Thời báo Hoàn Cầu viết về tình cảm yêu–ghét của VN với TQ

Nghiên cứu Quốc tế

Biên dịch và ghi chú: Nguyễn Hải Hoành

4-12-2017

Người dân Hà Nội tưởng niệm các tử sĩ Hoàng Sa. Ảnh: internet

Ngày 28/11/2017, thời báo Hoàn Cầu đăng bài của nhà báo Bạch Vân Dy viết về quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc với tựa đề “Thật khó tin! Tình cảm yêu ghét Trung Quốc của ‘Quốc gia anh em’ này lại lộ liễu đến thế”. Nội dung bài báo như sau:

Phòng bị – khi mở bản đồ vùng này, tôi bỗng phát hiện…

Trong lịch sử, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Hán [nguyên văn Hán phong] từng một thời có danh hiệu đẹp là “Trung Hoa nhỏ”, và ở thời nay, việc xây dựng và cải cách chính trị, kinh tế và chế độ xã hội Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của Trung Quốc, thể hiện ở tính chất giống nhau về mô hình. Thế nhưng đất nước núi liền núi sông liền sông với Trung Quốc này lại có tình cảm cực kỳ phức tạp với Trung Quốc: có phòng bị nhưng không thể không ở gần; có ấm ức [ủy khúc] nhưng từ đáy lòng lại có sự hâm mộ và hướng tới [Trung Quốc].

Tình cảm ấy biểu hiện một cách khác thường tại hai thành phố của Việt Nam. Đó là thành phố mới nổi Đà Nẵng, và Nha Trang, nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng, hai nơi này thu hút du khách Trung Quốc ùn ùn kéo đến, cũng là nơi châm ngòi cho các tranh cãi có liên quan tới “Trung Quốc”. Gần đây phóng viên của “Thời báo Hoàn cầu” đã đến hai đô thị kể trên trải nghiệm sự “đan xen yêu ghét” của Việt Nam đối với Trung Quốc.

Do nằm gần cố đô Huế và sở hữu một bờ biển đẹp, mấy năm nay Đà Nẵng, thành phố lớn thứ tư của Việt Nam, đã trở thành thắng cảnh nghỉ dưỡng trong con mắt của nhiều người Trung Quốc. Thế nhưng khi đi dạo trong phong cảnh nhiệt đới mê ly ấy, có lẽ nhiều người chưa biết rằng Đà Nẵng là căn cứ hải quân quan trọng và cũng là thành phố Việt Nam ở gần quần đảo Hoàng Sa nhất.

Ngay trong buổi sáng đầu tiên đến Đà Nẵng, phóng viên “Thời báo Hoàn cầu” đã chú ý tới điểm đó. Phóng viên mua một bản đồ vùng này, khi mở bản đồ lập tức phát hiện thấy ở phía trên tại chỗ dễ thấy nhất có đánh dấu phạm vi quản lý của Đà Nẵng, kể cả cái gọi là “Quần đảo Hoàng Sa” (tức quần đảo Tây Sa của Trung Quốc – ghi chú của Thời báo Hoàn Cầu).

Có thể thấy sự “tuyên bố chủ quyền” tương tự như vậy ở khắp mọi chỗ: con đường vòng bãi biển Mỹ Khê là một trong những nơi đông du khách nhất, nhưng con đường đầy ánh nắng, bãi cát và cây dừa ấy lại mang hai cái tên có ý vị chính trị cực kỳ mạnh mẽ: đoạn phía Bắc gọi là “Hoàng Sa”, đoạn phía Nam gọi là “Trường Sa” (Việt Nam gọi quần đảo Nam Sa là “quần đảo Trường Sa” – ghi chú của Thời báo Hoàn Cầu). Tại một phía “đường Hoàng Sa” có một tòa nhà nhỏ bốn tầng, lạ thay trước cửa có mấy chữ lớn “Nhà trưng bày Hoàng Sa”. Cho dù công trình này chưa hoàn thành nhưng phóng viên bản báo nhìn thấy trong nhà có một tượng đài màu trắng ngờ là “tấm bia chủ quyền”.

