Những ngày châu thổ trở lại thăm Đồng Tháp

Ngô Thế Vinh

31-12-2017

Gửi Nhóm Bạn Cửu Long

Lời dẫn: đây chỉ là trích đoạn từ một bút ký về chuyến khảo sát Đồng Bằng Sông Cửu Long tháng 12.2017 vừa qua, Đồng Tháp cũng là chặng cuối của chuyến đi ấy.   

Về tới Cao Lãnh cũng đã gần nửa khuya. Trên chiếc xe Van của tài xế Sang có Wi-Fi di động, nên suốt cuộc hành trình nếu muốn, chúng tôi vẫn có thể kết nối mạng và làm việc qua iPhone, iPad. Ngày hôm sau 12.12.2017, chúng tôi vẫn thức dậy sớm để khởi hành đi vào Đồng Tháp Mười, ghé qua Gò Tháp.

Hình 1: Đoàn khảo sát môi sinh ĐBSCL 12.2017, từ trái: Ngô Thế Vinh, TS Lê Anh Tuấn Viện Nghiên cứu Biến Đổi Khí hậu ĐHCT, TS Dương Văn Ni Khoa Quản lý Tài Nguyên Thiên nhiên ĐHCT, KS Phạm Phan Long Hội Sinh Thái Việt, BS Nguyễn Văn Hưng, ThS Nguyễn Hữu Thiện Chuyên gia Vùng Đất Ngập / Wetlands, TS Lê Phát Quới Viện Tài Nguyên – Môi Trường ĐHQG Tp. HCM, và tài xế Sang.
Hình 2: Gò Tháp có khu di chỉ Ốc Eo và là chiến khu chống Pháp của Thiên Hộ Dương, nay là khu di tích quốc gia đặc biệt. Nguồn: Gò Tháp, Nxb Văn Hoá – Văn Nghệ, Saigon 2016

Tới vùng trũng Đồng Tháp Mười không thể không nhớ tới một Du kí Biên khảo ngắn Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê, năm đó ông mới 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường Công Chánh Hà Nội tháng 7 năm 1934, người cán sự công chánh thời còn rất trẻ ấy đã chọn vào Nam tới nhiệm sở là Miền Tây, đi đo đạc “lênh đênh trên khắp các kinh rạch từ Hồng Ngự tới Thủ Thừa, từ Cái Thia lên Mộc Hóa, có khi đi bộ trọn một tuần giữa một vùng bát ngát toàn lau sậy bàng năng, hai ba chục cây số không có một nóc nhà, một bóng người”. (Nguyễn Hiến Lê sanh năm 1912 mất 1984, được biết tới như là một nhà giáo, nhà văn, học giả, dịch giả, với hơn 100 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc rất nhiều thể loại).   

Nguồn gốc tên Đồng Tháp Mười, Plaine des Joncs hay Đồng Cỏ Lát có nhiều giả thiết: hoặc là nơi xây tháp thứ mười của Thiên Hộ Dương kể từ sông Lớn đi vào trong thời kỳ chống Pháp, hoặc do ngôi tháp có mười bậc, nhưng cũng có người bảo rằng đó là ngôi chùa tháp thứ mười của người Khmer thời vua Jayavarman VII tính từ điểm xuất phát.

Đồng Tháp Mười nằm bên tả ngạn Sông Tiền, bao gồm ba tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An với diện tích ngót một triệu hecta nếu kể cả vùng đất giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, [cộng với 300,000 hecta phía Svay Rieng bên Cambodia]. Đồng Tháp Mười, nơi mà hơn nửa thế kỷ trước đây thôi còn là một vùng hoang dã bát ngát sình lầy, dưới nước đỉa lội như bánh canh, trên trời muỗi bay rợp như đám mây… Đồng Tháp Mười ngày nay đã hoàn toàn đổi khác, dân tụ về ngày một đông, các vùng đất hoang kể cả các khu rừng tràm ngày một thu hẹp nhường chỗ cho nhà cửa và ruộng đồng. Khi mà đất chật người đông thì thiên nhiên chẳng còn ưu đãi và cuộc sống cũng không còn dễ dàng như những ngày xưa nữa “những ngày làm chơi ăn thiệt”.

Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh,

Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm…

Đã qua rồi cái hình ảnh ước lệ của một Nam kỳ Lục Tỉnh thời Phạm Quỳnh báo Nam Phong và thi sĩ Tản Đà Đông Pháp Thời Báo từ ngoài Bắc vào thăm không ngớt lời ca ngợi về đời sống trong Nam dễ dãi vui tươi, với gạo trắng nước trong và tôm cá thì đầy đồng: nay thì chính những người nông dân Nam Bộ hào sảng hiếu khách ấy đang phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, làm lúa cao sản ba vụ / năm để kiếm sống, “làm thiệt mà cũng chưa chắc có ăn”. 

