Ngọc Thu
3-12-2017
Một bài báo đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân, số 6345, ngày 15 tháng 2 năm 1979, có tựa đề: “Bị vong lục của Bộ Ngoại giao ta về việc nhà cầm quyền Trung Quốc tăng cường những hoạt động vũ trang ở biên giới Việt Nam và ráo riết chuẩn bị chiến tranh chống Việt Nam“.
Trong văn bản này, Bộ Ngoại giao CSVN đã lên án Trung Quốc là kẻ cướp, xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam, như đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Hơn 38 năm sau, những vùng lãnh thổ, lãnh hải đó vẫn đang bị Trung Quốc chiếm đóng, thế nhưng, Trung Quốc đã được lãnh đạo đảng CSVN xem là “bạn vàng”, “bạn tốt”.
Xin được đánh máy và chụp lại toàn bộ nội dung văn bản ngoại giao này từ Thư viện Quốc gia, giới thiệu với độc giả, để người dân có thêm thông tin về những gì đã diễn ra trên đất nước ta gần bốn thập niên qua:
***
“Đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được hoạch định trong các Công ước ký kết giữa Chính phủ Pháp và triều đình nhà Thanh (Trung Quốc) trong những năm 1887, 1895 và đã được chính thức cắm mốc.
Xuất phát từ tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, trong những năm 1957-1958, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã thỏa thuận với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại, coi việt giải quyết mọi vấn đề về biên giới và lãnh thổ là thuộc thẩm quyền của Chính phủ hai nước, và chủ trương giải quyết mọi tranh chấp có thể xảy ra bằng thương lượng.
Theo tinh thần của sự thỏa thuận đó, đại diện chính quyền các cấp ở vùng biên giới hai bên Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc hội đàm về các vấn đề liên quan đến biên giới trong phạm vi quyền hạn của địa phương. Đại diện Chính phủ hai nước cũng đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc và đàm phán về vấn đề biên giới giữa hai nước.
Từ trước đến nay, phía Việt Nam luôn luôn giữ đúng sự thỏa thuận giữa Trung ương hai Đảng, cố gắng hết sức mình góp phần làm cho đường biên giới Việt- Trung trở thành một đường biên giới hữu nghị.
Song, do những ý đồ đen tối, từ lâu nhà cầm quyền Trung Quốc đã vi phạm sự thỏa thuận năm 1957-1958 giữa Trung ương hai Đảng, từng bước gây ra những sự kiện biên giới ngày càng phức tạp và nghiêm trọng.
Từ năm 1957 đến năm 1977, bằng nhiều thủ đoạn xấu xa, họ đã lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở hơn 50 điểm trên toàn tuyến biên giới gồm 6 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên và Lai Châu. Đó là chưa kể những vùng đất mà từ trước 1957 họ đã quản lý vượt quá đường biên giới lịch sử.
Những hoạt động của họ vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, quấy rối, khiêu khích ở vùng biên giới trên bộ, cho đến năm 1973, đã diễn ra ở một số nơi, và từ năm 1974 trở đi, đã tăng lên nhiều và mỗi năm lại tăng nhanh:
Năm 1974: 179 vụ
Năm 1975: 294 vụ
Năm 1976: 812 vụ
Năm 1977: 873 vụ
Trong tổng số 2.158 vụ nói trên, có 568 vụ xâm canh, 1.355 vụ tuần tra vũ trang, 61 vụ đánh và bắt cóc người Việt Nam trên đất Việt Nam.
Cần lưu ý là từ năm 1955, phía Trung quốc đã lợi dụng việc giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt từ Hữu nghị quan đến Yên Viên, đã đặt điểm nối ray đường sắt giữa hai nước sâu vào đất Việt Nam hơn 300 m và coi đó là đường quốc giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cũng trong thời gian từ năm 1975 đến năm 1977, tàu thuyền Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển Việt Nam trên 1.500 lần chiếc, có vụ vào sâu chỉ cách các đảo của Việt Nam từ 2-5 km. Sự kiện nghiêm trọng là ngày 20 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã dùng quân đội đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Họ còn đưa ra những đòi vô lý về những hòn đảo khác của Việt Nam ở biển Đông.
