Trân Văn
4-1-2018
Hai trong số khoảng hai chục điểm mà Army Times – tờ tuần báo dành cho lục quân Mỹ – nhận định sẽ là những thay đổi đáng chú ý đối với lục quân Mỹ năm nay, có liên quan trực tiếp đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương: (1) Mở rộng thử nghiệm về quân phục và giày trước khi sản xuất hàng loạt để dùng ở những chiến trường có thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều, lắm sông, suối, kênh rạch. (2) Giao cho một đơn vị địa phương quân (National Guard) của tiểu bang Indiana chỉ huy một trong những Pacific Pathways 2018.
Từ 2014 đến nay, Pacific Pathways – “Những con đường ở Thái Bình Dương” đã trở thành hoạt động thường niên của quân đội Mỹ. Mỗi năm, quân đội Mỹ điều động binh sĩ đến Úc, Nhật, Nam Hàn, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Mông Cổ để tập trận với quân đội của những quốc gia này.
Hai năm đầu, Pacific Pathways chỉ là đường một chiều nhưng từ 2016, Pacific Pathways có thêm chiều ngược lại. Ngoài Nhật, Singapore, còn có Canada gửi các đơn vị tới Mỹ, tập trân chung với các đơn vị của Mỹ tại Alaska, Washington và Hawaii.
Trong bốn năm vừa qua, năm nào cũng có các đơn vị của lực lượng dự bị (Reserve) và địa phương quân (National Guard) tham dự Pacific Pathways cùng với các đơn vị của lực lượng thường trực (Active Duty) song các đơn vị của lực lượng thường trực luôn giữ vai trò chủ đạo. Cũng vì vậy, chuyện một đơn vị địa phương quân của tiểu bang Indiana sẽ giữ vai trò chính của một trong những Pacific Pathways 2018 trở thành đặc biệt.
Chuẩn bị từ quân trang (với yêu cầu hàng đầu là nhẹ, thoáng, mau khô), tới khả năng chỉ huy – phối hợp của lực lượng địa phương quân với quân đội các quốc gia đồng minh, đối tác quốc phòng là những dấu chỉ rất rõ ràng về sự sẵn sàng.
***
Nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn trong thời gian vừa qua đã góp phần làm suy giảm sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực kiểm soát – khống chế khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Trung Quốc.
Tương tự, nỗ lực nhóm lò – đốt củi của giới lãnh đạo Đảng CSVN đã khiến số phận biển Đông trở thành thứ yếu trong tâm thức của nhiều người Việt, dù cả tính chất lẫn mức độ nghiêm trọng của những diễn biến liên quan tới vùng biến này đối với an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ gia tăng đáng kể.
Tháng trước, lần đầu tiên hệ thống truyền thông Trung Quốc loan báo rộng rãi rằng Trung Quốc đã hoàn tất và đang sử dụng một căn cứ không quân hiện đại trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo một số, căn cứ với hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh ấy sẽ giúp Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện chuỗi căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa và Trung Quốc sẽ sớm đạt được mục tiêu kiểm soát – khống chế toàn bộ biển Đông…
Cũng tháng trước, Philippines – quốc gia từng kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài về Luật Biển – loan báo sẽ cố gắng hoàn tất hội đàm với Trung Quốc để giải quyết những bất đồng giữa hai bên về chủ quyền tại biển Đông trong nửa đầu năm nay…
Song nhóm củi – đốt lò với nhiều tình tiết ly kỳ dường như đã hút cạn tinh lực của công chúng, thành ra Việt Nam chẳng đưa ra tuyên bố nào trước sự kiện hệ thống truyền thông Trung Quốc quảng bá rầm rộ cho căn cứ không quân ở đảo Phú Lâm. Thái độ ấy chẳng tương xứng chút nào với trước đó nửa năm – Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhấn mạnh, việc Trung Quốc khai trương… rạp chiếu phim ở đảo Phú Lâm là “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế”.
***
Tháng 8 năm 2016, khi trò chuyện với báo giới về Pacific Pathways, tướng Robert Brown, Tư lệnh lực lượng lục quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, từng cho biết, Việt Nam là một trong số những nơi quân đội Hoa Kỳ nhắm tới khi tìm kiếm những địa điểm mới cho các Pacific Pathways. Tướng Brown tỏ ra rất tự tin với triển vọng Việt Nam tham gia Pacific Pathways vì cả Mỹ lẫn nhiều quốc gia châu Á từng khẳng định, Pacific Pathways có lợi cho tất cả các bên: Vừa thắt chặt quan hệ, vừa nâng cao khả năng ứng phó chung với những tình huống bất ngờ.
