Thạch Đạt Lang
14-12-2017
Cuối năm, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa… ở Việt Nam coi bộ có nhiều sôi động. Văn hóa có đề xuất cải cách chữ viết tiếng Việt của ngài phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hiền, về kinh tế, thủ tướng Phúc đang điên đầu với BOT Cai Lậy, chưa có giải pháp dứt điểm, phần ồn ào nhất mà người dân đang nôn nao, hóng chờ, căng mắt theo dõi là chính trị, cái lò tôn của ngài Tổng Trọng lửa đang cháy hừng hực, khúc củi tươi họ Đinh vừa bị ném vào lò, bốc khói mù mịt, khét lẹt.
Để làm giảm sự sốt ruột, nóng nẩy của mọi người dân đang háo hức chờ hồi kết của những biến động trên, Thạch tui xin ba điều, bốn chuyện nói tào lao chuyện khác cho độc giả giải khuây coi như pao-dờ (pause) trong một trận chung kết võ đài.
Đó là chuyện từ ngày có internet, email, các trang mạng xã hội như facebook…, số lượng bác sĩ, thầy thuốc đông y lẫn tây y người Việt Nam không qua một trường lớp nào tăng lên vùn vụt đến chóng mặt. Trước đây, giáo sư Huỳnh Chiếu Đẳng, người thành lập, đồng thời là chủ, người dọn bàn, nấu bếp… của chuỗi Quán Ven Đường 1, 2, 3 đã từng có những bài viết cảnh cáo về các toa thuốc xin xăm, trời ơi đất hỡi trên mạng.
Tuy nhiên do người Việt Nam, đa số do tâm lý thích làm bác sĩ, thích chẩn bệnh, cho toa online… nên mỗi khi có người lên tiếng hỏi (sơ sơ) về một căn bệnh nào đó trên facebook hay mạng xã hội khác, lập tức sẽ có ít nhất cả chục toa thuốc được đưa lên, giới thiệu (miễn phí). Hầu như toa nào cũng bảo đảm sẽ hết trong thời gian ngắn cấp kỳ.
Điểm đặc biệt của những toa thuốc được kê miễn phí này là không cần biết tuổi tác bệnh nhân, không cần bắt mạch, nghe phổi, thời gian bị bệnh, trọng lượng cơ thể, triệu chứng… Bệnh nhân nào có can đảm, cứ lựa ra ít toa rồi úm ba la, lấy ra một toa, đi tìm dược liệu theo lời chỉ dẫn, dùng thử. Trời thương thì hết, không thì cũng có cái hay là có dịp thử cái toa thứ hai, thứ ba…Thử chừng chục cái không hết thì… hết thở. Chẳng chết ai và cũng chẳng có ai chịu trách nhiệm.
Mới đây, trên Facebook, một độc giả nêu câu hỏi: Gan bị nhiễm mỡ thì phải làm sao?
Sau 14 giờ đồng hồ đưa lên mạng, người viết đếm sơ sơ có 75 ý kiến, và vài chục toa chỉ dẫn. Xin liệt kê một số toa thuộc loại “quý, hiếm, gia truyền”:
1. Uống nước quả sung phơi khô. Bao nhiêu quả, làm sao để lấy nước quả sung khi nó đã khô queo, hổng thấy nói tiếp.
2. Tự làm tỏi đen, ăn thử. Ăn bao nhiêu tép một ngày, hổng thấy thầy “phán” rõ ràng.
3. Lấy vỏ quả chanh (đã vắt hết nước) rửa sạch, mỗi lần khoảng 20 vỏ, bỏ vào nồi đậy kín nắp, đun 10 phút, trong quá trình đun không để thoát hơi, đun xong tắt bếp để đó, khi nào nguội thì mở nắp ra lọc lấy nước uống. Tuy có đắng tí nhưng rất hay, nếu không chịu được đắng có thể thêm 1 chút mật ong. (Nhà không bán nước đá chanh đường, vắt chanh lấy nước xong, đem nước chanh đi đâu, làm nước mắm chanh, ớt, tỏi, đường… chăng?)
4. Khế chua vắt lấy nước, bỏ đường phèn vô hấp trong nồi cơm. Không tìm được khế chua, thay thế khế ngọt có được không?
5. Cây chó đẻ nấu lên lấy nước uống. Nấu, uống như thế nào thì cứ việc tự biên, tự diễn.
6. Mua nhân trần nấu nước, uống như nước hằng ngày trong một tháng.
7. Một quả mướp đắng (bao lớn, nặng bao nhiêu gram, hổng nói), 1 vỏ quả bưởi, 3 chén nước nấu lại còn 1 chén. Nên uống ngày 2 chén, khoảng 1 tuần đến 10 ngày là tiêu (tùng?).