Hầu như mỗi người Đà Nẵng đều đã quen thuộc với những cái tên đường phố và tòa nhà có ý vị sâu xa ấy, hơn nữa thái độ thể hiện của chính quyền đối với điều đó cũng kích thích tình cảm của dân chúng. Anh Việt, chủ một cửa hàng trái cây ở trung tâm thành phố nói với phóng viên “Thời báo Hoàn cầu” rằng anh thường thấy báo chí và truyền hình đưa tin nói Trung Quốc “bố trí vũ khí ở Biển Đông của chúng tôi (Việt Nam gọi Nam Hải là Biển Đông – ghi chú của Thời báo Hoàn Cầu)”, anh rất phản cảm với chính phủ Trung Quốc, “Tôi mong sao Đà Nẵng có thể đặt càng nhiều tên đường và tên đất như “Hoàng Sa”, “Trường Sa”. Thậm chí tôi mong rằng sẽ có ngày cái tên “Hoàng Sa”, “Trường Sa” có thể xuất hiện trên đường phố Trung Quốc!”

Những ngôn từ gay gắt như thế khiến phóng viên bản báo có chút ngạc nhiên. Phía sau loại “tuyên bố” ấy có sự phòng bị, bất an, cũng phảng phất có ý thù địch. Phóng viên bản báo cảm nhận sâu sắc điều đó khi có mặt tại “Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa” ở trung tâm thành phố Đà Nẵng. Đây là cơ quan “Chính quyền huyện Hoàng Sa” Việt Nam đặt riêng, trên danh nghĩa là để quản lý toàn bộ quần đảo Tây Sa.

Phóng viên bản báo đến thăm nơi này vào cuối tuần, phòng làm việc không có ai cả, nhưng qua lớp kính có thể thấy rõ trong nhà treo đầy bản đồ liên quan tới “Biển Đông”. Trong hành lang có một tấm biển nổi bật in dòng chữ tuyên ngôn “Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong lịch sử tiến hành chiếm lĩnh, tổ chức, quản lý và khai thác quần đảo (Hoàng Sa và Trường Sa). Do không có “lãnh thổ” thực tế để bố trí nên một tấm “bia huyện Hoàng Sa” cao khoảng hai mét bị đặt ở góc nhà, mặt phủ một lớp bụi mỏng.

Tại khu vực này, phóng viên bản báo gặp một người dân ở gần đấy, tên là Từ Sĩ Tôn. Ông già 65 tuổi ấy tự xưng họ tên này có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng ông vô cùng bất mãn với Trung Quốc. Ông nói, nếu cho điểm cao nhất là 10 điểm, thì ông chỉ có thể cho Trung Quốc 5 điểm, còn với Nhật và Mỹ thì lại có thể cho 9 và 10 điểm. “Mỹ tuy có đánh nhau với chúng tôi nhưng sau này lại giúp chúng tôi rất nhiều. Còn Trung Quốc thì sau chiến tranh mấy chục năm luôn bắt nạt Việt Nam. Trong đời mình, tôi cảm thấy Trung Quốc đối với Việt Nam chẳng ra sao cả.”

Đối với một người Đà Nẵng khác là anh Quân thì tình cảm đề phòng Trung Quốc trực tiếp liên quan đến đời sống hàng ngày của anh. “Tôi có mấy người thân phục vụ trong hải quân. Hiện nay tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với Việt Nam làm cho tôi và người nhà rất lo lắng. Chúng tôi sợ xảy ra chiến tranh.” Khi phóng viên “Thời báo Hoàn cầu” hỏi tiếp anh có cho rằng thật sự có khả năng xảy ra chiến tranh hay không thì anh nhìn ra phía xa và nói đi nói lại một câu: “Mong rằng sẽ không xảy ra”.

