Nguyễn Văn Nghiêm
4-12-2017
Nói cho cùng, cái ác hay sự thiện lành đều tiềm ẩn trong mỗi con người, nó cũng giống như bào tử nấm có sẵn trong tự nhiên, với thời tiết, nhiệt độ thích ứng với loại bào tử nào thì loại nấm đó sẽ mọc tỉ lệ. Khi thời tiết xấu, khí độc nhiều, đương nhiên là nấm đỏ, nấm độc sẽ mọc nhiều, ngược lại, không khí trong lành, ẩm độ vừa đủ, nấm hương, mộc nhĩ, nấm mối hay nấm rơm sẽ mọc. Cái ác và sự thiện lành trong xã hội cũng vậy, khi mà môi trường giáo dục, văn hóa, ứng xử xã hội thiếu lành mạnh, thậm chí vô luân thì nhất định người ta phải mang cái ác ra để đối đãi với nhau và đương nhiên cái ác sẽ có cơ hội trỗi dậy, mọc ra như nấm sau mưa.
Xã hội Việt Nam hiện tại, dù cố gắng che giấu kiểu gì thì cũng không thể che giấu được bản chất độc ác của người Việt Nam, sự độc ác này lan tỏa từ nhà cầm quyền đến người dân, từ những người không quyền thế cho đến những kẻ ăn trên ngồi trốc. Một sự độc ác được nhen nhóm và lưu cửu thông qua huyết hệ Cộng sản. Không thể nói khác đi được, vì!
Vì trong mỗi gia đình, mỗi xóm làng, mỗi cụm dân cư hiện nay, dấu vết của đấu tố của những năm 1950 vẫn chưa hề phai, thậm chí, khi cần, tự nó phát tác đầy đủ màu sắc của nó. Bởi tính khí của phần đông người Việt vẫn chưa bao giờ thoát khỏi tâm lý đám đông và tâm lý lệ thuộc. Nghĩa là người ta trở nên nhỏ bé và sợ hãi khi đứng đơn độc nhưng người ta dễ tạo thành cơn vĩ cuồng theo chiều hướng đám đông. Và sở dĩ tâm lý đám đông này vẫn chưa bao giờ dứt khỏi phần đông người Việt bởi lịch sử phát triển dân tộc học Việt Nam quá đặc biệt
Và đến năm 1975, toàn cõi Việt Nam chính thức bước vào thời đại mới với đầy đủ bóng đêm độc tài, toàn trị, tha hóa, dối trá và hèn nhát. Cái bóng đêm đó phủ cho đến tận hôm nay, dường như càng lúc, bóng đen càng nhuộm đen tâm hồn con người, không có lối thoát nào cho dân tộc, khi mà tâm hồn Việt Nam trở nên đen đúa, tàn độc, không những ác độc với đồng loại mà người ta ác độc với cả bản thân của họ.
Những cuộc ruồng bố, bắt người, giết người, cướp của một cách “chính danh” theo chiến dịch đấu tố, rồi đến chiến dịch Mậu Thân 1968 với hàng triệu cái chết đau đớn, chiến dịch 1975 gọi là giải phóng miền Nam, thêm hàng triệu cái chết thảm do vượt biên, chết trong trại cải tạo, chết do uất ức vỉ mất mọi thứ, chết do bị đàn áp…
Nói cho cùng, Việt Nam chưa bao giờ chấm dứt tội ác. Mà động cơ mạnh nhất để giết người, cướp của (kể cả cấp độ vĩ mô và vi mô) ở đây thường là vật dục.
Để cướp nhà, cướp vợ của quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, người ta sẵn sàng xuống tay, để đạt được mục đích chiến tranh, chiếm lấy miền Nam, người ta sẵn sàng xả súng không nương tay, để đạt được mục đích tận thu tài sản của người giàu, người ta sẵn sàng đấu tố một cách nhiệt tình nhất…
Cuối cùng, mãi hàng trăm năm nay, hết đi từ hèn nhát, sợ sệt hay a dua đám đông, người ta chuyển sang hung tợn, hèn nhát và bầy đàn. Và, cái ác không dừng ở chuyện đấu tố chính trị hay chuyện chiến tranh, cái ác đi vào học đường với đầy đủ máu me của nó trong từng trang văn, từng tiết dạy công dân giáo dục hay triết học Mác – Lê nin với tư duy vật dục làm kim chỉ Nam.
Không khó để thấy biết bao vụ học sinh đánh nhau, rồi quay clip tung lên mạng. Thậm chí có vụ giết bạn cùng lớp, chuyện chỉ có dưới mái trường XHCN. Để cho đến hôm nay, xã hội trở thành một tập hợp bầy đàn, những người có lương tri, còn lương tri cảm thấy lạc lỏng trong xã hội Việt Nam và những kẻ cơ hội lại tranh thủ tâm lý bầy đàn để thao túng, cát cứ.
Khi cái ác thực sự làm bá chủ, lòng nhân đạo, tình yêu thương hay đạo đức lại trở thành thứ xa xỉ, không thể dùng được trong xã hội. Con người bị cuốn cuồng trong cơn hỗn loạn và không tài nào rút chân ra khỏi nó được, bởi nó “chính danh”, bởi nó áp đặt và toàn trị, bởi nó thao túng mọi ngóc ngách từ xó xỉnh cuộc đời đến xó xỉnh tâm hồn, trí tuệ.