Từ năm 1978 đến nay, đẩy mạnh chính sách thù địch đối với Việt Nam, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tăng cường những hoạt động quấy rối, những hành động vũ trang ở biên giới Việt Nam và ráo riết chuẩn bị chiến tranh chống Việt Nam.
a) Họ kích động người hoa gây rối ở vùng biên giới Việt Nam
Đầu năm 1978, phía Trung Quốc thi hành một kế hoạch có tổ chức, rất thâm độc, đã dụ dỗ và cưỡng ép đi Trung Quốc hàng chục vạn người Hoa, hòng gây cho Việt Nam những rối loạn về chính trị, xã hội và kinh tế. Lợi dụng những đặc trưng về địa lý và dân cư vùng biên giới, bằng nhiều thủ đoạn chiến tranh tâm lý, họ bắt đầu tác động trực tiếp đến số người Hoa ở vùng biên giới phía bắc Việt Nam, rồi lan dần ra các tỉnh và thành phố khác của Việt Nam có người Hoa làm ăn sinh sống. Trong tổng số 17 vạn người Hoa đã chạy đi Trung Quốc, thì riêng tỉnh Quảng Ninh giáp giới với khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc đã có gần 10 vạn người.
Độc ác hơn nữa, sau khi dụ dỗ, cưỡng ép được người Hoa từ các tỉnh kéo lên vùng biên giới, nhà cầm quyền Trung Quốc đã cho đóng các cửa khẩu, để mặc cho người Hoa bị nghẽn lại phải sống cảnh màn trời chiếu đất, rồi họ cho bọn tay sai từ bên kia biên giới lẻn sang trà trộn với bọn côn đồ trong người Hoa, quấy phá, hành hung cán bộ, nhân dân Việt Nam ở địa phương, làm rối loạn an ninh chính trị và trật tự xã hội Việt Nam ở vùng biên giới. Nghiêm trọng là sự kiện ở cửa khẩu Hữu nghị ngày 25 tháng 8 năm 1978: trong khi cán bộ Việt Nam đang giải thích, vận động người Hoa bị nghẽn lại ở đây trở về nơi ở cũ làm ăn, thì phía Trung Quốc đã dùng loa chỉ huy bọn côn đồ trong người Hoa và cho hàng trăm lính và công an mặc quần áo dân thường tràn sang lãnh thổ Việt Nam, dùng thanh sắt, gậy gộc, dao quắm… đánh chém cán bộ, nhân viên và công an biên phòng Việt Nam, làm hai người chết tại chỗ và 25 người khác bị thương, trong đó có 7 người bị thương nặng.
b)Nhà cầm quyền Trung Quốc ngày càng tăng cường những hoạt động vũ trang xâm phạm lãnh thổ Việt Nam
– Số vụ xâm phạm vũ trang của phía Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam ngày càng tăng. Năm 1978: 583 vụ. Sang năm 1979, mới trong tháng 1 và tuần lễ đầu của tháng 2, đã có tới 230 vụ.
– Quy mô các vụ xâm phạm ngày càng mở rộng trên toàn tuyến biên giới của Việt Nam từ Quảng Ninh đến Lai Châu. Tính chất của nó ngày càng nghiêm trọng: từ những hoạt động quấy nhiễu việc làm ăn bình thường của nhân dân vùng biên giới, bao vây khiêu khích lực lượng công an vũ trang và dân quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên lãnh thổ của mình, đến những hoạt động phục kích bắn giết, bắt cóc người của Việt Nam đưa về Trung Quốc, tập kích vào các trạm gác của dân quân và các đồn biên phòng của Việt Nam.
– Các lực lượng vũ trang Trung Quốc ngày càng vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam, có nơi cách đường biên giới đến 5.000 mét, như vụ tập kích vào trạm gác của dân quân Việt Nam ở Bản Lầu, tỉnh Hoàng Liên Sơn ngày 14 tháng 1 năm 1979.
– Lực lượng xâm nhập trong từng vụ ngày càng đông hơn. Có nơi, họ đã dùng cả nghìn người, gồm có lính chính quy, công an và dân binh, như vụ đánh chiếm đồi Chông Mu, tỉnh Cao Bằng ngày 1 tháng 11 năm 1978; hoặc có nơi họ dùng hàng tiểu đoàn lính chính quy tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 2.000 mét, đánh chiếm các trạm gác của dân quân Việt Nam ở khu vực phía sau mốc 25 xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn ngày 10 tháng 2 năm 1979.
– Họ sử dụng ngày càng nhiều loại vũ khí, từ súng bộ binh đến đại liên và súng cối. Trong vụ tập kích vào trạm gác Xá Hồ của công an nhân dân vũ trang Việt Nam ở xã Ma L Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu ngày 6 tháng 2 năm 1979, lính Trung Quốc đã sử dụng súng cối 82 và súng 12 ly 7 trong vụ tập kích vào trạm biên phòng Hồ Pả và các vùng lân cận thuộc khu vực Bản Máy, tỉnh Hà Tuyên ngày 8 tháng 2 năm 1979, họ đã sử dụng súng DKZ 75 và 85.