Trở lại thăm Đồng Tháp, cũng không thể không nhớ tới con cá đuối nước mặn Selachian, tên khoa học là chondrichthyes, thuộc loài cá sụn mà ngư dân đánh bắt được trên sông Tiền, đoạn giữa hai xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung. Con cá đuối có chiều dài hơn 4 mét ngang 2 mét và nặng tới 270 ký. Đây cũng là lần đầu tiên ngư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long lưới được một con cá nước mặn lớn như vậy trên một khúc sông nằm sâu trong đất liền rất xa biển mười ngày trước Giáng Sinh năm 2000. (2)

ĐẾN VỚI GÒ THÁP TRÊN VÙNG TRŨNG ĐỒNG THÁP MƯỜI

Đồng Tháp Mười và khu Tứ giác Long Xuyên vốn là hai vùng trũng thiên nhiên của ĐBSCL. Theo bài viết ” Vùng Đất Ngập Đồng Tháp Mười” của BS Trần Ngươn Phiêu thì vùng trũng Đồng Tháp Mười có thể là lòng sông cũ của Cửu Long, nay sông Cửu đã đổi dòng và dời qua vị trí hiện nay. (3) Biển Hồ Tonle Sap là vùng trũng rộng lớn khác được ví như trái tim của Cambodia. Ba vùng trũng ấy là ba bể chứa nước khổng lồ có chức năng điều hoà mực nước lên xuống của con Sông Mekong vùng hạ lưu trong cả hai Mùa Mưa và Mùa Khô. Với những bước phát triển không bền vững (unsustainable development) chính con người đã và đang phá huỷ nhịp điều hoà thiên nhiên tuyệt hảo ấy của con Sông Mekong vốn có hàng bao ngàn năm.

Đến Gò Tháp là đến với một giồng lớn nhất của Đồng Tháp Mười, được biết tới như vùng đất của “sen hồng” nằm về phía đông nam của Tràm chim Tam Nông, cách Sài Gòn không quá 100 km. Nơi có di chỉ của nền văn hoá Óc Eo, Vương Quốc Phù Nam hiện diện từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên kéo dài tới thế kỷ XII sau CN trên ĐBSCL.

Trong lòng gò, qua những lần khai quật đã phát hiện được một di tích kiến trúc cổ với hai tượng thần Vishnu, được xác định là có niên đại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XII, được xếp vào hàng “Bảo vật Quốc gia”, rồi cạnh đó là cây Trôm trăm tuổi cũng được xếp vào Cây Di sản Việt Nam.

Cũng theo BS Trần Ngươn Phiêu thì “Các nhà khảo cổ danh tiếng như Etienne Aymonier và Henri Parmentier thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ đều đã viếng thăm Tháp Mười nhiều lần. [Trường Viễn Đông Bác Cổ / École française d’Extrême-Orient / EFEO, tiền thân là Phái đoàn Khảo cổ tại Đông Dương có từ năm 1898 và Trường Viễn Đông Bác Cổ chính thức thành lập ngày 20 tháng 1 năm 1900 là một trung tâm nghiên cứu thực địa của Pháp về Đông phương học, có nhiệm vụ nghiên cứu, khai quật khảo cổ trên toàn bán đảo Đông Dương]. Louis Malleret là quản thủ Viện Bảo Tàng Sài Gòn, là Viện trưởng trường Viễn Đông Bác Cổ là người có công nghiên cứu nhiều nhất về Tháp Mười. Malleret còn là tác giả bộ Le Delta du Mekong, trong đó quyển thứ IV (Le Cisbassac) là chuyên khảo về Đồng Tháp. Các viên gạch di tích Tháp Mười còn được lưu giữ ở Bảo tàng viện Sài Gòn là do công của L. Malleret.” (3)

Hình 3: Khai quật tượng thần Vishnu tại Gò Tháp Mười. Nguồn: tư liệu Bảo tàng Đồng Tháp

Hình 4: Di tích đền thần Shiva Gò Minh Sư: Gò Minh Sư được khai quật vào năm 2009 có dạng hai khối gần vuông gá vào nhau. Trong đó, hình khối vuông lớn ở phía Tây có cạnh dài14.95m, khối vuông nhỏ phía Đông có cạnh dài 4.20m. Tại di tích này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một nhẫn vàng có khắc hình con ốc Sankha biểu tượng của thần Vishnu, các vòng đeo tay bằng đồng, một mảnh vỡ Yoni và đặc biệt là một máng nước thiêng (Somasutra) – dấu hiệu để nhận biết đền thần Shiva. Các nhà khảo cổ học đã xác định di tích này là đền thần Shiva, có niên đại từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ XII. Năm 2012, di tích được xây mái để bảo quản. Photo by Ngô Thế Vinh.