9. Nước ép mầm lúa mì. (Đi kiếm mầm lúa mì chắc cũng trần ai khoai củ).
10. Uống 1 trái dừa non với 1 lát chanh mỗi buổi sáng, liên tục 2 tuần là hết. Không hết thì uống tiếp đến khi nào hết (thở) thì ngưng.
11. Ăn rau có chất chat, chất đắng: ví dụ như rau đắng, bồ ngót, lá cách, bắp chuối.
12. Tìm cây Kế Sữa (Milk Thistle, không biết người cho toa này dịch ra tiếng Việt từ nguồn nào) sắt ra, phơi khô, nấu nước uống. Độc giả nào muốn dùng toa này thì vào đây đọc thêm chút tiếng Anh về công dụng của loại thuốc bào chế từ cây Milk Thistle.
13. Lấy 3 nhánh sả tươi, đập dập ra nấu với 1 lít nước. Đun sôi khoảng 5 phút với lửa nhỏ (để tinh dầu sả không bốc hơi) uống thay nước trong 3 ngày liên tục. Không hết thì uống tiếp 3 ngày nữa, lặp lại đến khi nào hết thì ngưng.
14. Nghệ tươi. Uống như thế nào, liều lượng ra sao, không thấy (ông, bà) thầy chỉ dẫn thêm.
15. Một củ gừng bằng ba ngón tay (tay người lớn hay tay trẻ em?), ba quả chanh, ba củ tỏi. Rửa sạch. Cạo vỏ gừng, bóc vỏ tỏi, cắt lát quả chanh. Cho hết vào cối xay sinh tố, thêm nửa lít nước. Xay nhuyễn. Lóng gạt bã, cất nước vào tủ lạnh. Mỗi buổi sáng uống một tách nhỏ trước khi ăn. Sau một tuần có kết quả. (Không có kết quả, làm tiếp thêm một tuần, tiếp tục cho đến khi hết).
16. Uống chuối hột. Chuối hột làm sao uống? Phải ăn chứ! Còn ép ra thì được bao nhiêu nước?
Còn nhiều toa nữa nhưng không thể kể hết ra đây. Chợt nghĩ, không ai phủ nhận giá trị của đông y (thuốc Bắc, thuốc Nam), tuy nhiên việc cho toa hay bào chế, đòi hỏi người thầy thuốc đông y phải khám, nghe mạch, hỏi triệu chứng trực tiếp từ bệnh nhân để có thể gia giảm liều lượng khi cho toa.
Đưa ra ý kiến, chỉ cho ai một toa thuốc nào đó mà bản thân đã dùng qua, có hiệu quả nhưng chưa chắc đã hợp với người khác, có thể gây những biến chứng nặng nề, nguy hiểm cho tính mạng người khác là điều không nên.
Cách đây khoảng 15 năm, đã một thời Canh Dưỡng Sinh làm mưa gió, trị bá bệnh, từ từ chìm xuồng sau chừng 1-2 năm, chuyển qua đậu Methi Seed trị tiểu đường của Ấn Độ, rồi tới nước cốt chanh hòa mật ong trị ung thư, dầu dừa trị Cholesterol cao, nước cây xương rồng Aloe Vera trị bá bệnh, kể cả ung thư… Đủ các toa thần dược gia truyền hằm bà lằng, xắng cấu, phổ biến tới tấp trên Email. Yahoo, Facebook… Còn trước đó, sau cái ngày “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” thì có “xuyên tâm liên” trị bá bệnh!
Biết đến bao giờ người Việt Nam mới bỏ được thói quen dễ dàng, hời hợt, nhẹ dạ, tiếp tục phổ biến một cách bừa bãi, những điều vô lý, thiếu căn bản khoa học, những tin tức chưa được kiểm chứng, xác minh cũng như các toa thuốc vớ vẩn? Tin tức không chính xác, chưa được kiểm chứng chỉ gây hoang mang, lo sợ, bối rối cho người nghe nhưng một toa thuốc tào lao có thể gây nguy hiểm đến tính mạng một người không quen biết, một người thân, một người bạn của mình.