– Lực lượng vũ trang Trung Quốc cũng đã nhiều lần dùng súng lớn từ bên kia biên giới bắn bừa bãi vào xe cộ, dân cư đi lại trên các đường giao thông ở vùng biên giới bên phía Việt Nam, vào các trạm gác, làng bản, thị xã, công trường, lâm trường… của Việt Nam. Như vụ bắn đại liên vào thôn Phai Lầu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh ngày 14 tháng 1 năm 1979; vụ bắn súng lớn vào thị xã Lao Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn cũng ngày đó; vụ bắn súng 12 ly 7 vào đồn biên phòng Tà Lùng, nhà máy đường Phục Hòa và xóm Hưng Long, xã Quy Thuận, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng ngày 2 tháng 2 năm 1979. Thậm chí, có lúc việc bắn phá này kéo dài nhiều ngày liên tục ở một địa điểm như vụ dùng cối 82 và các loại súng bộ binh khác bắn vào trạm biên phòng Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng và các thôn xóm xung quanh từ 10-1 đến cuối tháng 1 năm 1979.
– Họ gây cho nhân dân Việt Nam thiệt hại về người và của ngày càng nhiều. Riêng tháng 1 và những ngày đầu tháng 2 năm 1979, lực lượng vũ trang Trung Quốc đã giết hại hơn 40 dân thường, dân quân và chiến sĩ công an vũ trang Việt Nam, làm bị thương hàng trăm người khác và bắt đưa về Trung Quốc hơn 20 người. Nhiều nhà cửa của nhân dân bị thiệt hại. Ở nhiều nơi trên vùng biên giới, việc làm ăn bình thường của nhân dân Việt Nam bị cản trở nghiêm trọng.
– Cùng với những hoạt động vũ trang trên vùng biên giới đất liền với quy mô ngày càng lớn, nhịp độ ngày càng tăng, nhà cầm quyền Trung Quốc còn cho máy bay chiến đấu xâm phạm vùng trời, cho tàu thuyền xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Trong năm 1978, họ đã cho trên 100 lượt chiếc máy bay xâm phạm vùng trời và 481 lượt tàu thuyền hoạt động khiêu khích trên vùng biển Việt Nam.
c) Nhà cầm quyền Trung Quốc tập trung quân đội với quy mô lớn ở vùng sát biên giới Trung Quốc – Việt Nam, ráo riết chuẩn bị chiến tranh chống Việt Nam
Sau khi đơn phương đình chỉ cuộc đàm phán về vấn đề người Hoa (tháng 9 năm 1978), nhà cầm quyền Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị chiến tranh ở vùng biên giới hai nước. Họ đã điều một lực lượng lớn quân đội, gồm hàng chục sư đoàn bộ binh và nhiều sư đoàn gồm không quân, bộ đội cao xạ, pháo binh, bộ đội đánh ở rừng núi; đưa nhiều vũ khí, dụng cụ chiến tranh, kể cả máy bay chiến đấu, xe tăng, đại bác tới vùng biên giới Trung – Việt.
Theo tin AFP từ Bắc Kinh ngày 21 tháng 1 năm 1979 thì “đã có các cuộc chuyển quân quan trọng tại các khu vực biên giới mà theo các nguồn tin quân sự phương Tây ở Bắc Kinh, có khoảng 15 đến 17 sư đoàn quân Trung Quốc, tức 150.000 người”.
Tạp chí Kinh tế Viễn Đông ngày 9 tháng 2 năm 1979 cho biết “dọc biên giới Trung – Việt, Trung Quốc đã triển khai khoảng 160.000 quân, 700 máy bay chiến đấu, trong đó có cả máy bay ném bom F9 do Trung Quốc chế tạo”.
Đồng thơi Trung Quốc đã điều tới biên giới Trung – Việt nhiều viên chỉ huy quân sự cao cấp, mà tờ Ngôi sao Oa-sinh-ton nhận xét: “Tướng Dương Đắc Chi được cử làm tư lệnh các lực lượng Trung Quốc dọc biên giới với Việt Nam vốn là một viên tướng có kinh nghiệm nhất của Trung Quốc và được Bắc Kinh tín nhiệm về chính trị”.
