18-12-2017
Formosa Hà Tĩnh bị phạt thêm 560 triệu vì chôn lấp trái phép hơn 300 tấn chất thải rắn xuống đất nông nghiệp vào tháng 7/2016, theo truyền thông trong nước.
Hôm 16/12, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định số 3745/QĐ-UBND xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa.
Từ đầu tháng 7/2016, nhiều người dân đã phát hiện nhiều xe ô tô chở chất thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh về chôn lấp tại khu vực trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Quản lý Môi trường Đô thị Kỳ Anh.
Giới chức Hà Tĩnh sau đó phát hiện 100m³ chất thải màu đen có mùi hôi đang được tập kết, chôn lấp sơ sài dưới lòng đất.
Sau khi tiến hành tổng hợp, phân tích, hôm 1/8/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường kết luận: Bùn thải bị chôn lấp trái phép tại khu vực trang trại của ông Lê Quang Hòa đã được bốc xúc, lưu giữ với khối lượng là 390,72 tấn bao gồm cả đất đá bị lẫn.
Chất độc xyanua trong khối chất thải cũng bị phát hiện là vượt ngưỡng chất thải nguy hại.
Theo báo Zing, hàng trăm tấn rác thải có chữ Trung Quốc được người dân phát hiện nhiều nơi ở Hà Tĩnh.
Công ty gang thép Formosa bị xử phạt 560 triệu vì hành vi “Không phân định chất thải nguy hại để quản lý theo quy định của pháp luật, chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.”
Còn công ty của ông Lê Quang Hòa bị xử phạt 450 triệu vì “Chôn lấp, đổ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường”
Vào hồi tháng Bảy năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến ‘thị sát’ nhà máy thép này.
Báo VnEconomy mô tả Thủ tướng Phúc đánh giá cao “sự cố gắng khắc phục nghiêm túc” của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).
Tháng 8/2016, 4 tháng sau khi bị phát hiện xả chất độc hại trái phép gây ra thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam ở 4 tỉnh vùng biển miền Trung, Formosa đã bồi thường 500 triệu USD, khoảng 11 ngàn tỷ VND.
Chính phủ Việt Nam tuyên bố dự kiến bồi thường hết cho người dân vào 30/6 năm nay, nhưng đến nay, nhiều người dân vẫn phản ánh với BBC rằng họ vẫn chưa nhận đủ hoặc chưa nhận một đồng tiền đền bù nào.