Vào thời điểm đó, tướng Brown lập lại một dự tính mà hồi giữa năm 2016, tướng Dennis Via, khi ấy là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tiếp vận của lục quân Hoa Kỳ, từng giới thiệu: Xây dựng hệ thống kho tiếp liệu, dự trữ quân cụ, quân nhu tại Việt Nam nhằm giúp quân đội Hoa Kỳ triển khai nhanh nhờ các nguồn tiếp liệu đã sẵn sàng để thực hiện các chiến dịch nhân đạo, giúp giải quyết hậu quả thiên tai.
Cũng năm 2016, tướng Stephen Lanza, vốn là Tư lệnh Quân đoàn 1 của lục quân Hoa Kỳ (phạm vi trách nhiệm bao gồm toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương) từng đề cập đến khả năng lục quân Mỹ sẵn sàng để luyện tập chung với lục quân Việt Nam bất kỳ lúc nào. Phó Đô đốc Colin Kilrain, vốn là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt tại Thái Bình Dương (SOCPAC) của quân đội Mỹ thì đề cập đến khả năng hợp tác giữa lực lượng đặc biệt Mỹ với đặc công Việt Nam,…
Còn Việt Nam? Đến nay, Việt Nam vẫn chủ động kềm giữ quan hệ hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ ở mức: Xin viện trợ. Nhờ đào tạo. Duy trì giao lưu thường niên giữa lực lượng hải quân hai bên. Mở quân cảng Cam Ranh cho các chiến hạm của Hoa Kỳ ghé vào bảo trì, nhận tiếp liệu cùng lúc với việc đón nhận các chiến hạm của Nhật, Nga, Trung Quốc… Việt Nam tiếp tục khẳng định, muốn “làm bạn với tất cả các nước” và sẽ duy trì “chính sách ba không”: Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác…
Tháng 8 năm ngoái, sau khi bị đẩy vào thế phải yêu cầu tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha ngưng hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng thềm lục địa Việt Nam – một hành động bất thường mà nhiều người cho rằng, lý do chính dẫn tới yêu cầu chẳng đặng đừng ấy phát xuất từ chuyện Trung Quốc dọa sẽ tấn công các tiền đồn của Việt Nam ở Trường Sa nếu Repsol không rời khỏi lô 136/3,… và sau khi thảm bại tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50 (không thuyết phục được các quốc gia trong khối ASEAN đưa yếu tố “ASEAN đặc biệt lo ngại về hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông” vào “Tuyên bố chung”),… tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam vội vàng lên đường sang Mỹ.
Những thông tin liên quan đến cuộc hội đàm giữa ông Jim Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và ông Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam vào ngày 8 tháng 8 năm ngoái không có gì mới. Các thỏa thuận, cam kết giữa hai bên đều là những điều đã được lập đi, lập lại suốt từ năm 2012 đến nay (gia tăng hợp tác về quốc phòng – an ninh, gia tăng chia sẻ thông tin, hợp tác thực thi luật pháp quốc tế thông qua việc Mỹ gia tăng hỗ trợ Việt Nam nâng cao khả năng bảo vệ quyền tự do lưu thông ở biển Đông,…), trừ thông tin Mỹ sẽ điều động một hàng không mẫu hạm tới thăm Việt Nam trong năm 2018…
Trong bối cảnh Việt Nam trần trụi trước miệng sói, chuyện các viên chức Việt Nam và Mỹ thăm viếng nhau thường làm nảy ra vài mầm hi vọng trong lòng nhiều người Việt. Những tuyên bố – hoạt động hợp tác, đặc biệt là về quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ, kiểu như năm nay, sẽ có một hàng không mẫu hạm của Mỹ ghé thăm Việt Nam giống như “thuốc an thần” mà Đảng CSVN dùng để trị “chứng lo âu” của công chúng, còn trị “căn” thì Đảng CSVN không màng.
Kể từ khi quyết định chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ đã vài lần xác định Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch chuyển trục và không ngần ngại bày tỏ thiện chí hợp tác nhưng hợp tác chặt chẽ với Mỹ để có một đối trọng đủ thực lực giúp cân bằng quan hệ với Trung Quốc thì… không có lợi bởi Mỹ đòi những thứ mà Đảng CSVN không thể cho: Tiến bộ về nhân quyền và pháp quyền. “Chính sách ba không” giúp Đảng CSVN vừa len lách giữa hai bên (các ngoại bang như Mỹ, Trung Quốc và dân chúng), vừa tiếp tục duy trì sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của mình.
Liệu tình thế có cho phép Việt Nam kiên định với “chính sách ba không”? Không rõ. Tạm thời có thể không cần bận tâm vì nhóm củi – đốt lò đủ để gạt bỏ sự bận tâm của công chúng về việc “chính sách ba không” có đem lại gì không.