Khi cái ác thực sự bá chủ, cái ác trở thành sức mạnh và công cụ để nhà nước trấn áp nhân dân, trấn áp những ai bất đồng chính kiến với nhà nước, với đảng, thay vì lắng nghe, phân tích và nói lẽ phải để đổi mới, tiến bộ, người ta dùng ngay công cụ của mình là hiện thân cái ác, dùng ngay những kẻ đầu trâu mặt ngựa để đối phó nhân dân.
Trường hợp Phan Sơn Hùng thách thức lương tâm, thách thức lẽ phải và thách thức đạo đức để ra tay uy hiếp, đánh đập một người phụ nữ, rồi sau đó lại tiếp tục thách thức pháp luật, thách thức lương tri giang hồ, lương tri xã hội bằng những lives stream, nó cho thấy cái ác đã thực sự bá chủ và có chỗ ngồi trong hệ thống công quyền Việt Nam hiện nay. Có lẽ kẻ cai trị muốn gây cảnh xã hội hỗn loạn để dễ định hướng và dễ cai trị.
Cũng như trường hợp một kẻ cũng là phụ nữ, nỡ ra tay tàn độc (trường hợp này nên gọi là tàn độc!) với một phụ nữ khác chỉ vì chị này mang thịt lợn nhà ra chợ bán với giá rẻ hơn giá lợn chợ. Trong khi đó, người nuôi lợn tối kị việc giết mổ lợn mang ra chợ bán, người ta có thể giết mổ để cúng tế, ăn thịt ngày Tết nhưng mang đi bán là điều kiêng kị. Dám chấp nhận vượt qua điều kiêng kị để lấy lại chút vốn là một bước cam chịu của người nông dân bởi quá khó khăn, thị trường lợn đã xuống đến mức người nông dân hết chịu đựng được nữa. Lẽ ra phải thông cảm cho người nghèo, thậm chí giúp đỡ cho người nghèo, đằng này lại dùng thủ đoạn bỉ ổi, đổ dầu nhớt và chất dơ vào thịt của người ta. Hành vi này là hành vi của kẻ máu lạnh, của cái ác đã được kết tụ thành sỏi trong tư duy và hành động.
Ngày nay cái ác không chỉ là cầm dao giết người, mà nó biến hoá thiên hình vạn trạng. Một người chế biến thực phẩm cho chất bảo quản độc hại giết người tiêu dùng. Một bác sĩ thấy nạn nhân không cứu vì chưa có tiền lót tay. Một thầy giáo dâm ô học sinh. Một cấp trên đổi tình lấy biên chế. Vì lợi nhuận ngành nhập khẩu thuốc, móc ngoặc bác sĩ cho bệnh nhân ung thư uống thuốc giả. Đây không phải giết người hàng loạt ư?
Một công ty xả thải chất độc ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước rõ ràng là hành động giết người. Một hồ thuỷ điện xả lũ trong đêm giết hại chục mạng người, kẻ thủ ác nói tỉnh bơ, chỉ biết xả lũ còn không cần biết hậu quả ra sao.
Một cảnh sát giao thông đuổi bắt người tham gia giao thông gây chết người, đâu cần dùng dao. Vào đồn công an bị tra tấn đến chết, còn hành động nào ác hơn. Toà án xử dân bị tù oan hàng chục năm, coi như giết một người lương thiện, sống như chết. kẻ gây án oan rõ ràng là kẻ thủ ác. Thà giết nhầm hơn bỏ sót. chưa có chế độ nào coi rẻ mạng người như vậy.
Một người nông dân bị cướp đất bị bần cùng hoá đấy là tội ác. Một chủ tịch quận cướp gánh hàng rong, dù nhân danh pháp luật cũng không thể coi đó là hành động lương thiện, tử tế được.
Một người chỉ làm bài thơ, hoặc chỉ hát vài bài hát trữ tình mà bị tù đến 15 năm, thân tàn ma dại, đây có thể so sánh với hành động giết người không dao. kẻ thủ ác có đáng bị kết tội không.
Tàn phá môi trương, tàn phá rừng gây lũ lụt giết hàng trăm người. Tội ác của kẻ cầm dao cướp xe máy không thể so với bọn này được.
Trẻ em bị tiêm nhầm vacxin, ai gây ra tội ác này. Hay nói cách khác, khi cái ác bá chủ thiên hạ, không bị lên án, không bị trừng trị.
Dường như sự lương thiện là một điều gì đó rất không tưởng và lạc lỏng, người ta sẵn sàng mang cái ác ra để đối đãi với đồng loại, với thiên nhiên và xem điều đó như ăn cơm hay uống nước. Ra nông nỗi này là do đâu?
Nhìn thấy dân tộc đang đi đến chỗ diệt vong mà vẫn kiên trì định hướng tiếp tục đâm đầu chỗ chết có phải tội ác không?
Nhìn thấy cái ác mà im lặng có phải là tội ác không?
Giết người vì cốc bia, xả chất độc xuống biển, xả lũ đúng qui trinh, cho bệnh nhân uống thuốc giả… suy cho cùng chỉ là cái ác vật thể. Còn cầm tù tư tưởng tiến bộ. Bóp nghẹt tự do báo chí, cấm đoán tự do ngôn luận. Tước đoạt tư do, tước đoạt quyền con người, giáo dục nhồi sọ, cổ suý cho hành động bạo lực. đề cao sự dối trá. Đấy là những cái ác phi vật thể, nó chính là nguồn gốc của cái ác vật thể.
* Lặng yên lâu là nuôi gian hùng…