Những nghề dễ học và dễ có việc làm nhứt

Lò Văn Củi

31-12-2017

Ảnh minh họa “Lực lượng 47”. Nguồn: internet

Cậu sinh viên mới ra trường chừng vài tháng, trước nay cũng hay ghé quán cô Tư Sồn, mọi người gọi là cậu Tân Cử nhân. Hôm vừa được tung cái mão, cậu ta vui mừng khôn tả, bận nguyên bộ đồ thụng ra quán luôn. Bà con cô bác cũng mừng cho cậu, chúc mừng quá xá.

Ngày đó vui hết biết bao nhiêu thì mấy bữa nay, cậu ta uống trà đá… ôm, ôm riết ly trà đá chứ có tiền đâu mà uống cà phê, hehe, mặt mũi cậu ta cả ngày như cái bánh bao chiều, bà con cô bác lại rầu theo quá xà quá xả.

Dễ hiểu thôi. Ôm cái bằng cử nhân, cậu đi xin việc rục giò mà có được đâu. Tới chỗ nào cũng bị lắc đầu, ở các cơ quan nhà nước không lắc thì ra dấu hiệu bằng hai ngón tay, ngón cái hợp với ngón trỏ xẹt xẹt lia lịa, ý đếm tiền chung chi đó mà. Cậu ta thì trên răng dưới… dép, nên lết đôi dép muốn đứt quai chớ biết làm sao.

Chú Tám Thinh nói gọn:

– Dạy ra làm thầy không hà.

Cậu Tân Cử nhân xác nhận:

– Dạ, đúng vậy. Toàn đào tạo lý thuyết không nữa. Nhiều nơi cần thợ chứ có cần thầy đâu. Con thấy uổng công bốn năm quá. Bây giờ định kiếm cái nghề gì đó học cho rồi. Các bác, các cô chú, và các anh thấy nên học nghề gì là tiện nhứt, chỉ cho con cháu với.

Bà con cô bác bàn luận rôm rả và đưa ra cho cậu kha khá ý. Tựu trung, nghề nào cũng được, có nghề là hầu như có việc làm, sống khỏe và nên chọn nghề mình thích, mình đam mê, hợp với mình thì dễ dàng hơn.

Tới chỗ dễ dàng, anh Bảy Thọt đố:

– Vậy chứ chú bác, anh chị biết bây giờ học nghề gì là dễ và cũng dễ có việc nữa?

Anh Năm Ba gác trả lời liền:

– Tao biết ý mầy rồi, ý mầy là nghề làm cán bộ.

– Trật lất anh Năm ui.

– Sao trật được mậy, đến nỗi người ta nói hồi nhỏ hổng đi học lớn lên sẽ làm cán bộ, làm lãnh đạo mà.

– Chỉ mới đúng một nửa thôi, nên trật. Làm cán bộ dễ mà khó, khó mà dễ. Dễ, đúng là đôi khi chẳng cần học hành gì, chả cần năng lực chi, chỉ cần con ông cháu cha, chỉ cần chung chi, chỉ cần còm lưng xu nịnh,… nhưng bè phái dữ lắm, bè phái mạnh mới dễ dàng, bè phái bị đạp xuống thì coi như nguyên ê kíp cũng tiêu, người ta giành giựt ghế, giành giựt miếng ăn hàng ngày.

Ông Hai Xích lô gục gật:

– Có lý có lý. Hay ý mày là nghề của tao với thằng Năm, đạp xích lô và chạy ba gác?

Anh Bảy lắc đầu quầy quẩy:

– Hổng phải luôn. Bộ tưởng dễ đạp dễ chạy hả, chạy cà chớn chỏng gọng như chơi, với lại cần sức khỏe, dẻo dai nữa chứ chú Hai.

Ông Thầy Giáo nghĩ rằng anh Bảy thọt ông Ba Hu:

– Ý thằng Bảy là nghề đang rầm rộ hiện thời, chạy xe ôm Grab, Uber phải hông? Hổm anh Ba định chạy chơi đó.