Áp sát biên giới Việt Nam, có nơi lấn vào lãnh thổ Việt Nam, lực lượng vũ trang Trung Quốc đào hầm hào, xây công sự; đồng thời họ tăng cường diễn tập quân sự với quy mô lớn, bắt dân Trung Quốc ở vùng biên giới sơ tán vào sâu trong nội địa, họ gây không khí bất cứ lúc nào cũng có thể bùng nổ chiến sự ở vùng biên giới hai nước.
Cùng với những hành động chuẩn bị chiến tranh, nhà cầm quyền Trung Quốc đã huy động bộ máy tuyên truyền đồ sộ của mình từ trung ương đến địa phương, hàng ngày tiến hành xuyên tạc, vu cáo thô bạo đối với Việt Nam.
Trong những ngày gần đây, một số người lãnh đạo Trung Quốc đã trắng trợn đe dọa chiến tranh chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với những lời lẽ hết sức ngang ngược.
Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình trong chuyến đi thăm Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa qua đã ngang nhiên xác nhận những tin tức về việc Trung Quốc tập trung quân với quy mô lớn ở sát biên giới Việt Nam và không ngớt tung ra những lời ngạo mạn nước lớn và rất hiếu chiến.
Ngày 31 tháng 1 năm 1979, trả lời các phóng viên Mỹ, ông ta nói: “Cần phải cho Việt Nam một bài học cần thiết”.
Ngày 7 tháng 2 năm 1979, tại Tô-ky-ô, ông ta tuyên bố “cần phải trừng phạt Việt Nam”.
Việc tập trung quân đội và vũ khí, dụng cụ chiến tranh với quy mô lớn đi đôi với những hành động vũ trang xâm nhập lãnh thổ Việt Nma và những lời đe dọa chiến ranh của nhà cầm quyền Trung Quốc đang làm cho tình hình trên toàn tuyến biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam hết sức nguy hiểm.
Theo tin hãng ANSA từ Niu Y-oác, ngày 23 tháng 1 năm 1979, “các chuyên gia Viễn Đông của chính quyền Mỹ cho rằng, có khả năng các lực lượng lớn của Trung Quốc có kế hoạch mở một cuộc xâm lăng vào Việt Nam”.
Tạp chí Tuần tin tức Mỹ số ra ngày 28 tháng 1 năm 1979 dẫn một nguồn tn từ bộ ngoại giao Mỹ nói rằng: “Việc tăng cường bố trí quân sự của Trung Quốc ở biên giới với Việt Nam có thể làm người ta dự đoán một cuộc can thiệp quan trọng hơn là một cuộc biểu dương lực lượng đơn thuần”.
Mọi người đều thất rõ tính chất cực kỳ nghiêm trọng của những hành động vũ trang và những lời đe dọa ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với Việt Nam. Những người lãnh đạo Bắc Kinh công khai đe dọa chiến tranh chống một nước độc lập, có chủ quyền, tự cho mình có quyền dùng vũ lực chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Họ đã phơi bày dã tâm thù địch Việt Nam và tham vọng của chủ nghĩa bành trướng dân tộc lớn của họ ở Đông Nam châu Á.
Nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cực lực tố cáo và nghiêm khắc lên án những hành động đe dọa chiến tranh của nhà cầm quyền Trung Quốc. Những hành động phiêu lưu đó chứa đựng những hậu quả nguy hiểm không thể lường hết được đối với hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á và trên thế giới. Những hành động đó trái với Hiến chương Liên hợp quốc, vi phạm các nguyên tắc sơ đẳng của luật pháp quốc tế, và là sự thách thức nghiêm trọng đối với nhân dân và các nước yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới.
Nhân dân Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tin chắc rằng nhân dân và Chính phủ các nước bầu bạn và dư luận rộng rãi trên thế giới, tăng cường đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam, sẽ kịp thời ngăn chặn âm mưu và hành động chiến tranh của nhà cầm quyền Bắc Kinh, không để họ đụng đến Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam luôn luôn coi trọng tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc và kiên trì chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa hai nước bằng thương lượng, nhưng quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và thành quả lao động hòa bình của mình.
Nhà cầm quyền Trung Quốc thi hành chính sách thù địch với Việt Nam, gây ra tình hình căng thẳng trên biên giới hai nước, họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hành động phiêu lưu nguy hiểm do họ gây ra.
Hà Nội, ngày 14 háng 2 năm 1979
Ngọc Thu sưu tầm, đánh máy và chụp ảnh từ Thư viện Quốc gia Việt Nam