ Huỳnh và báo Tiếng Dân đã phải chịu sự kiểm duyệt gay gắt của Khâm sứ Trung Kỳ. Nhưng Cụ vẫn kiên định với quan điểm cá nhân và tôn chỉ của tờ báo, nên cuối cùng tờ báo bị đình bản bởi quyết định của toàn quyền Đông Dương Jean Decoux ngày 21/4/1943.

Sau 16 năm hoạt động liên tục từ năm 1927 đến 1943, báo Tiếng Dân đã ra được 1766 số, trở thành tờ báo lâu năm nhất, phản ánh những sự kiện lịch sử diễn ra ở Trung kỳ, đồng thời là nơi tập hợp tiếng nói của các lực lượng có tinh thần dân tộc dân chủ trong tầng lớp trí thức tiểu tư sản miền Trung trong cuộc đấu tranh đòi độc lập, dân chủ ở Việt Nam trong nửa đầu thể kỷ XX.

Thư của cụ Huỳnh Thúc Kháng gửi Khâm sứ Trung kỳ, xin xuất bản báo Tiếng Dân. Ảnh: internet

Báo Tiếng Dân ngày nay

Đúng 90 năm sau báo Tiếng Dân bản giấy số đầu tiên ra đời; đúng 70 năm sau ngày mất của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Gần một thế kỷ trôi qua mà những quyền căn bản của người dân, thực trạng thực trạng xã hội vẫn chưa vượt qua được cái ngưỡng của một dân tộc bị đô hộ.

Báo Tiếng Dân lại cất lên tiếng nói “Khai dân chủ, Xướng dân quyền”. Tuy nhiên, báo Tiếng Dân ngày hôm nay sẽ không được may mắn như cách đây 90 năm trước: không được có trụ sở hoạt động trên chính đất nước mình, không được nhà cầm quyền cấp phép!

Những người tham gia báo Tiếng Dân chắc chắn sẽ rủi ro nhiều hơn cụ Huỳnh dưới chế độ thực dân phong kiến.

Cầu mong sẽ được cụ Huỳnh phù hộ dân Việt có được những quyền con người cơ bản như: tự do ứng cử, bầu cử; tự do bày tỏ quan điểm; tự do báo chí như thời Pháp thuộc.

Mời đọc tiếp phần 2

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook