Chuyện buồn Việt Nam

FB Mai Quốc Ấn

30-12-2017

Một năm 2017 giàu biến động và “dư giả” chuyện buồn. Có rất nhiều sự kiện lớn và rất đáng buồn như phản đối BOT, bắt hàng loạt quan chức tham ô, bà giết cháu, vợ giết chồng, chồng giết vợ, cha mẹ hành hạ con, bảo mẫu đánh trẻ em, các hoạt động gây ô nhiễm, ăn cướp và live stream,…

Đất nước nhiều chuyện buồn quá!

Bé gái 11 tuổi ở Vĩnh Long bị cha và ông nội xâm hại tình dục. Ảnh: internet

Trong đó, tôi chọn câu chuyện bố và ông nội cùng hiếp dâm bé gái 11 tuổi nhiều lần trong hơn 1 năm tại xã An Phước, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long làm câu chuyện buồn nhất, tiêu biểu nhất tại Việt Nam!

Trong mối quan hệ ruột thịt ông- cháu, bố- con thì hành vi thú tính của người ông và người bố thực sự đã “giết” đứa trẻ ấy. Mẹ và bà của cháu vì sao cùng nhà mà câu chuyện độc ác vô luân ấy vẫn xảy ra một thời gian dài. Hàng xóm,thầy cô không, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, chính quyển địa phương,.v.v.. thấy biểu hiện tâm lý bất thường của một đứa trẻ bị xâm hại ư?

Số liệu của Cục Cảnh sát hình sự cho thấy bình quân mỗi năm cả nước có khoảng 1.500 vụ xâm hại trẻ em với hơn 1.500 em bị xâm hại. Trong đó, 2/3 (khoảng 1.000 em) trẻ bị xâm hại tình dục. Trung bình mỗi 8 giờ trôi qua, một trẻ em Việt Nam lại bị xâm hại.

Theo CPS, có 1/9 bé gái và 1/53 bé trai bị người lớn tấn công hoặc lạm dụng tình dục. 82% số nạn nhân dưới 18 tuổi là nữ. 1/10 trẻ em bị lạm dụng tình dục trước 18 tuổi và 20% số vụ tấn công tình dục với trẻ em dưới 8 tuổi. 1/7 vụ án ấu dâm do trẻ vị thành niên gây ra tại trường học.

Và đây là những con số được công bố chứ những vụ xâm hại tình dục không được phát hiện có thể lớn hơn rất nhiều.

Ngay cả bản thân tôi cũng được nghe nhiều bạn nữ gặp riêng và chia sẻ về việc họ bị xâm hại tình dục. Sự tổn thương ấy theo họ 10 năm, 20 năm, 30 năm hay lâu hơn mà không phai mờ. Họ nghi kỵ người khác giới khi thấy họ bồng bế, nựng nịu những đứa trẻ. Họ sợ hãi chung đụng thể xác với người yêu hay vợ/chồng mình. Có một số trường hợp, tệ hơn, họ sống buông thả hoàn toàn để “trả thù đời”.v.v..

Tâm lý của nạn nhân là giấu kín sự việc thay vì tìm đến cơ quan chức năng, bác sĩ tâm lý hay người thân để chia sẻ. Có trường hợp tôi biết thậm chí cha mẹ nạn nhân không cho con mình nói ra thủ phạm vì đó là người thân hay mối làm ăn của gia đình.

Trẻ em- đối tượng dễ tổn thương nhất- lại không được bảo vệ một cách an toàn chính là lỗi của người lớn chúng ta. Các cơ quan chức năng hãy thôi chúc tụng nhau và lừa mị bằng các báo cáo đẹp, cha mẹ hãy chú ý đến con mình. Tôi đặc biệt không thích cách nhiều cha mẹ chụp hình, quay clip, livestream khoe con vì đó là cách “mời gọi” yêu râu xanh đến tốt nhất.

Hãy học những kỹ năng bảo vệ con cái và dạy những đứa trẻ những kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình!