Ấm ức – người Trung Quốc coi thường chúng tôi

Tình cảm phức tạp của Việt Nam đối với Trung Quốc cũng phản ánh trong mối quan hệ giữa dân chúng địa phương với du khách Trung Quốc. Bảy tháng đầu năm nay tổng cộng đã có 2,2 triệu lượt du khách Trung Quốc tới Việt Nam, tăng 51% so cùng kỳ. Số du khách Trung Quốc đến thăm Việt Nam trong cả năm có thể lên tới 4 triệu. Thế nhưng phía sau con số đẹp ấy là những lời oán trách và bất mãn của không ít du khách Trung Quốc, rất nhiều người cảm thấy mình không được đối xử công bằng: chẳng những có các cảnh rối ren thị trường thường thấy như lừa đảo bịp bợm, mà các sự việc như du khách Trung Quốc bị nhân viên hải quan Việt Nam đòi hối lộ, bôi bẩn hộ chiếu, đối xử thô bạo thậm chí ẩu đả cũng liên tục xảy ra.

Phóng viên “Thời báo Hoàn cầu” khi xuất cảnh từ sân bay Cam Ranh Nha Trang đã nhìn thấy cảnh thế này: một nhân viên công tác Việt Nam lớn tiếng quát mắng du khách Trung Quốc đang xếp hàng chờ kiểm tra an ninh, bất cứ ai dừng lại hoặc có chi tiết sơ suất nào đó đều bị nhân viên này nghiêm giọng quở trách. Phóng viên “Thời báo Hoàn cầu” cũng chẳng gặp may. Khi theo thói quen ở nhiều nước, phóng viên giơ tay lấy chiếc rổ đựng giày, nhân viên kia cũng thô bạo đánh vào tay phóng viên và dùng một thứ tiếng nghe không rõ là tiếng Việt Nam hoặc tiếng Trung Quốc ngọng nghịu quát to bảo phóng viên trực tiếp đặt giày lên băng chuyền.

Đồng thời một số nhân viên ngành du lịch Đà Nẵng và Nha Trang cũng khéo nhắc nhở du khách Trung Quốc, họ cho rằng người Trung Quốc làm ồn, không tôn trọng luật pháp và tập tục địa phương sở tại. Ngô Thị Lượng, nhân viên hướng dẫn mua hàng của một hiệu bán đồ lưu niệm tại Nha Trang, nói với phóng viên “Thời báo Hoàn cầu” là cô từng thấy một số du khách Trung Quốc khi mua hàng lại không dùng tiền Việt Nam để chi trả mà khăng khăng đòi dùng Nhân dân tệ. “Tôi đã nhiều lần giải thích cho họ biết là ở đây không thể dùng đồng Nhân dân tệ để tiêu dùng nhưng một số khách chẳng những không tỏ ra hiểu biết mà ngược lại rất không vui lòng, có lúc còn nói với chúng tôi những lời khó nghe nữa cơ.”

Phóng viên bản báo cho rằng những cọ sát này càng giống như những mâu thuẫn của một giai đoạn phát triển nào đấy. Tương tự dòng xe máy xuyên ngang chạy dọc như nước chảy trên đường phố, thị trường Việt Nam đang ở vào một giai đoạn phát triển nhanh nhưng thường xuyên xảy ra vấn đề này nọ hoặc các trang thiết bị đi kèm chưa theo kịp, khó tránh khỏi hiện tượng “va chạm”. Song le trong sự bao trùm của tình cảm dân tộc mạnh mẽ đối với Trung Quốc thì bất cứ sự việc nào có liên quan tới du khách Trung Quốc đều rất dễ dàng được dư luận quan tâm, phóng đại hoặc xuyên tạc, tiếp đó gây ra thành kiến lệch lạc và sự bất mãn mới của người Việt Nam đối với Trung Quốc.

Hoàng Thị Bích Trâm còn đang học đại học, cô ấm ức nói với phóng viên “Thời báo Hoàn cầu” rằng cô muốn làm hướng dẫn viên du lịch [HDVDL] nhưng rất nhiều đoàn du lịch Trung Quốc lại chỉ muốn thuê HDVDL người Trung Quốc, người Việt Nam dù có biết tiếng Trung Quốc đi nữa nhưng giỏi lắm cũng chỉ có thể được làm ‘trợ lý HDVDL’ mà thôi”. “Cũng tức là nói chúng tôi không được phụ trách về hành trình thực tế của đoàn, chỉ khi nào có chuyện gì đó thì mới lấy tư cách HDVDL xuất đầu lộ diện giao thiệp với chính quyền và cảnh sát. Hơn nữa HDVDL người Trung Quốc có thu nhập cao rất nhiều so với các trợ lý như chúng tôi.”