Hình 5: cây Trôm Trăm Tuổi – Sterculia foetida L. (trái). Nguồn: Gò Tháp, Di tích Quốc gia Đặc biệt. Nxb Văn Hoá-Văn Nghệ, Saigon 2016. Phải: bảng ghi nhận là cây Di Sản Việt Nam.
Hình 6: Có truyền thuyết cho rằng trên con đường bôn ba đầy gian truân khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh đã mất một người em gái tại đây, cô chết thời còn rất trẻ và người dân nhớ thương lập miếu lập mộ thờ và nay vẫn còn ngôi cổ mộ Hoàng Cô. Photo by Ngô Thế Vinh.

Vào hậu bán thế kỷ XIX (1862-1866), đây cũng là chiến khu chống Pháp nổi tiếng của Thiên Hộ Dương / Võ Duy Dương. Trong suốt hơn 3 năm, quân đội Pháp đã vô cùng vất vả, chịu cả tổn thất mà không thể nào xâm nhập được vào chiến khu Đồng Tháp Mười của Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều. Ngoài sức chiến đấu kiên cường của các nghĩa binh, còn phải kể tới yếu tố trận địa mà đội quân viễn chinh Pháp rất sợ khi phải lội vào một vùng lau sậy cao hơn đầu người, quanh năm sình lầy ngay cả mùa khô, với đỉa trâu như bánh canh, đầy muỗi mòng, khí hậu ẩm thấp với cái nóng thiêu đốt của mặt trời nhiệt đới gần xích đạo. Sau cùng, nhờ có sự dẫn đường hai tên Quản Tấn và huyện Lộc cùng với đám lính Việt theo Pháp mà lần đầu tiên quân Pháp thắng được trận chiến sình lầy mà Đô đốc De Lagrandière cho là một thắng lợi rất lớn về chính trị. (1)

Hình 7: Đền thờ Thiên Hộ Dương là công trình kiến trúc mới xây sau này (trái). Photo by Ngô Thế Vinh. Tượng đồng Thiên Hộ Dương (phải). Nguồn: Gò Tháp, Di tích Quốc gia Đặc biệt. Nxb Văn Hoá-Văn Nghệ, Saigon 2016

Từ thời vua Thiệu Trị (1841-1847) trên gò từng có một Ngôi Tháp Cổ Tự. Đến năm 1956, thời Đệ Nhất Cộng Hoà, chính quyền Ngô Đình Diệm cho dời ngôi Tháp Cổ Tự về phía bắc để xây dựng một “Viễn Vọng Đài” mười tầng cao 36 mét nhằm “quan sát hoạt động của lực lượng Cách mạng trong vùng Đồng Tháp Mười. Rạng sáng ngày 04.01.1960, “Viễn Vọng Đài” bị đặc công tiểu đoàn 502 tỉnh Kiến Phong đánh sập và chỉ còn lại phế tích ngổn ngang trên bề mặt gò.” [sic]

Gò Tháp với diện tích 300 hecta, không chỉ là vùng khai quật khảo cổ quan trọng, nhưng cũng là nơi diễn ra các lễ hội hàng năm: rằm tháng 3 lễ vía Bà Chúa Xứ, rằm tháng 11 lễ giỗ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều.

Hình 8: Viễn Vọng Đài hay còn gọi là Tháp Mười Tầng, được chính phủ VNCH thời TT Ngô Đình Diệm dựng tại Gò Tháp làm trạm quan sát (trái). Nguồn: Gò Tháp, Di tích Quốc gia Đặc biệt. Nxb Văn Hoá-Văn Nghệ, Saigon 2016. Bảng Di Tích Gò Tháp, có ghi ngày 04.01.1960 Viễn Vọng Đài bị đánh sập, nhưng trên bản viết tay bên trên bài thơ Dân Đồng Tháp ghi ơn Tổng thống Ngô Đình Diệm thì ghi là ngày 20.12.1959 (phải). Photo by Ngô Thế Vinh

HỆ SINH THÁI ĐỒNG THÁP MƯỜI

Không có mục đích du lịch khi tới đây, phần chúng tôi quan tâm nhiều hơn là hệ sinh thái Đồng Tháp Mười. Theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, tốt nghiệp Đại học Wisconsin chuyên gia về wetlands / các vùng đất sình lầy và TS Lê Anh Tuấn, chuyên gia về Biến Đổi Khí hậu, TS Lê Phát Quới, Viện Tài Nguyên – Môi Trường người quê Long An, thì Gò Tháp không trũng sâu như vùng Tràm Chim Tam Nông nhưng có thể coi đây là một Đồng Tháp Mười thu nhỏ, mang đủ các đặc tính hệ sinh thái của vùng trũng Đồng Tháp Mười, có thảm thực vật tiêu biểu với rừng tràm, cỏ lác, năng, và đầm sen, bông điên điển, cùng với các loài động vật rất đa dạng những loài cá theo mùa, tôm cua ốc, rùa lươn rắn và các loại chim muông.