Ông Hai ngạc nhiên hỏi:

– Ông Ba định chạy xe ôm…?

Anh Bảy trả lời:

– Ông Ba Hu quởn quá, chạy cho vui, cốt là chở em út, nghe tiếng đàn ông thì ông dẹp qua, nghe tiếng đàn bà con gái lanh lảnh thì mới chạy, đặng kiếm cái… ôm thôi í mà.

Ông Ba Hu mắc cỡ:

– Cái thằng, nói tầm bậy tầm bạ hoài.

Ông Hai Xích lô cười lớn:

– Tầm bậy tầm bạ trúng tùm lum tà la. Haha…

Bà con quán xá được dịp cười vui vẻ. Anh Bảy Thọt nói tiếp:

– Nhưng cũng trật luôn. Nghề này phải sắm được chiếc xe xịn xịn, dỏm dỏm bi giờ người ta chê. Với lại phải sắm thêm cái điện thoại người ta kêu là thông minh, phải thông minh sử dụng nó nữa, và dù cho có chỉ đường dẫn lối cũng phải rành đường xá chút. Cũng đâu dễ lắm.

– Vậy chớ nghề gì? – Cô Tư Sồn hỏi và lấp lửng: Đừng nói nghề…

Anh Bảy hiểu ý:

– Cũng hổng phải như chị Tư nghĩ à. Nghề tự có vốn của mình xài nhưng cũng hông có dễ đâu. Bị bố ráp dữ lắm, người đời cười khinh nữa. Thôi để nói luôn. Có mấy nghề sau đây:

Thứ nhứt là nghề làm báo. Làm báo giờ dễ khô. Có cần suy nghĩ gì đâu. Có định hướng sẵn của “ông” Tuyên giáo rồi. Biểu viết gì viết đó. Cho viết gì viết đó. Viết trật định hướng thì cho chầu rìa liền. Có ba rem sẵn y như viết báo cáo, tỷ như: Kết quả phát triển vượt bậc năm nay cao hơn năm trước; Cá nhân và tập thể đấu tranh, phấn đấu hết mình, đoàn kết một lòng, vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ,… và được sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc,… để có được thành quả như ngày hôm nay;… Tin tức, thời sự cũng có cái ba rem như vậy, thay đổi chút là xong, tin tức đâm chém, tai nạn giao thông,… và bắt cán bộ thì ngày nào cũng hà rầm, chỉ cần thay tên tuổi, địa điểm, thời gian là xong. Với cán bộ thì chốt câu “làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng”, hoặc phân minh phân bua thì “làm đúng quy trình”…

Bởi vậy, có cả hàng mấy trăm tờ báo, nghe đâu 800 lận đó, nhưng chỉ cần đọc một hai tờ là đủ, 800 tờ na ná như nhau. Chưa kể ở cấp quận huyện, phường xã, và các ban ngành đều có bản tin, tạp chí riêng của mình, tính ra không biết bao nhiêu nữa, cho nên học nghề này sao sợ thất nghiệp được (!).

Thứ nhì là nghề đạo diễn. Đạo diễn bây giờ có cần sáng tạo gì ráo đâu. Nếu chuyên nghiệp thì… đi mua chương trình của người ta, là từ nước ngoài dìa làm. Mấy ông chuyên nghiệp thì có thêm chút mắm dặm chút muối coi như cũng tạm. Còn mấy ông dàn dựng chương trình không chuyên, chương trình quần chúng thì kiểu cũng như làm báo, có ba rem và có định hướng của “ông” Tuyên giáo luôn. Các chương trình này cũng đâu có ít, chương trình văn nghệ tuyên truyền, chương trình văn nghệ quần chúng thi thố của các cơ quan, đoàn thể, ban ngành,… Bây giờ các chương trình này len lỏi tới các hội nghị, hội thảo, ra quân hoặc sơ kết, tổng kết một chương trình nào đó,… tới các đại hội cũng có góp mặt.