Và về luật, hãy học Indonesia! Xâm hại trẻ em bằng bộ phận nào thì chặt rời bộ phận ấy, kể cả thiến. Cách ly tất cả các đối tượng xâm hại trẻ em khỏi cộng đồng.

Thật đáng tiếc, tôi thấy một đám đông chỉ biết đâm đầu kiếm tiền, xu phụ quyền thế và thiếu vắng kỹ năng để chống lại những kẻ ác “ẩn hình” lẫn “hiện hình” xung quanh.

Hãy hỏi nội tâm của bạn, bạn có nằm trong đám đông ấy không? Nội tâm bản thân không biết nói dối đâu!

Và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu những chuyện buồn Việt Nam lại cứ tiếp tục diễn ra trên đất nước này!

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Chuyện buồn Việt Nam

    Tác giả chọn ‘bức tranh’ ấy quả thật là bức tranh đáng buồn nhất thật !
    Hậu quả “hạ tắc loạn” thì, ngoài những tội ác ghê rợn mới xuất hiện, chính cái ‘loạn lạc lương tri’ bên trong từng con người, mới thực sự đáng sợ ! Sự băng hoại toàn diện đã tràn đến với…cả người tốt lẫn kẻ xấu trong xã hội , và phản ứng cũng khác nhau. Những kẻ bất lương, tăm tối mù quáng…thì vui mừng nhìn nó tràn đến. Họ xem nó như ‘cơ hội” , không phải một đại nạn- Họ hòa nhập vào nó dễ dàng không cần suy nghĩ nhiều …

    Một chế độ, xã hội hoang dại –nuôi dưỡng những kẻ rừng rú, tuổi thơ sẽ chìm trong địa ngục. Một xã hội thiện lương ,nhân bản trong lành , thì tuổi thơ như được sống nơi thiên đường. Nơi ấy, những cô bé thế này …là những thiên thần !

    Nhắc đến Thiên thần,
    Mỗi khi xem cô bé con 7-8 tuổi Angelina Jordan, người Norway- đang thời… thay răng sữa , hát bài “Fly Me To The Moon” (https://www.youtube.com/watch?v=nBGMQ9Kx9iI)- là lại thấy xúc động . Giọng ca hay, khuôn mặt như thiên thần. Cô bé ấy hát bằng một niềm đam mê thật lạ lùng…, ( và buồn cười nữa, vì lúc cao trào, miệng bé uốn éo, méo sang bên, lắm lúc chiếc răng cửa trẻ con loại khủng, như cứ muốn chồm ra “say hello” với khác giả …)
    Tuy thế, tất cả không gì gây ấn tượng mạnh bằng ánh nhìn của cô bé. Cái nhìn ấy ngây thơ, trong vắt không hề vẩn dù chỉ một gợn bụi nhỏ…Nét trong sáng thánh thiện ấy, ắt sẽ làm thắc lòng những người từng trãi, vất vả bôn ba suốt một cuộc đời . Nếu chọn một hình mẫu thiên thần, Angelina Jordan hoàn toàn xứng đáng là một đại diện…Hoặc ít nhất là, trong tưởng tượng của tôi Thiên thần sẽ là như vậy !
    ——
    Đến bao giờ, những đôi mắt trong veo kia ở Việt Nam mới có được cái ánh nhìn như đồng trang lứa của họ ở những thiên đường kia ? .

  2. Theo Mai Quốc Ấn, list “những chuyện buồn” của năm gồm -tớ hi-lited 1 số- “phản đối BOT, bắt hàng loạt quan chức tham ô, bà giết cháu, vợ giết chồng, chồng giết vợ, cha mẹ hành hạ con, bảo mẫu đánh trẻ em, các hoạt động gây ô nhiễm, ăn cướp và live stream”

    Phải chi không ai phản đối BOT, các quan chức tham ô không bị bắt thì có lẽ, đ/v Mai Quốc Ấn, đất nước ít chuyện buồn hơn, và có lẽ Mai Quốc Ấn cũng có thể vui lên được 1 tẹo . Thành thật chia buồn cùng tác giả .

Comments are closed.