Hình 9, từ trái: Th.S Nguyễn Hữu Thiện, TS Lê Anh Tuấn, TS Lê Phát Quới, TS Dương Văn Ni (hình dưới), Trong chuyến đi ĐBSCL lần này, chúng tôi có những người bạn đồng hành khá lý tưởng, thuộc nhiều lãnh vực chuyên môn, các anh là “kho chất sám” đang có những nỗ lực cứu nguy con Sông Mekong và ĐBSCL, với tầm nhìn xa ra toàn vùng và điều đáng ghi nhận là tiếng nói của các anh đang bắt đầu được lắng nghe. Dự trù ban đầu, đoàn có thêm TS Nguyễn Ngọc Đệ, Khoa Nông Học ĐHCT nhưng anh phải đi tham dự một hội nghị lúa gạo tại Chiang Mai, Thái Lan. Photo by Ngô Thế Vinh

Từ bao ngàn năm rồi, con sông Mekong dài hơn 4,800 km bắt nguồn từ xứ tuyết Tây Tạng, với ngót nửa chiều dài chảy qua Vân Nam TQ, xuống tới Thái Lào rồi chảy qua Cambodia, khi tới Phnom Penh thì chia ra là 4 Nhánh (người Pháp gọi là Quatre Bras / Bốn Cánh Tay): cánh tay thứ nhất là Mekong Thượng hay dòng chính sông Mekong chảy từ Lào vào Cam Bốt, cánh tay thứ hai con sông Tonle Sap chảy vào Biển Hồ và hai nhánh kia là Sông Mekong Hạ vào Việt Nam trở thành Sông Tiền, Sông Bassac trở thành Sông Hậu khi tới Việt Nam. (2)

Điều hoà mực nước Sông Mekong vùng hạ lưu là ba hồ chứa nước lớn: Biển Hồ ở Cambodia có dung lượng 80 tỉ m3, ĐBSCL có vùng trũng Đồng Tháp Mười với sức chứa 10 tỉ m3 nước và khu Tứ Giác Long Xuyên có sức chứa 9.2 tỉ m3 [Cánh đồng Tứ Giác Long Xuyên nối liền với cánh đồng Takeo bên Cambodia về mặt thuỷ văn]. Vào Mùa Mưa, khi lưu lượng nước Sông Mekong dâng cao, về phía Cambodia con Sông Tonle Sap đổi chiều chảy ngược vào Biển Hồ khiến diện tích Biển Hồ tăng gấp 5 lần vào Mùa Mưa so với Mùa Khô.

Khi xuống tới ĐBSCL, nước hai con Sông Tiền và Sông Hậu dâng cao và rồi tràn bờ như một tấm thảm nước đổ tràn / sheet flow – “vừa chảy vừa chứa” vào hai vùng trũng thiên nhiên khổng lồ là Đồng Tháp Mười và Khu Tứ Giác Long Xuyên. Không chỉ có lượng nước tràn bờ từ hai con Sông Tiền và Sông Hậu, còn phải kể tới lượng nước tràn từ biên giới Cambodia qua ĐBSCL, do nước khúc Sông Mekong bên Cambodia cũng tràn bờ đổ vào các cánh đồng lũ / floodplain đổ tràn qua Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên.

Chính là nhờ có 3 hồ chứa lớn: một ở Cambodia, hai ở ĐBSCL Việt Nam khiến hai con Sông Tiền và Sông Hậu vào Mùa Mưa, cho dù lưu lượng dòng chảy rất lớn từ 36,000 m3/ giây, có khi tới 39,000 m3/ giây nhưng mực nước hai con sông vẫn chỉ dâng lên từ từ, không đột ngột gây lụt và tàn phá khủng khiếp như ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc, và cư dân Miền Tây quen gọi đó là Mùa Nước Nổi hàng năm và họ có kinh nghiệm chung sống hài hoà biết xem lũ như một tài nguyên.

Sang Mùa Khô, con Sông Tonle Sap lại đổi chiều chảy xuôi dòng [Tonle Sap là con sông duy nhất có đặc tính chảy hai chiều theo mùa]; dòng chảy từ Biển Hồ kéo theo bao nhiêu tấn cá xuống ĐBSCLvà đồng thời nước từ hai túi chứa Đồng Tháp Mười và Khu Tứ Giác Long Xuyên cũng bắt đầu rỉ rả đổ ra các con sông, kéo dài từ 2 tới 4 tháng khiến ruộng đồng không thiếu nước và không bị ngập mặn.

Nhưng rồi sự điều hoà nhịp nhàng và kỳ diệu ấy của hệ sinh thái Sông Mekong đã phải chịu nhiều “nhân tai”, đang bị chính con người phá huỷ: từ những con đập thuỷ điện khổng lồ chắn ngang dòng chính Sông Mekong ở thượng nguồn, trước tiên là Trung Quốc và nay tới Lào, các hồ chứa của

những con đập này không chỉ giữ nước mà còn ngăn chặn nguồn phù sa; Biển Hồ thì đang bị thu hẹp và cạn dần; hai túi nước khổng lồ Đồng Tháp Mười và Khu Tứ Giác Long Xuyên với tổng cộng dung lượng ngót 20 tỉ m3 cũng đang bị thu nhỏ lại do đắp đê ngăn đập để làm lúa 3 vụ và mở rộng các khu gia cư.