Ông Đoàn, một người Đà Nẵng 50 tuổi, thì cho rằng người Trung Quốc hay “bắt nạt” người Việt Nam. “Tôi thường thấy báo đài đưa những tin tiêu cực về du khách Trung Quốc. Mấy hôm vừa rồi, đài nói gần đây có một bà già quẩy gánh táo bán ngoài phố, có du khách Trung Quốc ăn táo của bà mà không trả tiền, lại còn mắng bà ấy nữa.” Cho dù phóng viên bản báo nói sự việc này có lẽ có phần kỳ quặc nhưng ông Đoàn vẫn cứ giữ quan điểm như cũ: “Chuyện ấy làm tôi cảm thấy người Trung Quốc có chút coi thường người Việt Nam chúng tôi, không bình đẳng với chúng tôi.”

Hoan nghênh  – “Người Trung Quốc thích mua sắm”

Dù là “đề phòng” hay “ấm ức”, hai tình cảm ấy càng như một “dòng nước ngầm” ẩn giấu, nhiều lúc Đà Nẵng và Nha Trang xem ra lại là hai thành phố rất hữu hảo với người Trung Quốc. Phố lớn ngõ nhỏ ở đây chỗ nào cũng có thể nhìn thấy các biển tiếng Trung Quốc, từ “Phở Quảng Nam” đến “Nơi cho thuê xe máy”, rồi đến “Hàng đặc sản Việt Nam”, dù cho không biết nói một câu tiếng Việt đi nữa bạn cũng chẳng khó khăn tìm thấy nơi mình cần đến. Hơn nữa ở mỗi một cửa hiệu du khách có thể tới hầu như đều có một nhân viên hướng dẫn mua hàng biết nói tiếng Trung Quốc.

Cô Ngọc 21 tuổi làm việc ở một cửa hiệu áo dài trong một trung tâm thương mại lớn, khi bạn chỉ tay vào bất cứ bộ trang phục nào trong cửa hiệu, cô đều có thể nhanh chóng dùng tiếng Trung Quốc cho biết giá cả của chúng. Khi phóng viên “Thời báo Hoàn cầu” hỏi cô có ấn tượng thế nào về du khách Trung Quốc, cô cười rất cởi mở đáp: “Người Trung Quốc thích mua sắm.” Cô bảo, khách đến Nha Trang nhiều nhất là người Trung Quốc và người Nga, nhưng du khách Nga ít mua hàng. Khi phóng viên hỏi cô có thấy du khách Trung Quốc làm ồn không thì cô cười nói: “Cũng có lúc như vậy, nhưng tôi cảm thấy chuyện ấy chẳng sao cả, họ có thể mua hàng là được rồi.”

Trong các lần phóng viên phỏng vấn, rất nhiều người địa phương thừa nhận du khách Trung Quốc đến đây đã kích thích kinh tế vùng này. Theo “Mạng Việt Nam”, 9 tháng đầu năm nay thu nhập ngành du lịch của Đà Nẵng đạt 600 triệu USD, tăng 24,4% so cùng kỳ. Trong đó phần “cống hiến” của du khách Trung Quốc không nhỏ. Cho tới hiện nay số du khách Trung Quốc đến Đà Nẵng năm 2017 đã vượt quá 440 nghìn lượt người, tăng 23% so cùng kỳ, chỉ kém du khách Hàn Quốc mà thôi.