Dàn dựng một chương trình thì có: có hát hò – đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca, tốp ca; có múa – múa bài bản riêng và múa minh họa cho hát; có một vở tuồng ngắn – kịch, chèo, cải lương ngắn, hoạt cảnh…

Hát thì những bài hát ca ngợi đảng, bác Hồ, ca ngợi đấu tranh cách mạng, ca ngợi chiến đấu, ca ngợi quê hương đất nước,… Múa thì cầm mấy cây cờ quay quay phấp phới; bận đồ bộ đội cầm súng lao ra bắn liên thanh; bận đồ nông dân sản xuất nông nghiệp, bận đồ công nhân sản xuất công nghiệp, cầm quạt cầm hoa sen uốn lượn, bận đồ các dân tộc thiểu số và các vật dụng của họ như các dân tộc vùng Tây Nguyên thì mang cồng chiên, mang gậy cộc, dân tộc Chăm thì đội hủ đất nung trên đầu;… Tuồng tích cũng những nội dung ca ngợi đó.

Cứ “xào qua nấu lại” những điều trên là thành một chương trình. Gần đây thì có thêm nhảy lưng tưng, hip hop và những bài ca “mỳ ăn liền”.

Ông Hai Xích lô cười khanh khách:

– Bữa nào mình làm một chương trình của quán cô Tư Sồn coi. Sếp Ba Hu từng duyệt nhiều chương trình thì làm đạo diễn là ngon lành cành đào.

Ông Ba cũng bật cười nhưng xua tay:

– Quên vụ này dùm đi anh Hai.

Anh Bảy tiếp:

– Còn nghề nữa nghen. Đó là làm dư luận viên. Nghề này càng dễ và cũng là “con cháu của ông Tuyên giáo”. Nghề này chẳng cần gì ghê gớm, chỉ cần… chửi giỏi, chửi không ngượng miệng trên mạng là được. Chửi tưới hột sen bằng lời lẽ tục tỉu, bậy bạ nhứt càng ngon. Dĩ nhiên là chửi những kẻ có ý khác ý đảng, ý nhà nước, chửi những kẻ bị coi là thù địch,… và ca ngợi hết ý phe ta, định hướng dư luận theo phe ta.

Anh Năm Ba gác vỗ tay đồng tình:

– Đúng rồi. Nghề này chẳng sợ thất nghiệp đâu. Càng ngày càng nhiều hội dư luận viên được thành lập. Không chỉ “ông” Tuyên giáo, vừa rồi “ông” Quân đội cũng thành lập lực lượng này, gọi là lực lượng 47. Chỉ trong vòng chừng một năm mà đã có 10.000 ngàn người len lỏi khắp chốn rồi đó.

Các lực lượng dư luận viên này được kêu với tên mỹ miều là hạt nhân kiên định đấu tranh không gian mạng, “vừa hồng vừa chuyên”.

Ông Hai Xích lô “lĩnh hội” được tánh thọt của anh Bảy:

– Vậy là “vừa chuyền vừa hông – chuyền qua lại tùm lum rồi xốc vô hông” hen. Ông Ba Hu có tham gia hông ông Ba?

Ông Ba phẩy tay:

– Hông có đâu.

Ông Hai chỉ cậu Tân Cử nhân:

– Ê, hay thằng nhỏ học rồi làm đi.

Cậu Tân Cử nhân rụt người:

– Thôi ông Hai, thà con đi chăn trâu, chăn vịt, đi phụ hồ hay quét đường chứ vụ này con chịu thua.

Hóa ra có những nghề rất dễ học, dễ kiếm việc nhưng không dễ ai cũng theo. Chỉ có những kẻ cơ hội, mặt trơ trán bóng mới làm.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tay Quang Đinh này chế được cái máy làm thơ, cứ cho một mớ chữ vào, quay một hồi thì xả ra một bài thơ. Năng suất thơ cao vậy nên diễn đàn nào cũng chui vào để quảng cáo cho cái máy làm thơ của mình.

Comments are closed.