Hình 10: Vùng Lụt Cambodia và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nguồn: Akira Yamashita, Department of Environment and Natural Resources Management, Cần Thơ University, Vietnam.

Nói về hướng đi trong tương lai cho Đồng Tháp Mười, Th.S Nguyễn Hữu Thiện chuyên gia Vùng Đất Ngập / Wetlands đưa ra một phân tích:

“Bản thân những con đê không sao cả, nhưng đê khép kín không cho nước vào quanh năm để canh tác liên tục 3 vụ mới là vấn đề. Lý tưởng nhứt là giảm xuống còn 2 vụ, để cho nước trong mùa lũ có thể tràn đồng được, mang theo phù sa, tôm cá, làm tươi mới lại đất đai. Nhưng mà việc này khó vì khi người dân ở trong đê bao 25 năm thì nhà cửa, mồ mả, vườn tược đều xây dưới thấp trong vùng trũng, nên bây giờ xả lũ vào không được nữa. Thực tế là khi mới có đê bao khép kín ở Đồng Tháp Mười, người dân thích lắm vì có thêm thu nhập, có môi trường khô ráo, có đê làm đường giao thông thuận tiện, cá mắm thì vẫn còn, nước vẫn còn. Sau đó, khoảng 10 năm mới thấy chi phí canh tác tăng lên do dinh dưỡng trong đất bắt đầu suy kiệt, vẫn chưa sao. Sau 15 năm thấy chi phí tăng, nước ô nhiễm quá, cá mắm không còn, cũng chưa sao.  Sau 20 năm thì thấy không ổn, chi phí canh tác đã đuổi theo gần bằng thu nhập từ lúa. Một gia đình 5 người canh tác 1 hecta lúa 3 vụ không thể đủ sống (trước đây canh tác 2 vụ sống được), phải bỏ nhà cửa đi Bình Dương, ra các thành phố kiếm kế sinh nhai. Bây giờ nhiều người sống trong đê lâu năm đã thấy vấn đề, muốn xả lũ vào lấy phù sa lại, nhưng không được. Một ô đê bao như vậy từ 100-500 hecta tức là có khoảng 100-500 gia đình. Muốn xả lũ vào thì phải “trưng cầu dân ý”, nhưng không thể đồng thuận được xả lũ vào lại sẽ thiệt hại nhà cửa, mồ mả, vườn tược như đã nói ở trên. The point of no return!”

Th.S Nguyễn Hữu Thiện còn đưa ra những con số cụ thể để giải thích thêm:

“Hiện nay ở một số ô đê bao, người ta xả lũ luân phiên, cứ 3 năm xả vào một lần, tức là thay vì 3 năm 9 vụ, người ta làm 3 năm 8 vụ, nghỉ một vụ. Nhưng xả lũ kiểu này là chỉ cho nước vào vài tấc vào cuối mùa nên chỉ có tác dụng rửa bớt độc chất chứ không mang vào được phù sa, trứng cá, mà môi trường ô nhiễm bên trong ô đê bao cá cũng khó sống. Canh tác thâm canh hại ghê lắm, bây giờ sông ngòi đâu ai dám tắm, bơi lội nữa, ngứa lắm. Ở nông thôn miền sông nước Cửu Long bây giờ cũng toàn xài nước ngầm. Cả đồng bằng này, có khoảng 1 triệu giếng khoan, mỗi ngày rút lên khoảng 2 triệu mét khối nước ngầm, dùng cho công nghiệp, thủy sản, sinh hoạt, đủ thứ, vậy nên đồng bằng đang bị sụt lún, chìm xuống nhanh gấp 10 lần nước biển dâng. Với lại, bây giờ người dân đã phụ thuộc vào thu nhập từ lúa vụ ba, bỏ một vụ người dân không biết làm gì để có thu nhập. Cho nên dù biết cứ tiếp tục ba vụ thì càng không ổn về lâu dài, nhưng muốn bỏ bớt vụ ba, chuyển đổi ngược lại thì phải dần dần chứ không đột ngột được. Giải quyết chuyện này thì cần nhà nước mới làm được. Chuyện đầu tiên là phải chuyển hướng nông nghiệp, không tiếp tục đổ tiền của vào thúc đẩy hướng thâm canh nữa mà đầu tư vào nông nghiệp sạch hơn, tăng giá trị nông sản, đầu tư tạo việc làm trong ngành chế biến thì dần dần mới giảm số vụ được.

Bây giờ nhà nước đã nhận ra vấn đề rồi. Gần đây đã có Nghị quyết về chuyện bỏ chạy theo sản lượng mà tập trung vào chất lượng nông nghiệp, nhưng quá trình chuyển hướng này chắc phải 10 năm mới xong. Tạm thời chỉ hy vọng diện tích lúa ba vụ không tăng nữa là tốt lắm rồi, từ từ tính tiếp.”