“Người Việt Nam giám sát các xí nghiệp nước ngoài rất chặt chẽ, rất nhiều công ty du lịch Trung Quốc làm ăn tại Việt Nam đều kinh doanh dưới hình thức công ty của địa phương, nhằm tránh sự chướng mắt quá mức. Thực ra đây là hành vi kinh doanh tiêu cực [nguyên văn màu tro] nhưng chính quyền cứ phớt lờ.” Một người Hoa từng làm ngành du lịch ở Đà Nẵng ngót 10 năm nói với phóng viên “Thời báo Hoàn cầu” là mỗi lần người Việt Nam sở tại có mâu thuẫn lợi ích với doanh nhân Trung Quốc kinh doanh du lịch thì nói chung chính quyền Việt Nam đều áp dụng cách giải quyết “Hòa cả làng” [nguyên văn Hòa hi ni], “Vừa bảo doanh nhân Trung Quốc lưu ý, cũng vừa gây sức ép với tình cảm [dân tộc] của người Việt Nam, bởi lẽ chính quyền rất hiểu rõ lợi ích mà việc làm ăn với Trung Quốc đem lại [cho Việt Nam]. Điều đó không tách rời được Trung Quốc”.

“Mười năm trước bãi biển Mỹ Khê chẳng có gì cả, chỉ có một ít lều quán xơ xác, bây giờ cả khu này đã xây dựng đầy những khách sạn to đẹp. Thu nhập của dân sở tại mấy năm nay tăng lên không ít.” Cô Trang là hướng dẫn viên tại Đà Nẵng của phóng viên “Thời báo Hoàn cầu”, cô hướng dẫn các đoàn du khách Trung Quốc, mỗi tháng thu nhập đại để vào khoảng 2-3 nghìn Nhân dân tệ [khoảng 7-10 triệu VNĐ], cao hơn nhiều so với mức thu nhập khoảng 1500 Nhân dân tệ [khoảng 5 triệu VNĐ] của người dân sở tại bình thường. “Mới đầu khi tôi vào đại học định học tiếng Trung Quốc, cha mẹ tôi đều không đồng ý, cảm thấy chắc chắn sẽ không tìm được việc làm, một số người xung quanh cho rằng học tiếng Trung Quốc là bán nước. Bây giờ khi thấy tôi làm việc và có thu nhập, họ đều nghĩ rằng ban đầu tôi đã lựa chọn đúng, rất ủng hộ tôi.”

Xu hướng  “Trung Quốc rất tiên tiến, tôi muốn đi thăm Trung Quốc xem thế nào”

Trong thời gian ở Đà Nẵng và Nha Trang, phóng viên “Thời báo Hoàn cầu” có bảo người dân địa phương dùng ba từ để hình dung Trung Quốc trong suy nghĩ của họ. Kết quả cuối cùng mấy từ có tần suất cao nhất là: phát triển, sầm uất và công nghệ.

“Tôi thấy người Trung Quốc rất có năng lực, trong một thời gian ngắn mà họ có thể xây dựng đất nước mình được tốt như vậy.” Đoàn Xuân Hoàng 34 tuổi nói với phóng viên “Thời báo Hoàn cầu”. Trong ấn tượng của anh, Trung Quốc là một quốc gia lớn, giàu có và tiên tiến, nhất là công nghiệp chế tạo phát đạt. Anh bạn trẻ này chỉ vào các phụ kiện điện thoại di động bán trong cửa hiệu của anh và nói: “Toàn bộ những thứ này đều nhập từ Trung Quốc. Tôi thật sự muốn đi Trung Quốc xem xem các bạn chế tạo những thứ ấy như thế nào.”

Phạm Thị Sáng đang học đại học ngoại ngữ ở Đà Nẵng nói với phóng viên bản báo rằng phần lớn những người có cách nhìn tiêu cực về Trung Quốc là những người già, “Bởi lẽ quan điểm của họ về Trung Quốc dừng lại ở quá khứ”, còn phần lớn lớp trẻ Việt Nam đã có nhận thức tương đối khách quan về sự phát triển chính trị, văn hóa và kinh tế của Trung Quốc, rất nhiều người còn đầy những suy tưởng hướng về Trung Quốc. Sáng và nhiều bạn xấp xỉ tuổi cô đều rất hâm mộ văn hóa Trung Quốc, thích xem phim Trung Quốc, xem phim truyền hình và nghe nhạc Trung Quốc. “Trong suy nghĩ của tôi, Trung Quốc là một đất nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có trình độ phát triển kinh tế rất cao, sau này Việt Nam có rất nhiều cái có thể học Trung Quốc”.