Khó có thể tưởng tượng được là hiện nay “diện tích phần nguyên sinh Đồng Tháp Mười” chỉ còn lại khoảng 2%. Sự can thiệp của con người vào hai vùng trũng Đồng Tháp Mười và Khu Tứ Giác Long xuyên bất kể hậu quả, đã làm mất nguồn nước dự trữ cho mùa khô nơi ĐBSCL và cũng có nghĩa là vắt cạn kiệt tài nguyên môi sinh Đồng Tháp Mười không thể nào phục hồi lại.

Cư dân ĐBSCL đang phải trả giá cho những bước phát triển huỷ hoại ấy (destructive development). Phục hồi nguyên trạng hệ sinh thái Sông Mekong và ĐBSCL gần như là không thể được, nhưng phải biết dừng lại những bước sai lầm để giới hạn tổn thất /damage control và không làm trầm trọng thêm tình trạng vốn đã bi đát như hiện nay. Vấn đề là làm sao tạo được ý thức nơi người nông dân, và cả với giới chức quyền đa số đến từ Miền Bắc phải hiểu thế nào là phát triển bền vững (sustainaible development). Để hướng tới những bước phát triển hài hoà cho toàn vùng ĐBSCL thay vì phát triển tự phát và cục bộ, điều ấy đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn thuyết phục và cả thời gian.

***

TS Dương Văn Ni người nhỏ nhắn có nét thuần chất của một nông dân, với đôi chân từng lội ruộng dính phèn. Năm 9 tuổi đã phải xa gia đình, Tết Mậu Thân, Ni còn là một cậu bé đi rao bán bánh mì kiếm sống. Ni đã thoát ra khỏi cảnh nghèo bằng cắp sách tới trường đi học. Với kiến thức anh thu thập được từ các đại học tiên tiến [anh có bằng MS tại Philippines, rồi Ph.D ở Anh], anh Ni và các bạn đi với chúng tôi ngày hôm nay đang là bước tiếp nối thế hệ bậc thầy Phạm Hoàng Hộ, thầy Nguyễn Duy Xuân và rồi tới thế hệ Võ Tòng Xuân về sau này. Trong cố gắng bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, các anh còn có nỗ lực kích hoạt quá khứ ấy và làm sao kết nối với đời sống hiện tại. Anh Ni lúc nào cũng đau đáu nghĩ tới thực trạng cuộc sống của bà con nông dân cũng là phần đời của anh trong đó.

Đến bên một đầm sen, anh Ni giải thích: “Sen là loại cây phổ biến ở Việt Nam, nhiều nhất là vùng Đồng Tháp Mười. Lợi ích của cây sen được mọi người biết tới: từ hoa, hạt, tim sen, ngó sen, lá sen đều có công dụng và ăn được; ngay cả cọng sen đem gọt phần vỏ nhám đem muối dưa ăn cũng rất ngon và dòn, ngon hơn cả rau muống. Duy có tơ sen lấy từ cọng sen là chưa được khai thác đúng mức tuy mới đây đã có một cô doanh nhân trẻ từ Sài Gòn bắt đầu đi vào thử nghiệm khai thác.”

Hình 11:Cánh đồng sen Đồng Tháp đang mùa trổ hoa. Photo by Dương Văn Ni
Hình 12: lá sen non làm rau và dùng lá sen cuốn gỏi cá, hạt sen rang (thay vì đậu phọng rang) là những món ăn quen thuộc của cư dân Đồng Tháp. Photo by Ngô Thế Vinh
Hình 13: (Trái) TS Dương Văn Ni đang giảng về cây cỏ Đồng Tháp, từ công dụng làm thuốc của cây cỏ bắc sao thổ nay làm trà; tới lợi ích của cây sen: từ hoa, hạt, tim sen, ngó sen, lá sen đều có công dụng và ăn được; ngay cả cọng sen đem gọt phần vỏ nhám đem muối dưa ăn cũng rất dòn, và ngon hơn cả rau muống. Duy có tơ sen là chưa được khai thác đúng mức. Phải: KS Phạm Phan Long, Hội Sinh Thái Việt đang học rút tơ sen từ một cọng sen. Photo by Ngô Thế Vinh.
Hình 14: Những sợi tơ sen rất mịn rút ra từ một cọng sen; phải: người phụ nữ Myanmar đang dệt lụa sen. Nguồn: Tư liệu Dương Văn Ni

Theo TS Lê Anh Tuấn, loại lụa đặc biệt làm từ tơ sen không phải là mới với một số quốc gia Đông Nam Á. Đó là một nghề truyền thống có từ cả trăm năm nơi ngôi làng Paw Khon, Miến Điện. Lụa này được dệt từ những sợi tơ kéo ra từ thân cây sen, tuy là sản phẩm hiếm và đắt giá nhưng rất thu hút du khách. Một chiếc khăn san dệt bằng tơ sen có giá thành đắt hơn lụa / silk có thể lên đến 100 USD. [vnexpress.net] (4)

Mới đây 2009, một doanh nhân trẻ người Pháp Awen Delaval, đã lập một Công ty thời trang làm lụa từ tơ sen ở tỉnh Siêm Riệp, nơi có khu đền đài Angkor. Đây là một ngành tiểu công nghệ đòi hỏi nhiều công đoạn và rất tốn thời gian: để dệt được 1 mét lụa sen, phải cần khoảng 15.000 cọng sen để kéo được 3.000m sợi chỉ sen. Giá thành sản phẩm từ lụa sen rất cao như một chiếc áo làm từ lụa sen có giá 2.000 USD, một chiếc váy có giá lên tới 4.000 USD nhưng vẫn có người tìm mua. Do mức sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, công ty của Awen Delaval đã phải lập riêng một nông trại sen với diện tích 20 hecta, để có thêm nguyên liệu cọng sen mở rộng sản xuất. [vtv.vn/kinh-te] (4)

Nguyên liệu sen thì Đồng Tháp không hề thiếu, chỉ cần giới doanh nhân trẻ dám mạnh dạn đầu tư và đem lại công ăn việc làm cho bao cô gái Đồng Tháp, hay các cô gái Miền Tây nói chung, thay vì bỏ mặc họ phải bỏ quê lên thành phố kiếm sống hay phải chọn đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan và mới đây nhiều hơn, đang được khuyến khích là kết hôn với đám công nhân Tàu đang làm việc ở Việt Nam, hợp pháp hay không. Mong rằng tấn thảm kịch bị Hán hoá / Sinicization như quốc gia Tây Tạng không diễn ra ở ĐBSCL vào những thập niên tới. Người Tây Tạng ngày nay đã trở thành thiểu số trên chính quê hương họ.

ĐẾN VỚI NHỮNG KHỐI ĐÁ LÃNG QUÊN

Rải rác trên nền lá khô, dưới các tầng cây cao không thể không chú ý tới những khối đá tảng, có hình như những khối vuông hình cột. Theo anh Võ Tấn Nghĩa người trông coi khu Bảo tồn Gò Tháp, thì đây là những khối đá có gốc gác từ nền văn hoá Phù Nam hơn 1,500 năm trước, nguyên là chiếc cổng bằng đá đi vào Đền Thần Shiva; do một trận đại hồng thuỷ vào Thế kỷ thứ VII, bị đổ sập một số trôi dạt xuống đây. [sic]

Nhìn kỹ trên mặt đá, có chút tò mò mới thấy được những nét chữ khác nhau khắc trên mặt đá, và có lẽ chỉ mới đây thôi – từ thế kỷ trước, nay đã lu mờ do sức tàn phá của những trận mưa acid và sức bào mòn của thời gian. TS Lê Phát Quới trong nhóm tìm đọc và chụp hình với ống kính zoom những bài thơ rải rác trên mặt đá. Mấy dòng thơ cảm khái anh Quới đọc mà tôi còn nhớ được, có tựa đề Đồng Tháp Mười, không ghi ngày tháng, tác giả thì khuyết danh:

Còn non còn nước còn ta

Non mòn biển cạn lòng ta vẫn đầy

Hình 15: theo anh Nghĩa, người trông coi khu Bảo tồn Gò Tháp, thì đây là một trong những tảng đá từ cổng vào Đền Thần Shiva có gốc gác từ nền văn hoá Phù Nam từ hơn 1500 năm, bị ngã đổ và trôi dạt sau một trận đại hồng thuỷ vào Thế kỷ thứ VII. Các bài thơ và bàn cờ tướng khắc trên đá chỉ mới có từ thế kỷ XX về sau này. Từ phải: anh Nghĩa Gò Tháp, TS Lê Phát Quới Viện Tài Nguyên – Môi Trường ĐHQG Tp. HCM, TS Lê Anh Tuấn Viện Biến Đổi Khí hậu ĐH Cần Thơ. Photo by Ngô Thế Vinh

THÊM MỘT BÀI THƠ KHÁC TRÊN ĐÁ, GÒ THÁP 1956

Trên mặt bằng phẳng một khối đá khác, tôi không khỏi ngạc nhiên khi đọc được một dòng chữ tương đối còn rõ nét: Toàn dân Đồng Tháp ghi ơn Ngô Tổng Thống và đó cũng là câu đầu của một bài thơ mộc mạc nhưng cảm động ghi lại chuyến viếng thăm Đồng Tháp của Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào ngày 13 tháng 7 năm 1956 tức năm Bính Thân.