“Tứ đại phát minh mới” của Trung Quốc[1] cũng đang ảnh hưởng tới Việt Nam một cách không cảm nhận thấy. Tại một hiệu giày dép ở Nha Trang, trên quầy thu ngân có mã hai chiều thanh toán WeChat Bảo Hòa (một phương thức nhận diện chủ yếu cho ứng dụng di động; ở đây là nói mã QR của công ty Trung Quốc Bảo Hòa; WeChat chữ Hán là vi tín). Điều khiến người ta ngạc nhiên hơn là chủ hiệu lại không phải là người thuộc lớp trẻ bám sát trào lưu hiện đại, mà là một bà trên 50 tuổi. Bà chủ nói với phóng viên “Thời báo Hoàn cầu” là thanh toán WeChat Bảo Hòa rất tiện lợi, “Hiện nay rất nhiều cửa hiệu Việt Nam đều đã bắt đầu sử dụng rồi”. Khi phóng viên bản báo chia tay ra về, bà còn không quên nhét vào tay phóng viên một tấm danh thiếp có in mã vạch hai chiều của cửa hiệu mình: “Tôi làm một tài khoản công chúng cho cửa hiệu của tôi, nếu rảnh anh có thể vào xem xem?”

Ngay cả ông Đoàn luôn cảm thấy “Trung Quốc bắt nạt Việt Nam” cũng cho con gái đang học đại học bắt đầu học tiếng Trung Quốc. “Tôi nghĩ sau này nhất định sẽ càng ngày càng có nhiều dịp giao thiệp với Trung Quốc, lũ trẻ học tiếng Trung Quốc thì trong tương lai chắc chắn sẽ có tiền đồ tốt hơn”. Khi phóng viên nhắc ông rằng “Bác từng bảo bác ghét Trung Quốc cơ mà” thì ông Đoàn hơi ngượng ngùng nói: “Cái đó cũng là để có thể nói lý lẽ với người Trung Quốc thôi!”

Thế nhưng trong cửa hàng đồ điện gia dụng của bà vợ ông Đoàn thì hàng hóa Trung Quốc cũng ngày một nhiều. Khi có người nghi ngờ chất lượng những mặt hàng này thì người phụ nữ Việt Nam ấy sẽ bực mình trả lời theo một phản xạ có điều kiện: “Hàng hóa toàn thế giới đều là do Trung Quốc sản xuất cả đấy ạ !”

Bản gốc tiếng Trung:            难以置信!这个“兄弟国家”对中国的恨爱,都这么直白!

—————-

[1] Tứ đại phát minh mới của Trung Quốc trong bài này nói kết quả bình chọn hồi tháng 5/2017 của thanh niên 20 nước dọc “Một vành đai, một con đường”, đó là: 1) Đường sắt cao tốc;  2) Alipay [Chi phó bảo, do tập đoàn Alibaba TQ sáng tạo, là hình thức thanh toán trực tuyến không có phí giao dịch của bên thứ ba, tức một kênh trung gian để thanh toán, đem lại nhiều tiện lợi cho người dùng, hiện được 300 triệu dân TQ sử dụng];  3) Xe đạp dùng chung; 4) Mua hàng qua mạng. Tứ đại phát minh cũ của Trung Quốc là: 1) Thuốc nổ; 2) Kim chỉ nam; 3) Công nghệ làm giấy; 4) Công nghệ in chữ rời.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Người VN hoan ngênh người TQ vào thăm VN nhưng với phong cách của những người văn minh, lịch sự, hoà nhã…! Nhân dân VN phản đối ncq/csTQ đã dùng võ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của VN. Yêu cầu ncq/csTQ phải trao trả ngay lập tức và vô điều kiện những hòn đảo trên cho VN để duy trình tình hữu nghị sẵn có và tránh một cuộc chiến tranh vô ích có thể xảy ra trong việc tranh chấp này.

  2. Chúng tôi người VN không hoan nghên người Trung quốc vào VN ,làm ồn ào,mất vệ sinh,và không tuân theo luật pháp VN. Chỉ thế thôi…Hai Cu Li

Comments are closed.