Anh Nghĩa người trông coi khu Bảo tồn Gò Tháp, tuổi chừng 40 có dáng vẻ đôn hậu của người dân Nam Bộ, khi TT Ngô Đình Diệm tới đây thì anh chưa sinh ra, anh nói lại như một cổ tích: “Tháng 7 năm 1956, Ngô Đình Diệm tới đây khánh thành một công trình tỉnh Đồng Tháp, có tới ngồi đây đánh cờ, ăn chén bắp xôi, uống ly rượu nghĩa tình với dân Đồng Tháp.” [sic] 

Chúng tôi cùng nhau phải vừa đọc vừa đoán, dù hết sức tập trung, cũng vẫn là câu được câu mất. Hơn 60 năm rồi còn gì, liên tục phơi mình trong những cơn mưa lũ trong cái nóng ẩm miền nhiệt đới, những khối sa thạch ấy đang bị bào mòn theo thời gian.

Khi hỏi, mới được biết bài thơ khắc trên đá ấy không có trong cuốn sách Gò Tháp (3) vừa tái bản nhưng anh Nghĩa cũng đã ghi lại bài thơ bằng máy đánh chữ rồi được lưu trong máy như tài liệu riêng. Chúng tôi yêu cầu có bài thơ ấy và anh Nghĩa hứa là sẽ gửi cho chúng tôi.

Và rồi ba ngày sau, trước khi rời Sài Gòn, tôi đã được anh Nghĩa Gò Tháp gửi qua điện thư cho một bản chụp và dưới đây là nguyên vẹn bài thơ dân Đồng Tháp ghi ơn Tổng thống Ngô Đình Diệm khắc trên đá.

Hình 16: bài thơ toàn dân Đồng Tháp ghi ơn Ngô Tổng Thống được khắc trên một tảng đá vào ngày 13.7.1956, nay đã phai mờ, ít ai chú ý và gần như bị lãng quên không bị đập phá, có thể là do bản tính hiếu hòa của dân Nam Bộ. Photo by Ngô Thế Vinh

Nơi đầu trang toàn bài thơ là ba dòng chữ viết tay:

Hình 17: bài thơ Toàn dân Đồng Tháp ghi ơn Ngô Tổng Thống. Nguồn: Tư liệu của anh Nghĩa Gò Tháp

Toàn dân Đồng Tháp ghi ơn Ngô Tổng Thống

Ngàn năm một thuở, vùng chính khí in bước Ngô chí sĩ

Quan san cách trở viếng cảnh người xưa suối vàng chắc hẳn

Tổng Đốc Binh Kiều. Tất* dạ khuây, cho hay, nhân sinh

tự cổ thuỳ vô tử, tử ư quốc sự, tử cương thường.

Hết viếng người xưa, đến viếng dân,

Toàn dân Đồng Tháp đến tri ân, thương người lận đận

vì non nước, ký thác cuộc đời cho núi sông.

Nơi đây 13/7 năm Bính Thân ” 1956 “

Tổng Thống ăn ngồi chung với dân,

Xếp bằng mặt đất bên chén bắp sôi,

Chai rượu nếp, tình người cao cả rộng bao la.

Đại tá Văn Là tường thuật sự,

Tháp mười đô thị thành hồng khách,

Báo quốc vong thân độc nhất quân,

Gẫm chuyện cổ kim chưa từng có,

Gò Tháp chốn nầy tạt* đá ghi.       

Gò tháp ngày 14/7 năm Bính Thân 1956.

Một giải phóng quân Đồng Tháp đã khổ         

mới chịu khổ để cứu khổ kẻ khác         

Viết theo trên tản* đá còn lại ở nền Tháp Mười tầng.

Một trang sử đã qua đi, không luận tới chuyện thành bại, ngậm ngùi để thấy rằng Miền Nam, Châu Á đã mất đi một khuôn mặt lãnh đạo “nhân cách.”

NGÔ THẾ VINH

Đồng Tháp Mười 12.2017

* Ghi chú của người viết: vẫn giữ nguyên các từ ngữ “địch, ta” và những đánh vần sai chánh tả từ bản gốc.

Tham khảo:

1/ Nguyễn Hiến Lê, Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười. Nxb Nguyễn Hiến Lê, Saigon 1954

2/ Ngô Thế Vinh, Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng.

Nxb Văn Nghệ California 2000

3/ Trần Ngươn Phiêu. Vùng Đất Ngập Đồng Tháp Mười. Amarillo, Texas 2006. [tư liệu Ngô Thế Vinh]. Diễn Đàn Thế Kỷ 6.12.2010

4/ Gò Tháp, Di tích Quốc gia Đặc biệt. Nxb Văn Hoá-Văn Nghệ, Saigon 2016

5/ Lụa dệt từ sợi tơ sen khá phổ biến ở Myanmar và Cambodia:

https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nong-nghiep-sach/che-tao-do-thu-cong-tu-cay-trong-3599645-p4.html

http://vtv.vn/kinh-te/doc-dao-lua-lam-tu-cuong-sen-tai-campuchia-20170709110311059.htm

Bình Luận từ Facebook